Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Các di tích thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
16:19 | 28/04/2023

Bắc Ninh là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử, văn hiến và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích tôn thờ các danh nhân lịch sử và danh nhân văn hóa của dân tộc, trong đó phải kể đến các di tích thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu - một vị tướng tài có công phò Vua giúp nước dưới triều Lý như: cụm di tích Đình - đền Hòa Đình, phường Võ Cường; đình Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh; đình làng Đông Yên, xã Đông Phong; đình làng Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong. 

Di tích Đền Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI) thờ Đô thống Đại Vương Lê Phụng Hiểu và Thánh Cả, Thánh Hai - các vị thần có công với vương triều nhà Lý

1. Đền - Đình khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

Làng Hoà Đình còn gọi là Lồi Đình, 

tên nôm là làng Nhồi hay Lồi, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du, cuối thế kỷ XIX nhập vào huyện Võ Giàng. Tại địa phương còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, trong đó có cụm di tích đình - đền nằm ở phía Tây Nam của làng thờ Đô thống Đại Vương Lê Phụng Hiểu và Thánh Cả, Thánh Hai - các vị thần có công với vương triều nhà Lý trong việc dẹp “loạn tam vương” đưa Lý Thái Tông lên ngôi Vua và có công dẹp giặc Chiêm Thành giữ gìn bờ cõi non sông.  

Căn cứ vào nội dung văn bia “Sự tích bi ký” khắc năm 1880 và bia “Phả lục ba vị đại vương” khắc năm 1901 thì Đền Hòa Đình được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI). Trải trường kỳ lịch sử ngôi đình đã qua nhiều lần trùng tu tôn đạo. Năm 2016, đền Hòa Đình được dân làng trùng tu với quy mô rất lớn trên nền xưa đất cũ, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa 8,5 tỷ đồng. Ngôi Đền có kiến trúc kiểu chữ “Tam” gồm các tòa: Tiền tế, Thiêu hương, Hậu cung. Song hai tòa Thiêu hương và Hậu cung có diện tích nhỏ hơn Tiền tế, nên nhìn bên ngoài ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”. Đền được dựng bằng bộ khung gỗ lim, mái lợp ngói, đắp nổi trang trí các con giống thiêng (long, ly quy, phượng) tinh xảo nghệ thuật. Bên trái đền là các công trình phụ trợ như nhà bia, nhà khách, sân, tường, cổng; tường hoa bao quanh và cổng được xây dựng bằng đá, chạm khắc trang trí đẹp. Đền nằm liền kề với ngôi đình làng có quy mô to lớn và đằng sau là chùa làng tạo thành quần thể di tích bề thế, thâm nghiêm. Phía trước đền, đình là một hồ nước rộng được kè đá, xung quanh có hàng cây xanh tốt, cảnh quan thiên nhiên đẹp, yên ả, thanh bình.

Hiện cổ vật của đền bảo lưu được đến ngày nay là hai tấm bia đá “Sự tích bi ký”, “Phả lục tam vị thánh” nội dung ghi khắc thần phả, sắc phong, lịch sử ngôi đền, thành tích công trạng của người được thờ và nhiều thông tin khác về lịch sử, văn hoá, chính trị, xã hội của các triều Tiền Lê, Lý và các triều đại sau. Ngoài ra, còn có nhiều đồ thờ tự cổ có niên đại thời Lê - Nguyễn như: Chuông đồng, kiệu thờ, bành, hoành phi, câu đối, cuốn thư, 2 đỉnh đồng… Trong đó, chiếc bành gỗ trên ban thờ Hậu đường là một di vật cổ và hiếm vì các di tích thờ cúng thường làm ngai thờ, song ở đây lại làm bành. Chiếc bành được tạo tác như một chiếc hương án xung quanh chạm nổi rồng, phượng, mặt hổ phù và những hoa văn theo kiểu nghệ thuật điêu khắc thời Lê.  

Đình Hoà Đình vốn được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Năm 1949, thực hiện "tiêu thổ kháng chiến", ngôi đình bị phá dỡ. Đến năm 2003, dân làng đã xây dựng lại đình theo lối kiến trúc cổ truyền bằng chất liệu gỗ đá chịu lực. Toà Đại đình to lớn có kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 5 gian 2 chái với 4 góc đao cong, vì nóc kiểu con chồng giá chiêng. Gian giữa có bức cửa võng chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt”, “tứ quý” và sơn son thếp vàng góp phần làm tăng thêm vẻ lộng lẫy cho ngôi đình. Hiện đình còn bảo lưu tấm bia thần tích và một số đồ thờ tự chứa đựng những thông tin có giá trị lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán và tín ngưỡng của địa phương. 

2. Đình khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc, Tp Bắc Ninh.

Niềm Xá (còn có tên là Niệm Xá) trước cách mạg tháng Tám thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng. Đình làng Niềm Xá được xây dựng từ thời Nguyễn thờ Lê Phụng Hiểu, người có công giúp Vua Lý Thái Tông dẹp “loạn tam vương”, đánh giặc Chiêm Thành ở thế kỷ XI. Ông được triều đình nhà Lý phong tặng thực ấp ở đất Niềm Xá vì vậy được dân nơi đây thờ làm thành hoàng. Qua thời gian ngôi đình đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 2011, nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi đình trên một khu đất đẹp, bằng phẳng ở phía Tây Bắc làng theo phong cách truyền thống, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian 2 chái Tiền tế và 3 gian Hậu cung, bộ khung gỗ lim được bào trơn đóng bén.

Trong đình còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như: Bản thần tích bằng chữ Hán; 5 đạo sắc phong có niên đại 1880, 1886, 1890, 1909 và 1924; 5 bia đá khắc vào các năm 1880, 1855; 2 cột đá và nhiều đồ thờ tự bằng gỗ như hương án, cửa võng, hoàng phi, câu đối… đều được tạo tác từ thời Nguyễn; bức cuốn thư gỗ treo ở Hậu cung lòng khắc chữ Hán nội dung ca ngợi công lao của vị thành hoàng làng.

Hội đình tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Trong ngày chính hội có tổ chức rước kiệu Thần sang làng Hòa Đình (chạ anh) tế lễ giao lưu, sau đó rước về đình làng tế lễ và mở hội. Trong ngày hội ngoài các nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian có tục “Lao đòn đám”. Tục này được diễn ra như sau: Một đòn đao bằng gỗ dài 5m sơn son thếp vàng, hai đầu vẽ rồng, quanh năm được thờ ở đình. Sau khi lễ, một hồi chiêng trống nổi lên vừa dứt các trai đinh trong làng trang phục binh lính khiêng ông đám trên đòn chạy ra, chạy vào như lấy đà, vừa chạy vừa reo hò nhiều lần, sau đó lao ra ao trước cửa đình. Ông đám sẽ quay liệng trên mặt nước rồi đứng im, theo quan niệm nếu ông quay về hướng nào thì năm đó người dân ở hướng ấy sẽ được may mắn cả năm.  

3. Đình làng Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong

Đông Yên xưa gọi là Đông Khang thuộc tổng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Đình làng Đông Yên từ lâu đã nổi tiếng và lưu truyền trong dân gian:

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì đình Báng, vẻ vang đình Diềm

Ngôi đình cổ đệ nhất Kinh Bắc này đã bị phá huỷ hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp (1947). Người dân Đông Yên còn ngậm ngùi nuối tiếc và nhớ như in ngôi đình của làng mình với quy mô đồ sộ, kiến trúc, chạm khắc đẹp. Hiện nay tại khu vực đình còn lại những viên gạch rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI - XVII và cầu thang lên thượng cung bằng đá (nay ở Bảo tàng Bắc Ninh), những dấu ấn còn lại của ngôi đình xưa.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp còn đang ở giai đoạn quyết liệt, thì vào năm 1952 trên nền đình cũ, 3 gian đình mới được địa phương dựng lên để làm nơi thờ thành hoàng làng. Năm 1991, 3 gian 2 chái Tiền tế được xây dựng nối liền với 3 gian cũ tạo thành một toà có mặt bằng kiến trúc chữ Đinh, quay hướng Nam. Vật liệu kiến trúc đình bằng chất liệu truyền thống: Gỗ, gạch, ngói. Phía trước xây cột đồng trụ, bộ khung đình được bào trơn đóng bén.

Tài liệu hiện vật ở đình Đông Yên giá trị hơn cả là 13 đạo sắc phong thần: Sắc có niên đại sớm nhất vào năm 1783, muộn nhất vào năm 1924. Ngoài ra trong đình có cầu thang đá thời Lê dùng lên xuống thượng cung, hệ thống hoành phi, câu đối cổ lòng văn khắc chữ Hán nổi, hương án gỗ và các loại bình hương, lọ độc bình gốm, sứ đẹp… niên đại thời Nguyễn. Tại khu vực đình có một cây đề cổ thụ to lớn khoảng 400 - 500 tuổi. 

Căn cứ vào thần tích và sắc phong ở đình thì nhân vật thờ ở đây là Tướng công Lê Phụng Hiểu “Lê Đô Thống thượng đẳng thần” và Đức thánh mẫu “Trinh liệt Phương Dung hoàng thái hậu thượng đẳng thần” (Lê Tố Nương) - thời Lý. Lệ làng Đông Yên tổ chức vào ngày 25 tháng 9 âm lịch.  

4. Đình làng Nguyệt Cầu, xã Tam Giang, huyện Yên Phong

Nguyệt Cầu còn gọi theo tên Nôm là làng Bao xưa thuộc xã Vọng Nguyệt, tổng Nội Trà. Đình làng toạ lạc trên khu đất cao thuộc trung tâm xã Tam Giang. Căn cứ vào đặc điểm kiến trúc hiện tại thì đình làng Nguyệt Cầu được xây dựng vào thời Nguyễn.

Đình có bình đồ kiến trúc chữ Đinh hướng chếch Đông Bắc, toà Tiến tế đình 3 gian 2 chái và Hậu cung 1 gian. Mái kết cấu kiểu 4 mái, mỗi góc mái một đầu đao cong, vì kèo theo kiểu giá chiêng, con chồng, kẻ trường, trên cốn, đầu dư chạm rồng, mây. Đặc biệt trên diềm cửa cấm được chạm trổ trang trí khá kỳ công hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”, mây lưỡi mác và các con vật linh theo thể đăng đối. Các cấu kiện gỗ to mập, cột cái chu vi 1,32m.

Nét độc đáo ở đình Nguyệt Cầu là có một chiếc nhang án cổ cao tới gần 2m, dài gần 4m gắn liền với cung cấm. Có thể nói đây là một bức tranh nghệ thuật hoành tráng, chạm trổ 3 mặt các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”.

Đình còn lưu giữ 6 đạo sắc phong thần của các đời Vua triều Nguyễn phong tặng cho vị Thành hoàng được tôn thờ ở đình là tướng công Lê Phụng Hiểu - một nhân vật lịch sử ở thời Lý, có công giúp Vua đánh giặc Chiêm Thành, lại giúp Vua dẹp loạn Tam Vương giữ vững ngôi Vua, được phong thác đao điền (ném đao đến đâu cấp đất đến đó). Các sắc phong có niên đại Tự Đức (1853, 1857, 1880), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Hiện tại trong cung cấm đình có ngai thờ, bài vị, tượng thờ. Bên cạnh cũng đặt một ngai và tượng tương tự. Theo các bậc cao niên ở địa phương thì đây là người bạn đã cùng Tướng Công bàn mưu tính kế giúp Vua (theo tư liệu Bảo tàng thì đình Nguyệt Cầu còn thờ một vị thiên thần là Đống Báng). Lễ hội chính làng Nguyệt Cầu tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm.  

Lê Phụng Hiểu là một vị tướng có tài phò Vua giúp nước nên sau khi mất được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm thành hoàng làng, trong đó có một số làng xã của tỉnh Bắc Ninh. Hàng năm, các di tích thờ Lê Phụng Hiểu đều tổ chức lễ hội với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian, trong đó có nghi thức “lao đòn đám” và tục thi vật để tưởng nhớ đến Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu được người dân các làng xã hết sức quan tâm, góp phần tạo nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.

                                                                                                                                                                                                         PHAN THỊ AN NGỌC