Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

CHỐN THIÊNG VÙNG ĐẤT CỔ BẮC NINH - KINH BẮC
09:57 | 26/04/2022

Dường như do công tác biên soạn thông sử, mà trong các bậc học Phổ thông và cả Đại học cũng không hề/ ít nhắc đến các bậc thủy tổ dân tộc (ngoài các thông tin về thế hệ nhà Hùng có công dựng nước, 18 đời vua Hùng, Khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ...). Nhưng, tại trang Phúc Khang xưa và làng Á Lữ nay còn có một khu di tích là nơi lưu giữ và phụng thờ các bậc thuỷ tổ dân tộc, gồm: Lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân - Âu Cơ, đã và đang được các thế hệ người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc, thay mặt nhân dân cả nước hương khói phụng thờ ở khu di tích quốc gia này tại làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. 

Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam ta, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, hàng ngàn vạn “con Lạc - cháu Hồng” từ khắp mọi miền lại tìm về khu di tích đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (Xưa kia là Miếu Thờ - Nơi thờ Đế Vương các triều đại) và lăng mộ thủy tổ Việt Nam Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để tri ân công đức và thờ phụng những bậc Thủy Tổ dân tộc có công khai mở giang sơn đất nước. Nếu lấy mốc, năm 2879 TCN - Kinh Dương Vương được xác định là vị Vua của nhà nước sơ khai phong kiến đầu tiên Việt Nam, thì các thế hệ Vua Hùng được thờ ở Phú Thọ còn gọi Kinh Dương Vương là “Ông Nội”.

Á Lữ là một làng cổ nằm sát bờ Nam sông Đuống, truyền rằng là đất hội tụ của “Tứ linh” với 99 cái ao, 99 cái gò, được ví như Long, Ly, Quy, Phượng chầu về, nơi duy nhất có lăng mộ bậc thủy tổ Việt Nam có công mở nước. Lăng Kinh Dương Vương nằm ở trên bãi bồi cao rộng thoáng sát bờ Nam Sông Đuống và sầm uất bởi rừng cây cổ thụ bao quanh.

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia làng Á Lữ có đầy đủ các công trình văn hóa tín ngưỡng như: Miếu thờ; Đình, Đền, Nghè… và một ngôi chùa cổ. Hai ngôi đền cổ ở phía Tây làng Á Lữ, gồm: Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương và đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, đều có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Về phía Đông lăng Kinh Dương Vương xưa còn có một ngôi chùa có tên chữ là “Đông Linh Bát Nhã tự” thờ các đức “Thánh mẫu thủy tổ” là Vụ Tiên, Thần Long và Âu Cơ.

Thủy tổ Việt Nam - Kinh Dương Vương còn được thờ làm Thành Hoàng làng Á Lữ. Ngôi đình cổ ở phía Đông làng được khởi dựng với quy mô to lớn gồm 2 tòa: Tiền tế 7 gian và Đại đình có 5 gian tiền đình và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc “tứ linh, tứ quý” lộng lẫy. Hệ thống các tài liệu thư tịch cổ gồm thần phả, sắc phong của đình và đền đã cho biết rõ người được thờ tại Đình và Đền là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là các bậc Thủy Tổ dân tộc, có công khai sơn sáng thủy.

Năm 1949 - 1952, giặc Pháp kéo đến thôn Á Lữ, đóng đồn bốt ở đây, phá hoại toàn bộ đền đình chùa… dân làng đã kịp cất giữ một số đồ thờ tự cổ quý như: ngai, kiệu, sắc phong… của đền và đình. Đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã tôn tạo khu Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống tại vị trí nền móng của công trình Nghè của làng xưa. Điều vô cùng quý giá của quần thể di tích là còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, tín ngưỡng, lễ hội: Tại lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được tấm bia đá ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Tại đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, hiện còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: ngai bài vị, thần phả, 15 đạo sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối. Hệ thống hoành phi, câu đối phản ánh ca ngợi về người được thờ như: “Nam bang thủy tổ” (Thủy tổ nước Nam), “Nam tổ miếu” (Miếu thờ thủy tổ nước Nam)… Từ những gì còn lại, chứng tỏ từ xa xưa tại nơi đây hẳn đã tồn tại cùng với Lăng Mộ còn có ngôi Miếu thờ Thủy Tổ dân tộc Việt tại vùng đất này, đến đời vua Minh Mệnh thứ 21 đã cho tu bổ lại, sau đó cũng bị tàn phá bởi chiến tranh và đều mới được tôn tạo trên cơ sở những gì còn lại từ năm 1971. 

Điểm nổi bật trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của quần thể di tích còn được thể hiện ở tín ngưỡng và lễ hội truyền thống. Tục truyền, xưa hàng năm cứ đến ngày 18 tháng giêng đền, đình làng Á Lữ lại được mở hội. Để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng phân công việc cho quan đám và các giáp. Giáp đăng cai lễ hội được nhận ruộng công để nuôi lợn và làm bánh chưng, bánh dày tế thần. Vào hội, ngay từ ngày 12, đền và đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình đền để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng và đền Hạ để xin rước các bậc thủy tổ dân tộc về đình để tế lễ và mở hội. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần tế. Lễ vật có lợn cả con, bánh trưng, bánh dày. Đến ngày 25, tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi.

Ngoài đình đám 18 tháng Giêng, còn có ngày sự lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm trám đen và 3 mâm gỏi cá để tế các bậc thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ tại đền Thượng và đền Hạ. Các mâm tế: “trám đen” tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp. Còn các mâm “cá gỏi” tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển khai mở miền biển...

Trong những ngày lễ hội hằng năm, đã thu hút hàng ngàn vạn “Con Lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền đất nước về với khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, cùng nhau “ Vấn tổ, tâm tông”  tri ân, thờ phụng và tôn vinh - Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thủy tổ có công mở nước. Nhắc nhở nhau gìn giữ, để nơi đây mãi mãi là chốn thiêng của dân tộc.

Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng lớn lao, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Hằng năm, lễ khai hội Kinh Dương Vương đã được UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tổ chức trang trọng, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã công bố Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích với quy mô 36,8ha, gồm nhiều hạng mục công trình với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Khu di tích đã và đang trở thành một trong những trọng điểm du lịch văn hóa - tâm linh của nước ta ./.

                                                                                                                                                                            NHO THUẬN