Từ năm 1948 đến 1951 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, đã chuyển sang giai đoạn “Tích cực cầm cự”. Do chức trách, tôi được đọc nhiều văn bản, sách, báo, tiếp cận nhiều cán bộ các cấp. Sách, báo...lúc ấy quý lắm, báo “Cứu quốc” báo “Sự thật” tiền thân của báo “Nhân dân”, báo “Quân Việt Bắc”, “Thông tin Bắc Ninh” và một số sách, báo khác. Sách báo và các cán bộ đã bồi dưỡng trí tuệ và mở rộng cho tôi tầm nhìn, tầm nhận thức về Chính trị, về Văn hóa, về cuộc kháng chiến còn nhiều gian nan, thách thức...
Tôi hiểu Văn hóa trước hết là con người, là ngôn ngữ, cử chỉ, là đường ăn, ý ở, phong tục tập quán, là tiếng nói, chữ viết, là tôn giáo... nhiều màu vẻ, phong phú và đa dạng...
Con người ta sinh ra, lớn lên, dần dà phát triển, cả về hành động và trí tuệ. Rồi lao động, kiếm cái ăn, duy trì sự sống. Nhưng đất nước ta từ đầu thế kỷ XX ở vào hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã... Thực dân Pháp đã cướp nước ta hơn 80 năm, dân ta đã bị chúng cai trị vô cùng hà khắc. Năm 1940 lại thêm phát xít Nhật, câu kết với thực dân Pháp xâu xé nước ta. Dân ta bị hai tầng áp bức, bóc lột vô cùng thậm tệ. Nào sưu cao, thuế nặng, nào đi phu, đi lính... Lúa ngô đang xanh tốt, bọn Nhật bắt phá đi để trồng đay, sản phẩm mang về chính quốc, mặc cho dân ta sống leo lét, mỏi mòn, cực khổ, đến nỗi chết đói thảm thê. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Thuở nô lệ dân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm...”.
Năm 1941 cụ Hồ về nước, Người chỉ đạo: “Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây...”. Năm 1943 Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và được Thường vụ Trung ương thông qua tháng hai - năm ấy, nhằm kịp thời định hướng nền Văn hóa của dân tộc, coi như Tuyên ngôn của Đảng cộng sản Đông Dương về Văn hóa Việt Nam và khẳng định “Nền Văn hóa Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương”.
Thời kỳ ấy - Thế giới đang đại chiến lần thứ hai, cảnh núi xương sông máu hết sức tàn khốc, đến nỗi trong vòng hơn bốn năm trời, khoảng 50 triệu con người đã thiệt mạng, hàng chục “cường quốc” bị tàn phá nặng nề, kéo theo hàng chục nước khác lâm vào cảnh khó khăn, tụt hậu... Đất nước ta đang vô cùng rối ren về chính trị, kiệt quệ về kinh tế, nát tan về xã hội, cuộc sống nhân dân ngột ngạt bởi nô lệ, lầm than, tăm tối, tưởng như... “không có đường ra...”. Đảng ta nhận rõ: Phải kịp thời sốc lại tinh thần và ý chí của dân tộc, xây dựng nền Văn hóa như một mặt trận làm nên sức sống của đất nước, con người, cùng với các mặt trận Chính trị, kinh tế để vận động, giác ngộ, cổ vũ, tất thẩy mọi giai từng trong xã hội, tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã như một luồng gió mới, mát lành, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của Lịch sử, của xã hội Việt Nam. Đấy là cương lĩnh đầu tiên về Văn hóa, vô cùng đúng đắn, là cái đích chống lại nền Văn hóa phản động, nô dịch và thuộc địa của giặc.
Thực dân Pháp âm mưu duy trì chủ nghĩa xâm lược, nhồi sọ, ngu dân, đầu hàng Đại Pháp.
Phát xít Nhật lừa phỉnh “Việt Nam là giống da vàng, vận động đi theo thuyết “Đại Đông Á” người Nhật là cứu tinh giống da vàng”.
Còn ta - nêu cao lòng tự hào dân tộc, nhất định không chịu mắc mưu thâm độc của hai tên giặc, luôn hô vang các khẩu hiệu: "Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đả đảo phát xít Nhật”, “Nước Việt Nam độc lập”. Đồng thời còn chống cả xu hướng Văn hóa bảo thủ, bi quan, phản động của bọn tay sai bán nước, chống thái độ thờ ơ, duy tâm, buồn chán, mất phương hướng, né tránh, không dám hòa mình cùng nhân dân tranh đấu.
Giá trị tuyệt vời của Đề cương Văn hóa - 1943 - là Đảng ta không cần đợi khi giành được Chính quyền, lập Chính phủ, mới ban hành Để cương... bởi Đảng ta hiểu rõ nhân dân mình, biết rõ lịch sử nước mình - bao đời có truyền thống yêu nước, thương nòi, ghét ngoại bang, xâm lược. Số đông các giới nho sĩ, trí thức, các nhà tư sản, tiểu tư sản, các văn nghệ sĩ... cũng đều căm ghét kẻ thù, nên cần sớm vạch ra con đường cứu nước và những nhiệm vụ cần kíp của văn hóa, vận động văn hóa đi theo định hướng cách mạng giải phóng dân tộc, phá tan xiềng xích nô lệ. Không giải phóng được dân tộc, dân ta sẽ chết dần, chết mòn vì ngu tối và bị bóc lột, phong trào cách mạng vẫn bị đàn áp, những người Cộng sản, những người dân yêu nước, vẫn bị khủng bố, tù đầy, bị giết hại. Chỉ khi có giác ngộ về văn hóa mới biết lăn mình vào đấu tranh tự quyết lấy vận mạng, cuộc sống của mình...
Phương châm - Trước tiên phải “xóa nạn mù chữ”. Thời điểm ấy 95% dân ta chưa biết chữ, phải thành lập Hội truyền bá quốc ngữ, dạy cho dân ta có chữ viết riêng, có tiếng nói riêng, biết đời nô lệ nhục nhã “Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao” (Tố Hữu) sống một đời chịu nô lệ, lầm than “suốt trăm năm” thì thà chết còn hơn. Cũng năm ấy Đảng ta cho thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, nhằm thu hút rộng rãi lực lượng “cứu quốc”. Vận động cho mặt trận văn hóa phát triển, hòa với các mặt trận chính trị, kinh tế... Làm cho mọi người - ít nhất - cũng đọc được truyền đơn, sách báo của Đảng, của cách mạng, bằng chữ quốc ngữ, biết đâu là kẻ thù. Đồng thời nhanh chóng cải cách chữ quốc ngữ, sao cho dễ học, dễ đọc, dễ thuộc, nhằm gấp rút mở mang tầm hiểu biết cho người dân, tiến tới có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trước mắt phải cùng nhau đuổi được Nhật - Pháp, giành lại giang sơn đất nước...
Đề cương Văn hóa còn nêu nhiệm vụ: “Tổ chức các nhà văn” bởi văn chương là phương tiện nhận thức xã hội, các nhà văn mang thiên chức hướng dẫn con người biết nhận thức cuộc đời một cách sáng suốt, biết yêu, biết ghét một cách rõ ràng, kích thích con người biết đứng dậy, xua đi nỗi buồn, diệt trừ cái ác. Cũng như các nhà chính trị, cũng giáo dục con người biết đâu là thù, đâu là bạn, con người cần phải làm gì. Cũng với tư tưởng: “Tổ quốc trên hết” nhưng các nhà văn có cách giáo dục mềm, tâm lý, sâu lắng và thuyết phục, có sức lay động đưa con người đến bản ngã tự giác, lo cho mình, cứu lấy dân, nước mình. Các nhà cách mạng đã khéo léo giác ngộ - trước hết là nhóm Tự lực văn đoàn - sáng tác theo định hướng “Nghệ thuật vị dân sinh” nhằm đánh đuổi thực dân - phát xít.
Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đề cương đã đi đúng đường lối ấy. Rất nhiều các nhà hoạt động văn hóa, những học giả, trí thức lớn, cả các quan lại triều đình, cả thủ lĩnh các dân tộc...từ nhận chân, đến nhận đường, nhận biết được nền văn hóa, với các nguyên tắc căn bản “Dân tộc hóa... Đại chúng hóa... Khoa học hóa” thể hiện ý nghĩa đặc sắc, sâu sa, tinh túy của truyền thống Việt Nam...nên họ tự nguyện đi theo cách mạng, đi theo Cụ Hồ, đến cả vua Bảo Đại (không phải chỉ vì trong lúc thất thế) đã tự nguyện “xin làm dân một nước Độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Rồi cả những bác sĩ, kỹ sư tài ba, đang sống ở nước ngoài, lương tháng hàng chục cây vàng, cũng tự nguyện trút bỏ, theo Cụ Hồ về nước, tham gia kháng chiến, sống cuộc sống gian khổ nơi núi cao, rừng sâu, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà văn hóa lớn - trọng dụng, giao cho những trọng trách giúp dân, giúp nước...
Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam - 1943 - đến suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa mang đậm sắc màu dân tộc được vận dụng, phù hợp với từng giai đoạn, từng hoàn cảnh hết sức linh hoạt, nên đã mang lại thành công rực rỡ, tất thẩy các đế quốc xâm lược đều thua. Đặc biệt đế quốc Mỹ luôn cậy mình là nước giầu mạnh văn minh nhất thế giới, nhưng lại xử sự và hành động độc ác, tàn bạo và hèn hạ, vô văn hóa vào bậc nhất thế giới. B52, bom Napan, bom bi... là những vũ khí giết người hàng loạt, không được sử dụng trong chiến tranh thông thường, cục bộ... Cùn nhất là Mỹ còn sử dụng chất độc hóa học gây hiểm họa khôn lường, đến nỗi chính lính Mỹ và chính những người dân nước Mỹ còn không chịu nổi, phải cực lực lên án nguyền rủa...Cuối cùng Mỹ đâu có thắng nổi Việt Nam, phải thừa nhận “...Là thất bại nặng nề nhất từ khi thành lập nước Mỹ...”. Viên Đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mắcnamara phải than vãn: “Mỹ thua vì Mỹ không hiểu được nền văn hóa Việt Nam”.
Tuy nhiên trên chặng đường dài...có lúc cũng biểu hiện sự đi sai đường, lệch hướng như: Có đảng phái chính trị (mất gốc) đòi chia quyền chấp chính (1945 -1946). Có người vin cớ phê bình tác phẩm “Việt Bắc”, “Vượt Côn Đảo” công kích lãnh đạo (1955). Một số người thổi phồng sai lầm trong Cải cách ruộng đất (1956 - 1957). Một số người đòi “Trả văn nghệ cho văn nghệ”, một nhóm tự ý ra báo, xuất bản thơ (1957 - 1958), đòi hỏi quá đáng với Nhà nước, trong khi một nửa nước đang còn xương rơi máu chảy. Hoặc khi đã sạch bóng xâm lăng, lại xuất hiện bọn gian manh, độc ác, xuyên tạc, phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại công cuộc đổi mới. Rồi họ cũng uổng công, vô ích, chẳng thuyết phục được ai.
Ánh sáng của chân lý, ánh sáng của nền văn hóa truyền thống cách mạng đã rọi soi, uốn nắn kịp thời, kêu gọi lương tri, bồi dưỡng nhận thức, lên án sai trái, nhắc nhở cảnh giác, nhậy cảm quá đà...trường hợp cố tình, tất phải xử nghiêm.
Trải qua 80 năm, một đất nước có nền văn hóa chói ngời bản sắc dân tộc, có hạt nhân lãnh đạo: “Làm tên quân cảm tử đi tiên phong” (Tố Hữu) làm cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, trên thế giới này chưa nước nào thành công với chiến lược này, có lãnh tụ vô vàn kính yêu Hồ Chí Minh - Người tỏa sáng chân lý 9 chữ: “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”; có Quân đội nhân dân anh hùng với bản lĩnh vô song: “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Có nhân dân đoàn kết keo sơn, triệu người như một, có sự cố kết làng - nước, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” lại đầy ắp lòng nhân từ “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn...”, tha cho hàng ngàn tù binh Mỹ (kể cả phi công), cải tạo hàng chục vạn quân ngụy. Nền văn hóa cao sang ấy nhất định - sẽ đạp băng mọi thế lực cản trở để làm nên những kỳ tích vinh quang. Và đến tận ngày nay bản Đề cương về Văn hóa 1943 vẫn vang vọng giá trị, vẫn phù hợp với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay nhằm đưa dân tộc Việt Nam ta tiến lên ngang hàng cùng thế giới./.
HOÀNG TIẾN