Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN SÁCH SƠ GIẢI TRUYỆN KIỀU - NGUYỄN DU (NGUYỄN VŨ TRƯƠNG CHIỀNG)
08:42 | 14/07/2021

I. LÀNG TRẦN XÁ VÀ BÚT DANH NGUYỄN VŨ TRƯƠNG CHIỀNG

Ông Nguyễn Văn Huyên sinh ra và lớn lên ở làng Trần Xá, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Huyện Yên Phong nằm phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Ninh.Yên Phong có 14 xã và thị trấn. Trần Xá là 1 trong 9 thôn của xã Yên Trung. Trần Xá là làng cổ có tên Nôm là làng Chiềng hay Kẻ Chiềng, thời phong kiến thuộc tổng Dũng Liệt. Ở đây có thôn Chính Trung, thời Trần là thực ấp của tướng Phạm Ngộ - Phạm Mại - danh tướng thủ túc của Hưng Đạo Vương khoa bảng làng Kim Đôi, 6 người đỗ Tiến sỹ (nay thuộc xã Kim Chân, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh).

Nhân dân làng Trần Xá có truyền thống thượng võ, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau, đấu tranh chống cường quyền bạo lực. Dưới triều vua Minh Mạng có toán giặc cướp đến phá làng, kỳ hào lý dịch đã chỉ huy Nhân dân chiến đấu 7 ngày đêm đánh tan bọn cướp. Ngày 17 tháng Giêng năm Ất Mùi (1835) vua Minh Mạng ban tặng 4 chữ vàng “Hiếu Nghĩa Tri Phương” (tiếng thơm về lòng hiếu nghĩa quả cảm) 4 chữ được khắc gỗ sơn son thiếp vàng treo ở đình làng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ đầu năm 1944 Trần Xá đã trở thành địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng Yên Phong. Gia đình ông Nguyễn Văn Phú (lý Phú), gia đình ông Trương Văn Mạch… đã đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Côn, Quách Cao Nha… đã qua lại được các gia đình nuôi giấu bảo vệ. Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Xá góp công lao to lớn để xã Yên Trung được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang (kháng chiến chống thực dân Pháp) ngay từ đợt đầu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ấy, người bố thân yêu của ông Nguyễn Văn Huyên là liệt sĩ đóng góp xương máu của mình cho quê hương đất nước.

Nối tiếp truyền thống anh hùng và hiếu học của quê hương, người thanh niên Nguyễn Văn Huyên say mê học tập rèn luyện, anh được kết nạp vào Đảng năm 1967 khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Tốt nghiệp phổ thông, người thanh niên Nguyễn Văn Huyên được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) và sau này làm luận án Tiến sĩ về khoa học kỹ thuật cũng tại Tiệp Khắc (cũ).

Lòng yêu văn chương ấp ủ từ bao giờ, đến khi về hưu ông dành thời gian làm thơ, viết văn và đặc biệt say mê sưu tầm nghiên cứu Truyện Kiều. Năm 2020 nhân kỷ niệm 200 năm mất của đại thi hào Nguyễn Du, ông cho ra đời cuốn sách Sơ giải Truyện Kiều - Nguyễn Du, dày 548 trang với bút danh Nguyễn Vũ Trương Chiềng.

II. LÀNG TRẦN XÁ VỚI TIẾN SĨ PHẠM QUÝ THÍCH VÀ TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

Phạm Quý Thích sinh ngày 19 tháng 10 năm Canh Thìn 1760, mất ngày 29 tháng 3 năm Ất Dậu 1825, tự là Dữ Đạo, hiệu là Lập Trai, biệt hiệu là Thái Đường cư sĩ.

Phạm Quý Thích có quê gốc ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Song ông lại được sinh ra và lớn lên ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương đất kinh kỳ Thăng Long (nay là phường Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm).

Năm Kỷ Hợi (1779), dưới triều Lê ông đỗ Tiến sĩ năm 19 tuổi, được giữ các chức vụ quan trọng như: Hàm Lâm Viện Hiệu Thảo, Kinh Bắc giám sát ngự sử…

Năm Bính Ngọ (1786), quân Tây Sơn ra Bắc, ông lánh nạn, bất hợp tác, nay đây mai đó nhưng sống chủ yếu ở làng Trần Xá, xã Yên Trung suốt 16 năm. Trong thời gian này Phạm Quý Thích dạy học ở nhà họ Trương. Nguyên nhân vì dưới triều Lê Trịnh có vị lương y làng Trần Xá làm quan trong Y viện, nổi tiếng khắp Kinh kỳ và có sự quen biết với Phạm Quý Thích. Vị lương y về hưu, gặp thời tao loạn, Phạm Quý Thích chạy về đất Kinh Bắc và tá túc tại nhà vị lương y này làm nghề dạy học. Đây là thời kỳ Phạm Quý Thích làm thơ viết sách thảo cứu.

Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi lập ra triều Nguyễn mời Phạm Quý Thích ra làm quan. Cựu thần nhà Lê 3 lần cáo bệnh từ chối. Ở Thăng Long dạy học, sự nghiệp giáo dục của Phạm Quý Thích rất thành đạt, nhiều học trò của ông trở thành danh sĩ Bắc Hà rất nổi tiếng như các Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan và cả Bà huyện Thanh Quan.

Phạm Quý Thích là bạn tâm giao của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều khi được viết ra, ông là người đầu tiên thẩm định tác phẩm, đưa tác phẩm ra bình phẩm với học trò, ông là người đầu tiên khắc ván in Truyện Kiều và chính ông viết bài thơ “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm”, (cảm xúc khi nghe Đoạn trường tân thanh) mà các bản in Truyện Kiều sau này đều đưa lên đầu như bài tựa.

Ở làng Trần Xá nơi trước đây Tiến sĩ Phạm Quý Thích chạy loạn, ở ẩn khi về kinh thành Thăng Long dạy học, cụ vẫn thường trở về làng Trần Xá nơi có nhiều người cưu mang, đồng thời có nhiều học trò. Vì vậy khi cụ mất làng lập miếu thờ ở cạnh chùa làng. Chắc rằng Truyện Kiều khi được khắc ván in cụ cũng giới thiệu với các học trò và Nhân dân ở đây.

Lòng yêu mến Truyện Kiều truyền lại cho các thế hệ ở làng Trần Xá đến đầu thế kỷ XXI lại có nhà Kiều học Nguyễn Vũ Trương Chiềng.

Ảnh hưởng của Truyện Kiều với sinh hoạt văn hóa của nhân dân Yên Phong là rất lớn. Chưa có tác giả nào khảo sát nghiên cứu về vấn đề này. Yên Phong là chiếc nôi của hát Quan Họ, Ca Trù, đặc biệt là hát ví. Trong lời nhiều bài hát các nghệ nhân hay dùng các câu phỏng Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều.

Ví dụ: 

Nữ:

Người đâu vô ý vô tâm

Mới nhìn thấy mặt đã cầm cổ tay

Truyện Kiều có bốn câu hay

Chàng mà giảng được cầm tay thì cầm.

Nam:

Một là “rích lại cho gần”

Hai là “phỏng được muôn phần đó chăng”

Ba là “lượng cả bao dung”

Bốn là “gặp hội mây rồng có phen”

Bốn câu anh đã họa lên

Phen này anh quyết kết duyên với nàng.

Có nhiều câu hát tương tự như thế.

III. NGUYỄN VŨ TRƯƠNG CHIỀNG VỚI SƠ GIẢI TRUYỆN KIỀU NGUYỄN DU

1. Tác giả sử dụng cuốn Truyện Kiều  - Nguyễn Du của tác giả Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, sách do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1999 làm đối tượng chính để sưu tầm nghiên cứu.

Đây là bản Kiều của học giả có tên tuổi, am hiểu Nho học được in nhiều lần trong Nam, ngoài Bắc. Ví dụ:

- Truyện Thúy Kiều do NXB Vĩnh Hưng Long thư quán - Hà Nội 1927

- Truyện Thúy Kiều in lần thứ 3 - NXB Tân Việt - Sài Gòn 1950

- Bùi Kỷ hiệu thảo Truyện Kiều - NXB Phổ thông - Hà Nội 1957 tiếp 1958.

- Truyện Kiều - NXB Thanh niên 1999.

Tuy nhiên tác giả các cũng chỉ sử dụng 84% câu chữ nguyên bản, còn lại là phần nghiên cứu suy ngẫm của tác giả.

2. Mục tiêu việc sưu tầm biên soạn lần này của tác giả là giúp cho bạn đọc trẻ tuổi hiểu hết dễ dàng hơn nên đã chia các hồi và “khéo léo bóc cái vỏ sần sùi, bảo vệ cái nhân trắng tinh khôi” bên trong của nó. Để hiểu được cái nhân trắng tinh khôi tác giả có “câu diễn tả” và “đoạn diễn tả”.

“Câu diễn tả” hướng vào sự diễn xuôi câu thơ ấy nhưng vẫn giữ khá nguyên vẹn vần điệu của câu thơ, bằng cách thay các từ cổ, các điển tích bằng các từ ngữ hiện đại hơn.

Mục đích của việc này là giúp cho độc giả, nhất là các bạn trẻ học sinh, sinh viên hiểu được sâu sắc nội dung của Truyện Kiều ngay “không còn qua lớp vỏ sần sùi”.

Vì vậy sau khi giải thích các điển tích, điển cố tác giả có câu diễn tả:

Ví dụ:

Cặp câu: 1073 - 1014:       

Song thu đã khép cánh ngoài

Tai còn đồng vọng, mấy lời sắt đanh.

Câu diễn tả của tác giả:

Phòng tư đã khép cánh ngoài

Tai còn văng vẳng mấy lời sắt đanh.

Ví dụ: 

Cặp câu: 1881 - 1882:

Lỡ làng chút phận thuyền quyên

Bể sâu sóng cả có tuyền được vay.

Câu diễn tả của tác giả:

Lỡ làng chút phận nữ nền

Trong vòng nguy khốn 

                         có tuyền vẹn thay

Ngoài câu diễn tả còn có đoạn diễn tả tiếp theo. Đôi khi lạm dụng đoạn diễn tả mà có những câu thơ hay, có ý nghĩa ẩn dụ rất thông thường mà câu diễn tả làm cho mất cái hay của câu thơ.

Ví dụ:

Câu 1975 - 1976:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.

Câu diễn tả của tác giả:

Dẫu rằng chờ đợi mỏi mòn

Như tằm đến thác vẫn còn vương tơ.

*       *

*

Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong khoảng thời gian 1796 - 1801 tại Hồng Lĩnh - Tiên Điền - Nghi Xuân quê nội của tác gả. Bản Truyện Kiều cổ nhất được Phạm Quý Thích khắc ván in trong thời kỳ Tiến sĩ dạy học ở kinh thành Thăng Long (1802 - 1825). Tiếc rằng bản ấy không còn nữa.

Theo nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh, trong bộ sưu tập của ông đầu năm 2010 đã có 45 bản Kiều chữ Nôm và có 58 bản Kiều bằng chữ Quốc Ngữ. Không biết có chính xác tuyệt đối không, bản Sơ giải Truyện Kiều - Nguyễn Du của Nguyễn Vũ Trương Chiềng là bản thứ 59 và tác giả gia nhập đội ngũ các nhà Kiều học Việt Nam.

Là người cùng quê hương Yên Phong xin được chúc mừng tác giả, đồng thời mong tác giả có những suy nghĩ và đầu tư công sức để quảng bá công trình này tới đông đảo độc giả trẻ, nhất là những người con của quê hương Yên Phong - Bắc Ninh./.

                                                                                                                                                                                                                         NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG