Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

CHỮ VÀ NHÂN CÁCH
10:05 | 14/06/2021

Tỉnh Bắc Ninh tái lập. Tạp chí Người Kinh Bắc chuẩn bị ra số đầu. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phan Thư cử hội viên, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn đi xin chữ. Đó là chữ của đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, khi đó đang giữ chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Thìn lĩnh ý đi ngay. Vừa ngồi lên xe đạp, Phan Thư còn chạy ra, tay nắm cái ghi đông:

- Anh ra nói để cụ Đạo giúp cho. Tạp chí Người Kinh Bắc số này là số đầu, số ra mắt, quan trọng lắm. Chỉ có anh mới làm được việc này.

Nguyễn Đức Thìn hiểu Phan Thư muốn nói tới quan hệ của ông với đồng chí Lê Quang Đạo. Trong gia tộc Nguyễn Đức ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, cụ thân sinh ông Thìn là bác ruột Lê Quang Đạo. Theo bề bậc gia đình, ông Thìn là quyền anh. Kém 19 tuổi vẫn là anh. Bé, nhưng con ông bác. Khi ông Đạo thoát ly đi làm cách mạng, ông Thìn mới sinh ra; lớn lên thì ông em đã ở chiến trường. Mấy chục năm chiến trường, hết chống Pháp rồi chống Mỹ. Chiến trường đã lấy đi của ông Đạo hết một thời trai trẻ. Khi trở về tóc đã hoa râm. Nhưng đó là những năm tháng oanh liệt nhất của đời ông. Rồi chiến tranh cũng qua đi, đất nước được hòa bình thống nhất, ông Đạo được tín nhiệm giữ những trọng trách cao của Đảng và Nhà nước. Giữ trọng trách lớn, gánh trách nhiệm quốc gia nặng nề, công việc bận rộn trăm bề, nên thời gian ông ở quê không nhiều. Nhưng khi có thời gian rảnh rỗi ông lại tranh thủ về thăm quê. Mọi người dân ở quê hương đều quý mến ông, nhớ mãi con người có tác phong giản dị, chân thành, dễ mến và gần gũi. Mỗi lần ông về thăm nhà, thăm quê là trong nhà lại đầy ắp tiếng cười vui của những người hàng xóm, của những người thân trong họ ngoài làng. Mỗi khi về quê, ông đỗ xe từ xa, đi bộ về làng, như bao người dân bình thường khác. Tình cảm của ông đối với dân làng thật gần gũi, giản dị và đằm thắm. Ông thăm hỏi các cụ già, hỏi han các cháu. Ông nói chuyện với mọi người, vẫn giọng nói sôi nổi, thuyết phục và nụ cười truyền cảm. Ông mong muốn quê nhà xứng đáng chữ “Lý nhân vi mỹ” mà ông cha xưa đã khắc ở cổng làng: Người làng họ Lý phải sống đẹp. Ông nhắc nhở, động viên Đảng bộ và Nhân dân trong xã đoàn kết thực hiện lời Bác Hồ nói với Nhân dân Đình Bảng tại Đền Đô ngày 13/9/1945: “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng kiểu mẫu”. Mọi người nghe ông và làm theo ông.

Quốc hội khóa X (1997 - 2002), ông được cử tri Bắc Ninh bầu làm đại biểu Quốc hội, với số phiếu tín nhiệm rất cao. Là đại biểu Quốc hội, những kỳ tiếp xúc cử tri hầu như ông không bao giờ vắng mặt. Đi cơ sở tiếp xúc cử tri, ông chú ý lắng nghe ý kiến của họ, vừa nghe vừa ghi chép. Có vấn đề gì chưa rõ, ông hỏi lại hoặc đề nghị nói rõ hơn. Kết thúc đợt tiếp xúc, ông tổng hợp các ý kiến và bố trí thời gian làm việc với lãnh đạo địa phương, chuyển cho địa phương giải quyết những việc thuộc thẩm quyền. Các nội dung đã chuyển cho cơ quan chức năng, ông đều yêu cầu báo cáo lại kết quả giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri. 

Nguyễn Đức Thìn lên xe đạp ngay ra Hà Nội. Tới nhà lúc đã gần trưa. Phu nhân ông Đạo, bà Nguyệt Tú cho biết ông không có nhà. Ông Thìn ngồi đợi bồn chồn trong phòng khách. Quá trưa thì ông Đạo về. Ông Thìn mừng ra mặt. Bà Nguyệt Tú ra đón cặp cho chồng, giục ông thay đồ, nghỉ ngơi và dùng bữa. Ông Thìn đâm ngại. Tuổi ngót tám mươi, ông Đạo vẫn còn làm việc. Vừa về, có tý thời gian để nghỉ trưa. Khách khứa thế này, phiền quá. Ở nhà các bố nghĩ ngon ăn, tưởng cứ giao việc là xong. Ra ngoài nhiều cái không như mình nghĩ. Người trực tiếp đi làm mới khó. Không lẽ lại thôi. Nhưng việc đến nơi rồi… May quá, ông Đạo nói với bà Nguyệt Tú:

- Em chờ anh một chút. Anh Thìn ra chắc có việc.

Ông Thìn nói mục đích chuyến đi. Ông Đạo bảo vợ đưa giấy bút. Bà Nguyệt Tú nhắc chồng:

- Anh đi ăn, kẻo cả nhà đợi - Quay sang ông Thìn, bà nói: - Mọi hôm nhà em ăn ở cơ quan. Hôm nay có anh ra, mới về ăn trưa đấy ạ!

- Anh làm cho xong, kẻo anh Thìn chờ mất buổi.

Ông Đạo rút tờ giấy ra, ngồi viết. Viết xong câu mở đầu, thì ông dừng bút và suy ngẫm. Người ta bảo ông Đạo chữ nghĩa cẩn thận lắm, quả không sai. 20 phút sau, ông Đạo đưa Nguyễn Đức Thìn tờ giấy. Nhận được chữ của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, ông Phan Thư mừng như được của. Nguyễn Đức Thìn cười: 

- Ông Đạo tình cảm lắm. Giúp được quê cái gì là ông sẵn sàng. Cái khó là có gặp được ông không thôi.

Đợi Phan Thư đọc xong, Nguyễn Đức Thìn nói tiếp:

- Ông Đạo chu đáo lắm. Gánh trên vai việc đại sự quốc gia, nhưng ông cũng không quên việc làng, việc quê, dù là nhỏ. Nên những việc ông làm, làng không quên. Dù to, dù nhỏ cũng không quên.

- Tôi có nghe việc xây dựng lại Đền Đô, cụ có cho ý kiến...

- Nói đến việc dựng lại Đền Đô thì địa phương đây còn nhớ mãi. 

Nhân chuẩn bị kỷ niệm 990 năm tiến tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, uống nước nhớ nguồn, làng Đình Bảng có kế hoạch xây dựng lại Đền Đô. Hương Cổ Pháp xưa (nay là phường Đình Bảng), có Đền Đô được xây dựng từ lâu đời, rất uy nghiêm, thờ 8 vị Vua triều Lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm Đền Đô, thăm Đình Bảng. Nói chuyện với Nhân dân Đình Bảng ở Đền Đô, Bác căn dặn: “Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu”. Trong chiến tranh chống Pháp, năm 1952, Đền Đô bị phá hủy hoàn toàn. Ngày 19 tháng 5 năm 1989, địa phương mời ông Lê Quang Đạo về quê dự hội nghị bàn việc xây dựng lại Đền Đô. Do bận công việc ở Trung ương, ông đã gửi dân làng lá thư chứa chan tình cảm và cả trách nhiệm của một người con quê hương Đình Bảng. Lá thư đó, dân làng ai cũng đọc và rất cảm động vì tình cảm và sự chu đáo của ông:   

“Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1989.

Kính gửi: Đảng ủy, UBND xã Đình Bảng,

Các cụ, các đồng chí và bà con trong xã.

Tôi rất tiếc vì mắc bận công việc của Quốc hội nên không về dự họp được với các cụ để bàn việc xây dựng lại Đền Đô, thờ Lý Bát đế.

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh quyết tâm của các cụ và Nhân dân toàn xã nhà xây dựng lại Đền Đô, một công trình văn hóa lớn của cả nước để tỏ lòng biết ơn của con cháu và toàn dân ta đối với Nhà Lý, một triều đại rất vẻ vang đã có công lao lớn xây dựng và bảo vệ nước Đại Việt ta, xây dựng thủ đô Thăng Long - Hà Nội ta. 

Tôi sẽ xin cố gắng theo khả năng của mình đóng góp phần nhỏ bé vào công việc to lớn và quan trọng này.

Xin các cụ và các đồng chí thứ lỗi cho tôi đã không về dự họp được với các cụ.

Xin chúc việc xây dựng lại Đền Đô thành công mỹ mãn.

Xin chúc sức khỏe các cụ, các đồng chí và tất cả bà con trong xã.

Lê Quang Đạo.”

Thật chí tình, chí nghĩa và sâu sắc.

Đúng như thư viết, ông rất quan tâm tới việc xây dựng lại Đền Đô. Do đó, Đền Đô đã được sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự công đức của khách thập phương. Trên nền cũ, Đền Đô đã được xây dựng lại uy nghiêm như xưa, kịp mừng đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xứng đáng là nơi tôn thờ của Nhân dân cả nước nhằm tri ân công đức của các đức Vua nhà Lý. Hàng năm, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quê hương Bắc Ninh và các tỉnh, thành trong cả nước, cùng khách thập phương đã về đây thành kính dâng hương lên các tiên đế và trồng cây lưu niệm. Nay ở Đền Đô cây trồng đã thành rừng. Cây muỗm đồng chí Lê Quang Đạo trồng trong sân đền từ ngày khởi công giờ đã thành đại thụ.

Hàng năm, mở hội Đền Đô. Lễ hội truyền thống Đền Đô có từ lâu đời và trở thành phong tục được Nhân dân lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, Đền Đô và lễ hội Đền Đô như biểu tượng, như tiếng vọng cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân quý và gìn giữ tinh hoa mà cha ông đã bao đời xây đắp.

Phan Thư gật gù:

- Tuệ nhãn bao trùm, nhưng không quên cả việc nhỏ, người quê, thiết nghĩ chỉ có ở người có nhân cách lớn. Tạp chí “Người Kinh Bắc” số mở hàng lại có được chữ của cụ, thật quý quá./.

                                                                                                                                                                                                                         LÊ KHANH