Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

Đền thờ tiên chúa
14:23 | 05/02/2024

An Trạch còn có tên là An Xá (tên Nôm là làng Vân, hay Vân Cần) nằm sát bờ Nam sông Cầu, là một làng Việt cổ có bề dày lịch sử, văn hiến được kết tinh ở quần thể di tích đình, nghè, đền, chùa cổ kính thâm nghiêm. Trong đó có ngôi đền thờ Tiên Chúa (Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh) linh thiêng với lễ hội Phủ Vân (hội tứ tỉnh) nổi tiếng khắp vùng.

Đền thờ Đức Thánh Mẫu hiện nằm trong quần thể di tích đền đình làng An Trạch, tọa lạc trên khu đất cao so với xung quanh (nguyên xưa đây là Nghè - nơi hóa của hai mẹ con Thiện Dục phu nhân và Đống Vinh Đại vương được nhân dân tôn thờ làm thành hoàng), ở phía Tây của làng, mặt quay hướng Tây Bắc, bên phải là cánh đồng lúa rộng lớn, ba phía còn lại giáp đường đi và khu dân cư. Trong khuôn viên đền có nhiều cây xanh cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngôi đền xưa được khởi dựng từ rất lâu đời (dấu tích nền xưa cũ là khu trường Mầm Non của thôn hiện nay) có tên là đền Vân Cần (hay Phủ Vân), đến nay vẫn lưu truyền lại đôi câu đối cổ:

“Ký tử tiên hoàn như bất tử

Vô sinh viết Mẫu tức như sinh”

 Đến năm Duy Tân ngũ niên (1911) được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo. Trải qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đền được tiêu thổ kháng chiến và đến năm 1952 bị thực dân Pháp tháo dỡ toàn bộ chuyển về xây dựng bốt Đông Du, toàn bộ tài liệu hiện vật, tượng thờ được chuyển về thờ tại chùa. Tháng 4 năm 1965, nhân dân địa phương xây lại ngôi đền thờ Đức Thánh Mẫu ở vị trí hiện nay có kiến trúc là 3 gian nhỏ nhỏ, năm 2017, xây dựng công trình mới, kinh phí 2,5 tỷ đồng, do nguồn xã hội hóa.

Đền An Trạch hiện gồm các công trình: Nghi môn, Lầu Cô, Lầu Cậu, Tiền đường và Hậu đường. Nghi môn xây theo kiểu tứ trụ gồm 1 cửa lớn và 2 cửa nhỏ. Lầu Cô, Lầu Cậu xây theo kiểu hình vuông, chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong. Công trình chính của đền bao gồm Tiền đường và Hậu đường tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, 5 gian 2 mái bình đầu bít đốc cột trụ lồng đèn. 5 gian bộ khung bê tông chịu lực, phía trên hoành rui làm bằng gỗ. Kết cấu vì nóc các gian tương tự giống nhau theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi, kẻ hiên”. Hậu đường 1 gian, có kết cấu 2 bộ vì, 2 hàng chân cột, vì nóc kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi gác lên tường bao”. Tiền đường mở cửa 3 gian giữa theo kiểu thượng song hạ bản, 2 gian hồi trổ cửa sổ hình chữ thọ vuông.

Theo Thần tích - thần sắc ở Đền An Trạch hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh và các bậc cao niên trong làng cho biết: Đền làng An Trạch thờ vị thần hiệu là Tiên Chúa, tên thường gọi là Đức Mẫu Phủ Giầy húy ngài Đức Liễu Hạnh. Trong tâm thức dân gian, Mẫu Liễu Hạnh là người nữ thần duy nhất trong các vị Thánh thuộc hàng “Tứ bất tử”. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần dưới các hạng trạng khác nhau. Trong cả ba lần giáng trần, bà được thể hiện là người con gái đẹp, trung trinh, làm nhiều việc thiện giúp đỡ dân lành, căm ghét kẻ gian ác, xứng đáng là mẫu mực công - dung - ngôn - hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ” và cuối cùng quy y cửa Phật. Mẫu Liễu Hạnh là một trong những vị thần quan trọng, là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc Thánh Mẫu và được thờ ở nhiều nơi. 

Trong đền hiện bảo lưu được tấm bia đá “Ngọc phả bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 21 (1868) và một lư hương gốm thời Nguyễn. Các pho tượng mẫu Liễu Hạnh, tượng Hầu, tượng Ngũ Vị Tôn Ông, tượng Nhị vị công tử, tượng Đức Thánh Trần, tượng Sơn Trang, 4 bức hoành phi, 4 đôi câu đối, hương án và khám thờ… đều mới bổ sung những năm gần đây.

Hội đền An Trạch được tổ chức cùng với hội đình và hội chùa vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Trước năm 1945, để mở hội, ngay từ trong năm làng đã họp bàn để phân công việc cho các giáp. Vào hội, ngay từ 30, đền và đình đã được bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt, làm lễ Thúc Yết (thỉnh Thánh). Sáng mồng 1 dân làng làm lễ nhập tịch. Sáng mồng 3, tổ chức rước kiệu Thần, Thánh từ đình về đền để hội sở tế lễ và mở hội. Đám rước rợp trời với cờ quạt, tàn lọng, chiêng trống, kiệu, quan viên tế lễ và dân làng. Lễ vật thì do hai giáp trưởng sắm sửa bánh dầy, bánh chưng, hoa quả, trầu cau (lễ chay) và sôi, lợn, gà (lễ mặn). Phẩm vật tế lễ xong thì chiểu tục biểu bản văn rồi phân phát cho tất cả các đinh nam và lão ấu. Tại đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vào sáng mồng 3 cũng diễn ra tế lễ trang trọng với nhiều khách thập phương chủ yếu là các đạo quan, thanh đồng và con nhang đệ tử từ các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang… về chuẩn bị lễ vật từ ngày 25 tháng 2 âm lịch và tế lễ, chính vì vậy mà hội đền An Trạch còn gọi là “hội tứ tỉnh”. Sau phần tế lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: vật, cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà… thu hút đông đảo nhận dân địa phương và khách thập phương tham gia. Ngoài ngày hội chính, tại đền còn tổ chức tế lễ vào các ngày 15 tháng 8 (ngày khánh hạ Đức Tiên Chúa); ngày 12 tháng 2 (ngày sinh nhật Đức Thánh Mẫu); ngày 19 tháng Giêng (ngày sinh Đức Thánh Tử); ngày 2 tháng 10 (ngày hóa Đức Thánh Mẫu và Thánh Tử); ngày 7 tháng Giêng tế khai xuân kỳ yên, ngày 14 - 17 tế kỳ phúc; ngày đinh tháng 2 thì làm lễ tế Xuân, ngày đinh tháng 8 thì làm lễ tế Thu; tháng 5 tùy theo thời vụ ngày nào mạ được cấy thì tế hạ điền, cấy xong tế thượng điền. Gặp năm tai hạn bất thường thì làm lễ kỳ đảo.

Hiện nay, hội đền An Trạch vẫn giữ ngày tiết lệ cũ nhưng lễ vật thì giảm bớt nhiều. Ngoài ra, vào các ngày tuần sóc hàng tháng nhân dân địa phương và khách thập phương về làm lễ cầu mong sức khỏe và làm ăn may mắn, phát tài phát lộc. Đặc biệt tại đền vẫn rất đông đảo các thanh đồng và con nhang đệ tử ở nhiều nơi thường xuyên về hầu thánh và phát tâm công đức tiền của vào việc trùng tu ngôi đền được khang trang tố hảo như hiện nay.

Đền An Trạch từ xưa đến nay luôn là công trình văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng làng xã nơi đây, đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng và phát huy những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước./.

                                                                                                                                                                                                                                          PHAN THỊ AN NGỌC