Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

HÌNH TƯỢNG BA CON KHỈ TRONG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC DÂN GIAN
14:55 | 17/11/2022

Trong hệ thống 12 con giáp theo tâm thức và phong tục của người Việt  gồm: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi tương ứng với các con: Chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, lợn. Xem trong loạt tranh Tết làng Đông Hồ xưa, hình tượng các con chuột, trâu, hổ, voi, ngựa, rồng, gà, lợn cá, chim, cóc… đều được các nghệ nhân đưa vào để xây dựng bố cục. Song không thấy bức tranh nào vẽ hình tượng con khỉ (thân)?  Phải chăng theo dân gian hình tượng con khỉ là kém may mắn, nên không được các nghệ nhân phản ánh trong những bức tranh Tết làng Đông Hồ? 

Nhưng nếu trong tranh dân gian Đông Hồ vắng bóng hình tượng con khỉ thì trong nghệ thuật điêu khắc dân gian hình tượng con khỉ lại được mô tả mỗi con một tư thế: Một con bịt mắt, một con bịt mồm, một con bịt tai, chất liệu thường được làm bằng đá, gỗ hoặc làm bằng sứ… Có người bảo đây là dụng ý của giai cấp thống trị phong kiến thời xưa, ba hình tượng này khuyên con người ta rằng có mắt phải như mù (bịt mắt), có tai phải như điếc (bịt tai), có mồm phải như câm (bịt mồm). Vì sao có mắt lại không nhìn? Người có con mắt tinh tường là biểu hiện của sự hiểu biết, mà biết nhiều cũng tai họa (Khôn chết, dại chết, biết sống) mà! Về con khỉ bịt mồm người ta giải thích rằng người xưa có câu trung ngôn nghịch nhĩ, cho nên nếu nhìn thấy những thị phi, phải quấy hãy nên lặng im, không bàn luận, bởi vì nếu có ý kiến, mà ý kiến của những người trung ngôn thường là những lời nói thẳng thắn, phân tích rõ ràng phân biệt trắng đen minh bạch. Đối với những hạng bảo thủ, tham lam chả bao giờ muốn nghe những lời nói thẳng thắn, người nào nói ra có khi còn bị mang vạ vào thân… Còn con khỉ bịt tai là không nghe, nghĩa là khuyên người ta cứ mặc kệ không nghe những lời bàn cãi của thiên hạ, bảo là trâu ừ là trâu, bảo là ngựa ừ là ngựa… Không tranh biện hơn thua… Đó chính là thái độ mũ ni che tai để hưởng sự an lạc cho riêng bản thân mình.  Những lý lẽ giải thích như trên có vẻ thiên về tư tưởng né tránh, không can dự vào những việc thế sự để lánh mình?

Rất có thể những lý lẽ giải thích trên không phải là không có phần nào đúng, nhưng nếu hiểu hoàn toàn như vậy có lẽ hơi phiến diện… Hình tượng con khỉ bịt mắt còn có ý khuyên răn con người ta chớ có nhìn đời bằng con mắt thành kiến của mình. Có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, tuy nhiên nhìn và thấy là hai vấn đề không phải là bao giờ cũng là một. Có người nhìn thì thấy, song cũng có người nhìn đó mà chẳng thấy gì cả. Suy cho cùng để có cái nhìn đúng mức về một vấn đề nào đó cần có nhiều yếu tố tích hợp, nhất là đối với cái nhìn thẩm mỹ, cái nhìn khoa học thì không phải cứ ai có mắt là có thể nhìn và có thể thấy…

Cái nhìn cảm tính là nếu yêu ai nhìn người xấu hóa nên người đẹp. Vì thế có câu: Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Và "Yêu nhau cau sáu bổ ba /Ghét  nhau cau sáu bổ ra làm mười; Yêu nhau mọi việc chẳng nề/ Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; Yêu nhau xé lụa may quần/ Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra…". Và còn có những con mắt thành kiến. Khi người ta đã thành kiến với một vấn đề, một sự vật hiện tượng nào đó, thường người ta không nhận thức đúng mức về sự vật, hiện tượng hay vấn đề đó, không những thế người ta còn thổi phồng hoặc gia giảm cho nó méo mó thêm. Vậy con khỉ che mắt có ý khuyên người ta chớ nên vội vã nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất sự việc, mà nên suy xét mọi việc bằng con mắt nhân văn, bằng sự suy ngẫm thấu đáo. Thời Chiến Quốc bên Tầu có người tên là Biện Hòa, ông này có một hòn đá trông bên ngoài rất bình thường, nhưng theo con mắt của ông thì bên trong cái vẻ sù xì của hòn đá đó là một hòn ngọc quí, ông nghĩ mình là hạng thường dân chơi hòn ngọc quí này cũng phí, bèn dâng lên vua Lệ Vương. Vua cho người kiểm định, người kiểm định cho rằng đây chỉ là một hòn đá thường, Lệ Vương bảo với Biện Hòa là nhà ngươi dám đùa giỡn với ta! Liền sai người chặt một chân của Biện Hòa rồi tha cho về. Biện Hòa về nhà khóc hết nước mắt. Khi vua Lệ Vương qua đời Vũ Vương là con trai lên kế vị, Biện Hòa lại cầm viên ngọc quí đến dâng lên cho Vũ Vương, Vũ Vương lại sai người kiểm định và vẫn kết luận như lần trước, nhà vua bảo ông này trước đã đùa giỡn cha ta, bây giờ còn dám tiếp tục đùa giỡn với ta, bèn sai chặt nốt chân còn lại rồi cho lui. Biện Hòa về nhà khóc lóc sướt mướt suốt ngày này qua tháng khác, vì thấy người đời không ai có mắt tinh tường để giải nỗi oan này. Khóc nhiều quá mắt Biện Hòa chảy ra cả máu tươi. Khi đó Vua Vũ Vương đã qua đời, Văn Vương con trai Vũ Vương lên ngôi, Biện Hòa lại nhờ người dâng viên ngọc lên cho vị vua trẻ này. Vua Văn Vương cho người cứu xét thật kỹ lưỡng, cuối cùng kết luận đây là viên ngoc cực kỳ quý hiếm. Từ đó đặt tên cho hòn ngọc là ngọc Biện Hòa, đồng thời bổ nhiệm Hòa làm chức trưởng ban giám định đá quý cho triều đình. Câu chuyện này phần nào làm sáng tỏ thêm cho hình ảnh con khỉ bịt mắt, để thấy rằng không phải là cứ có mắt nhìn là có thể nhìn thấy! Hình tượng con khỉ bịt mắt thực chất muốn truyền một thông điệp đến mọi người là không biết thì đừng phán xét theo con mắt định kiến của mình.

Từ xưa người Viêt Nam và Trung Quốc luôn đề cao thuyết chính danh “danh chính ngôn thuận”. Hình tượng con khỉ bịt miệng có ý khuyên người ta trước khi phát ngôn một vấn đề gì đó cần phải cân nhắc, suy xét cẩn trọng, thật kỹ lưỡng. Người xưa có câu: Học nói chỉ mất có 3 năm, nhưng học im lặng 60 năm chưa chắc đã học được. Các cụ ta xưa cũng có câu: "Câm hay ngóng, ngọng hay nói" ám chỉ những người đã biết ít, hoặc không biết thì lại rất hay thích bàn luận này nọ. Ngô ngọng là căn bệnh nan giải của loài người, nhà bác học Albert Einstein có nói cái ta biết chỉ bằng một giọt nước, còn cái ta không biết bằng cả một đại dương. Nữ sỹ Hồ Xuân Hương xưa kia đã từng viết: "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/ Nó bảo nhau rằng ấy ái uông". Những người chính trực ai cũng ưa chuộng lời nói phải đi đôi với việc làm. Không ưa thích những người nói một đằng làm một nẻo. Bệnh thành tích là gì? nếu không phải là cách nói vống lên so với những việc đã làm được? Khi con người ta tức giận thường không kìm chế được sự giận dữ mà nói năng có phần bạt mạng cho hả giận, sự ấy ít nhiều đem lại kết quả không hay. Khi không vừa lòng ai, do định kiến riêng, người ta thường nói hơn, nói kém. Ca dao của người Việt có câu "Yêu ai thì nói quá ưa/ Ghét ai nói thiếu nói thừa như không". Người xưa cũng từng nhắc nhở họa từ mồm mà ra, bệnh từ mồm mà vào, (Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập). Mỗi một lời phát ngôn sai lạc có thể đem họa cho chính bản thân người nói, cũng có thể đem tai họa cho những người khác. Một thày thuốc chữa bệnh tồi có thể giết hại một vài người, nhưng một thầy giáo tồi, kiến thức lỗ mỗ mà đi giảng giải có thể làm hỏng không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. 

Con khỉ bịt tai có ý khuyên người ta hãy cảnh giác với những lời đường mật, vì mật ngọt chết ruồi. Người hiểu biết khi nghe bất cứ điều gì cũng phải biết sàng lọc, phân tích kỹ càng. Lại phải nghe hai tai, nghĩa là nghe ý kiến nhiều chiều. Không phải lời khuyên bảo nào cũng xuất phát từ thực tâm, có nhiều khi người ta tâu hơn tâu kém để có lợi cho người ta, mình nghe theo, làm theo biết đâu nếu đem lại lợi ích cho kẻ này, thì lại đem oán hại cho người khác? Vậy hãy hết sức cảnh giác với những lời ngọt ngào đầu lưỡi, mặn mà bên tai... Thông thường ai chả thích nghe những lời nói ngọt ngào. "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Con người ta thường thích nghe lời khen, lời nịnh nọt… chứ mấy ai thích nghe những lời phê bình thắn thắn?  Do vậy những lời nói cho vừa lòng nhau chẳng qua đó là những lời nói không thật lòng. 

Người xưa nói “Trung ngôn nghịch nhĩ” đó là những lời nói chân thật thường hay khó nghe, vì nó chạm vào sự thật. Lịch sử nước ta vào thời Trần có Chu Văn An (1292-1370) là một bậc hiền Nho, một đại quan, một người thầy mẫu mực trong lịch sử nước Việt Nam ta, được suy tôn là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời) từng dâng sớ lên vua đề nghị chém đầu bảy tên nịnh thần (thất trảm sớ), nhưng Vua không nghe. Ông đã gửi trả mũ áo quan cho vua rồi về ở ẩn ở Côn Sơn, Kiếp Bạc. Ông được các học giả thời phong kiến xưa ví như sao đẩu, sao khuê… Cao Bá Quát đã từng viết về ông: “Thất trảm yêu ma phải rợn lòng/ Trời đất soi chung vầng hào khí/ Nước non còn mãi nếp cao phong”. Danh sỹ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ XX) cũng có thơ về ông: “Thất trảm vô vi tồn quốc luận/ Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, (Sớ thất trảm không được thi hành cả nước bàn luận/ Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng).

 Sách Luận ngữ của Khổng Tử  thời Trung Hoa cổ đại có câu: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Không nhìn điều sai, không nghe điều bậy bạ, không nói điều trái, không làm điều quấy). Có nghĩa là bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái tĩnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những thiện, không làm điều xấu. Ở Nhật Bản cũng có nơi thờ hình tượng ba con khỉ. Một con bịt mắt (mizaru - không thấy), một con bịt tai (kikazaru - không nghe) và một con bịt mồm (iwazaru - không nói). Đối với đạo Phật những điều này đồng nghĩa với việc không thuận theo những ý nghĩ, hành động xấu xa. Nếu hình tượng ba con khỉ trong dân gian trong ba tư thế: Bịt mắt, bịt tai, bịt mồm trùng với giáo lý của đạo Phật, theo cách đánh giá thời nay có thể đó là để những người thấy điều xấu rồi mà vẫn bảo nhau làm ngơ, im lặng giả vờ như không hay biết để thực hiện những hành vi mờ ám./.

                                                                                                                                                                                                                  ĐỖ HỮU BẢNG