Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

TÌNH CẢM ĐẶC BIỆT CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI ANH BỘ ĐỘI
10:31 | 30/12/2022

 KỶ  NIỆM 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2022)

Trong một bài hồi ký nhan đề “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Bác Hồ là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Bao giờ Người cũng dành tình cảm thắm thiết cho anh bộ đội, coi anh bộ đội như con đẻ của mình”.

Bức thư đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ với anh bộ đội là bức thư Người viết vào đêm 20/01/1946 (tức 19 tháng Chạp), sắp đến tết Bính Tuất 1946. Đó là những ngày giáp tết. Lúc này, Cách mạng tháng Tám thành công mới được hơn bốn tháng, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn: nạn đói (với hai triệu người vừa chết đói trong năm Ất Dậu 1945), nạn ngoại xâm (Pháp trở lại xâm lược, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào), nạn giặc dốt (hơn 90% nhân dân mù chữ), tài chính khô kiệt. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn rất quan tâm đến quần chúng, trước hết là các chiến sĩ quân đội và gia đình bộ đội. Trong bức thư gửi ngày 20/01/1946, Người đã mở đầu: “Tết Bính Tuất sắp tới. Trong lúc này, đồng bào cả nước ta ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân... tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui chung ngày tết với các chiến sĩ oanh liệt ngoài mặt trận, những gia quyến của các chiến sĩ... sao cho mọi người đều được hưởng cái tết vui vẻ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”. Tình yêu thương chiến sĩ của Bác đã thấm đượm trong từng câu, từng chữ khiến cho người đọc phải cảm động.

Một năm sau, sắp đến tết Đinh Hợi 1947, Người lại nhắc toàn dân phải nhớ đến bộ đội đang xông pha ngoài mặt trận. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới bùng nổ từ đêm 19/12/1946, hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong bức thư viết tháng Giêng năm 1947, Bác nhấn mạnh: “Trong khi đồng bào ở hậu phương sum họp ấm cúng đón Tết tại gia đình thì các em phải chịu nhiều gian khổ, ăn gió nằm sương ngoài mặt trận... Các em ăn Tết thế nào? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ về các em mà không ai nỡ ăn Tết”... “Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào”.

Những ngày xuân Đinh Hợi ấy, những dòng thư ân tình của Bác đã sưởi ấm lòng biết bao chiến sĩ. Qua lời thư, người ta thấy vị lãnh tụ của mình thật là gần gũi, giản dị, thân thiết. Tình cảm ruột thịt giữa Bác Hồ với anh bộ đội được thể hiện rất rõ. Biết bao chiến sĩ đêm giao thừa năm ấy nghe thơ Bác đã rưng rưng nước mắt.

Suốt cuộc đời mình, Người thường xuyên quan tâm đến từng việc nhỏ, đến cái ăn, cái ở của anh bộ đội: “Cán bộ không có đội viên thì không làm gì được. Bởi vậy, cần phải thương yêu đội viên. Từ Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa có áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 105).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có một mùa đông người chiến sĩ không bao giờ quên. Lúc bấy giờ, năm mới sắp đến. Cái rét mướt của mùa đông cũng đã về, lập tức Bác Hồ chỉ thị cho Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) gửi ngay áo ấm cho bộ đội để các anh giữ được sức khỏe, đánh thắng giặc Pháp xâm lược và Bác làm ngay bài thơ: “Đêm khuya se lạnh, mưa như trút/ Sáng sớm mây mờ lẫn với sương/ Áo ấm gửi ngay cho chiến sĩ/ Trời loe nắng ấm, báo xuân sang”.

Qua đó ta thấy Bác Hồ dù bận rộn việc nước vẫn hết sức quan tâm đến cuộc sống thường ngày của người chiến sĩ. Cứ mỗi lần thời tiết đổi thay là Người nhớ ngay đến việc giữ gìn sức khỏe cho bộ đội. “Áo ấm gửi ngay cho chiến sĩ”. Lời thơ là lời nhắc nhở tận tình, sự quan tâm chu đáo đến từng cái nhỏ. Bài thơ làm toát lên tình cảm sâu sắc của Người, coi chiến sĩ thân thiết, gần gũi như con em ruột thịt của mình. Câu thơ cuối Bác vẽ ra trước mắt người đọc một viễn cảnh tươi sáng: “Trời loe nắng ấm, báo xuân sang”.

Nhân ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên (1947), Bác đã viết một bức thư nói rõ tấm lòng mình, qua đó ta thấy Người thương yêu, quý mến bộ đội, thương binh, liệt sĩ biết chừng nào: “Tôi không có gia đình. Tôi không có con cái. Đất nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, các thanh niên là con cháu của tôi... mất đi một thanh niên là tôi mất đi một đoạn ruột...

Những ngày họ chưa mất đi, vợ của họ còn là vợ thơ, con của họ còn là con dại. Nhưng khi họ trở thành liệt sĩ, vợ thơ thành vợ góa, con dại thành con côi... Thưa toàn thể đồng bào! Của cải mất đi còn có thể lấy lại được, nhưng chân tay mất đi không bao giờ mọc lại được nữa và những liệt sĩ không bao giờ có thể sống lại được nữa, vậy tôi thiết tha mong đồng bào hãy thương lấy các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội”.

Những dòng thư ấy 78 năm qua bao nhiêu người đã đọc và bao nhiêu người đã khóc. Nước mắt đã chảy trên gò má sạm thuốc súng của anh bộ đội trên tiền tuyến, nước mắt đã chảy theo những vết nhăn nheo của mẹ già ở hậu phương. Tình thương của Bác đối với bộ đội, thương binh, gia đình liệt sĩ toát lên qua từng dòng chữ.

Tình thương của Bác đối với anh bộ đội còn thể hiện ở chỗ: Bác gửi lòng tin tuyệt đối vào người chiến sĩ. Anh bộ đội biết vượt mọi gian khổ hy sinh để chiến thắng, anh bộ đội đánh là thắng như trong bài thơ chúc tết Đinh Hợi năm 1947 của người: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sỹ, tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Và trong cái tết cuối cùng trước lúc đi xa, mặc dù cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn ác liệt, biết còn phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng Người vẫn gửi niềm tin đến người chiến sĩ, đến toàn dân tộc: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập! vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút! Đánh cho Ngụy nhào!/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. (Mừng xuân 69).

Lời khẳng định ấy, niềm tin ấy của Người đã thành sự thật, 6 năm sau, vào lúc 11 giờ 30 trưa ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng đã tung bay giữa Sài Gòn. Anh bộ đội cùng với toàn dân đã làm nên chiến thắng vĩ đại, xứng đáng với lòng tin yêu của Bác./.

ĐOÀN MẠNH TIẾN