Hầu hết các làng xã xưa đều có Hương ước. Hương ước là bản pháp lý mang tính chất lệ làng đầu tiên quy định các nguyên tắc ứng xử mang tính bắt buộc đối với các thành viên, nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Nhà nước phong kiến xưa chỉ quản lý tới làng, còn làng trực tiếp quản lý tới từng người dân do đó tổ chức của làng mang tính tự quản rõ nét. Lệ làng - Phép nước là như vậy.
Tôi có may mắn được Cụ giáo Chỉ là Cụ Thượng của làng tặng cho quyển Hương ước của xã Phấn Động, có nguồn từ Viện Hán Nôm tặng cho, nhân dịp về khảo sát để công nhận đền, chùa làng Phấn Động là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 1988.
Quyển Hương ước được đóng thành sách với 41 trang, trang bìa ghi: Village de Phấn Động, Canton de Phong Xá, huyện de Yên Phong, Provinel de Bắc Ninh ( có nghĩa là: xã Phấn Động, tổng Phong xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Trang cuối có 4 chữ ký của Tiên chỉ, Thứ chỉ, Lý trưởng, Phó lý và áp 2 dấu triện của Tiên chỉ và Lý trưởng của làng. Hương ước được đệ trình lên Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh năm 1938.
Qua nội dung bản Hương ước ta có thể hình dung rõ nét đời sống xã hội làng quê xưa ở nông thôn Bắc Ninh nói riêng và ở đồng bằng Bắc bộ nói chung. Có rất nhiều điều tiến bộ mà ngày nay có thể xem đó là truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta xưa đã gây dựng, tạo nên những mỹ tục thuần phong, là những tinh hoa mà con cháu có thể tiếp tục phát triển lên hiện đại mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.
Lời nói đầu hương ước ghi:
"Khoán lệ của làng cũng như luật lệ của nước cần phải tùy thời thay đổi để thích hợp mấy sự tiến hóa và cách sinh hoạt của dân. Nay muốn cho dân làng thịnh vượng thời phải châm trước tình thế mà sửa đổi những khoán lệ trong dân. Phàm những mỹ tục của Tiền nhân để lại thì ta phải bảo thủ, còn những tục lệ thường nên bỏ đi. Mục đích làm cho gia tộc được thịnh giầu, dân làng có trật tự…".
Từ mục đích trên xuyên suốt trong quá trình biên soạn các khoản mục đều rõ ràng và phù hợp vớp pháp luật và lợi ích của nhân dân.
Nội dung chi tiết bản Hương ước có 2 phần: Phần thứ nhất về chính trị có 32 khoản. Phần thứ 2 về tục lệ riêng có 9 khoản.
Về chính trị; Tổ chức bộ máy quản trị ở nông thôn xưa vẫn dựa vào những nghị định của nhà nước. Qua những điều ghi trong Hương ước ta thấy có các tổ chức như sau:
- Hội đồng Tộc biểu hay Giáp biểu, đứng đầu Hội đồng là Chánh hội.
- Hội đồng Kỳ mục, đứng đầu Hội đồng là Tiên chỉ.
- Ban Lý dịch (hay còn gọi là Ban Hương lý) đứng đầu là Lý trưởng.
Mỗi hội đồng và ban đều có những quy định tuyển cứ và có chức năng nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, qua đó các tổ chúc chính trị có cơ chế giám sát lẫn nhau. Không tổ chức nào, không cá nhân nào có độc quyền. Trong mọi công việc của làng xã đều có quy trình để rồi mới ra quyết định thực hiện. Xin lược qua mấy nét về các Hội đồng và Ban như sau:
- Hội đồng Tộc biểu hay Giáp biểu: là tổ chức có quyền lực cao nhất của làng: Mỗi giáp (Giáp là 1 cụm dân cư. Phấn Động xưa có 3 giáp được đặt tên là giáp Nam, giáp Tây, giáp Bắc) cử ra một số người tham gia vào Hội đồng Tộc biểu. Hội đồng Tộc biểu bầu ra người đứng đầu làm Chánh Hương hội, một người làm Phó hương hội, một người làm Thư ký và một người làm Thủ quỹ. Nhiệm vụ của hương hội được ghi trong điều thứ 8 như sau: "Phải coi việc cai trị trong xã (1 làng xưa là 1 xã), lập sổ thu chi, thu bổ sưu thuế, quản trị tài sản công dân, thi hành các sức lệnh của quan trên). Tổ chức Hương hội có quy chế làm việc được ghi ở điều thứ 7: "Nhời bàn của Hương hội nếu được quá nửa số Hội đồng ý hợp, thì mới có giá trị. Nếu hai bên không hợp ý mà số người bằng nhau thì bên nào có Chánh Hương hội thì được’’.
- Hội đồng Kỳ mục là tổ chức có chức năng giám sát quyền lực: Trong xã (làng) có từ 4 người trở lên được dự vào Hội đồng Kỳ mục. Họ là những người hoặc đã là quan lại, cai đội đã về hưu, hoặc đã là chánh, phó lý hoàn thành nhiệm vụ được cử ra và lập thành danh sách theo phẩm hàm từ cao xuống thấp trình lên trên phê duyệt. Về nhiệm vụ của Hội đồng Kỳ mục được ghi trong điều thứ 10: "Là kiểm duyệt sự hành vi của Ban Hương hội theo như điều 16 đạo nghị định ngày 2 tháng 2 ferier 1927’’.
- Ban Hương lý gồm: Lý trưởng, Phó lý và những người giúp việc như Xã đoàn hay Trương tuần, Trưởng bạ giữ sổ sách địa bạ, Hộ lại giữ sổ hộ tịch của làng. Họ là những người thực thi các nhiệm vụ quản trị trong xã như thu kiểm sưu thuế, đốc thúc việc đê điều, đường xá, cắt tuyển phu phen, lính tráng, quản lý sổ sách đinh, điền. Trong xã có việc gì xảy ra thì giải quyết hoặc báo quan. Điều thứ 13 trong Hương ước ghi như sau: ‘’ Lý trưởng là người môi giới làm việc quan, Phó lý là người giúp việc Lý trưởng. Còn Xã đoàn hay Trương tuần thuộc quyền Hương lý mà đốc xuất tuần tráng, canh phòng hương ấp, đồng điền cùng là coi nom công sản của dân’’.
Về quy tắc ứng xử, lương bổng, tiền công hay sự đãi ngộ của làng đối với những chức sắc, chức việc cũng được ghi chép minh bạch. Trong đó có những quy định rất chặt chẽ về chống sách nhiễu, chống bê tha bày đặt ăn uống khi họp hành cũng được ghi chép trong hương ước. Ở Điều 17 ghi như sau: "Thủ quỹ nhận tiền của ai, nộp vào công quỹ, hay tiền để tiêu việc làng thì phải có giấy phát lệnh của Chánh hội mới được thu phát. Khi nhận tiền phải biên vào sổ và phát biên lai cho người nộp tiền. Khi phát tiền thì phải giữ giấy phát lệnh của Chánh hội làm bằng’’.
Về lương bổng ở điều thứ 18 ghi rõ: "Tùy theo tình hình tài chính trong dân, Hương hội có thể trù định số tiền lương cho các hương chức đồng niên (hàng năm)’’. Tuy ghi là như vậy nhưng từ Lý trưởng, phó lý đến Thư ký đều ghi không cấp. Thậm chí Hương lý đi việc quan trong 5 km, ngoài 5 km, nếu phải thêm ra ngày nào cũng không cấp.
Duy có chỗ ở điều 45 ghi: "Lý trưởng đem lính đi tuyển được tiền lộ phí theo giá ngạch đã định’’. Ngoài ra ở khoản thứ 21 điều 79 có ghi: thu Sương túc từ mỗi gian nhà gianh, nhà ngói, từ mỗi mẫu lúa, hoa mầu ngoài đồng, thuế trâu bò, để cấp lương cho Tuần. Nhưng cũng quy định trách nhiệm với Trương tuần, "Xã đoàn là; Thời phải chọn người từ 25 tuổi giở lên, cường tráng, tính hạnh thuần cẩn, có gia sản’’. Nếu trong làng có nhà mất trộm hay cướp, mà Trương Tuần không bắt được thì phải đền cho sự chủ. Trừ trường hợp khi xảy ra, Trương tuần đã hết sức kháng cự mà không thể được thì không phải đền. Tuần trông coi ngoài đồng, tất cả các thứ hoa mầu ngoài đồng mất đâu phải đền đấy.
Về việc ngăn chặn lợi dụng quyền lực trong làng xã để bày đặt ăn uống, rượu chè, hay sách nhiễu nhân dân, Hương ước cũng có quy định, điều thứ 5 ghi: "Khi Hương hội có họp bàn việc gì thì thư ký phải biên chép, các viên Hương hội có mặt phải ký vào biên bản. Khi bàn xong rồi giải tán ngay, không được ngồi lâu mà bày ra cuộc tửu phiếm’’. Tương tự như vậy ở điều 23 về việc thu thuế cũng ghi: Khi hội họp về việc bổ thuế chỉ được dùng dầu (Trầu) nước mà thôi. Cấm không được bày đặt ra cỗ bàn gì cả’’ và còn ghi thêm: "Người nào say rượu thì cấm không được dự hội đồng’’.
Ngoài ra hai ban Hội đồng cũng có quyền bãi miễn chức vụ Lý trưởng nếu như bất lực hoặc sách nhiễu để nhân dân ca thán, và cử người khác thu thuế. Gặp trường hợp ấy Hương hội phải làm giấy trình quan sở tại.
Có một điều rất quan trọng và linh thiêng là các chức sắc, chức việc trong làng xã xưa rất sợ nếu trong quá trình đương chức bị vi phạm, bị bãi miễn sẽ không còn danh dự, không được vị thứ ở làng, điều thứ 14 có ghi: "Lý phó trưởng, Hộ lại, Trưởng bạ, Xã đoàn hay Trương tuần làm việc được 3 năm thanh thỏa được từ dịch thời làng đãi vị thứ. (Dự ban cựu dịch lo việc hương trung)’’. Và ghi thêm: "Nếu phải cách bãi thời không được’’.
Như vậy về chính trị, quy chế làm việc của bộ máy dân quan ở làng xã xưa có những quy định rất tiến bộ. Có thể nói là họ vì dân, vì danh dự mà làm việc nên khi hoàn thành nhiệm vụ được niên cao tuổi lão vẫn được nhân dân nể trọng, ra đường vẫn được cộng đồng gọi là cụ Lý, cụ Chánh hay cụ Phó, cụ Trưởng bạ... Về hoạt động kinh tế: Phấn Động xưa là một làng cổ dân cư cũng không đông. Đó là vùng chiêm trũng sản xuất nông nghiệp chỉ một vụ. Cả làng có hơn 250 mẫu ruộng, không có đồng cao làm màu. Một số người dân có nghề đánh bắt cá trên sông Cầu nhưng nhỏ lẻ, nên đời sống nhân dân nhìn chung nghèo. Ruộng đất thuộc quyền tư hữu của người dân. Pháp luật xưa bảo hộ quyền mua bán, cầm cố, chuyển nhượng ruông đất, nên sự phân hóa giầu nghèo là rõ nét. Có một số người khá giả, một số Điền chủ như Hàn Thảo có tới hàng trăm mẫu ruộng (Cả ở Vạn An và Phấn Động). Trong Hương ước cũng không nói nhiều về hoạt động kinh tế, nhưng qua một số điều nói về thu bổ thuế thổ canh, thổ cư, sưu và tiền thu sương túc có thể hình dung về các hoạt động kinh tế của làng quê xưa.
Việc thu bổ thuế được thực hiện theo quy trình và cũng rất công khai minh bạch. Đầu tiên Lý trưởng nhận được Bài chỉ thuế từ quan trên, trình với Chánh hội. Sau đó ba ban: Hội đồng Tộc biểu, Hội đồng Kỳ mục và Ban Lý dịch họp bàn phân bổ tới từng hộ gia đình. Xong lại đệ trình lên quan trên duyệt y rồi về làm yết thị và cho Mõ (là Người bị sai phái. Khi đi loan báo thường dùng 1 cái mõ vừa giao vừa gõ) đi giao để bá cáo cho dân làng.
Về thuế người dân phải nộp với nhà nước gồm thuế ruộng canh tác, thuế đất ở và sưu (là thuế thân đánh vào đàn ông con trai từ 18 tuổi trở lên). Ngoài ra người dân cũng phải đóng góp một số công quỹ cho làng để chi tạp phí cho lý trưởng và Tuần đi giục thuế. Việc đóng góp này cũng được ba Ban Hội đồng tính toán kỹ lưỡng và công khai minh bạch. Ở điều 23 Hương ước ghi như sau; "Hương Hội phải tính rõ ở trong bài bổ về các khoản tạp phí như: Tiền cấp cho Lý trưởng tọa thuế thu, đổi bạc, đi nộp; Tiền phụ cấp cho Tuần tráng đi giục thuế… phải kê rõ chính tang thuế nộp vào công khố bao nhiêu? Nộp vào công quỹ của làng xã bao nhiêu? Tạp phí bao nhiêu? Tính chia về mỗi suất đinh, mỗi mẫu điền thổ phải đóng là bao nhiêu? Ngoài những sự tạp phí đã kê ở biên bản thời không được bổ thêm tạp phí gì nữa’’.
Trong trường hợp người nộp thuế quá cố trước khi bổ thuế thì suất thuế, sưu ấy san bổ cho mọi người phải chịu. Nếu bổ thuế rồi mà có người quá cố thì suất sưu ấy trích công quỹ làng ra nộp đậy. Cả hai trường hợp đó sau này làng sẽ trích khẩu phần ruộng của người đó cho đấu cố lấy tiền xung công quỹ.
Trong làng có một số đất công điền, công thổ, hồ ao. Vì không có nhiều, không tiện quân cấp nên làng cho đấu thầu. Thủ tục đấu thầu cũng công khai rõ ràng. Đầu tiên công dân xin với Hương Hội dự thầu và nộp tiền ký quỹ trước (cọc). Hương Hội sẽ yết thị trước 15 ngày, nếu ai bỏ cao hơn thì được. Nếu hai người ngang nhau, Hương Hội cho gắp phiếu có, ai trúng thì được. Người không trúng thầu số tiền ký quỹ sẽ trả lại ngay.
Về hoạt động văn hóa xã hội: Do tính chất tự quản của làng xã xưa nên mọi công việc của làng từ việc xây dựng đường làng ngõ xóm, giao thông, cầu cống, đình, đền, chùa, các việc như vệ sinh, y tế, giáo dục đến các việc như ma chay, cưới xin, khao vọng, lễ hội, văn hóa ứng xử đều được quy định chặt chẽ trong các điều khoản của Hương ước. Nhìn chung những điều quy định đó đều rất tiến bộ phù hợp với pháp luật và với truyền thống đạo lý Việt Nam.
Chẳng hạn như về giáo dục (xưa gọi là Việc Học) có những quy định giúp khích lệ con em đến trường như hỗ trợ giấy bút, tặng thưởng khi có thành tích…
Chúng ta biết rằng xưa kia chế độ phong kiến do ảnh hưởng của Nho giáo nên chỉ có đàn ông con trai mới được đi học, còn con gái được giáo dục là an phận ‘’tam tòng, tứ đức’’. Nhưng trong Hương ước làng Phấn Động khuyến khích cả con gái đến trường. Điều 40 ghi như sau:‘’Phàm những trẻ con giai trong làng từ 7 tuổi giở lên thời đều phải đi học cả. Còn con gái từ 7 tuổi giở lên cũng nên cho đến trường học’’
Bên cạnh đó làng cũng có những khoản tài chính để khuyến khích học sinh học tốt hoặc giúp đỡ học sinh con nhà nghèo nhưng ham học.Ở điều 41 ghi; "Đệ niên khi lên sổ dự toán chi thu của làng, Hương hội nên tùy theo tình hình tài chính mà dự định một số tiền để trợ cấp tiền bút chỉ cho những đứa học trò nhà nghèo. Một phần dùng để mua sách vở phần thưởng cho những học trò học hành tiến tới…’’.
Điều đặc biệt làng đã có sáng kiến xây dựng nguồn sách dùng chung mà cho đến ngày nay chúng tôi cho là vẫn có giá trị. Cũng điều 41 ghi: "Hương hội sẽ trích tiền công mua các sách cần dùng cho những học trò mượn. Khi học xong thời giả lại làm của công nhà trường. Người nào làm hư hỏng, hay đánh mất thời bố mẹ phải mua đền’’. Cách đây hàng trăm năm, cách mà người xưa xây dựng tủ sách dùng chung thật sự là một việc thiết thực giảm bớt đáng kể chi phí học tập cho con em nông dân.
Ngoài ra làng cũng rất coi trọng những người có học, những người đã đạt được bằng cấp dù thấp cũng được miễn các nghĩa vụ tạp dịch. Ở điều 47 ghi: "Những người nào có chân khoa mục, những học trò đã có bằng tiểu học tốt nghiệp giở lên theo lệ được trừ tạp dịch, thì không phải cắt đi phu tráng’’. Nghĩa là được miễn các việc do quan trên giao xuống hoặc việc của làng như đi dân công đắp đê, kè, cầu cống, hay canh phòng tuần tráng bảo vệ tài sản trong làng, lúa má ngoài đồng…
Trong tình hình kinh tế xã hội thôn quê xưa nghèo nàn và lạc hậu, Đất nước lúc đó đang trong sự đô hộ thì một làng quê có những chính sách khuyến học như thế thật là tiến bộ và nhân văn.
Nếu nói về đời sống xã hội làng quê xưa không thể thiếu một phong tục quan trọng đó là Lệ Hương ẩm:
Lệ Hương ẩm là một phong tục cổ truyền đã có từ ngàn xưa ở hầu hết các làng quê miền Bắc. Đó là sự quy định về thứ bậc, tôn ti trật tự trong làng và chỉ áp dụng với Đinh Nam. Đình làng cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, và nơi cho mỗi thành viên thể hiện khả năng, làm sáng rõ đạo đức tư cách và cũng là môi trường học hỏi, cầu thị để mỗi người hoàn thiện mình sống tốt hơn. Có thể nói đó là một phong tục đẹp về xây dựng khối đoàn kết và văn hóa ở khu dân cư. Điều 83 ghi: "Những người nào từ 10 tuổi là được vào hương ẩm, có nộp lệ làng là 5 hào thì mới được dự, như chỉ phải nộp 1 lần mới vào ngôi hương ẩm thôi’’.
Làng có 3 giáp: mỗi giáp có 6 bàn, thứ bậc như sau: - Bàn 1, Bàn Tư văn: Gồm những người Cựu học, Tây học, Tú tài, Thành chúng giở lên và những người làm việc nghĩa đã bỏ tiền ra công đức tiền của cho làng. (Xưa có lệ bán Nhiêu, nghĩa là khi làng có việc cần tiền sẽ bán 1 số chức. Người bỏ tiền ra mua, thí dụ chức Lý trưởng, thì được gọi là Lý trưởng nhưng không có thực quyền) Bàn tư văn chuyên lo việc tế lễ khi dân có việc sự thần. - Bàn 2, Bàn Kỳ lão, những người từ 47 tuổi trở lên, có quyền sai phái các bàn dưới lo việc tế lễ. -Bàn 3, Bàn Xôn trưởng: Những người từ 40 tuổi trở lên, chuyên lo đèn hương ở đình, đền và mua bán lễ vật của dân, cùng trông coi việc Hương ẩm. -Bàn 4, Bàn làm thịt: Từ 30 tuổi trở lên, chuyên làm cỗ bàn cho dân khi có tế lễ, yến ẩm. -Bàn 5, Bàn thổi cơm: Từ 20 tuổi trở lên, phải tuân lời truyền của bàn Xôn trưởng, mua gạo thổi cơm khi dân yến ẩm. - Bàn 6, Bàn gánh hóa: Từ 18 tuổi trở lên, mỗi năm chỉ lấy 3 người phải trù biện dầu đèn, mâm bàn bát đũa, mắm muối…
Phân chia như vậy để mỗi khi làng có việc tế lễ, họp bàn nơi đình trung thì cứ bàn nào vào việc của bàn ấy và sắp xếp chỗ ngồi thứ tự như đã định trên.
Phấn Động là làng có truyền thống trọng xỉ, những người niên cao tuổi lão được kính trọng, ra đình đền họp hành được ngồi chiếu trên theo thứ tự tuổi tác.
Làng cũng có quy định tôn vinh cụ nhất làng (Gọi là việc vọng (kính) lão). Điều 84 có ghi: "Nếu người nào tuổi nhiều nhất làng được tôn làm cụ thượng làng, nhưng phải nộp lệ làng là 5 đồng để dân làm lễ cầu điều thọ và đựơc biếu tại bàn (Công khai) một mâm cỗ trong khi làng có lệ".
Quy định thế nhưng với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo không có khả năng thì làng cũng có quy định rất nhân văn là:’’Người nào nghèo khó quá, mà tuổi cao nhất làng cũng được tôn làm cụ nhất nhưng không được hưởng biếu ấy’’.
Nói về lệ Hương ẩm, Bảng nhãn, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng nhận định đó là một phong tục đẹp. Trong "Kiến văn tiểu lục" ông viết: "Phong tục nước ta dùng ngày đầu xuân làm lễ kỳ phúc, mùa đông nghênh thần, có đầy đủ âm nhạc, nhân dân đều theo lễ ấy mà hội họp ăn uống, theo thứ tự tuổi và tước, đủ cả lễ tình, không gì là không phải rường mối lớn của đạo làm người vậy’’ (Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục).
Trong sinh hoạt hàng ngày làng quê Phấn Động cũng luôn khuyến khích người dân sống lương thiện, tuân thủ pháp luật rèn rũa đạo đức, dù nơi công sở hay nhà tư gia đều phải "thượng mục, hạ hòa’’, sống có trên có dưới, tôn ti trật tự. Điều 54 ghi: "Ở chốn Hương đảng thời người đàn em phải kính trọng các bậc tôn trưởng. Ở trong gia tộc thời con em phải kính trọng bậc phụ huynh. Nếu người nào ăn ở trái đạo luân thường, can án trộm cướp phải chịu hình luật, mà ở chốn đình trung không nên ăn ngồi với những người ấy’’. Những điều hương ước ấy nếu ai có ý nghĩ làm điều xấu cũng phải suy nghĩ lại.
Làng cũng dựng một tấm bia đá để ghi tên những người có tấm lòng hảo tâm công đức tiền, của cho làng những khi xây dựng đền chùa, đường xá hoặc giúp đỡ những người nghèo khó khi vận hạn hay mất mùa đói kém. Điều 56 ghi: "Những người đã bỏ tiền ra cứu giúp cho những người nhà nghèo trong làng trong những lúc xảy ra tai nạn, hay đói kém… bằng số tiền 100,000 đồng trở lên sẽ ghi tên người có công đức với làng’’.
Tóm lại: Tất nhiên là bản Hương ước của Làng Phấn Động xưa rất dài (41 trang), một công trình viết tay rất công phu và đầy trí tuệ. Cho đến nay đã qua gần trăm năm. Thời thế đã đổi thay. Người đương thời lúc đó chắc cũng không thể nghĩ được mai sau thế nào. Nhưng những điều ghi trong Hương ước, kẻ hậu sinh thấy quả thật Người xưa sống và suy nghĩ chính đính, thấu hiểu đạo lý làm người nên đã có những quy định rất có lý, có tình. Mọi sự đều rõ ràng, công khai, minh bạch, rất dân chủ và đầy lòng nhân ái. Có thể vì thế mà đã xây dựng nên một làng quê trù phú, yêu nước và giầu truyền thống văn hóa. Hy vọng lớp trẻ ngày nay đọc được những điều của cha ông để lại sẽ hình dung nơi làng quê xưa như thế nào mà tiếp tục phát huy những tinh hoa đó cho mãi tới mai sau./.
MAI KHÁNG