Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

VAI TRÒ CỦA VĂN NGHỆ SỸ BẮC NINH TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CON NGƯỜI MỚI
10:56 | 25/07/2023

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG VĂN NGHỆ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (25/7/1948 - 25/7/2023)

       Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử, qua đó người ta nhận ra sự khác biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng vô cùng phong phú và phức tạp. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chiếc áo dài cổ cao hai tà, nhà Rông của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tiếng nói, chữ viết của người Kinh, người Tày, người Ê Đê, Ba Na... đấy là văn hóa.

Nền văn hóa của một dân tộc nào đó có thể bị mất đi, bị bào mòn, bị xâm lược nếu không được gìn giữ, phát huy. Trong lịch sử thế giới chúng ta đã từng chứng kiến nhiều nền văn minh chỉ còn là di tích khảo cổ. 

Việt Nam với lịch sử trải dài, nền văn hóa đã được hình thành với bản sắc rất riêng, bởi các thế hệ ông cha đều ý thức rằng “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. “Văn hóa còn, dân tộc còn, văn hóa mất, dân tộc mất”. Trước ba quân tướng sĩ, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng tuyên thệ: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Đây không chỉ là lời hiệu triệu trước khi xuất trận, mà còn là một tuyên ngôn về Văn hóa. Đánh giặc ngoại xâm để được giữ mái tóc dài, để được nhuộm răng đen, đánh giặc ngoại xâm để giữ bản sắc của dân tộc không bị đồng hóa.

Văn hóa là nền tảng để xây dựng con người, muốn xây dựng con người trước tiên phải kiến tạo một nền văn hóa. Để kiến tạo một nền văn hóa những người làm công tác văn hóa có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong việc xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách để lãnh đạo, triển khai sự nghiệp phát triển văn hóa, đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Trong đội ngũ ấy có các văn nghệ sĩ, chính là người tạo ra những giá trị cụ thể, góp phần xây dựng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Bắc Ninh là một vùng đất văn hiến là trung tâm Nho giáo đầu tiên của nước ta ngoài yếu tố địa lý đặc biệt “Phên dậu phía Bắc của Thăng Long - Đông Đô” đã từng diễn ra các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc suốt các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn nơi đây còn tích tụ rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Hàm Long, chùa Bách Môn... cùng với những lễ hội dân gian mang đậm sắc màu, vừa linh thiêng, vừa hấp dẫn. Hầu như làng xã nào cũng có lễ hội như: hội Dâu, hội Đền Đô, hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội Chen Nga Hoàng, hội đền Vua Bà - Thủy tổ Quan họ và đặc biệt là hội Lim. Một lễ hội mang đậm đặc bản sắc riêng của Người Bắc Ninh - Kinh Bắc.

        Khó mà thống kê hết những giá trị văn hóa cầm nắn được của vùng đất và con người Bắc Ninh, Kinh Bắc. Những giá trị ấy tồn tại đến hôm nay là nhờ có sự đóng góp của rất nhiều tầng lớp nhân dân trong đó không thể phủ nhận: có vai trò hết sức quan trọng của các Văn nghệ sỹ Bắc Ninh. Những năm gần đây đã có hàng trăm tác phẩm của các chuyên ngành sáng tác, sưu tầm, dịch thuật góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc Bắc Ninh, Kinh Bắc. Cụ thể:

       Về Văn nghệ Dân gian: Đã có hàng trăm bài viết về các di tích lịch sử, về tranh Đông Hồ, về dân ca Quan Họ. Nhiều văn nghệ sỹ đã cho ra cả tập nghiên cứu gồm nhiều bài viết có hệ thống về văn hóa Bắc Ninh. Hội VHNT đã xuất bản 4 tập “Văn Nghệ dân gian Bắc Ninh” đây là những tập sách không chỉ mang tính tổng hợp khái quát cao mà còn là tập sách thống kê khá đầy đủ khoa học về các loại hình Văn nghệ dân gian Bắc Ninh như Múa rối, Ca trù, Trống quân, hát Ví giao duyên đến tín ngưỡng thờ tự tại đình làng, thờ Mẫu, hát hầu Thánh... Có tác giả Như Nguyễn Khắc Bảo còn dày công nghiên cứu, sưu tầm, dịch từ hàng chục bản Truyện Kiều để tìm cho ra một “Truyện Kiều văn bản phục nguyên”. Như Cao Văn Hà viết cả một tập tản văn nói về làng với chỉ một ước muốn cho con cháu không được quên văn hóa của làng. Phân Hội VHNT Quế Võ đã xuất bản cả tập sách in các tác phẩm được giải cuộc thi viết về chí sỹ Nguyễn Cao.

       Về Văn học không thể thống kê hết các nhà văn, nhà thơ đã có bao nhiêu tác phẩm viết về quê hương, về sự đổi mới trên quê hương. Những tác phẩm văn xuôi đã khắc họa hình ảnh nhân vật con người mới, với mục đích chuyển tải ý tưởng của nhà văn hướng tới “Chân - Thiện - Mỹ”. Qua các cuộc thi viết về “Bắc Ninh trong hành trình xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”; “Nông thôn mới” các cây bút đã thể hiện được sự đồng hành cùng quê hương. Không ít nhân vật như anh thương binh, ông Bí thư Chi bộ, anh Trưởng thôn đã gây được ấn tượng khó quên trong tâm người đọc, họ thực sự là một tấm gương. 

       Về nhiếp ảnh. Đã có hành trăm tác phẩm phản ánh trung thực cuộc sống, con người, cảnh đẹp của quê hương chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hóa, con người.

      Về âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, hội họa, điêu khắc: Hội đã có hàng chục bản nhạc, ca khúc, bản thảo kịch nói, dân ca, chèo, và các tác phẩm kiến trúc hội họa viết về Bắc Ninh của Văn nghệ sỹ trong tỉnh, nhiều vở kịch đã được dàn dựng, nhiều bức họa đã đạt giải, nhiều thiết kế xây dựng được đánh giá cao. Có nghệ sỹ khi nghỉ hưu đã tự tổ chức Câu lạc bộ truyền dạy hát dân ca, đặc biệt là Dân ca Quan họ miễn phí, chỉ với mục đích giữ gìn và lan tỏa các làn điệu dân ca của quê hương mình.   

      Đi đôi với sáng tác đội ngũ văn nghệ sỹ còn tích cực tham gia phản biện các công trình khoa học, góp ý kiến vào việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền, các cấp đối với sự phát triển của tỉnh và các địa phương.

     Văn nghệ sỹ Bắc Ninh trong thời gian qua đã phát huy được vai trò của mình, bằng tác phẩm, bằng sự gương mẫu trong đời sống cá nhân đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc.

     Song để đánh giá thật công tâm những tác phẩm của Văn nghệ sỹ Bắc Ninh mới dừng lại ở quảng bá chưa có tác phẩm chuyên sâu xứng tầm về Văn hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc và chúng tôi cũng nhận thấy đội ngũ Văn nghệ sĩ Bắc Ninh vẫn cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để có những tác phẩm VHNT có chất lượng góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết số 71 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2023, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đi vào cuộc sống./.

                                                                                                                                                                                                         NGUYỄN THÁI SƠN