Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

ĐỊA DANH SƠN PHẬN THỊ CẦU
14:19 | 05/02/2024

Địa danh “Sơn phận Thị Cầu” thuộc làng Thị Cầu (tức Thị Kiều) nằm bên bờ Nam sông Như Nguyệt, trên con đường huyết mạch từ kinh đô Thăng Long lên phía Bắc là biên giới Việt - Trung. Nơi đây chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Trong cuốn An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng có ghi chép về thành Thị Cầu thời thuộc Minh là “thủ ngự thiên hộ sở” trên con đường huyết mạch từ Đông Quan (Hà Nội) nối liền thành Điêu Diêu (Gia Lâm) và thành Xương Giang (Bắc Giang). Vào thời Lê Sơ, nơi đây vừa là trung tâm kinh tế - thương mại lớn của xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, đồng thời cũng là trung tâm quân sự của tỉnh thành Kinh Bắc - Bắc Ninh trong nhiều thời kỳ.

Về sau, trong những ghi chép thời Nguyễn cũng có nhiều đề cập đến địa danh Thị Cầu bởi nơi đây nằm trên con đường quan báo từ Thành Bắc Ninh lên biên giới phía Bắc. Cuốn Bắc Ninh tỉnh chí (ký hiệu A.569) tờ 38b ghi chép: một con đường quan báo từ Đỗ Xá chạy về hướng Bắc qua Y Na, Thanh Sơn, Thị Cầu đến bến đò Đáp Cầu dài 3 dặm 3 trượng, rộng 1 trượng 2 thước. Mộc bản sách Đại nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 23, mặt khắc  13 cho biết: Năm Giáp Tý 1804, vua Gia Long cho dời thành trấn Kinh Bắc ở xã Đáp Cầu (giữa thế kỷ XV tách ra từ  làng Thị Cầu) đến xã Lỗi Đình thuộc huyện Tiên Du (nay thuộc phường Vệ An). Sách Bắc Ninh tỉnh chí (A.569) thời vua Tự Đức, tờ 36b có ghi chép: Xã Thị Cầu có 2 ngọn núi, trong đó có một ngọn dựng Văn miếu của bản tỉnh. Xã Đáp Cầu có một ngọn núi, trên núi có một di tích thành đất của trấn xưa.

Thành Thị Cầu trước đây được đắp bằng đất, có 4 cửa núi có trấn thành còn có tên là núi Thành, tức núi ở khu vực thành cổ. Các cổng thành gồm có: cửa Bắc, cửa Nam, cửa Đông và cửa Tây (đường Trần Lựu hiện nay nối liền khu phố 5 và khu phố 6 chính là con đường trước đây nối cổng đông và cổng tây của thành Thị Cầu). Trong cuốn Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, ký hiệu A.2889, được biên soạn năm Thành Thái thứ 3 (1891), sao lại năm Bảo Đại thứ 8 (1933): “Phế thành Thị Cầu (tại địa phận Doanh Sơn, Thị Cầu, Võ Giàng) do người Minh xây dựng, rộng chừng trăm mẫu. Xưa nhà Lê đặt trấn Kinh Bắc ở đây. Năm đầu niên hiệu Gia Long (1802) còn theo như thế. Đến năm Gia Long (1804) dời đổi, thành mới hỏng. Dấu vết xưa hãy còn”. Hiện nay, dấu vết của thành Thị Cầu gần như không còn, nhưng những địa danh liên quan đến việc đóng binh, đồn trú và trạm dịch cạnh bờ sông Cầu trước kia vẫn còn được người dân lưu truyền: núi Dinh, trấn doanh Thị Cầu, Doanh Cầu giang, Doanh sơn… Năm 1988, núi Dinh của phường Thị Cầu được Bộ Văn hóa thông tin công nhận Di tích lịch sử thuộc chiến tuyến chống quân Tống của Thái úy Lý Thường Kiệt năm 1076 theo quyết định số 28-VH/QĐ ngày 18/01/1988.

Trong thời phong kiến, đình Kim Thị Cầu là nơi nghỉ lại của các đoàn đi sứ phương Bắc, như ghi chép của danh nhân Lê Quý Đôn trong cuốn Bắc sứ thông lục cùng bản đồ về lộ trình đi sứ khi trọ lại trấn doanh Thị Cầu, ông cũng có đề bài thơ “Trú Thị Kiều” như sau: 

Tình tuyết lương tiêu đáo trấn doanh

Phân ti túc túc nhạ hành tinh

Ân cần công yến kiên tư yến

Trịnh trọng trường đình hựu đoản đình.

Cảnh hữu đường âm bằng cựu ấm,

Đình tùy kiều thụ đổ tân vinh

Tiền đồ bất quảng giang sơn viễn

Quốc mệnh gia quy trọng thị hành.

Dịch thơ:

Sương gió xông pha đến trấn doanh

Hướng về cờ sứ thảy hoan nghênh

Ân cần công yến rồi tư yến

Trịnh trọng trường đình lại đoản đình.

Kiều mộc rợp sân thêm hiển quý,

Cam đường mát bóng cảm dân tình

Non sông chẳng quản đường khơi diễn

Nhà, nước hai vai, một sứ trình.

(Đào Phương Bình dịch)

Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh cũng ghi chép trong cuốn Phụng sứ Yên Đài tổng ca của có câu thơ nhắc đến “Cầu Doanh” trong hành trình của mình:

Xu trình hiệp tập hành nang

Cầu Dinh vãn bạc, Thọ Xương hiểu hành.

Nghĩa là: Hành trình đã ghi sẵn trong cẩm nang, chỉ việc đi theo. Tới dinh Thị Cầu nghỉ ngơi, sáng sớm đi Thọ Xương nơi có thành Xương Giang.

Tạm dịch thơ:

Hành trình ghi sẵn chỉ theo,

Thọ Xương đi sớm, nghỉ neo Dinh Cầu.

Địa danh “Sơn phận Thị Cầu” còn gắn liền với lịch sử khởi dựng Văn miếu xưa, là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền đạo Nho, vừa là nơi lưu danh các vị khoa bảng của cả xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh. Văn bia “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” khắc năm Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) tại Văn miếu Bắc Ninh hiện nay có ghi: Văn miếu vốn ở sơn phận Thị Cầu, lâu ngày mà hỏng nát, cho nên đến năm Quý Tỵ niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893) thì Tỉnh hiến dời đến xây dựng ở địa phận núi Phúc Đức huyện Võ Giàng… 

Lần theo các ghi chép xưa, đáng chú ý trong bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Thượng thư bộ binh Lê Quang Định khởi sự biên soạn thì tại quyển bốn, tờ 34a về đường trạm trấn Kinh Bắc có mô tả: đi từ thành Bắc Ninh tại địa phận Yên Phong, Phủ Từ Sơn độ 854 tầm (tương đương 1,6km), hai bên đường đều là ruộng cấy lúa, ở đây có điếm gọi là Quán Na, đến phố Thanh Sơn tục gọi là Quế Hoa (nay là khu vực phố Suối Hoa phường Vũ Ninh, có đền Quế Hoa thường gọi là đền Trình), sau đó đi 1.061 tầm (tương đương gần 2km), hai bên đường đều là núi đất, đến đình Thị Cầu, tục gọi là đình Kim, dọc hai bên đường dân cư rất trù mật, dân ở đây có nghề nấu sắt thành dây dài. Bên phía Tây có chợ, tục gọi là chợ Cầu, bên phía Tây của chợ này đi 170 tầm (tương đương 310m) thì đến miếu Văn Thánh (tức Văn Miếu). Một số sách như Đại nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Bắc Ninh tỉnh địa dư đều có nhắc tới “đền Khải Thánh” nơi thờ cha mẹ Khổng Tử, là nơi không thể thiếu đối với kiến trúc của một Văn miếu. Theo tư liệu của Viện nghiên cứu Hán nôm, ghi chép trong Bắc Ninh tỉnh địa dư (ký hiệu A.590): Miếu Văn Thánh tại địa phận xã Thị Cầu, huyện Võ Giàng, ở chân núi. Hai tòa liền nhau cùng hai tòa bên phải và bên trái. Sau có nhà Khải Thánh, trước có nghi môn, đều lợp ngói. Bốn mặt tường xây bằng gạch xen lẫn đất đá. Hàng năm xuân thu nhị kỳ, vào ngày Đinh, được chuẩn cho dùng tiền nhà nước biện mua lễ vật cúng tế. Đại nam nhất thống chí có ghi: Văn miếu ở phía Đông bắc tỉnh thành, thuộc sơn phận xã Thị Cầu, huyện Võ Giàng, tu bổ năm Gia Long thứ nhất (1802), làm lại vào năm Thiệu Trị thứ tư (1844). Đền Khải thánh ở phía Tây Bắc Văn Miếu, tu bổ năm Minh Mệnh thứ sáu (1825). Đồng Khánh dư địa chí cũng chép: Văn miếu, đền Khải thánh ở sơn phận xã Thị Cầu, huyện Võ Giàng.

Đến nay chưa tìm thấy ghi chép về năm cụ thể cho dựng Văn Miếu và đền Khải thánh tại sơn phận Thị Cầu, song nhiều chuyên gia cho rằng Văn miếu Bắc Ninh có thể là một trong những Văn miếu địa phương được dựng đầu tiên ở nước ta, chắc chắn cũng tu bổ, nâng cấp như các Văn miếu ở các trấn lộ thời vua Lê Thánh Tông - vị vua tôn sùng Nho học và Nho giáo nổi tiếng ở nước ta. Tại Hội thảo khoa học Di tích Văn miếu Bắc Ninh năm 1998, Tiến sỹ Trần Đình Luyện cũng cho rằng nó phải là một trong những văn miếu địa phương đầu tiên ở Việt Nam mà niên đại tương đối vào khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XV - cuối thế kỷ XVI. Nhà nghiên cứu Lê Viết Nga - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Văn miếu Kinh Bắc xưa quy mô không lớn nhưng số lượng các nhà khoa bảng được lưu danh nhiều nhất trong Văn miếu hàng tỉnh của cả nước. Ở ngay làng Thị Cầu, khoa thi Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442) có Tiến sỹ Trần Bá Linh đỗ thứ bảy trong 33 đại khoa, sau này giữ chức Tri Đông đạo Quân dân bạ tịch, từng phụng mệnh đi sứ. Khi về quê, ông có công lập nên làng Đáp Cầu và dạy cho rất nhiều học trò Kim Đôi trở thành Tiến sỹ. Ông cũng cho biết cụ thể hơn về vị trí của Văn miếu thuộc sơn phận Thị Cầu là nằm phía trên xóm Dải Áo khu 2 phường Thị Cầu ngày nay, khu vực gần đền ông Voi xưa thờ tướng quân Trần Lựu, mỗi năm tổ chức 2 lần tế lễ, sau đó xuống đây giặt áo mũ, cờ lọng rồi rải áo phơi theo sườn núi, cho nên tên xóm Dải Áo xuất phát từ đó.

Có thể nói, địa danh “Sơn phận Thị Cầu” trong các thư tịch cổ là những điểm kết nối rất quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, cũng như lịch sử văn hiến của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh nói riêng. Bởi nơi đây gắn liền với lịch sử truyền thống hiếu học, khoa bảng góp phần kiến tạo nền văn hiến và bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc hôm nay, là một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, khơi dậy và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học của quê hương./.

 

                                                                                                                                                                                                                                          NGUYỄN THỊ THANH HẢI