Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CHỮ TRONG TRANH ĐÔNG HỒ
15:52 | 23/09/2021

Hội hoạ cổ phương Đông, ngoài đường nét, màu sắc, còn có cả chữ - hơn thế nữa còn có loại “tranh” chỉ có chữ, gọi là “tự hoạ”, lối vẽ tranh này gọi là “thư pháp”. Chữ giúp người xem hiểu ý đồ của tác giả hơn, chữ bổ sung thêm thông tin cho bức tranh, chữ là những lời bình luận về bức tranh, những lời chúc tụng cho chủ nhân bức tranh... Chữ trong tranh có thể là thơ, là câu đối, tục ngữ, phương ngôn, hay có thể chỉ là một câu nói thường ngày nhưng ý nghĩa lại rất rộng, rất sâu.           

Thưởng ngoạn tranh Đông Hồ với phần họa, bạn đã thấy tâm hồn mình được trở về với nghệ thuật dân gian... Phần chữ trong tranh sẽ giúp bạn thức dậy những cảm xúc mới thú vị.

Chữ trong tranh Đông Hồ chủ yếu là chữ Hán và chữ Nôm. Từ những năm đầu của thế kỉ XX một số nghệ nhân mới đưa chữ quốc ngữ vào tranh. Chữ Nôm là thứ chữ khó đọc. Những bản khắc truyền từ đời này sang đời khác, phần dễ bị tổn thương nhất (bị mòn, bị sứt mẻ) là phần chữ. Đọc được hết chữ trên tranh Đông Hồ là việc không dễ dàng. Nhờ được hầu chuyện các lão nghệ nhân, xin chia sẻ cùng các bạn yêu tranh Đông Hồ những điều lí thú từ những dòng chữ trên tranh và cả những bài thơ xung quanh các bức tranh. Tranh Đông Hồ thì hầu như đều có chữ, vì khuôn khổ của bài viết nên tôi chỉ xin trích ra một số bức tranh tiêu biểu. Để tiện cho bạn đọc theo dõi tôi tạm phân thành hai mảng: Tranh về tín ngưỡng (Có một số tác giả gọi loại tranh này là “Tranh chúc phúc”) và Tranh về cuộc sống đời thường.     

Tranh về tín ngưỡng:

Tranh tiến tài, tiến lộc: Trên mỗi tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư - tượng trưng cho việc học hành, tay kia nâng biểu tượng thần quyền. Tranh tiến tài có chữ “Tài hằng nguyên chí” (của như nước nguồn), tranh tiến lộc có chữ “Lộc vị cao thăng” (lộc ngày càng tăng). Đó chính là mong ước của người nông dân thuở trước, họ dán hai bức tranh này ở hai cửa buồng (kiểu nhà năm gian hoặc ba gian hai trái thời xưa) với hy vọng thần tài phù trợ. 

Tranh thổ công, táo quân: Phía trên, một bên là hai ông bà thổ công với chữ: “Thổ công vị, thổ công hằng trợ, trạch chủ bình an”, bên kia là ba ông bà táo quân với chữ “Táo quân vị, nhật hưởng vinh hoa, niên tăng phú quý”. Phía dưới là cảnh thanh bình, no ấm của nhà nông.

Tranh ông tơ, bà nguyệt: Các cụ kể lại, ngày xưa nhà nào có con 10 tuổi mà chưa dựng vợ, gả chồng thì tết đến chơi đôi tranh này. Trên tranh có ông tơ cưỡi rồng, bà nguyệt cưỡi phượng đang xe tơ kết tóc cho đôi trai gái. Bên cạnh có đôi câu đối: “Ông tơ xe chỉ thắm; bà nguyệt kết dải đào”. 

Tranh về cuộc sống đời thường:

Gà đại cát nghinh xuân (đón xuân tốt lành): hai con gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày của mọi người nông dân. Chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh - tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân - đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới. 

  Gà dạ xướng, nhật minh: một chú gà trống đứng co một chân (kim kê độc lập - tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã  được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “Dạ xướng ngũ canh hòa” (đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “nhật minh tam tác thụy” (ngày mang tới ba điều lành). 

Kê cúc (gà trống bên cây cúc): chú gà trống hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy - mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. 

Gà thư hùng: Nghệ nhân Hiền Năng  kể lại, năm ấy (khoảng 1915) cụ chánh Hoàn gả con gái cho anh phán Vinh, cụ Đám Giác (tên thật là Nguyễn Thể Thức 1880 -1943) đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới, gà thư hùng: Một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. Trên tranh có dòng chữ nôm “Lắm con nhiều cháu, mượt cánh dài lông; No vợ đủ chồng, có sừng có mỏ” - một lời chúc sử dụng toàn phương ngôn, thật sâu sắc, thú vị. Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. Gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế làm chủ gia đình,  che trở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc, đầm ấm trong một gia đình.       

Con trâu - “là đầu cơ nghiệp của nhà nông”, cũng được các nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết. Tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ: “Hà diệp cái thanh thanh” (lọng lá sen xanh xanh). Một tàu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Xưa có câu “đàn gảy tai trâu” - rõ ràng là không đúng với trường hợp này. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo,  tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cũng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình... Tranh cưỡi trâu thả diều có chữ: “Vũ thu phong nhất tướng” (một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm trên lưng trâu  thả diều... rất thi vị. Nhưng... sao có thể nằm ngửa trên lưng trâu? Và diều là một chiếc nón? 

 Con trâu ở đây chia sẻ niềm vui với chủ nhân của nó một cách khác -  nó “múa”. Các hoạ sỹ hiện đại, những người không thích tuân thủ các quy tắc của hội hoạ cổ điển, những người không vẽ “cái nhìn thấy bằng mắt”,  kể cả những hoạ sỹ “sắp đặt” (instalation) - có lẽ trong giấc mơ cũng chẳng thấy mình nằm trên lưng trâu, chiếc nón  biến thành chiếc diều bồng bềnh trong không gian! Trí tưởng tượng của ông cha mình thật kỳ diệu. Đôi tranh này đã thể hiện “ba trong một”: thơ - nhạc - hoạ. Bức tranh thả diều còn có hai dị bản khác, một bức có chữ “Vũ thu phong nhất dực” (gió thu múa, một cánh) bức kia có chữ “Nhất tương phúc lộc điền” (một hạnh phúc của nhà nông) - cũng thú vị không kém. 

Cũng về con trâu, còn có bức em bé chăn trâu (nghé) với chữ “Như quải giác” (gác lên sừng), trên cuốn sách của cậu bé còn có chữ: “Hoành ngưu bối; Tín khẩu suy” nghĩa là: Sách để ngang lưng trâu.  Miệng huyết sáo học bài. Bức tranh nói lên tính hiếu học của trẻ em nông thôn.

Có tác giả còn đưa được ước vọng lớn của cả nhân loại lên tranh, đó là bức vẽ hai con công đang múa, một bên có chữ “Thiên hạ thái bình”, bên kia là “Quốc gia thịnh trị”. 

Đề tài em bé và các con vật có rất nhiều tranh. Đôi tranh em bé ôm gà, ôm ngan: nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, rạng rỡ của các em bé và con gà, con ngan béo mập - người xem đã hình dung ra cảnh được mùa, thóc đầy bồ, gà đầy sân của nhà nông, mong tăng thêm hạnh phúc cho họ, tác giả đề chữ: Vinh hoa, phú quý. Bé trai ôm con gà, bên cạnh là những bông cúc (kê - cúc) - ước nguyện một tương lai vinh hiển sẽ đến; bé gái ôm vịt, bên những bông hoa sen (liên - áp) - tượng trưng sự trong trắng, thanh cao. Tranh em bé cầm quả phật thủ, quả đào có chữ “Chiêu tài tấn bảo, tích ngọc đôi kim”; em bé ôm cóc, ôm rùa, có chữ “Nhân nghĩa, lễ trí”. Cũng về các em bé, đôi tranh sau đây có lẽ còn ít bạn đọc biết tới: Một bé gái không mặc quần áo, ôm quả bưởi, ngồi trong chiếc thúng - rất kín đáo! Một bé trai mặc yếm, ngồi trên tàu lá - hở hang quá.

Còn đây là đôi câu đối trên tranh: “Chị cả vẫn vốn giầu - anh chiêu dòng thế đại”. Bạn hãy đọc kiểu Trạng Quỳnh đi! Đôi tranh này có dị bản khác, ghi dòng chữ: “Trai tài ôm cóc tía, gái sắc bế cầu xanh”. (Tranh này in nét rồi tô màu phẩm, ra đời vào thời kỳ nước ta thuộc Pháp).

Một đôi tranh thuộc dạng kinh điển của Đông Hồ có đề tài về cuộc sống thường nhật, đó là tranh Hứng dừa và Đánh ghen. Chàng ở trên cây, đưa xuống hai trái dừa; nàng đứng dưới, nâng váy lên hứng (thử hình dung hai quả dừa thật mà rơi vào cái váy kia thì điều gì sẽ xảy ra?). Trên tranh có câu thơ nôm: 

Khen ai khéo dựng nên dừa

Đấy trèo, đây hứng cho vừa một đôi.

Đây hẳn là lời người vợ, “đấy trèo”, “đây hứng” - một gia đình thật hạnh phúc. Theo triết lý âm dương, trong âm có dương, trong dương có âm, trong may có rủi, trong rủi có may, trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ... Ta hãy xem vế kia. Tranh hứng dừa êm đềm bao nhiêu thì tranh đánh ghen sôi động bấy nhiêu. Bà vợ cả đã nóng máu, “lành làm gáo, vỡ làm môi”, quyết định cắt tóc dì hai. Bà hai thật trơ chẽn, trong tình trạng trần trụi, nép vào chồng nhưng lại dơ nắm tóc ra thách thức. Ông chồng can ngăn:

Thôi thôi vuốt giận làm lành

Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta.

Miệng nói thế nhưng ông này tay vẫn đang nắn “oản bụt” (Trạng Quỳnh cũng xin thua các nghệ nhân Đông Hồ). Tuy nhiên, lời can ngăn của ông chồng cũng khéo, ta có thể hy vọng ngày mai, bà cả, bà hai cùng nâng váy hứng dừa.

Về sau, vẫn đề tài  này, cụ Đám Giác vẽ đôi tranh mới: Tranh Hứng dừa có tới hai đôi vợ chồng. Dòng chữ “Trong như ngọc, trắng như ngà” có lẽ ám chỉ... dừa? Trong tranh đánh ghen mới, ông chồng để râu ria trông hơi già nhưng lại có vẻ rất “phong độ”. Trên tranh có dòng chữ  “Nhân lão như tâm bất lão” (người già nhưng lòng không già) - bên Nôm bên Tự, thật hóm hỉnh. Các cụ kể lại, lúc xem cụ Đám Giác vẽ bức tranh này mấy cụ khoái lắm, có cụ bảo “Cụ cho cái váy nó cao cao lên tí nữa”!

Ngày xưa hai đôi tranh này được chơi nhiều nhất, bên dưới tờ tranh có người còn  viết thêm những câu thơ: Lời người vợ hai:

Măng non nấu với gà đồng

Thử chơi một trận xem chồng về ai

Lời đứa con vợ cả:

Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi

Ham thanh chuộng lạ mặc thầy tôi với dì.

Bức tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng, trên tranh có chữ (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): Thủ thân, kính lão, nhạc tác, tống lễ, mèo, cô dâu, chú rể. (Một bản khác có chữ: Mèo thủ lễ, tiến sỹ, vinh quy). Trên tranh không có thơ nhưng bài thơ sau của Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức lại được truyền tụng:

Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi

Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm trời

Chú mèo vừa mớ nghiêng đầu ngó

Lễ cá sai quân đệ tới nơi.

Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức còn có đôi tranh, bức thứ nhất đề: “Cử chỉ hữu cương thường”, một ông lão nói với chàng trai: 

Tre già dẻo đã có thì

Còn phần tràng trực để tùy người sau

Bức kia là “Kim ngân hóa luật lệ” và câu thơ:

Lệ luật thì giáp là trên

Kim ngân hóa ất vượt lên ai bì

(Hai bức này được in nét rồi tô màu bằng phẩm).

Ngày nay trẻ em được biết chuyện trê cóc qua phim hoạt hình, còn ngày xưa bọn trẻ được nghe ông bà kể lại, đồng thời được chơi Tranh trê cóc. Ở một bức, cóc đệ đơn lên thái phủ (cá chép), xung quanh trê (lý dịch) có một bầy cá, tôm, cua, ốc - xem ra có vẻ ủng hộ trê, chống lại cóc. Cóc không nản chí, tuyên bố (chữ trên tranh):

Giỏ ai quai nấy giành giành

Giương vây thích ngạnh tranh hành chẳng xong.

Trên bức kia, trạng sư, thông ngôn, hội đồng (chữ trên tranh) đều họ nhà ếch nhái cả. Trạng sư phán quyết:

Đánh thầy gửi trả hội đồng

Đứt đuôi nòng nọc thời công viên thành.

Nghệ nhân Vương Ngọc Long dạy chữ nho nên thường được gọi là cụ đồ Long. Cách làng Đông Hồ chừng 1 km có một đồn Tây (hiện nay mấy cái lô cốt vẫn còn). Lính Tây thường từ đây đi lùng sục vào các làng nhũng nhiễu dân chúng. Thế nhưng những dịp tết Tây chúng lại tổ chức hội hè có cả các trò chơi cổ truyền của ta như Múa lân, Rước rồng, và cả những trò chơi mới như Leo cột mỡ, Liếm chảo... Cụ đồ Long đã sáng tác các bức: “Cóc Tây múa kì lân”, “Chuột Tầu  rước rồng vàng”. Cụ đồ Long là một trong những tác giả đầu tiên đưa chữ quốc ngữ lên tranh Đông Hồ. Cóc và chuột là những con vật trong tranh cổ Thầy đồ cóc và Đám cưới chuột nay được gán cho Tây, Tàu (đôi tranh này cũng được in nét, tô màu)./.

                                                                                                                                                                                                 PHÙNG HỒNG KỔN