Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Đình làng Phù Lưu - Công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian tiêu biểu
14:38 | 22/03/2023

Làng Phù Lưu nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia làng có tên Nôm là “Chờ Lá”, vào cuối thời Nguyễn đổi thành xã Phù Lưu, tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, Phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 

Phù Lưu vốn là một trong bảy làng Chờ (Chờ Cả - Phú Mẫn, Chờ Ngô Nội, Chờ Nghiêm Xá, Chờ Trung Bạn, Chờ Ngân Cầu, Chờ Tiên Trà) trên vùng đất cổ Yên Phong. Làng nằm trên một khu đất cao, xung quanh là đồng trũng và ao hồ. Từ thuở xa xưa nơi đây đã có con người đến sinh cơ lập nghiệp, qua thời gian tạo thành làng xóm đông đúc như hiện nay. Theo quy luật tất yếu của lịch sử, một khi con người đã đầy đủ về đời sống vật chất thì đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém. Chính vì lẽ đó các công trình kiến trúc công cộng như Đình, Chùa, Đền, Miếu… lần lượt ra đời làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cư dân nơi đây. 

Cũng như bao làng quê khác trên vùng Đồng bằng châu thổ Bắc bộ hình ảnh cây đa, bến nước, ngôi đình luôn là nguồn cội để những người xa quê hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Đình làng không chỉ là nơi thờ bản cảnh Thành hoàng người có công lập làng và đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước mà còn là trung tâm văn hóa chính trị của làng, nơi diễn các hoạt động hội hè, đình đám sau những vụ mùa bội thu.

Theo các tài liệu còn lại tại địa phương cho biết đình Phù Lưu xây dựng vào thời Lê Trung Hưng khoảng nửa đầu thế kỷ XVII. Trước đây đình có quy mô lớn gồm nhiều công trình kiến trúc như nghi môn, tả vu, hữu vu, tiền tế, đại đình… trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946 - 1954 đình bị phá huỷ hầu hết các hạng mục kiến trúc, đến nay chỉ còn toà đại đình 5 gian 2 trái và 1 gian hậu cung xây thêm sau này.

Đình nằm trên một bãi đất cao ngay đầu làng, mặt bằng kiến trúc tổng thể hình chữ Đinh (J), nhìn về hướng Đông Nam là một công trình kiến trúc cổ mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống. Bộ mái đình kết cấu kiểu 4 mái, 6 đao cong lợp ngói vảy cá, hệ thống bờ guột, bờ dải trang trí hình “hoa chanh hộp rỗng”, đỉnh nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Phần nền móng vỉa bằng đá tảng. Bộ khung chịu lực gồm 6 bộ vì kèo kết cấu theo kiểu thức con chồng giá chiêng, tiền bẩy hậu bẩy. Trên các cấu kiện gỗ ở đình Phù Lưu tập trung chủ yếu ở các bức cốn, đầu dư, đầu bẩy, con rường đều được chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý”, hoa lá cách điệu, mây xoắn, mây lưỡi mác… Nổi bật nhất là đề tài “tứ linh, tứ quý” trang trí trên các bức cốn ở hai bộ vì gian giữa đình được tạo tác bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng và chạm bong kênh mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVII. Mặt cốn phía bên trong lòng giếng là đề tài “tứ linh” với nét chủ thể là hình tượng con rồng to lớn đang uốn mình trong những cụm mây lưỡi mác. Phần đầu rồng nổi bật nhô cao, bờm, râu dựng đứng, miệng há rộng trong tư thế “cuốn thủy” cùng dòng nước và một con cá chép đang cuốn theo. Phía trên cốn phần ván nong gần sát mái chạm hình một con chim phượng trong tư thế đang bay, mỏ phượng giống mỏ vẹt, mào, râu, tóc hình mũi mác, cánh xòe rộng được cách điệu thành những vân mây mềm mại uyển chuyển. Phía bên dưới cốn chạm hình lân, long mã, rùa đang nô đùa trên sóng nước, vân mây tạo thành một hoạt cảnh vô cùng sống động. Mặt ngoài cốn chạm đề tài “tứ quý” với nét chủ thể là hoa mai, xung quanh gồm tùng, cúc, trúc quấn quýt với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Các mảng chạm này thể hiện sự tài hoa khéo léo của người nghệ nhân xưa.

Tồn tại song song với ngôi đình cổ còn một hệ thống hiện vật có giá trị như: tấm bia đá tứ diện “Hậu thần bi kí” dựng ở phía bên tay trái đình khắc năm Chính Hoà 15 (1694), 5 đạo sắc phong của triều Tây Sơn và triều Nguyễn ban tặng vào các năm: Quang Trung 5 (1792) - 2 đạo, Duy Tân 3 (1909) - 1 đạo, Khải Định 9 (1924) - 2 đạo. Một bản thần tích chữ Hán “Trương tôn thần sự tích” ghi chép về sự tích gia đình thánh Tam Giang. Hệ thống hoành phi, câu đối trong đình khá phong phú đa dạng, nội dung ca ngợi công đức các vị thần được thờ ở đình. Tại gian giữa treo bức đại tự khắc nổi dòng chữ Hán “Trung nghĩa dân” do vua Lê Hiển Tông ban thưởng vào năm Cảnh Hưng 5 (1744). Ba chữ vàng này thể hiện tinh thần trung nghĩa và quyết tâm của người dân Phù Lưu trong việc bảo vệ sự bình yên cho xóm làng trước sự tàn phá do nạn giặc cướp hoành hành vào cuối thời Lê mạt. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ tự có giá trị cao như ngai thờ, bài vị, hương án, long đình, bát bửu, nồi hương gốm, sứ… mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đặc biệt tại đình có 4 bức tranh hạc, trong đó 2 bức có voi chầu, 2 bức có 5 ông quan võ đứng chầu 2 bên. Các bức tranh này vẽ rất khéo trên gỗ, tục truyền có từ lâu đời.

Đình Phù Lưu nằm trong hệ thống 372 làng thờ thánh Tam Giang (thượng Đu Đuổm hạ Lục Đầu Giang). Đình làng thờ 2 vị thần: đức thánh cả Tam Giang Khước Địch Đại Vương (Trương Hống), đức thánh nhị Tam Giang Uy Địch Đại Vương (Trương Hát) có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở thế kỷ thứ VI. 

Với những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật đình Phù Lưu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia, quyết định số 271/QĐ-BVHTTDL ngày 2/2/2012. Việc xếp hạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đình làng trên vùng đất cổ Yên Phong nói riêng và quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến nói chung./.

 

                                                                                                                                                                                                            VĂN AN