Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

Ý nghĩa nhời ca câu Quan họ “Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng”
17:27 | 24/06/2023

Dân tộc nào cũng có truyền thuyết, tục ngữ, ca dao về hình tượng muối, vì đó là thứ không thể thiếu trong đời sống con người, quen thuộc và cần thiết đến mức dân gian nâng lên thành một biểu tượng văn hoá giàu ý nghĩa. Những câu Quan họ giọng Lề lối bao giờ cũng là một triết lý, đạo lý căn bản để răn dạy con người.

Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng

            Giọng: Cái hời cái ả

Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng 

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau 

Mưa to nước chảy luồn cầu

Lấy em hay hát chẳng giầu cũng vui

Hay:

Tay cầm đĩa muối, miếng gừng 

Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau 

Ước gì nên vợ nên chồng 

Bao giờ tay bế tay bồng 

Ba đồng một mớ giầu cay 

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không 

                (Một mớ giầu cay – DCQH)

 

Trong thực tế Liền anh, Liền chị đi ca, chơi Quan họ có thể bị khản tiếng do ca nhiều, bị khàn tiếng do cảm lạnh khi đêm sương xuống hay thời tiết mùa đông giá rét nên khi thấy như vậy bạn chơi có thể lấy ít muối, ít gừng ra để ngậm sẽ bớt khản tiếng, có ít gừng sẽ ấm cúng đỡ cảm lạnh. Hành vi ứng xử người Quan họ ấm áp trong giá rét, nhẹ nhàng quan tâm đến nhau mà trở thành nhời thơ, nhời ca. Trở lại nhời thơ Quan họ :

“Năm mới tháng xuân, đương QH không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em có bữa cơm quê, gọi là mâm đan bát đàn, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, xin mời đương QH người nâng bát dựng đũa, xơi thật tình cho chúng em mừng ạ…”.

Hay: Mâm cao cỗ đầy thịnh soạn, nhưng người quan họ lại vẫn khép nép thưa rằng: “Năm thì năm mới, tháng thì tháng xuân, các liền anh liền chị chẳng quản đường xá xa xôi đến thăm đất nước nhà chúng em, thăm thầy u chúng em. Nay đã thức thời, chúng em có sửa soạn mâm cơm nhạt, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, chúng em cũng mong các liền anh liền chị nâng chén dựng đũa để cho chúng em được thừa tiếp đấy ạ!”.

MUỐI: Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

GỪNG: Nó được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. Hương thơm và hương vị độc đáo của gừng đến từ các loại tinh dầu tự nhiên của nó.

Củ gừng là gia vị rất quen thuộc với ẩm thực của người Việt Nam, hơn nữa đây còn là vị thuốc Đông y có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tính ấm nóng đem lại tác dụng chữa cảm lạnh, sốt tuyệt vời với củ gừng tươi, đặc biệt khi dùng cùng nước ấm sẽ tác dụng làm giãn mao mạch, đẩy nhanh quá trình tiết mồ hôi, hỗ trợ tuần hoàn máu. Vì thế khi thời tiết lạnh, sử dụng gừng tươi sẽ giúp làm ấm cơ thể.

Xét trong lịch sử văn hoá thì muối đã trở thành một biểu trưng mang tính mẫu số chung cho cả nhân loại. Kho tàng ca dao Việt có rất nhiều câu về “muối”, như: “Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau/ Muối ba năm muối hãy còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta nghĩa nặng tình đầy/ Có xa nhau đi nữa, cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”…

Muối thì mặn. Gừng thì cay, không phải là cay đắng mà là cái cay thơm nồng, đậm đà. Cái cay làm tiêu tan nỗi u buồn nặng trĩu đánh thức cái cảm giác nhạy bén mới mẻ. Thế nên gừng còn là vị thuốc (Đông y gọi là can khương).

Dựa vào đặc tính mặn của muối nên hầu như câu ca dao nào cũng mang tính biểu trưng cho tình cảm gắn bó, yêu thương của con người. Đối lập với “mặn” là “nhạt”. Nên hết yêu nhau, xa nhau, hờ hững với nhau thì người ta gọi đích đáng là “nhạt”, nhạt nhẽo, nhạt nhoà, nhạt pha,… Trong văn chương, không hay cũng bị gọi là “nhạt”, tức thiếu tình, thiếu chất đời, thiếu chất tư duy… Dở quá thì bị gọi là “nhạt toẹt”, “nhạt thếch”…

Người Việt lại có phong tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” chứa đựng một triết lý nhân văn sâu sắc. Cuối năm mua vôi về sơn quét nhà cửa để đón xuân mới. Thời tiết cuối năm thuận tiện cho việc xây nhà dựng cửa nên mua vôi về để làm nhà.

Ngày xưa các cụ hay ăn trầu, trầu phải có vôi mới nồng nàn nên ngày xuân có miếng trầu đậm đà mời nhau thêm phần vui vẻ. Vôi luôn màu trắng (bạc như vôi) nên mua vôi vào những ngày cuối năm còn là khát vọng tống tiễn đi cái xúi quẩy, cái bạc bẽo, cái không may. Còn muối mặn mà là may mắn, là tình cảm chứa chan gắn kết bền lâu nên “đầu năm mua muối” là mong muốn, là khát vọng về sự may mắn, về tình cảm yêu thương. Ẩn sau cả câu phương ngôn này là lời nhắn nhủ thâm thuý: nếu đầu năm biết dè sẻn (cơm muối thôi) thì cuối năm có thể xây nhà (vôi là vật liệu chính để xây nhà) được.

Không chỉ “đầu năm mua muối” mà trong hôn nhân, khởi đầu cũng là muối. Sách “Lĩnh Nam chích quái” còn ghi lại phong tục hôn nhân thời Hùng Vương: “Khi chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam và nữ thì trước lấy gói muối (hay nắm đất) làm đầu, sau đó mới giết trâu, giết dê để làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”. Thật ý nghĩa, “muối” tượng trưng cho tình cảm vợ chồng mặn nồng, chung thuỷ; “đất” tượng trưng cho gia sản nhà cửa đất đai, cho sự gắn bó mãi mãi…

“Đầu năm mua muối…” còn là sự nhắc nhở mọi người làm việc gì cũng phải có kế hoạch từ đầu năm, sắp đặt từ việc nhỏ, cái nhỏ (như muối) đến việc lớn, trọng đại cuối năm như mua vôi quét vôi nhà, để ăn trầu..). Muối từ câu chuyện Quan họ mời xơi cơm đến việc gắn với miếng gừng hay vôi đều là biểu tượng cho tình người Quan họ, cho hành vi ứng xử của người Quan họ./.

                                                                                                                                                                                                       NGUYỄN TRỌNG HẢI