Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH VỚI TRUYỆN KIỀU
15:55 | 15/03/2022

 Dân ca Quan họ Bắc Ninh có rất nhiều chủ đề: Chủ đề về sông nước, chủ đề về hát chúc, hát thờ, hát cầu đảo... Nhưng liền chị Quan họ Nguyễn Thị Thơm ở khu Kim Đôi, phường Kim Chân, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là làng Tiến sỹ) chọn lựa chủ đề “Dân ca Quan họ Bắc Ninh với Truyện Kiều” bởi Truyện Kiều mà Đại thi hào Nguyễn Du viết ra làm lay động tâm trí hàng triệu người cả trong nước và trên thế giới. Ít có áng thơ nào được truyền tụng, thấm đậm tính nhân văn trong đời sống xã hội như Truyện Kiều. Nhiều loại hình nghệ thuật nảy sinh xung quanh Truyện Kiều: Tập Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều... Truyện Kiều đã được dịch ra 23 thứ tiếng với 20 bản dịch khác nhau. Trong các chuyến bang giao, nguyên thủ quốc gia hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai dân tộc. Tại các cuộc hội đàm Tổng thống Hoa Kỳ thường nhắc đến thơ Kiều (lẩy Kiều): “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” (Tổng thống Bill Clinton); “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén may giữa trời” (Phó Tống thống Joe Binden nay là Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ); “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” (Tổng thống Barack Obama). 

Truyện Kiều hấp thụ nhiều dân ca, các nghệ nhân Quan họ đã xem Truyện Kiều như là nguồn cảm hứng, làm chất liệu để sáng tác lời ca Quan họ. Với 59 bài ca mà liền chị Quan họ Nguyễn Thị Thơm sưu tầm và biên soạn trong cuốn “Dân ca Quan họ Bắc Ninh với Truyện Kiều” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2021 chắc hẳn chưa đầy đủ nhưng đã toát lên được cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Du viết Truyện Kiều là cảm hứng về thân phận con người, nhất là phụ nữ, những khát khao về cuộc sống, về tình yêu chân thật trong sáng và hướng tới tự do trong xã hội phong kiến đầy áp bức bất công .

“Buông cầm sốc áo vội ra,

Hương còn thơm nức người đà vắng tanh.

Lần theo tường gấm dạo quanh,

Trên đào nhác thấy một cành kim thoa”.

                                     (Cành kim thoa).

Người thiếu nữ ngày xưa khi đến tuổi lấy chồng “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong câu ca Quan họ “Cành kim thoa” Thúy Kiều chủ động gài trên đào một cành kim thoa tạo ra cái cớ được gặp gỡ, tỏ tình với Kim Trọng đã nói lên khát vọng tự do yêu đương vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến.

Với đầy đủ các giọng ca: Giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn được soạn thảo công phu sắp xếp từ thơ Kiều, thơ Quan họ và lời ca đến chú thích về từ ngữ, điển tích một cách rõ ràng, khoa học thể hiện nghệ thuật độc đáo về lối chơi của người Quan họ:

“Người vào chung gối loan phòng,

Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài”.

Từ hình ảnh người phụ nữ bị giày vò vùi dập về mặt tinh thần đến cùng cực, người Quan họ dựa vào tâm trạng này thay vào một chút từ ngữ để biểu lộ tình cảm nhớ nhung da diết khi Quan họ chia tay nhau:

Người về tựa chốn loan phòng

Em về tựa ngọn đèn chong canh chầy.

                                       (Trống rồng)

Trong câu ca “Một vùng cỏ áy bóng tà” miêu tả cảnh chị em Thúy Kiều đi tảo mộ trong tiết thanh minh tình cờ gặp mả Đạm Tiên: “Sè sè nấm đất bên đường/ Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Quan họ hát theo giọng (làn điệu) “Lỡ duyên Chức Nữ Ngưu Lang” cho thấy sự tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân Quan họ khi nói lên thân phận của những người phụ nữ nhan sắc, tài hoa bị xã hội phong kiến vùi dập: Đạm Tiên “Nổi danh tài sắc một thì”,“Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Hạnh Nguyên “Vì người quốc sắc họa mang tới mình”. Thúy Kiều “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” mà phải chịu cảnh: 

Biết bao bướm lả ong lơi, 

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm 

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Người Quan họ sử dụng những câu thơ Kiều làm lời ca Quan họ với nhiều điển cố, điển tích, làm hàm ý câu ca sâu xa, thâm thúy: “Liễu Chương Đài”; “Duyên kim lá thắm chỉ hồng”; “Đá biết tuổi vàng”; “Nguyệt lão giăng già”; “Tương phùng, tương ngộ”... Với lối hát đối đáp, người Quan họ thường chọn cả một đoạn thơ Kiều để sáng tạo ra một làn điệu Quan họ mới mà vẫn tạo lên sự hài hòa sinh động giữa câu hát dân gian với lời thơ bác học, chỉnh cả về đối giọng và đối thơ như câu hát:

“Sầu đong càng lắc càng đầy,

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Mây Tần khóa kín song the,

Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao

Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng

Buồng văn hơi giá như đồng,

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.

(Sầu đong càng lắc càng đầy)

Câu hát đối lại:

“Thương nhau xin nhớ lời nhau,

Năm chầy, cũng chẳng đi đâu mà chầy.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi .

 Vâng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”

          (Thương nhau xin nhớ lời nhau)

Các nghệ nhân Quan họ còn khéo léo kết nối những câu thơ Kiều khác nhau để tạo nên một làn điệu Quan họ mới mà vẫn ăn ý nhau cả về câu, ngôn ngữ thơ, kết cấu thơ: 

Dùng dằng nửa ở nửa về

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần

Bóng tà như giục cơn buồn,

Khách đà lên ngựa người còn nghé theo

Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Sông Tương một dải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.

                                      (Nửa ở nửa về)

Khi vận dụng thơ Kiều vào làn điệu Quan họ người Quan họ đã sáng tạo để phù hợp bối cảnh, tâm trạng lời ca: 

Khi về hỏi liễu Chương Đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay

                         (Gió mát giăng thanh)

 

Khi ca câu này các liền chị Quan họ phải hiểu rõ điển tích về “Liễu Chương Đài” để tránh cụm từ “Cành xuân đã bẻ” mà thay vào cụm từ “Cành xuân chớ bẻ” để giữ được nét đẹp của các liền chị Quan họ.

Hoặc khi Quan họ dùng một điển tích “Châu Trần” thay cho cụm từ “cưỡi rồng” trong câu thơ Kiều “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” thì câu ca Quan họ trở nên độc đáo, uyên thâm:

“Trai anh hùng gái thuyền quyên.

Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên Châu Trần”.

                                (Tứ hải giao tình)

Ngược lại nếu Quan họ thay cụm từ “Cánh sen chưa đặng giấc hòe” cho cụm từ “Tiếng sen sẽ động giấc hòe” trong câu thơ Kiều:

Sinh vừa tựa án thiu thiu,

Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.

Tiếng sen sẽ động giấc hòe,

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

                              (Gương rọi đầu cành)

“Tiếng sen” và “giấc hòe” là hai điển tích trong văn học cổ, nếu Quan họ hát thành “Cánh sen chưa đặng giấc hòe” là biến câu thơ trác tuyệt trong Truyện Kiều thành một câu thơ không rõ nghĩa, mất đi cái thâm thúy của lời ca Quan họ./.

 
                                                                                                                                                                                       TRẦN VĂN DƯƠNG