Trang chủ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

BẮC NINH - ĐẤT TRĂM NGHỀ
15:43 | 16/07/2019

Nằm ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ - nôi văn hoá của người Việt, Bắc Ninh là miền quê có lịch sử lâu đời, nhiều thế kỷ là trung tâm của đất nước. Đặc biệt đây là quê hương nhà Lý, đất phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Vị thế đó khiến Bắc Ninh từ xưa đã là vùng kinh tế nông nghiệp phát triển với những làng tiểu nông đa canh, đa nghề điển hình, nhộn nhịp các hoạt động giao thương Nam - Bắc - Đông - Tây, làm nên truyền thống của người Bắc Ninh giỏi nghề nông, thành thạo nhiều nghề thủ công, tinh xảo, năng động trong giao thương buôn bán, khiến Bắc Ninh là mảnh đất của trăm nghề.

Từ những thế kỷ trước Công nguyên, các nghề làm gốm, nghề đúc đồng, đặc biệt là nghề làm đồ trang sức bằng đá quý đã xuất hiện và phát triển ở Bắc Ninh.

Vào những thế kỷ sau Công nguyên, các nghề, làng nghề thủ công đã tập trung dày đặc ở trung tâm Luy Lâu (Dâu -Thuận Thành). Làm gốm, làm gạch ngói ở vùng chùa Định - phía Nam thành Luy Lâu, làng Tư Thế làm bút mực, làng Dàn uốn lưỡi câu, Văn Quan đúc chì, làng Khương Tự, Đại Tự, Lũng Khê buôn bán. Và ngay trong thành Luy Lâu có khu lò đúc trống đồng Đông Sơn…

Thời phong kiến độc lập tự chủ, Kinh Bắc - Bắc Ninh là vùng kinh tế phát triển, giao thương buôn bán tấp nập, một vùng quê văn hiến với nhiều nghề, làng nghề thủ công, nghề nào cũng phát triển và nổi tiếng, được người dân các vùng miền ca ngợi:

“Tỉnh Bắc có lịch, có lề,

Có nghề buôn bán , có nghề cửi canh.

Có nghề xe chỉ học hành,

Có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa”.

Hàng trăm nghề, hàng mấy chục làng nghề thủ công nổi tiếng được sử sách ghi chép ca ngợi.

Dệt vải, dệt lụa có Đình Cả, Hồi Quan, Xuân Ổ, Đại Mão. Nổi tiếng hơn cả là lụa làng Tam Sơn.

Nghề làm gạch ngói, gốm sứ có Đương Xá, Quả Cảm. Đặc biệt ba trung tâm gốm sứ nổi tiếng của nước ta đều tập trung ở vùng Kinh Bắc: Bát Tràng sản xuất đồ sứ, Phù Lãng làm đồ gốm men da lươn, Thổ Hà làm đồ gốm sành.

Rèn sắt có làng Thống Vát, nhưng nổi tiếng nhất là làng rèn đồ sắt Đa Hội (Từ Sơn).

Nghề đúc đồng có 3 trung tâm là Hè Nôm, Bưởi Nồi (Đại Bái) và Vó (Quảng Bố), mỗi trung tâm có những truyền thống kỹ thuật riêng, đồng thời có hẳn một làng Trang Liệt (tức làng Sắt - Từ Sơn), chuyên buôn đồng cung cấp cho các trung tâm đúc đồng của xứ Bắc!

 Nghề mộc có Kim Thiều, Hương Mạc, Đồng Kỵ, nhưng nổi tiếng nhất là nghề chạm khắc gỗ ở Phù Khê. Nghề thợ nề có làng Viềng nổi tiếng với câu ca “Mộc choá, ngoã Viềng” (tức Vĩnh Kiều). Nghề làm đồ tre trúc có Xuân Lai (Gia Bình), làm cày bừa nổi tiếng là làng Đông Xuất (Yên Phong)…

Đặc biệt, Bắc Ninh có làng làm tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành) nổi tiếng và có riêng một làng Phong Khê chuyên sản xuất giấy dó cung cấp cho làng Đông Hồ in tranh.

Còn rất nhiều làng có nghề chế biến nông sản, thực phẩm, làm các món ăn đặc sản, khiến xứ Bắc - Bắc Ninh là đất sành ăn (Ăn xứ Bắc, mặc xứ Kinh), như: đậu phụ Trà Lâm, nem Bùi Xá, bánh xu xê Đình Bảng, rượu Đại Lâm, An Lã, bún Ném (Khắc Niệm)…

Thời Pháp thuộc, Bắc Ninh được đánh giá là một tỉnh quan trọng nhất của Bắc Kỳ, một tỉnh giàu về sản phẩm và công nghệ địa phương, tiêu biểu là hàng thêu zen được xuất khẩu sang Pháp và Mỹ. Tại Hà Nội có phố Bắc Ninh với 32 gian hàng thủ công.

Trong sự nghiệp đổi mới phát triển và hội nhập, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước về bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề thủ công truyền thống, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách và giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề thủ công, tôn vinh các nghệ nhân.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 làng nghề, trong đó có 31 làng nghề thủ công truyền thống, 21 cụm công nghiệp làng nghề được xây dựng, đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Sự phát triển nghề và làng nghề thủ công ở Bắc Ninh đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn: 75% - 80% giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh, 30% giá trị công nghiệp toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 72608 lao động. Nhiều sản phẩm của các làng nghề Bắc Ninh đã được xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ.

Đặc biệt di sản văn hoá làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Các đình, đền, lăng mộ các vị tổ nghề được nhà nước xếp hạng bảo vệ và nhân dân các làng nghề tu bổ tôn tạo. Lễ hội ở các làng nghề được duy trì. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia và đang được chính phủ cho lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá nhân loại. Chín vị nghệ nhân thuộc các lĩnh vực điêu khắc gỗ mỹ nghệ, làm đồ đồng mỹ nghệ và làm tranh dân gian Đông Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp bằng công nhận nghệ nhân.

Nghề và làng nghề thủ công truyền thống ở tỉnh Bắc Ninh là nguồn di sản văn hoá quý - một thành tố quan trọng và tiêu biểu của nền văn hiến Kinh Bắc, đồng thời là nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, địa chỉ thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan tìm hiểu lịch sử - văn hoá vùng quê Quan họ - Bắc Ninh./.

                                                                                                                                                                           TRẦN ĐÌNH LUYỆN