Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CHỮ KỸ DUY NHẤT CỦA ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ CÒN LẠI ĐẾN NGÀY NAY
15:37 | 21/12/2020

 Đồng chí Ngô Gia Tự (1908 - 1935) Người có công sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí mãi là tấm gương sáng ngời cho thế hệ kế tiếp học tập noi theo. Công tác giáo dục truyền thống noi gương đồng chí là vô cùng quan trọng, đã được Đảng và chính quyền các cấp luôn luôn quan tâm thực hiện.

Việc sưu tầm các tài liệu hiện vật phản ánh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Ngô Gia Tự, bấy lâu nay đều vẫn được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tích cực, thường xuyên.

Trong số các tư liệu hiện vật phản ánh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Ngô Gia Tự, đặc biệt là tập Biên bản thẩm vấn đồng chí Ngô Gia Tự của Tòa án thực dân Pháp tại Bắc Ninh, trong đó có chữ ký (bút tích) của đồng chí Ngô Gia Tự.

Như chúng ta đã biết, vì những hoạt động cách mạng mà thực dân Pháp đã bắt đồng chí Ngô Gia Tự. Ngày 8 tháng 3 năm 1930 chúng đã xét xử vắng mặt đồng chí  tại tòa Nam án Bắc Ninh. Kết luận phiên tòa bọn Pháp đã phải thú nhận: “Tóm lại, Ngô Gia Tự là một trong những linh hồn của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, rồi đến Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ”, do đó chúng đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí Ngô Gia Tự.

Ngọ báo Hà Thành, ngày 8 tháng 3 năm 1930 đã đăng tin “Tòa án Bắc Ninh xử vụ Cộng sản”, cả  thảy có 41 can phạm, bốn người còn bỏ trốn chưa bắt được là Ngô Gia Tự (tức Ngô Sỹ Quyết), Nguyễn Hữu Căn (tức Phi Vân), Nguyễn Trọng Lộc (tức Nam Hải), Nguyễn Thái Lang (tức Ngọc).

Đêm ngày 31/5 rạng ngày 1/6 năm đó, đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám Pháp bắt ở xã Phú An, Thị Nghè, thành phố Sài Gòn, sau đó bị giải ra Bắc Ninh để xử án (xử lần thứ  hai, lần trước xử vắng mặt).

Từ ngày 9/1/1931 đến ngày 24/1/1931, đồng chí Ngô Gia Tự đã ba lần phải trả lời thẩm vấn trước phòng dự thẩm của tòa án Bắc Ninh.

Quan dự thẩm Tòa án Bắc Ninh lúc đó là Bùi Bằng Đoàn (Chủ tọa), quan Lục sự là Chu Toàn Chữ, Thư ký là Hoàng Bá Gia. Thời  gian bắt đầu thẩm vấn là 13 giờ chiều, ngày 9 tháng Giêng năm 1931. Toàn văn những câu hỏi của Biện Lý, câu trả lời của đồng chí Ngô Gia Tự trước phòng Dự thẩm qua ba lần thẩm vấn, được ghi thành biên bản theo mẫu đã in sẵn bằng chữ Pháp, gồm 18 trang, khổ A4, phần viết tay cũng bằng chữ Pháp, mỗi biên bản một lần thẩm vấn, ở trang cuối đều có chữ ký của ba người gồm: Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Bá Gia và đồng chí Ngô Gia Tự.

Tại Tòa án thực dân, đồng chí Ngô Gia Tự đã dũng cảm đấu tranh bất khuất trước kẻ thù và khẳng định:“Tôi kiên quyết không thừa nhận một hành động gì người ta định gán tội cho tôi. Không phải tôi là người lập ra Cộng sản. Cộng sản chính là do thời thế tạo nên, nghĩa là do sự áp bức bóc lột của Chủ nghĩa tư bản thế giới làm hại đến quyền lợi của thợ thuyền và dân cày tạo nên”.

Sau khi bị đưa ra thẩm vấn ở Tòa  án Bắc Ninh, rồi bị đưa vào giam ở Hỏa Lò, Hà Nội, Ngô Gia Tự đã tích cực tham gia xây dựng Chi bộ Đảng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng Nhân dân đấu tranh chống chế độ nhà tù dã man tàn bạo của địch, viết sách và huấn luyện lý luận cho các đồng chí khác.

Khi bị thực dân Pháp đưa ra xử ở Tòa Đại Hình, Sài Gòn (5/1933), đồng chí Ngô Gia Tự và nhiều đồng chí khác đã dũng cảm lên án chế độ thực dân thống trị, đả đảo Tòa án xét xử vô lý, làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Trả lời thẩm vấn của đồng chí Ngô Gia Tự ở Tòa án Bắc Ninh cũng như Tòa Thượng Thẩm (Hà Nội) và Tòa Đại Hình, Sài Gòn… tất cả đều là tiếng nói đanh thép, kiên quyết, dũng cảm đấu tranh trực diện với quân thù.

Sau khi kết thúc thẩm vấn ở Tòa án Bắc Ninh, biên bản đều được đọc lại và hai bên là Chủ tọa phiên tòa, Phó Chánh án Bùi Bằng Đoàn và Thư ký phiên tòa Hoàng Bá Gia ký tên, với một bên là đồng chí Ngô Gia Tự.

Cho tới nay, chúng ta đã sưu tầm được khá nhiều hiện vật và tài liệu về đồng chí Ngô Gia Tự, nhưng tài liệu “Biên bản thẩm vấn đồng chí Ngô Gia Tự của Tòa án thực dân Pháp ở Bắc Ninh năm 1931” là văn bản  đầu tiên - duy nhất có chữ ký (bút tích) của đồng chí Ngô Gia Tự. Còn bức thư mà đồng chí Ngô Gia Tự viết tay nhờ người đưa sang Mác Xây (Pháp) dán tem vào gửi về cho gia đình để đánh lạc hướng mật thám, đến nay rất tiếc là cơ quan lưu trữ chỉ còn lưu giữ được chiếc phong bì.

Tài liệu - Chữ ký (bút tích) duy nhất còn lại hiện nay của đồng chí Ngô Gia Tự, có giá trị vô cùng sâu sắc, quan trọng vào  công tác nghiên cứu, trưng bày về tiểu sử sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Ngô Gia Tự - lãnh tụ tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam.*

-----------------------

* Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Bắc Ninh.

                                                                                                                                                                                                                                                         LÊ VIẾT NGA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi biết Hoàng Tiến từ rất lâu. Ông tuổi Đình Sửu (1937) hơn tôi hai tuổi. Có phải cái tuổi ấy nên đời ông vất vả gian truân từ tấm bé. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ được người chú ruột nuôi dưỡng lại đúng vào thời kỳ chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ.

Trà Lâm và Tư Thế là hai địa chỉ Pháp thua trận ở đấy nên chúng cay cú dội bom trút đạn vào nơi này thành ao, thành chuôm, bờ tre thửa ruộng cầy xới nhiều lần. Vậy mà tuổi trẻ của ông đã phải nằm gai, nếm mật ở chính nơi này. Ông tham gia làm liên lạc văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính trụ vững những ngày gian khổ, khó khăn ác liệt nhất. Năm 1954 hòa bình được lập lại, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc theo hiệp định Giơ - ne - vơ, ông thoát ly. Chiến tranh chống Mỹ cứu nước ông lại vào quân đội, gần 10 năm ở chiến trường Trị - Thiên khốc liệt.

Một đời người với ông học tập qua thực tế, một đời lính được thăng cấp quân hàm qua chiến trường binh đao khói lửa và một đời văn trăn trở nghĩ suy trong thời buổi a còng (@) bốn chấm không (4.0). Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã từng khẳng định và viết lời giới thiệu tác phẩm Hồi ký “Đằng đẵng một đời người” của nhà văn Hoàng Tiến: “Như là lịch sử thu nhỏ lại của đất nước”. Hồi ký “Đằng đẵng một đời người” của Hoàng Tiến có cách viết lôi cuốn hấp dẫn như tiểu thuyết, những mẩu chuyện trong tập hồi ký của tác giả thật trăm phần trăm mà ly kỳ như hư cấu. Đó là quê hương, là đất nước, là tập thể của những con người tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những nơi Hoàng Tiến đã đi qua, đã sống làm việc, công tác, cống hiến và chiến đấu hết mình, đều được tác giả khắc họa với một trí nhớ tuyệt vời, miêu tả vô cùng chân thực. Tác giả đã tái hiện lại một cách khá chi tiết một “góc” của nạn đói năm năm Ất Dậu (1945). Cả nước ta có tới trên hai triệu người chết đói. Một sự thật quá kinh hoàng và khủng khiếp. Qua hồi ký “Đằng đẵng một đời người” Hoàng Tiến đã kể:“... những người đi ăn mày hàng đoàn, vàng vọt, xơ xác, gầy guộc, đen đúa, nhàu nát... họ kéo nhau vào các làng quê xin ăn... nhưng làng quê nào cũng nghèo kiết xác cả, cũng đói rách, cũng sắp đi ăn mày...”; “... hai bên đường không ít xác người chết. Một manh chiếu rách, một mảnh vải bé tý, một cái khăn vuông cũ... đắp mặt ruồi bâu hàng đàn, chúng tha hồ tranh nhau hút hít những thây người tử nạn. Thật rùng rợn, thương tâm”.

Đọc qua hồi ký khiến lòng tôi trào dâng phẫn uất. Người cha hiền lành ngày đêm miệt mài lao động nuôi vợ, nuôi con, bỗng phải thốt lên câu chửi: “Tiên sư cha bọn Nhật! Lúa, ngô, khoai đang xanh tốt nó bắt nhổ vứt đi để trồng đay”.

Đọc đến chương “Phép mầu”, tôi nhận thấy một lối văn kể chuyện chân thực mà khúc triết, rõ ràng mà linh hoạt. 

“... Những ngày đông giá sẽ tàn. Những ngày sục sôi của cách mạng tháng Tám năm 1945, người người lớp lớp vùng dậy. Ở đâu cũng thấy... một hai đi một hai/Toàn dân đang lạnh đói/ Toàn dân mang cùm trói/Tiếng khóc rên bên tai/ Một hai đi một hai...”. Khí phách dân ta như triều dâng, thác đổ. Đứng lên đánh đuổi bọn phát xít Nhật. Chưa đầy hai tuần lễ cả nước đã phất cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”. Tiếp theo là sự dũng cảm gian truân, nhưng đầy mưu lược của Nhân dân ta, vùng dậy, đứng lên nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của dân tộc, hồn thiêng của sông núi: Vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, làm cuộc kháng chiến 9 năm ròng chống thực dân Pháp. Lúc này Hoàng Tiến tuy còn rất nhỏ nhưng được các chú, các bác, các anh tin yêu dìu dắt đi theo kháng chiến, làm liên lạc, làm du kích và được tham gia trận đánh càn ở Trà Lâm, Tư Thế. Một trong những trận đánh bi hùng nhất của Thuận Thành, Bắc Ninh. Hoàng Tiến không may bị giặc bắt. Nhưng người thiếu niên nhỏ tuổi của văn phòng Uỷ ban Kháng chiến Hành chính vẫn giữ trọn khí tiết. “Đằng đẵng một đời người” đưa người đọc hiểu được cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy thử thách cam go, quyết liệt gấp nhiều lần. Tác giả có mặt ngoài mặt trận gần 10 năm ròng dã. Đối mặt trực tiếp với kẻ thù là Mỹ Ngụy. Một Hoàng Tiến gan dạ, kiên cường, dẻo dai, có bản lĩnh nhanh nhẹn và thông minh theo bản năng. Những trang hồi ký khá dày đậm đặc những ký ức đặc sắc. Những B52 tọa độ, trực thăng vận, hóa học... của Mỹ chưa từng có cuộc chiến tranh nào lại khủng khiếp đến thế. Nhưng cuối cùng Mỹ đã thất bại thảm hại, con người Việt Nam chiến thắng. Từ một chiến sỹ Hoàng Tiến tiến lên đến cấp tiểu đoàn. Ngoài giặc Mỹ, giặc Ngụy còn một loại giặc nữa, đó là sốt rét và vắt.

Tôi may mắn được cơ quan cử cho đi học 5 - 6 năm trong ngành y tế nên hiểu được ký sinh trùng sốt rét; ngoài việc nó tàn phá về thể xác nó còn làm hủy hoại đến tế bào thần kinh Nơ-ron. Qua hồi ký thấy được sốt rét là “nghĩa vụ”. Vậy mà, tác giả trụ ở nơi đó gần chục năm trời nay vẫn còn kể lại những trang hồi ký với lời văn đầy xúc động. “... Trung ương cấp cho tới 21kg gạo/ đầu người/ tháng sao còn đói? Nếu không tin sẽ cho là cường điệu. Kẻ thù muốn cho ta chết đói. Chúng đánh phá rất khốc liệt vào hậu cần của ta, đường vận chuyển, kho tàng, bến bãi, với chiến trường Trị Thiên Huế hẹp và kéo dài, rừng núi chon von, sông suối hiểm trở đầy hiểm họa, máy bay B52 lại rải thảm gây không ít khó khăn trở ngại”.

“Đằng đẵng một đời người” không thể nào quên giữa cái đêm máy bay B52 đánh trúng đội hình ta. Trước khó khăn chồng chất khó khăn. Hoàng Tiến cùng các cán bộ trên trung đoàn xuống lo khắc phục hậu quả người đại đội trưởng hy sinh. Hay một chương trong “Đằng đẵng một đời người” lấy tên là: “Cái chết hóa thành bất tử”. Những A sầu, A lưới, A bia, ta với địch giành nhau quyết liệt. Tác phẩm cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin quý giá. Vẫn biết chiến trường là gian khổ, ác liệt. Nhưng riêng mặt trận Trị - Thiên Huế. Nơi tiếp giáp Bắc - Nam nối tuyến đầu chống Mỹ của cả nước. Hai bên hai chiến tuyến, hai chế độ xã hôi khác nhau. Quyết đấu! Bao nhiêu kỷ niệm bi hùng rất cần cho thế hệ mai sau, thấy được, hiểu được. Để họ thấm thía nỗi thương đau, lòng quả cảm đến lạ lùng của quân đội và nhân dân ta. Tác giả viết: “Năm 1969 cả quân khu Trị - Thiên Huế có một sư đoàn bộ binh, một số trung đoàn và tiểu đoàn trực thuộc; nhưng lực lượng hậu cần đông gấp ba.”. Người viết giàu trí tưởng tượng, sao không gọi là “Tiền cần” nhỉ? Gạo, đạn, thuốc, đường xá... bao giờ cũng phải đi trước. Chưa có các thứ ấy, chưa thể nói chuyện đánh đấm được. “Đằng đẵng một đời người” còn cho ta một cái nhìn sâu sắc về quy luật chiến tranh, những suy nghĩ và quan điểm về vũ khí luận... Những tấm gương trong sáng, những tình cảm cao đẹp của cán bộ, chiến sỹ và quần chúng yêu nước... vai trò các sỹ quan Chỉ huy, các Chính ủy, các Chính trị viên và sự thử thách của những người ra đi, những người ở lại. Hoàng Tiến viết nghiêm chỉnh không lên gân cốt, nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng, ngôn ngữ tự nhiên, tinh túy.

Đọc xong hồi ký “Đằng đẵng một đời người”, lòng tôi trào dâng niềm cảm động. Hoàng Tiến mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất nhỏ. Ông không được đào tạo thành trường lớp, sớm được giác ngộ cách mạng, ham học hỏi, có chí tiến thủ, một bài học thật sâu sắc “Học ngay ở trường đời”; không tham quyền cố vị, không bon chen, thẳng thắn và tấm lòng trong sáng tựa pha lê.

Thật đúng! “Một đời người, đời lính và một đời văn” như nhà văn Hoàng Tiến chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Một năm nữa chuẩn bị khép lại, xuân Tân Sửu sắp tới. Qua bài viết ngắn ngủi này, xin được kính chúc nhà văn Hoàng Tiến sức khỏe dồi dào, dẻo dai, minh mẫn và ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa những tác phẩm đặc sắc cho văn nghệ Bắc Ninh nói riêng và văn học nghệ thuật nước nhà nói chung./.

                                                                                                                                                                                                                                                   NGUYỄN VĂN DOANH