Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

HAI ANH EM TIẾN SỸ, THƯỢNG THƯ ĐÀM THẬN HUY VÀ ĐÀM THẬN GIẢN
15:29 | 27/10/2021

1. Đàm Thận Huy người thôn Ngô Tiền - (nay thuộc thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, Từ Sơn ) là anh của Đàm Thận Giản, tổ sáu đời của Đàm Công Hiệu). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, được nhà Vua ban tặng các mỹ tự là: Kiệt tiết Dực vận, Tán trị công thần, được đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư, Tri chiêu văn quán, Tú lâm cụ kiêm Hàn lâm Viện thị độc, Trưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị kinh diên, Thiếu bảo và được phong tước Lâm Xuyên bá. Tướng công họ Đàm có tên thụy Trung Hiến tiên sinh, tên Tư là Mặc Hiên. Sau này lại được tiếp tục gia phong các mĩ từ : Kim đức, Túy hạnh, Cẩn tiết, Chính dung, Phù nguy, Chửng hoán, Khang quốc, Bảo dân, Chí đức, Đại độ, Khoan nhân, Chính trực, Cương nghị, Hoằng Hưu, Vĩ tích, Tinh nghệ, Thuận lí, Trung tiết, Văn nhã, Cao chí, Liệt tiết, Tinh trung, Phù cách, Thân hựu, Công chính, Hòa bình, Dũng quyết, Anh liệt, Cương quả, Đốc hựu, Dực thuận, Hưng bình, Phù chính, Khuông tịch, Bảo dân, Tế trị.

Ông sinh năm Quý Mùi (1463), nghiên cứu sâu những chỗ thâm thúy, vi diệu của thánh hiền, làm sáng tỏ cái văn vẻ của đạo đức. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), tên đứng thứ 39, năm đó ông 28 tuổi. Truyền kể: Lúc bấy giờ người đỗ cùng khoa với ông là Nghiêm Ích Khiêm, người xã Lan Độ, huyện Đông Ngàn có cô em gái hiền lành, nết na, chưa chồng, đến ngày vinh quy, ông Ích Khiêm hỏi đùa rằng: “Cậu chưa có vợ, tôi có cô em gái, anh lấy, tôi gả cho đấy”. Ông trả lời: “Có”.Thế là ông làm lễ xin cưới. Là người nổi tiếng về thơ văn, thơ của ông được khen ngợi sánh ngang với hai ông Thần, Đỗ cho nên người đời thường suy tôn họ Đàm ở Ông Mặc. Một hôm, sau khi giảng học xong, thì trời đổ mưa rất to, thầy trò không thể nào về được. Thấy vậy thầy Đàm liền ra vế đối rằng:

- Vũ vô quan tỏa năng lưu khách.

(Mưa không phải là then khoá mà có thể lưu giữ khách) 

Ông Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn ứng đối: 

- Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

(Sắc không phải là sóng to mà làm đắm lòng người)

Ông Nguyễn Chiêu Huấn người xã Yên Khang, huyện Yên Phong ứng đối:

- Nguyệt tựa loan cung bất xạ nhân. 

(Trăng trông giống cánh cung mà chẳng bao giờ bắn ai)

Thầy Đàm khen câu đối của ông Nguyễn Chiêu Huấn. Truyền kể: Vợ thầy Đàm là người họ Nghiêm thì muốn gả con gái cho ông Nguyễn Giản Thanh, nhưng ông không đồng ý, mà lại bằng lòng gả con gái cho ông Chiêu Huấn. Sau này Giản Thanh đỗ Trạng Nguyên, tổ chức vui ca đàn hát hơn tháng trời, bà họ Nghiêm hối hận vì đã không gả con gái cho Giản Thanh. Ông nói rằng: “Đấy đỗ Trạng nguyên thì đây cũng phải đỗ Bảng nhãn chứ kém gì!”. Chẳng bao lâu Chiêu Huấn đỗ thi Hội, ông đang tắm ở dưới ao nghe được tin báo, không kịp mặc quần áo mà vội chạy về nhà nói với vợ rằng: “Nó cũng đỗ ông nghè rồi đấy!”. Đến kì thi Đình quả đúng như lời ông đã chiêm nghiệm, Chiêu Huấn đã đỗ Đệ nhất giáp đệ nhị danh (Bảng nhãn). 

Khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời Vua Tương Dực, có ông Nguyễn Đức Lương, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai đỗ Trạng nguyên, ông Chiêu Huấn đỗ Bảng nhãn, ông Hoàng Tá Minh người xã Hoàng Xá, huyện Cẩm Giàng đỗ Thám hoa. Bố của Chiêu Huấn là người Bắc quốc lấy vợ ở xã Yên Khang, sinh được hai người con trai thì vợ mất. Vì táng mộ vợ ở núi Yên Khang nên để Chiêu Huấn ở lại quê mẹ (tiện việc trông coi mộ mẹ), còn ông thì đem theo con trai trưởng trở về Bắc quốc. Sau này anh đỗ Bắc Trạng nguyên, em đỗ Nam Bảng nhãn. Ngày Chiêu Huấn Phụng mệnh đi sứ, được anh của ông dẫn quân đưa đón ở cửa ải, đó là cái vinh dự nhất thời bấy giờ. Ông làm việc trải qua sáu đời Vua: Vua Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục đế, Dực đế, Chiêu Tông. Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) ông giữ chức Hình bộ Thượng thư phụng mệnh đi sứ Trung Quốc (đoàn sứ bộ gồm có Bồi thần Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Kiệt và thông sự Nguyễn Phong). Lúc ấy ông có sáng tác tập thơ Mặc Trai thi tập lưu truyền ở đời. Khi về nghỉ hưu ông được phong thêm các chức tước như Lễ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, Lâm Xuyên bá. 

Vào năm Quang Thiệu, tình hình chính sự rối ren, ông nhiều lần dâng lời khuyên can, gặp lúc Chiêu Tông bị đày ra ngoài (Vua bị Mạc Đăng Dung bức đẩy ra ngoài cung, và giáng phong xuống là Đà Dương Vương): ông cùng Nghiêm Bá Kí đích thân nhận mật chiếu và bài văn phủ dụ của Vua, quay về Bắc Giang khởi binh. Sau này thế lực không địch nổi, ít lâu sau bị quan quân nhà Mạc vây bắt. Trước đây vâng mệnh đi sứ ông đã qua vùng này, nên lại chạy sang Bắc quốc để báo rõ việc Vua Chiêu Tông bị bức ra ngoài. Sự việc không thành, ông quay về đất Yên Thế, ban đêm hướng về Lam Sơn khóc bái, rồi uống thuốc độc mà tuẫn tiết. Khi đó là ngày mùng 3 tháng 8 năm Bính Ngọ (1526), thọ 64 tuổi. Nhà Mạc còn truy tặng chức Lại bộ Thượng thư và tước hầu cho ông, đồng ý cho rước hài cốt của ông về chôn cất ở xã nhà, sai quan đến tế và ban sắc .

Kinh thư coi trọng Ngũ giáo để gây dựng luân lí cho dân. Nhà Vua đặt chức quan Tam vô để trị bình thiên hạ, chỉ nhớ kẻ sĩ trung trinh, nay ban sắc chế lệnh cho Đàm Công chức Lại bộ Thượng thư, tước Lâm Xuyên bá. Vốn dòng nho gia Giang Bắc, kẻ sĩ danh vọng trời Nam, văn chương trau truốt, lẫy lừng đều là gốc từ sáu kinh; khí tiết lẫm liệt thu sương, nêu gương mãi mãi cho muôn đời. Đạo càng lâu dài càng được tôn kính, mềm mỏng nhưng ngoan cường, thực là có ích cho danh giáo. Làm rõ lòng trung, khen người đức độ, há lại không có lời văn chương đẹp đẽ để biểu dương sao? Vậy ban cho Tín khuê, Ân trạch để làm tỏ cái lệ ban ơn, mà tỏa rạng hương thơm của điều nghĩa. Hỡi ôi ! Đứng đầu các bậc nho, là nét đẹp còn lại của nguồn Liêm nguồn Lạc chưa mất, tiếng vang muôn đời, sự nghiệp Y Chu thêm rạng rỡ, lẫm liệt kiên trinh, như hãy còn phụ giúp. Sắc phong này rước về đến chợ Cổ Châu, chưa về đến từ đường thì bỗng nhiên không có lửa mà tự cháy. Đó là cái thành tâm trung nghĩa, của ông vậy, mất đi rồi mà không thay đổi là như thế đó, thực là một bậc đại trượng plıu. Người đời có thơ rằng:

Học vấn gia đình tướng tướng khoa

(Nếp học của gia đình có nhiều người thi đỗ làm tướng văn tướng võ)

Ở đời Đẩu tọa đế ân đa

(Làm việc trong phủ Ngự sử được hưởng nhiều ơn Vua)

Kiệt thành báo quốc ngô nho sự

(Hết lòng giúp nước là sự nghiệp của các bậc nhà nho ta)

Thiên ý nan hồi khả nại hà 

(Nhưng ý trời khó thay đổi, biết làm sao được?).

Sau đến triều Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (1666) đời Vua Lê Huyền Tông (con của Thần Tông) thì ông mới được truy plıong là Tiết Nghĩa thượng đẳng phúc thần và ban tặng cho tên thụy, và có lời tán rằng: Trời cao đất dày, mặt trời soi, mặt trăng sáng, phong tiết lẫm liệt. Tuy từ đời xa xưa mà vẫn còn mãi đến ngày nay. 

2.  Đàm Thận Giản (người thôn Ngô Tiền, là em của Đàm Thận Huy). 

Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, được phong Đặc tiến Kim Vinh Lộc đại phu, làm quan đến chức Hộ bộ Tả thị lang, sau được truy tặng Công bộ Thượng thư. Tướng công họ Đàm có tên thụy là Minh Huệ tiên sinh. 

 Ông sinh năm Bính Tuất (1466), cùng học với anh, giỏi về thơ phú. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Kỉ Mùi, tên đứng thứ 20, năm đó ông 34 tuổi, đỗ cùng bảng với ông Đông Hiên tiên sinh. Năm Hồng Thuận thứ nhất (1509) đời Vua Tương Dục ông thừa mệnh Vua thảo Trần tình biểu để gửi sang Trung Quốc, ông nhiều lần được thăng chức đến Tả thị lang. 

Truyền kể: Vua muốn thăng chức cho ông lên Thượng thư bộ Công, nhưng anh ruột của ông (tức Đàm Thận Huy) đã có lời từ chối rằng: “Thần đã được ơn là Thượng thư, nay em lại được thăng lên Thượng thư nữa, như vậy thì thần e là hẹp đường cho những bậc hiền tài khác”, Vua bèn thôi. Đến lúc chết mới được truy tặng Thượng thư, ông không có con trai nối nghiệp.

Tư liệu bài viết này chủ yếu theo sách Cổ Mặc danh công truyện ký, do Nguyễn Tử Trinh hiệu Độn Phu biên soạn năm Chính Hòa 2 (1681); sao chép năm Vĩnh Hựu thứ nhất (1735).  Các sách và tư liệu khác từ xưa đến nay viết về các nhà khoa bảng trên rất nhiều, ở đây xin không nêu ra nữa./.

                                                                                                                                                                                         NGUYỄN DUY NHẤT

 

 

 

Chú thích:

- Thân Đỗ: tức Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, là hai nhà thơ nổi tiếng thời Lê Thánh Tông, cả hai được phong làm Phó Nguyên soái Hội Tao Đàn. Trong số thi sĩ của Hội Tao Đàn thì chỉ có Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận là được phê bình thơ của nhà Vua.  

- Ông Mặc: là tên cũ của làng xã Hương Mạc, vùng đất này còn có tên nôm nữa là làng Me, tục truyền rằng: Thời hậu Lê nhà Vua thấy học trò xã Ông Mặc (Mực thơm) đỗ nhiều quá, Vua sợ thiên hạ cho rằng nhà Vua có bụng thiên tư, nên đã phê chuẩn cho xã Ông Mặc chia làm hai (Me cả và Me con) để học trò ghi quê quán Ông Mặc ít đi. 

- Bắc quốc: chỉ Trung Quốc ngày nay. 

- Bồi thần: thân tín của Vua, luôn kề cận để giúp Vua. 

- Thông sự: người thông ngôn (phiên dịch)

- Ngũ giáo: cha nghĩa, mẹ từ, anh thân thiện, em cung kính, con có hiếu.