Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

DI SẢN VĂN HÓA LÀNG NGỌC QUAN
17:09 | 25/05/2022

Làng Ngọc Quan chính là làng Xuân Lan xưa, một nơi bình dị như bao làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng những người đã từng đến thăm Ngọc Quan đặc biệt vào đúng dịp Hội làng thì họ đều ngợi khen một làng quê nông thôn hiện đại mà vẫn bảo tồn được những dấu ấn của ngàn xưa.

Trải bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, sự bào mòn của thời gian, nhưng trên đất Ngọc Quan ngày nay vẫn hiển hiện những dấu tích của một làng khoa bảng tiếng vang từ mấy trăm năm trước. Đó là mái đình, cây đa, giếng nước, ngôi chùa; là cầu đá, bến sông, là Quán Bia,Văn Chỉ; là hệ thống Nhà thờ, lăng tẩm…Trong đó có ba di tích đã được nhà nước xếp hạng. Đó là ngôi Đình làng, Văn Chỉ và Nhà thờ Gia tộc Tiến sĩ Vũ Miên.  

“Xuân Lan chi, thủy nhiễu, phong tàng, danh cao đương đại”. Đó là nhận xét của Cao Biền một nhà phong thủy nổi tiếng người Trung Quốc thế kỷ IX khi ông đến Giao Châu. Điều đó khẳng định sự xuất hiện lâu đời và địa thế đặc biệt của Làng Xuân Lan xưa và Ngọc Quan ngày nay.

Làng Xuân Lan nằm ở điểm gặp gỡ giữa ba con sông: sông Bùi, sông Sen và sông Cẩm Giàng. Ngã ba sông này cũng là danh giới cũ của ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Các cụ xưa thường nói nơi đây một con gà gáy cả ba tỉnh cùng nghe. Nơi đây hình trí thật đẹp, điểm giao lưu của ba tỉnh, dân cư đông đúc, lúa gạo nhiều, công thương phát triển. Sông Sen uốn quanh, bốn mặt đều có đường giao thông thủy bộ thuận tiện. Nơi đây còn là điểm giao thoa giữa các vùng văn hóa nổi tiếng Kinh Bắc và Xứ Đông.

Xuân Lan - Ngọc Quan là một vùng phong hòa thủy tụ, cảnh trí nên thơ, vùng đất nhân hòa địa phát, phồn thịnh tương lai. Đây là mảnh đất tốt để cư dân thập phương trở về sinh cơ lập nghiệp, kiến tạo muôn đời. Từ một dòng họ Đỗ lập làng, rồi đến dòng họ Vũ, họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần… đến quần tụ. Thôn Ngọc Quan hiện nay có hơn mười dòng họ sinh sống với hơn 500 hộ gia đình và trên 1700 nhân khẩu. Làng quê thanh bình yên ả, người người chan chứa yêu thương.

 Mỗi dịp hội làng, dân quê tôi đâu đâu cũng  trở về dự hội Đình Đám. Đình làng Ngọc Quan có từ lâu đời. Theo tương truyền từ thế kỷ 10, Vua Lê Đại Hành cầm quân đi dẹp giặc Tống, khi đi qua vùng đất này, được thần linh phù hộ nên đánh thắng giặc. Nhà Vua đã cho phép dân làng lập miếu thờ và ban sắc phong cho thần Hoàng là Huệ thông Linh ứng dực Vận khai bình Đại vương, gia tặng: Bảo hộ quảng Thí, Bác huệ Đôn ngưng, Dực Bảo Trung hưng tôn thần. Đình còn thờ hai vị Hậu Thần là Tế Tửu Quốc Tử Giám - Vũ Miên và Tri Phủ Thiên Trường - Vũ Tể những người có công xây dựng  làng quê từ thế kỷ 18.

Từ hướng Bắc về cách hàng cây số đã nhìn thấy chiếc cổng đình sừng sững nguy nga. Bước chân tới làng gặp hồ sen bát ngát. Giữa hồ Sen thơ mộng, lầu Thủy Đình lung linh, một cây cầu duyên dáng như dải lụa mềm vắt từ gốc đa cô tiên sang miền đảo Ngọc. Thấp thoáng sau những vòm đa xanh là hàng Tam quan và tòa Đại Đình hiện lên tráng lệ. Trên nền đất xưa, tòa Đại đình vừa được trùng tu thật đường bệ và kiêu hãnh. Chạy dọc từ bờ nóc đình xuống các đầu đao được trang trí bằng hệ thống hoa văn và những con vật tứ linh rất cầu kỳ. Lưỡng long chầu nguyệt. Đàn nghê khoe nanh diễu vuốt ôm chặt các bờ đao đình, biểu tượng của quyền uy, sức mạnh và sự trường tồn. Đình là công trình văn hóa tín ngưỡng. Đình còn là biểu tượng tinh thần của Làng. Bước vào trong đình, ngước lên hệ thống cửa võng sơn son thếp vàng và những bức hoành phi, đại tự, câu đối rực rỡ. Đây là khát vọng, là sự tôn vinh một vùng đất, một miền quê ngàn năm trong sáng, vạn thuở xuân tươi, tôn vinh các đấng anh linh tối thượng, là niềm kiêu hãnh tự hào về một làng quê danh khoa hiển đạt.

Phía sau đình là cả một khu khuôn viên văn hóa có sân khấu biểu diễn, có sân cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, có nhà văn hóa, thư viện… để các tầng lớp nhân dân hàng ngày có thể đến đây vui chơi giải trí.

Đình Ngọc Quan còn là nơi diễn ra các cuộc tuyên truyền vận động tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, nơi hội họp của cán bộ Việt Minh. Thực dân Pháp mấy lần cho đốt đình nhưng đều bị dân làng đấu tranh giữ lại nguyên vẹn. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của dân thôn, là chốn linh thiêng để mọi người dân trong làng gửi gắm những thỉnh cầu ước nguyện. Ngày 14/4/2003 Bộ Văn hóa thông tin ký quyết định xếp hạng cấp quốc gia cho ngôi đình. 

Ngay phía Đông cửa Đình, nhìn xuống lớp ao hồ trùng thủy là Văn chỉ Ngọc Quan. Văn chỉ được xây dựng từ năm 1844 trên một khu đất cao và bằng phẳng có diện tích vài ngàn mét vuông. Khu trung tâm có bệ thờ Khổng Tử. Bên cạnh là hệ thống bia đá khắc tên các vị hương hiền khoa bảng của làng. Giữa có bàn hương án. Toàn bộ hệ thống bia đá đều được đặt trên bệ cao có mái che và tay ngai trang trọng. Trước cổng vào là một tấm bình phong bằng gạch với ba chữ Danh Thanh Dương bằng chữ Hán như biểu thị sự tôn vinh muôn đời đối với Đức Khổng Tử và các Hương Hiền khoa giáp. Xung quanh có hệ thống tường bao bằng gạch cao khoảng trên một mét. Khu Văn chỉ càng được tôn nghiêm bởi những hàng cây đa tỏa bóng mát quanh năm. 

Hơn hai trăm năm đã qua, đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, Ngọc Quan là địa bàn chịu nhiều bom đạn của giặc Pháp và đế quốc Mỹ, Văn chỉ Ngọc Quan bị hư hại như một phế tích. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhân dân Ngọc Quan đã không ngừng tôn tạo chỉnh trang làm cho Văn Chỉ ngày càng khang trang xứng đáng là biểu tượng của một làng văn hiến khoa bảng. Văn chỉ Ngọc Quan hiện có tám bia đá. Chính giữa là hai ban thờ hai vị đại khoa là Tiến sĩ Vũ Miên và Phó bảng Vũ Giác. Hai bên tả hữu, mỗi bên có ba bệ thờ được sắp xếp theo thứ bậc học vị. Hai tấm bia trước là ghi tên 13 vị đỗ Hương cống và Cử nhân. Hai tấm bia kế tiếp ghi tên 33 vị Sinh đồ và Tú tài. Hai tấm bia ngoài cùng, một tấm ghi tên Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Ngũ chuyên viên đầu ngành ngành Vi trùng học Việt Nam và một bia vẫn để trống. Bên cạnh Vườn Bia Hương hiền Đăng khoa là nhà Bái đường nơi đặt tượng thờ Đức Khổng Tử, tượng Chu Văn An và tượng Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Miên. Tháng 3/2007, Văn Chỉ Ngọc Quan được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa.

Văn chỉ là nơi lưu danh những người có học thức, vốn hiểu biết rộng trong làng nên được nhân dân bao đời nay hết sức trân trọng. Văn chỉ trở thành nơi tôn nghiêm, là biểu tượng về sự học, sự thành đạt của quê hương. Tiến sĩ Vũ Đức Trung nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đại tá an ninh Vũ Nhã đã nghỉ hưu và nhiều người kể lại rằng khi còn nhỏ được cha mẹ dắt ra thăm Văn chỉ và căn dặn phải cố gắng học hành cho giỏi để được ghi tên vào bia đá ở đây. Những lời căn dặn ấy đã thôi thúc các ông nỗ lực vươn lên. Bằng con đường tự học, Vũ Đức Trung đã phấn đấu trở thành Tiến sĩ, được giao chức Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Vũ Nhã là sĩ quan cao cấp có trình độ đại học, chuyên gia an ninh có uy tín. Và còn nhiều tấm gương vượt khó thành đạt ở quê hương như Tiến sĩ Vũ Trụ, Tiến sĩ Vũ Văn Cường, Nhà giáo Ưu tú Vũ Ngọc Hòa, cử nhân Vũ Đề…

Từ lâu đã trở thành lệ, mỗi khi làng tổ chức sự kiện gì như khai mạc Hội làng hàng năm, ban tổ chức đều tổ chức dâng hương tại Văn chỉ như một nghi thức báo công trước các bậc tiên hiền của làng. Nhất là hàng năm, mỗi kỳ tổng kết công tác giáo dục, tuyên dương khen thưởng thành tích học tập của các em, từng đoàn học sinh lại cờ dong trống mở, tề tựu tại Văn chỉ, dâng hoa, thắp hương các ban thờ, kính cẩn tỏ lòng tri ân các bậc tiên hiền. Sau mỗi lần như thế, các cháu học sinh như được tiếp thêm nghị lực, được củng cố niềm tin, được bồi đắp thêm tình yêu quê hương để nỗ lực vươn tới. 

Phía sau Đình làng khoảng hơn 100 mét là tới ngôi Từ đường họ Vũ với tên gọi: Nhà thờ Chính Tôn. Đây là ngôi nhà thờ cổ nhất, một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, từ cổng đến tường bao, các bệ thờ, nền hoàn toàn bằng đá. Nơi đây thờ Tứ Vị Liệt tổ của Vũ Tộc Ngọc Quan. Ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm (kỵ nhật Cụ Phúc Học - vị tổ đời thứ nhất), cả họ tập trung tại nhà thờ tế lễ. Trên nền đất cổ, ngôi nhà thờ đá sừng sững nguy nga dưới tán cây cổ thụ xum xuê biểu thị sự lớn mạnh và trường tồn của một dòng họ hiển hách. Nhà thờ Chính tôn họ Vũ là một điểm nhấn không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Ngọc Quan.

Rời nhà thờ Chính Tôn, trở lại đầu đình, đi vài trăm bước nữa là tới Nhà thờ Đại Tôn. Đây cũng là ngôi nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 18, qua mấy lần trùng tu nay rất khang trang bề thế. Ngôi nhà thờ được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh (3/2007). Nhà thờ cấu trúc theo hình chữ tam. Phía trước là ngôi nhà Tiền Tế 5 gian cao rộng, giữa là ngôi Chính Điện ba gian gỗ lim lợp ngói cổ, phía sau là nhà Hậu Đường 5 gian gỗ lim đồ sộ. Trước khu Tiền Tế là khoảng sân rộng cho hàng trăm người ngồi dự trong những dịp lễ trọng. Trong nhà thờ hiện còn giữ rất nhiều cổ vật như Án thư, Tráp Tải, hệ thống Hoành phi, Câu đối. Trước cửa ngôi Chính điện là bức hoành phi có ngự bút của Vua Lê ban tặng 2 chữ Gia Miếu. Gian điện giữa là ban thờ ông nội Tiến sĩ Vũ Miên: Đệ Ngũ vị Tổ khảo Thiêm Đô Ngự Sử. Bên phải là ban thờ Đông Các Điện Đại học sỹ thân phụ Tiến sĩ Vũ Miên và bên trái là ban thờ Tiến sĩ Vũ Miên. 

Trong nhà thờ có rất nhiều câu đối. Hệ thống câu đối trong nhà thờ đều khẳng định cội nguồn, truyền thống của dòng họ và công tích hiển hách của các bậc tiền nhân như: Phát tích tự tằng Đông Mộ Trạch/ Thành danh chi hậu Bắc Lang Tài;  Danh tại Vũ môn tam khoá lãng/ Công cao Đường Trụ bát kình thiên; Mộ Trạch dựng cơ đồ biết mấy công lao từ thuở trước/ Ngọc Quan xây sự nghiệp còn nhiều phúc lộc mãi mai sau.

Đặc biệt ngôi nhà thờ còn có 2 tấm bia đá cổ và một bức tượng Tiến sĩ Vũ Miên bằng đá xanh. Các nhà nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh xác định pho tượng Tiến sĩ Vũ Miên có niên đại từ năm 1757 có giá trị độc đáo và quí hiếm giúp ta nghiên cứu tìm hiểu về danh nhân khoa bảng Vũ Miên nói riêng, quan Tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng nói chung. Ngôi nhà thờ này còn là nơi hội họp bí mật của tổ chức cộng sản đầu tiên ở xã Lâm Thao những năm 1943 - 1944.

Ngoài ba di tích đã được xếp hạng là Đình làng, Văn Chỉ và Nhà thờ họ Vũ,  thôn Ngọc Quan còn bảo lưu rất nhiều công trình kiến trúc được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về giá trị lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Đó là Ngôi chùa Sùng Quang tự nằm trên doi đất ngã ba sông được xây dựng từ giữa thế kỷ 18, ngôi chùa đã từng được xem là Danh thắng vùng Đông Bắc hiện còn cây tháp đá cổ và vườn tượng phật phong phú. Là Lăng Tiến sĩ Phu nhân với tấm bia đá và hai bức tượng đá cổ; là Giếng cổ đầu làng nước trong mát không bao giờ cạn; là Lăng mộ Tổ họ Vũ có những tấm đá nguyên khối nặng hàng chục tấn với những bức chạm khắc tinh sảo, những  công trình bề thế hiếm có trong vùng. Đó là hệ thống mười mấy ngôi nhà thờ họ Đỗ, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần và các nhà thờ Tổ chi, Tổ Ngành họ Vũ. Ngôi nhà thờ nào cũng là những công trình kiến trúc độc đáo mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giáo dục sâu sắc.

Việc tổ chức lễ hội hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy, tôn vinh giá trị to lớn về mọi mặt của các di tích. Vừa tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương, niềm tự hào, lòng biết ơn đối với những người đã có công với quê hương đất nước. Từ đó động viên nhân dân đoàn kết vươn lên, chung tay góp sức xây dựng làng xóm ngày càng giàu mạnh văn minh.

Cũng như thường lệ, Lễ hội làng hàng năm, ngoài phần nghi lễ truyền thống, làng còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao như Hát Quan họ trên thuyền, đêm thơ ca Đất Ngọc, Cờ tướng, Chọi gà, bóng đá, bóng bàn và nhiều trò chơi khác. Bà con dân làng cũng như du khách về dự lễ hội sẽ thấy một làng Ngọc Quan đổi mới văn minh, một Ngọc Quan vừa bảo tồn được bản sắc một làng quê văn hiến, khoa bảng, vừa thấy một Ngọc Quan văn minh, hiện đại. Từ đầu phố tới cuối thôn, từ Đình làng tới các ngõ xóm, đâu đâu cũng rực rỡ đèn hoa. Nhà nhà đang hối hả, người người hân hoan. Không khí lễ hội rộn rã tưng bừng. Cán bộ và nhân dân Ngọc Quan, những chủ thể của lễ hội tập trung mọi mặt cho mùa lễ hội thành công.

Tuy nhiên, lại một mùa lễ hội nữa bị ảnh hưởng của đại dịch covid 19, Ban tổ chức Lễ hội đã quyết định không tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Làng chỉ tổ chức gọn nhẹ với mục đích duy trì phong tục truyền thống. Các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, thể thao cũng tạm dừng. Không khí lễ hội vẫn rạo rực, vì lợi ích cộng đồng, bảo vệ tính mạng con người là trên hết, người dân Ngọc Quan vui vẻ đồng tình với thông báo của Ban Tổ chức Lễ hội. 

Lễ hội truyền thống đã ba năm không được rộn ràng như mong ước, nhưng người dân Ngọc Quan đâu có buồn rầu. Càng khó khăn gian khổ, lòng dân càng đoàn kết đồng  tâm, thi đua sản xuất, hăng say kiến thiết làm đẹp quê hương. Làng Xuân Lan xưa, Ngọc Quan  ngày nay đang thu hút du khách gần xa. Người dân Ngọc Quan lấy làm tự hào khi được bè bạn ngợi khen: Đây là một làng quê đáng sống./. 

 

                                                                                                                                                                                                             VŨ NGỌC HÒA