Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CON TRÂU TRONG ĐỜI SỐNG NGHỆ THUẬT DÂN GIAN XỨ BẮC
11:01 | 25/01/2021

Theo lịch can chi, chu kỳ giáp khép kín với 12 con vật, bắt đầu từ con chuột (Tý), thứ 2 là con trâu (Sửu). Giờ Sửu từ 1 đến 3 giờ đêm là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, nhưng con trâu lại thức, lặng lẽ nhai lại. Tháng Sửu là tháng Chạp, “trâu ra mạ vào” để rồi cả xã hội hân hoan đón Tết.

Trong 12 con vật thời gian, trâu là con vật to nhất và cũng là con vật khoẻ nhất, người mang tuổi trâu thì dù sinh vào ngày tháng nào, cũng thường được may mắn. Trâu là con vật sớm được thuần hoá, gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Người nông dân coi như bạn điền một nắng hai sương, đồng cam cộng khổ với mình, “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là biểu thị tài sản của người nông dân, “Làm ruộng không trâu, làm giàu không vốn”. Mơ ước lớn nhất của nông dân là có “Ruộng sâu, trâu nái”, họ khuyên nhau “Muốn giàu thì nuôi trâu nái” và “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” được coi là 3 việc lớn. Xưa kia, tài sản quý giá nhất của phú ông là “chín đụn, mười  trâu” hay “3 bò, chín trâu”.  Về lẽ sống Nhân dân ta cũng nghĩ: “Trâu chết để da, người chết để tiếng”.

Trâu kéo cày, kéo xe, kéo gỗ, kéo trục ép mía, kéo guồng nước, trâu vừa làm phương tiện vận chuyển vừa làm hỏa công chống giặc ngoại xâm, trâu còn mua vui cho làng xã bằng những cuộc “chọi trâu”, trâu chết nhưng vẫn có ích cho người, da trâu dùng làm mặt trống, sừng trâu làm tù và tạo nên những âm thanh sôi động, thánh thót. Người nông dân chăm sóc con trâu như chăm sóc người thân trong gia đình, cho ăn uống đầy đủ, mùa hè tắm cọ sạch sẽ, mùa đông che chắn gió lùa, những ngày giá rét đốt “đống giấm” sưởi ấm và may “áo” cho trâu, cho ăn cháo, uống nước nóng pha muối, mừng đón xuân mới cũng cho trâu được nghỉ ngơi, hưởng thụ hương vị ngày tết như bánh trưng, dò lụa… Bốn mươi năm trước, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5/1969), Hợp tác xãc Măng non thôn Phú Mẫn (nay thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) do chăm sóc tốt đàn trâu bò, được Bác Hồ gửi thư khen.

Trong cảm thức luân hồi dân Việt còn tô vẽ lý lịch của người “bạn điền” một nắng hai sương bằng câu chuyện kể rằng: Tiền kiếp của trâu vốn là một vị bồ tát (!). Hồi đó, đã lâu lắm rồi, hạ giới kêu la vì đói. Thượng đế sai một vị bồ tát đem hai túi hạt xuống cho người: 1 túi đựng 5 loại hạt là nếp, tẻ, ngô, mì, cao lương, một túi đựng hạt cỏ, và căn dặn gieo ngũ cốc trước, hạt cỏ sau. Nhưng vị sư lại đãng trí, làm ngược lại. Thế là cỏ tranh  sinh sống với lúa, nên dân đói vẫn hoàn đói. Thượng đế bèn sai sứ giáng trần thị sát tình hình; hóa ra là vị sư đã làm sai lời dặn của Thiên Đình. Thượng đế bèn hoá kiếp vị sư thành trâu và buộc phải gặm hết cỏ dưới trần gian. Từ đấy trâu ta chỉ ăn cỏ, và ăn rất nhẫn nại đến trong mơ vẫn phải nhai hoài!

Trong "Lĩnh Nam Chích quái" kể về một huyền tích thần thoại: Ở vùng đầm lầy chân núi Tiên Du (Bắc Ninh) có con trâu vàng náu mình. Một pháp sư dùng gậy (tích trượng) yểm trên trán trâu. Trâu vùng vằng lồng chạy xuống phía Nam, quần nát cả một vùng Khoái Châu lầy lội, vùng ấy sau gọi là Vũng trâu đằm. Chưa hết cơn giận dữ, trâu lại bơi qua sông Cái rồi chạy ngược lên phía Bắc, đường do vết chân trâu dẫm lún thành sông Kim Ngưu. Rồi trâu chạy vòng vo làm sụt cả một vùng thành đầm hồ và ẩn kín dưới nơi ấy, đó là hồ Trâu Vàng. Tương truyền nhà ai sinh được mười trai thì 10 chàng trai đó sẽ kéo được Trâu vàng lên mà hưởng phúc. Nhưng từ đó đến nay, chẳng nhà ai đủ mười trai...

 Trâu đã gắn bó với người nông dân từ bao đời nay, vì vậy hình ảnh con trâu đã được khắc họa đậm nét trong nghệ thuật dân gian, nhất là vùng Kinh Bắc. Trâu có mặt trên đồng tiền giấy Đông Dương thời Pháp đô hộ, văn học hiện đại Việt Nam đã có hai cuốn tiểu thuyết của Trần Tiêu và Nguyễn Văn Bổng viết về “con trâu”. Tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu là tượng trâu to bằng con nghé (dài 102cm, ở thế nằm cao 88cm), có thể từ thời Bắc thuộc, được tạc theo khối mảng lớn của ngôn ngữ điêu khắc, tuy còn thô phác song thực thà đến thuần khiết. Đến thời Lý, đất nước độc lập và thống nhất vững vàng, đạo phật trở thành quốc giáo, ở chùa Phật tích (Tiên Du) dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng con trâu thật, được tạo trên đài sen ở sân trước chùa, mảng khối căng mập, sống động biểu hiện nét đẹp cổ điển mẫu mực. Đặc biệt vào thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh của nghệ thuật làng xã với các đình, chùa, thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp (Thuận Thành) dựng năm 1647, lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm có hơn 50 hình con trâu chạm nổi. Ở bức này con trâu nằm thảnh thơi gác đầu lên lưng, sang bức khác con trâu quỳ xuống những xoáy nhỏ dữ dội, quay đầu về nhìn mặt trời. Con nào cũng được chạm rất nuột. Chiếc khánh đá chùa Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) tạc năm 1672, ở diềm dưới cả hai mặt đều có hình trâu.

Đặc biệt là tranh Đông Hồ, một dòng tranh Tết khá đậm nét về hình ảnh con trâu. Trong tranh tết Đông Hồ con trâu ngoài việc làm nhân vật phụ ở một số tranh truyện như “Cờ lau tập trận”, “Công việc nhà nông”, “Nghỉ ngơi sau buổi cầy”... thì còn là đồng nhân vật chính trong 2 tờ tranh có hình em bé chăn trâu. Hai tờ tranh khá quen thuộc với mọi gia đình. Ngày xưa, mỗi khi Tết đến, xuân về hầu như không có nhà nào là không có tranh Đông Hồ treo, nhất là 2 tờ có hình em bé chăn trâu.

Thú chơi tranh Tết thường treo 2 tờ tranh đăng đối, một bên là tranh em bé chăn trâu thả diều, với dòng chữ “Nhất dương phúc lộc điền”, một bên tranh đối lại là em bé chăn trâu thổi sáo, với dòng chữ “Hà diệp cái thanh thanh”. Các nghệ nhân xưa thường lấy các chữ đó làm tên tranh. Ở tờ tranh “Nhất dương phúc lộc điền”, con trâu đang bước chậm rãi đầu quay lại một bên nhìn chính diện, hai mắt sáng, cặp sừng vểnh lên như vầng trăng non, em bé rải chiếu trên lưng trâu giắt theo mấy cành hoa cúc, mình trần đóng khố nằm ngửa nhìn trời, tay phải giữ chặt dây của chiếc diều no gió căng phồng bay cao phía trên đầu, gợi cho người xem liên tưởng đến một cái lọng, bụng (chữ Hán Việt là phúc) căng tròn no nê, thể hiện mong ước của người nông dân về một cuộc sống thanh bình, căng đầy phúc lộc. Ở tờ tranh “Hà diệp cái thanh thanh” con trâu đi rất nhẹ, ngẩng cao đầu, cặp sừng xoay quanh, đôi tai nghe ngóng, trên lưng trâu chở bó sen có cả hoa và nụ, có cả lá già xoè rộng và lá non phong cuộn, nhích về phía mông trâu là em bé mình trần đóng khố, ngồi xếp bằng vắt vẻo để đuôi khố xoè rộng ra như tấm đệm hoa, toàn thân nhìn về chính diện, hơi nghiêng về bên phải, hai tay nâng cao sáo trúc đưa về bên trái, một chiếc lá sen xoè to được dựng lên làm chiếc lọng xanh che đầu. Người xem như được nghe cả tiếng sáo thánh thót mà con trâu là một khán giả chăm chú, thể hiện ước vọng của người nông dân về một cuộc sống giàu sang, phú quý. Cả 2 tờ tranh, phản ảnh ước vọng của người nông dân về cuộc sống no đủ, thanh bình, gắn liền với hình ảnh con trâu hiền lành, cần cù, nhẫn nại, quen thuộc và gần gũi .

Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vai trò của con trâu trong việc giải quyết sức kéo trên đồng ruộng đã giảm bớt, nhưng con trâu vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm (thịt, sữa) quan trọng, là nguyên liệu trong nghề làm trống, là “bạn đường” thân thiện trong các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và sẽ mãi mãi là con vật thiêng liêng trong tâm thức người Việt./.

                                                                                                                                                                                                                                       HỒNG MINH