Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

DẤU ẤN VƯƠNG TRIỀU VÀ VUA LÝ ANH TÔNG
14:43 | 23/09/2022

Triều đại nhà Lý khởi từ Thái tổ hoàng đế Lý Công Uẩn đến Lý Anh Tông qua 5 đời Vua, với 119 năm trị vì. Đó là quãng thời gian đất nước ở vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau cả nghìn năm Bắc thuộc. Các Vua Lý đã khẳng định được khả năng lãnh đạo đất nước của mình thông qua hàng loạt các chính sách khoa học và hợp lý, với ưu tiên hàng đầu cho việc giữ vững chủ quyền quốc gia, thông qua việc đặt tên hiệu, định đô đất nước, xây dựng luật, củng cố bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, quan tâm đến sản xuất nông công thương, khuyến khích, sử dụng nhân tài thông qua học vấn và thi cử, xây dựng quân đội hùng mạnh đủ sức đập tan mọi xâm lược ngoại bang... Mỗi vị Vua nhà Lý đều để lại dấu ấn riêng của mình trong lịch sử triều đại. Với Lý Anh Tông, vị Vua thứ sáu triều Lý, mặc dù lên ngôi khi mới 3 tuổi, ở vào thời điểm nhà Lý bước vào giai đoạn trung suy; lại phải trải qua đủ những cung bậc khác nhau cho sự tồn vong của một vương triều: Hoàng hậu nhiếp chính - quyền thần chèn ép - tự thân cầm quyền - lựa chọn tôi hiền; nhưng bằng khả năng của mình, ông vẫn giữ vững cơ nghiệp họ Lý được thịnh trị sau 37 năm trị vì, chèo lái con thuyền đất nước vững vàng, và được người đời sau ghi nhận là một trong những vị Vua anh minh, có công khai sáng thương cảng Vân Đồn, tạo mối thông thương bằng đường biển cho đất nước phát triển.

Hoàng đế Lý Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136) tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội), là con trai thứ hai của Lý Thần Tông, mẹ là Cảm Thánh Phu nhân Lê thị. Năm 1138, Hoàng đế Lý Thần Tông yểu mệnh, qua đời khi mới 23 tuổi, Thái tử Thiên Tộ lên kế vị ngôi báu khi mới 3 tuổi, là vị Vua thứ 6 triều Lý. Bởi vậy, mẹ ngài là Cảm Thánh phu nhân buông rèm nhiếp chính. Đại thần Đỗ Anh Vũ được phong làm Phụ quốc thái úy, cùng Thái hậu điều hành quốc gia thay cho Vua còn nhỏ tuổi. Từ đó, Đỗ Anh Vũ cậy quyền thế, chèn ép ấu chúa và các quan, khiến triều thần bất mãn. Cuối cùng, năm 1150, trước việc Hoàng đế Anh Tông đã 14 tuổi nhưng vẫn bị Đỗ Anh Vũ chèn ép; viên tướng Vũ Cát Đái đã cầm đầu cuộc binh biến, bắt trói Anh Vũ và tiêu diệt phe cánh của Anh Vũ. Nhưng với sự tác động của Lê Thái hậu, Vũ Cát Đái đã tha cho Anh Vũ. Rồi sau đó, Lê Thái hậu hàng năm tổ chức nhiều cuộc đại xá cho tù nhân. Sau nhiều lần ân xá, Đỗ Anh Vũ được phục chức. Ngay sau đó, Anh Vũ đã ra lệnh tàn sát những kẻ bắt mình khi trước một cách vô cùng tàn bạo… Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, Lý Anh Tông không còn chịu sức ép của gian thần, bắt đầu có thể tự mình điều hành chính sự. Ngài chọn Tô Hiến Thành - khi ấy đã 54 tuổi, một hiền tài để gánh vác trọng trách Phụ quốc thái úy – chức vụ có tầm quan trọng trực tiếp cùng với hoàng đế điều hành chính sự quốc gia, chăm lo cho đời sống dân chúng và sự vững mạnh của vương triều. Lúc đó, triều đình Nhà Lý vẫn còn rất nhiều những cựu thần từ các thời Nhân Tông, Thần Tông đang phụng sự, Tô Hiến Thành chức vụ thấp hơn và trẻ hơn họ nhưng đã được Anh Tông nhất quyết tin dùng. Đáp lại sự tin dùng đó, Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành trở thành một cặp bài trùng “minh chúa, tôi hiền” điển hình trong lịch sử dân tộc. Bên trong, Lý Anh Tông cắt đặt các chức tước tùy vào tài năng từng quan lại, thì bên ngoài, Tô Hiến Thành ra sức dẹp yên loạn lạc, ngoại xâm từ bắc chí nam. Nếu Hoàng đế còn đặt ra Xạ đình (1170) để làm nơi đặc biệt cho quan quân rèn luyện binh pháp, bày trận từ đó mà cắt đặt người tài lo việc quốc gia; thì Tô Hiến Thành dẫn quân đội Đại Việt tinh nhuệ được thao luyện đó mở mang bờ cõi trước sự xâm lấn của Ai Lao, Chân Lạp, Chiêm Thành… làm cho vị thế của Đại Việt ngày thêm một hùng cường. Cũng chính nhờ tài năng điều hành triều chính của mình, mà Hoàng đế Lý Anh Tông đã tạo thời cơ cho những hiền tài như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín, Trần Trung Tá… có cơ hội thi thố tài năng, đóng góp hết sức mình cho sự hùng mạnh của dân tộc ta vào cuối thế kỷ XII.

Lý Anh Tông coi trọng Nho giáo, ngài chỉ lập một hoàng hậu duy nhất mà không phế hay lập mới trong suốt triều đại của mình, và là vị hoàng đế đã chấm dứt việc lập ra nhiều hoàng hậu như các Vua trước. Ngài cho xây dựng hai miếu thờ Khổng Tử trong kinh thành Thăng Long, lập đàn Viên Khâu làm nơi tế trời đất và tổ chức các kỳ thi tuyển bằng Nho học để tuyển chọn hiền tài. Trong thời đại lúc bấy giờ, đó là một việc làm sáng suốt nhằm đưa nền cai trị quốc gia đến thịnh trị, yên bình nhất có thể! Nhưng nếu ngài may mắn có một Tô Hiến Thành cùng mình cả đời giữ vững Nhà Lý, thì người nối dõi tức Vua Lý Cao Tông lại không may mắn được như thế… 

Theo sử sách: Lý Anh Tông là người có tầm nhìn xa trông rộng. Trong thời gian trị vì đất nước, Vua rất quan tâm đến việc thiết lập chủ quyền đất nước, cả trên bộ lẫn trên biển, trong đó có hải phận Đông Bắc tổ quốc. Trong các năm Tân Mão (1171) và Nhâm Thìn (1172), Vua Lý Anh Tông đã dày công qua lại những vùng núi non hiểm trở, thăm nắm địa bàn, hải phận đất nước, quan sát cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, rồi sai quan vẽ bản đồ nước Đại Việt. Đặc biệt, chính Vua Lý Anh Tông là người cho lập thương cảng Vân Đồn. Về việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Kỷ Tỵ năm thứ 10 (đời Vua Lý Anh Tông - 1149) - Tống, Thiệu Hưng năm thứ 19, mùa xuân, tháng Hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập Trang ở nơi đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý, dâng tiến sản vật địa phương. Như thế, Vân Đồn được coi là thương cảng quốc tế đầu tiên của nước ta, là cánh cửa mở ra con đường giao lưu quốc tế trên biển sớm nhất. Trung tâm mậu dịch Vân Đồn, qua những hiện vật khảo cổ tìm thấy ở vùng biển đảo này, đã có quãng thời gian phồn vinh bậc nhất dưới triều Lý. Nhiều khách buôn các nước liên tiếp tới xin buôn bán. Có thể nói, Vân Đồn xưa chính là điểm dừng của hệ thống trục lộ giao thông thuỷ thuận tiện tới các vùng miền trong nước và quốc tế, cũng như đầu mối của nhiều tuyến giao thông từ trong nước tới nước ngoài, với ưu thế của vùng biển rộng, nhiều vũng vinh thuận tiện làm bến đỗ cho tàu bè sau chặng hành trình dài vượt trùng khơi mệt mỏi. Theo những kết quả nghiên cứu khoa học về vùng đất này, thương cảng xưa được lập trên quần đảo Vân Hải, mà một trong những bến buôn đầu tiên là vụng Cái Làng thuộc đảo Mai, nay thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn. Thời đó, đây là hệ thống các bến thuyền cổ trong phạm vi 200 km2, bao gồm các bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Yên, Cống Hẹp, Cống Đông (nay nằm trong các xã Minh Châu, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng). Hệ thống cảng quốc tế này nằm quây quần trên vùng biển Bái Tử Long, với trung tâm là đảo Vân Hải - một trong hai quần đảo lớn nhất của Vân Đồn.

Qua hơn 850 năm lịch sử, thương cảng Vân Đồn xưa chỉ còn trong ký ức, hiện hữu phần nào qua những dấu tích vật chất còn sót lại trên các vũng, bến xưa kia. Nhưng, dẫu không còn chiếm vị trí quan trọng trong thời đương đại, thì đến hôm nay, vùng thương cảng này vẫn là nơi hội tụ tấp nập của tàu thuyền đánh cá, trao đổi hàng hoá và các sản vật biển vốn rất phong phú ở nơi đây.từng nhộn nhịp tàu bè. Cùng với sự hưng thịnh đó, người dân vùng biển đảo này đã ghi nhớ mãi công lao của vị Vua thứ sáu triều Lý. Đình Quan Lạn, một di tích cổ và đồ sộ vào bậc nhất không chỉ ở riêng vùng huyện đảo Vân Đồn, mà còn có thể sánh với hàng loạt những ngôi đình cổ nổi tiếng trong cả nước, là nơi thờ Thành hoàng Không lộ Thiền sư, Tiên Công - những người có công khai phá vùng đất này; danh tướng họ Trần: Trần Khánh Dư - người đã lãnh binh làm nên chiến thắng Vân Đồn lừng lẫy. Và đặc biệt, đây cũng là nơi thờ vị Vua thứ 6 triều Lý: Lý Anh Tông - người sáng lập thương cảng Vân Đồn.

Vua Lý Anh Tông đã lưu danh trong sử sách là vị Vua sáng, biết nhìn xa trông rộng, nghiêm cẩn trong hành sự. Chuyện kể rằng: Vì con trưởng Lý Long Xưởng phạm tội đại nghịch, nên bị Vua phế chức Thế tử, truyền con thứ là Lý Long Cán lên nối ngôi, tức Vua Lý Cao Tông. Trước lúc qua đời, Lý Anh Tông dặn Thái tử: Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất nước anh linh, châu ngọc bảo bối, không gì là không có, nước khác không thể nào bì được, con hãy nên giữ nước cho cẩn thận. Đồng thời, ngài ủy thác con mình và vương triều Lý cho Tô Hiến Thành. Thái úy Tô Hiến Thành đã giữ trọn lời ủy thác đó, nhưng chỉ được 4 năm. Năm 1179, Tô Hiến Thành bệnh nặng rồi mất, ông đã trối lại với Đỗ Thái hậu - mẹ Vua Cao Tông - nên lập Trần Trung Tá làm phụ chính, nhưng bà không nghe theo. 

Lý Anh Tông là cha để của Hoàng tử Lý Long Tường, người mà sau này khi vương quyền nhà Lý chuyển sang nhà Trần, đã cùng đoàn thuỷ chiến rời tổ quốc đến Cao Ly (Triều Tiên) cư trú. Ở Cao Ly, Lý Long Tường đã làm nên cơ nghiệp lớn: Xây đài Vọng quốc, mở trường dạy học, tổ chức xây dựng quân đội đánh thắng quân xâm lược Mông Cổ khi chúng sang xâm lược vùng đất này của Cao Ly, được Vua Cao Ly khen ngợi, phong làm tướng, lập cho một làng riêng, có đền thờ, lại ghi tặng 3 chữ: Hiếu tử Lý (nghĩa là làng con họ Lý có hiếu). Để rồi qua bao thăng trầm lịch sử, cuộc hội ngộ của những người con dòng họ, hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường xưa đã tìm lại chốn quê cha đất tổ nơi gấm vóc non sông Việt Nam.  

Lý Anh Tông ở ngôi 37 năm, là một trong những vị Vua nhà Lý có quãng thời gian trị vì đất nước dài nhất. Ngày 5/7 năm Ất Tỵ (1175), Vua qua đời ở điện Thuỵ Quang, thọ 40 tuổi, được táng ở Thọ lăng Thiên Đức quê nhà. Trong con mắt các sử gia và người đời, ngài mãi mãi là một vị Hoàng đế anh minh trong lịch sử dân tộc, là một tấm gương của người lãnh đạo quốc gia hết lòng vì xã tắc và biết trọng dụng nhân tài vì sự nghiệp chung của dân tộc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: Anh Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, việc của Đỗ Anh Vũ làm gì mà biết được, đến khi tuổi ngoại hai mươi, sai bọn Hiến Thành đem quân đi tuần nơi biên giới, lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh giảng võ, mưu lược đã thấy rõ. Thái tử Long Xưởng có tội thì phế đi mà lập Long Trát làm thái tử, cho ở Đông cung, để lòng người có chỗ gắn bó. Đến khi ốm nặng, hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà; lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao? 

(Bài viết có tham khảo một số nguồn từ các sách, báo, tạp chí và tư liệu trên Internet).

                                                                                                                                                                                                          LÊ THỤ ÂN