Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

ĐỘC ĐÁO BIA ĐÁ ĐÌNH LÀNG BÚT THÁP
10:15 | 22/07/2022

Trong khuôn viên trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh dựng một tấm bia đá mang ký hiệu BTBN - 1256 khá lớn đặt trên bệ hình hộp chữ nhật. Tấm bia này có nguồn gốc từ đình làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Tấm bia được tạo tác từ đá xanh nguyên khối có kích thước: cao 152,5cm, rộng 82cm, dày 20cm đặt trên bệ dật hai cấp rộng 93cm, dày 31cm, cao 21cm phía trước và hai bên hồi trang trí hình ô vuông bên trong để mộc. Tấm bia được khắc dựng vào ngày mồng 1, tháng 9 năm Tự Đức 26 (1873). Điểm đáng chú ý ở đây là trên cùng một tấm bia ghi chép về hai sự kiện tu sửa Văn chỉ tổng Đình Tổ và việc mở chợ của bản tổng ở xã Bút Tháp. Ngoài ra kiểu chữ và cách thức trang trí hoa văn trên hai mặt bia có nhiều điểm không giống nhau, người soạn văn bia là hai nhân vật khác nhau. 

Mặt trước có tiêu đề “Bản tổng khai thị bi ký” (bia ghi chép về việc mở chợ ở bản tổng). Trán bia phía trên khắc nổi mặt nguyệt hình tròn, xung quanh có nhiều đao lửa tỏa đều về hai phía, hai bên là một đôi rồng chầu gấp khúc đầu hướng xuống phía dưới đỡ mặt nguyệt, đuôi xoắn tổ tò vò quay lên phía trên với đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, chân 5 móng xung quanh trang trí mây dải và mây xoắn mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía dưới là tên bia được khắc nổi bằng các chữ Hán lớn, mỗi chữ trong một ô vuông xung quanh có nhiều đường hồi văn triện lẫn dây lá. Diềm bia hai bên chạm nổi hai đôi rồng lá, phía dưới trang trí một bông hoa sen lớn ở chính giữa và dây lá tỏa đều sang hai phía. Lòng bia khắc chữ Hán thể chân phương nét chữ sâu nhưng nhỏ và mảnh còn khá rõ nét gồm 25 dòng với khoảng hơn 500 chữ nội dung chia làm 2 phần: phần đầu ghi chép lý do và những người đóng góp tiền của vào việc mở chợ của tổng Đình Tổ thuộc địa phận xã Bút Tháp. Phần sau là những điều lệ quy ước về việc họp chợ cùng những quy định đóng góp tiền đối với người có học vị như Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân, Tú tài, Giám sinh và người có chức quyền như Chánh Phó tổng, Cai tổng, Lý trưởng, Phó lý… ở bản tổng vào việc tế lễ (trong đó có lễ tế Tam sinh) tại Văn chỉ tổng Đình Tổ. Nội dung văn bia do Tú tài Chu Xuân Soạn người Vĩnh Bảo, huyện Văn Giang đỗ khoa Đinh Mão (1867) soạn, Thí sinh Nguyễn Tuấn Hoán người xã Bút Tháp viết chữ.

Mặt sau có tiêu đề “Bản tổng Văn chỉ bi ký” (bia ghi chép về việc tu sửa Văn chỉ của bản tổng). Trán bia phía trên trang trí đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”, xung quanh mặt nguyệt không có đao lửa thay vào đó là vân mây, hai bên chạm một đôi rồng chầu gấp khúc đầu ngoảnh lên phía trên đỡ lấy mặt nguyệt, đuôi hướng xuống phía dưới xoắn tổ tò vò thân rồng những chỗ uốn khúc chạm lẫn mây dải. Phía dưới khắc tên bia là các chữ Hán lớn chạm nổi trong ô vuông xung quanh có trang trí đường hồi văn triện đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX. Diềm bia hai bên trang trí mỗi bên một con rồng lá cùng nhiều mây dải, phía dưới chạm một bông hoa cúc lớn với nhiều dây lá tỏa về hai phía. Lòng bia khắc chữ Hán thể chân phương, nét chữ to nhưng khắc nông nhiều chữ bị mờ không đọc được tất cả gồm 22 dòng khoảng gần 500 chữ nội dung ghi chép về tên họ những người công đức tiền tu sửa Văn chỉ tổng Đình Tổ và quy định các dịp tế lễ tại Văn chỉ hàng năm. Nội dung văn bia do Cử nhân khoa Nhâm Tý (1852) Ngô Quang Huy đồng Tri phủ Yên Đình soạn.

Tóm lại tấm bia là tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy có niên đại vào thời Nguyễn phát hiện được ở thôn Bút Tháp - một vùng quê giàu truyền thống văn hiến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tấm bia góp phần cho việc nghiên cứu tìm hiểu, trưng bày giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc trang trí trên đá giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - thời kỳ lịch sử đầy những biến động của dân tộc./.

 
 
 
                                                                                                                                                                                                            NGUYỄN VĂN AN