Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Cao Lỗ Vương - Bậc thiên tài quân sự trong buổi đầu dựng nước của dân tộc
10:54 | 22/07/2022

Cao Lỗ (277 - 179) - tên gọi khác là Cao Thông, là một vị tướng tài thời An Dương Vương. Ngài quê ở thôn Sỹ Lộ, trang Đại Than, tổng Vạn Ty, huyện Gia Định, phủ Thuận An, bộ Vũ Ninh, nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngài là người có sức vóc to lớn, phi phàm, giỏi võ vật. Nhân dân địa phương tôn vinh gọi ông là Đô Lỗ. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài gắn liền với sự hình thành và tồn tại của quốc gia Âu Lạc, vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Thời kỳ này quốc gia Âu Lạc hình thành trên cơ sở sáp nhập, thống nhất hai cư dân Âu Việt và Lạc Việt với nhau. 

Bản thần tích tại xã Vi Cương (Phú Thọ) chép khá rõ về các đời Vua Hùng. Về đời Vua Hùng Duệ Vương, chi thứ mười tám, bản thần tích cho biết Vua tên húy của ngài là Huệ Lang, ngài đã từng truyền ngôi cho con trai là Hùng Kính Vương, đời thứ 19, nhưng  Vua Hùng Kính Vương chỉ ở ngôi được 6 năm thì mất, nên Hùng Duệ Vương lại lên ngôi Vua lần thứ 2. Sau vì già yếu mới có ý truyền ngôi cho con rể là Nguyễn Tuấn (tức Sơn Tinh/ Tản Viên Sơn Thánh). Nghe thấy sự việc như vậy nên một viên tướng thuộc dòng dõi Hùng Vương tên là Phán (cũng mang họ Hùng, nhưng từ khi được sai sang cai trị miền đất phía Tây, sau này gọi là Ai Lao đã đổi thành họ Thục) không bằng lòng về việc Vua Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con rể bèn đem quân từ Ai Lao về tranh ngôi báu. Sau khi tranh được ngôi, Thục Phán lên ngôi Vua, đặt tên hiệu là An Dương Vương, và đặt tên nước là Âu Lạc. 

Khi Âu Việt xâm lược Văn Lang, phò mã Nguyễn Tuấn tử trận, Vua Hùng phải tự vẫn, Cao Lỗ bỏ vào rừng sống ẩn dật. Khi Thục Phán giết chết viên tướng Đồ Thư, đánh tan đại quân nhà Tần, Cao Lỗ mới cảm phục ra giúp Thục Phán, Thục Phán rất mến mộ tài năng của ông. Theo truyền thuyết khi xây thành Cổ Loa, Thục Phán An Dương Vương giao cho Cao Lỗ thiết kế việc xây thành, lại có rùa thần Kim Quy phù giúp. Thành xây dựng xong, thần Kim Quy hiện lên rút một chiếc móng trao cho nhà Vua, dặn rằng: “Nếu có giặc đến thì dùng cái móng này làm lẫy nỏ, bắn vào quân giặc thì không phải lo gì”. Vua lại sai Cao Lỗ làm nỏ, ông đã làm ra một loại nỏ, gọi là nỏ liên châu, chỉ cần bắn một phát mà phóng ra được hàng trăm mũi tên, các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn, Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. An Dương Vương thường đến “Ngự xa đài” xem binh sĩ diễn tập, dấu vết này ngày nay vẫn còn ở góc phía Đông Bắc thành Cổ Loa. Khi Triệu Đà sai quân sang xâm lược nước Âu Lạc, An Dương Vương giao toàn quyền cho Cao Lỗ chỉ huy quân đội chống giặc. Quân nhà Triệu tiến vào cướp thành, bị các tay nỏ của tướng Cao Lỗ bắn ra như mưa, xác chết đầy nơi chiến trận, số còn lại phải tháo chạy. Là người sáng chế ra nỏ liên châu, lại là người có tài bắn nỏ, nên Cao Lỗ được dân gian gọi là ông Nỏ. Nỏ thần của Cao Lỗ chế tạo ra là một kỳ công về kỹ thuật quân sự thời cổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngày nay dưới ánh sáng của khoa học, trong đó có sự đóng góp của bộ môn Khảo cổ học, người ta đã giải mã được khá nhiều vấn đề thuộc về huyền thoại của chiếc nỏ thần của Cao Lỗ (Lẫy nỏ và hàng nghìn mũi tên đồng đã được phát hiện ở di tích thành Cổ Loa).   

Sau này dân gian còn truyền tụng nhiều huyền thoại liên quan về ngài: Khi Cao Biền đi tuần thú về châu Vũ Ninh, đang đêm mộng thấy gặp một thần nhân to lớn, cài gậy đỏ ở đai lưng hiện lên nói rằng: “Tôi là Cao Lỗ, xưa giúp An Dương Vương làm đại tướng, lập công đánh giặc, về sau bị Lạc hầu gièm pha, bị Vua giết, thượng đế thấy tôi là người trung, phong cho làm Đô thống tướng quân, giữ một dải sông núi, mọi công việc dẹp giặc và công việc cày cấy, mùa màng đều giao cho tôi…” Cao Biền tỉnh dậy, liền làm bài thơ:

Mỹ hỷ Giao Châu địa

Du du vạn tảo lai

Cổ hiền năng đắc kiến

Chung bất phụ linh đài.

Dịch:

Đẹp thay đất Giao Châu

Dằng dặc dải muôn thâu

Người xưa nay được thấy

Hả tấm lòng bấy lâu.

Với công lao to lớn của Cao Lỗ, rất nhiều địa phương lập đền thờ ông. Đặc biệt tại làng Lớ - Thôn Đông Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã có ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương. Đây là di tích lịch sử văn hóa nhằm tôn vinh, nhớ ơn và tưởng niệm đến bậc thiên tài quân sự từ thời cổ đại của dân tộc ta. Đền được xây dựng từ lâu đời, thoạt tiên chỉ có vài gian thấp bé. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã có nhiều lần được trùng tu tôn tạo, đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vương vẫn giữ được dấu ấn kiến trúc và điêu khắc của hai thời Lê - Nguyễn. Vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, nhân dân ở các làng vùng Đại Than cùng thờ Cao Lỗ Vương gồm: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh phố và Mỹ Lộc lại tưng bừng mở lễ hội tưởng nhớ công lao của Cao Lỗ Vương, người đã góp nhiều tài trí sức lực để củng cố nền quốc phòng trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lễ hội diễn ra nhiều trò chơi độc đáo. Thôn Đại Trung có trò “múa mo múa mộc”, tượng trưng cho Cao tướng quân dàn quân đánh giặc. Thôn Tiểu Than có trò “múa bông đánh bệt” diễn lại tích Cao Lỗ Vương hy sinh khi chiến đấu, được mãnh hổ mang xác về quê hương để nhân dân biết mà đem mai táng, thờ phụng. Lại có trò “rồng rắn” diễn sự tích bà Đô Thị nằm mơ thấy rồng quấn quanh giường, sau đó bà mang thai sinh ra tướng Cao Lỗ. Cùng nhiều trò chơi khác như bơi chải, diễn lại nghề đóng thuyền... Đặc biệt nhất là trò đấu vật với sự tham gia của rất nhiều đô vật nổi tiếng trong vùng, bởi Đại Than là địa phương có truyền thống thượng võ, mà Cao Lỗ chính là một trong những đô vật nổi tiếng khắp vùng

Ngày nay được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh, ngôi đền thờ Cao Lỗ Vương đã xây dựng lại khang trang bề thế hơn xưa, gồm có những hạng mục: Nghi môn; Tả vu; Hữu vu; Tiền tế; Đại bái; Hậu cung... Tòa tiền tế xây 5 gian kiểu bình đầu bít đốc. Tòa đại bái xây 3 gian, ống muống nối gian giữa với hậu cung. Hậu cung 3 gian 2 dĩ. Tất cả hệ thống kiến trúc theo kiểu “Chồng giường giá chiêng” được làm bằng gỗ lim, chủ yếu bào trơn đóng bén. Hệ thống tượng thờ gồm 3 pho tượng thánh, 6 pho tượng hầu mang phong cách điêu khắc thời Lê và Nguyễn. Trong đền còn lưu giữ được 20 đạo sắc phong do các triều Vua ban tặng. trong đó sắc phong cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng 4 (1796), sắc phong muộn nhất niên đại Khải Định 9 (1924). Hệ thống hoành phi câu đối, ngai thờ, bài vị, siêu đao bát biểu, long đình, quán tẩy, đôi sấu đá… cùng nhiều đồ thờ tự khác cho thấy đây là những hiện vật chứng minh cho sự tồn tại lâu đời của ngôi đền và đó cũng là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của hai thời Lê - Nguyễn. 

Với những giá trị lịch sử văn hóa đó, đền thờ Cao Lỗ Vương tại làng Lớ, tức thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh Hà Bắc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1988. Đến năm 2005 được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đền thờ Cao Lỗ Vương đã trở thành một điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài./.

 
 
                                                                                                                                                                                                           ĐỖ HỮU BẢNG