Làng Đại Mão (Hoài Thượng -Thuận Thành - Bắc Ninh) nổi tiếng làng văn hiến. Và ngày nay còn là làng giáo dục. Rất đông người đã và đang công tác ở xa, với những cương vị khác nhau, kể cả là cán bộ cao cấp của Nhà nước và Quân đội. Một số người định cư ở nơi công tác. Nhưng Đại Mão luôn là quê hương thân yêu trong máu thịt và tâm khảm mỗi người.
Nhắc đến Đại Mão hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến giai thoại “Văn chỉ không văn” của làng. Câu chuyện nhỏ nhưng nói được nhiều điều lớn. Đó là đất văn học. Đó là nơi con người có giáo dục cao luôn khiêm nhường, luôn “tri túc” và trong cách ứng xử, đó là phép lịch sự thanh khiết.
Ngày nay, rất nhiều cán bộ các cấp nghỉ chế độ về sinh sống tại làng càng làm tăng thêm “mật độ” tri thức cho làng quê. Đất văn học càng thêm sáng ngời chất văn học. Họ hợp lại thành “Tiếng thơ làng văn hiến”. Đến nay các tác giả yêu văn học làng Đại Mão đang chuẩn bị cho in cuốn “Thơ Đại Mão” tập thứ 11 với 183 bài. Tập thơ dày dặn về số bài và cũng dày dặn cả về Tiếng thơ nữa.
Tiếng thơ là tiếng lòng. Trước hết là tiếng lòng với quê hương, đất nước, mà cụ thể là ngôi làng Đại Mão của chính mình. Hầu như mỗi tác giả đều có thơ về quê hương với các cách cảm cách nhìn khác nhau. Với tác giả Lê Đình Ngạn có hẳn một chùm 3 bài: "Quê tôi”, “Quê hương tôi”, “Quê hương”. Đó là “Một miền quê” vừa cụ thể vừa đặc trưng trong thơ Lê Nho Nùng:
Bờ Nam sông Đuống một miền quê
Nơi ấy người xa những hướng về
Ruộng bãi bờ tre sàng nếp sống
Đất lề quê thói dệt đam mê.
Quê hương chính là điểm tựa vững chãi nhất cho mỗi con người trong hành trình sống và cống hiến lúc thuận lợi, lúc vấp váp để an bình vượt qua trong thơ Nguyễn Hữu Chi:
Ta về lưng tựa vào quê
Thả hồn vào những chốn về yêu thương
Đường quê dầu dãi gió sương
Ngày về thương nhớ vấn vương đong đầy.
Vì thế, người nào đi xa cũng luôn “Nhớ quê hương” để có sức mạnh cội nguồn đi tới. Với tác giả Lê Thị Bình luôn thấy “Quê hương trong cả giấc mơ ngọt ngào” và nhận ra “Đến khi tuổi già nằm trọn tình quê”. Tác giả Lê Nho Dược nhớ quê hương qua ngày hội làng truyền thống: “Mặn mà như thể trầu cau/ Nhớ ngày hội mở cùng nhau sum vầy”. Tác giả Lê Nho Nhung thì lại nhớ quê hương qua nét đẹp văn hóa độc đáo của làng, đó là tục xuân tế tổ của tất cả các cửa họ vào ngày mồng Mười tháng Giêng: “Hạnh phúc nhân lên đời đẹp như mơ/ Ngày xuân tế chúng con về tấp nập/ Sung sướng hân hoan, nghĩa tình ấm áp/ Mắt môi cười như hoa của mùa xuân”.
Với tác giả Đỗ Anh Quân, một người sống xa quê nên mỗi khi về làng là một bầu cảm xúc lại trỗi dậy. Ông có một chùm bài trong tập này: “Câu thơ ngày trở về”, “Cố hương”, “Nghè làng tôi”, “Đêm ở làng”. Quê hương là gốc rễ, là an bình:
Con đường thân quen ngày bé
Bây giờ bỗng thấy xốn xang
Nhớ ai chân trần gánh nước
Giếng làng một mảnh trăng treo
Vẫn nghe nhà ai lách cách
Dệt mùa Xuân, dệt yêu thương.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, người Đại Mão đoàn kết một lòng theo Đảng, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành quyền độc lập, xây dựng quê hương giàu đẹp. Tác giả Nguyễn Hữu Kim có bài thơ dài “Chào mừng 75 năm Đảng bộ xã Hoài Thượng” đã tổng kết lại toàn bộ lịch sử làng, xã: Hàng nghìn thanh niên nhập ngũ, 161 liệt sĩ, 90 thương bệnh binh, 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phát huy nghề dệt Đại Mão, nghề dâu tằm đất bãi… Khi dịch Covid-19 bùng phát, địa phương nằm trong khu vực phong tỏa cách ly y tế, nhiều tác giả có thơ về đề tài này, hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về các biện pháp phòng chống dịch. Tác giả Đỗ Trọng Tầu biến quan điểm “Ở nhà là yêu nước” trong bài thơ “Nằm nhà là thắng dịch”, mặc dù: “Chè ngon thiếu bạn không buồn uống/Hoa đẹp vắng người chẳng thấy hay”.
Yêu quê hương là yêu cả những người thân yêu nhất, kính trọng nhất, đặc biệt là những người thân đã đi xa mãi mãi. Tác giả Lê Nho Lãng có “Ngày giỗ vợ”. Tác giả Vũ Huy Quang có “Đọc thơ cha” và “Ngày giỗ cha”. Tác giả Lê Nho Tài có “Lời khấn ngày giỗ mẹ”. Tác giả Trịnh Đức Khái có “Nhớ mẹ”. Tác giả Lê Thị Tâm có “Thương mẹ”: “Mẹ tôi suốt cả cuộc đời/Thân cò lặn lội giữa trời nắng mưa” và:
Lòng Mẹ như ánh trăng rằm
Mênh mông tỏa sáng ngàn năm mãi còn
Tác giả Nguyễn Đình Nghiên có bài “Nhớ cha” đầy cảm xúc chân thành và đại diện cho tất cả mọi người cùng cảnh ngộ:
Con ngước nhìn lên ba bát hương
Trong vòng hương tỏa dáng quen quen
Đâu đấy bóng mẹ cha cười đó
Che chở cháu con bớt muộn phiền.
Tình yêu quê hương còn mở rộng ra tình yêu đất nước qua tình cảm với các miền quê khác cũng đều đẹp và yêu dấu nên thơ. Và cao hơn cả là tình cảm yêu kính với Đảng, Bác Hồ và các bậc lãnh đạo tiền bối của Đảng. Tác giả Vũ Huy Quang có chùm bài: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Thơ, Di chúc Bác Hồ”, “Lời Bác dạy”, “Trường thọ vinh hoa”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Tác giả Lê Nho Tài có “Thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ”, “Ngày vui nhớ Bác”. Tác giả Lê Thị Tâm có “Trường Sơn nhớ Bác”. Tác giả Đỗ Thị Huy cũng có chùm bài: “Niềm tin”, “Mừng sinh nhật Bác”, “Tự hào”. Lòng yêu kính lãnh tụ thật mộc mạc mà chân thành, sâu sắc:
Bác Hồ sống mãi muôn đời
Đi cùng lịch sử con người Việt Nam
Có Tiếng Lòng hướng ngoại thì có Tiếng Lòng hướng nội. Nhà thơ Xuân Diệu nói đại ý: “Tôi viết về thế giới thì không ai đọc/ Tôi viết về vợ tôi thì cả thế giới đọc”. Các tác giả thơ làng Đại Mão khi viết hướng nội cũng rất đằm thắm, trữ tình và nên thơ. Tác giả Lê Nho Bá có hẳn một chùm: “Tự thọ”, “Tự sự”. ‘Tự nhủ”. Còn tác giả Đỗ Trọng Bảo đã 97 tuổi mà viết về “Đôi mắt” thật lạc quan, yêu đời: "Trông trời chang chói hồng tươi đỏ/ Ngắm đất yên bình thắm sắc xanh” và khẳng định:“Đôi mắt còn theo cuộc tái sinh”. Tác giả Trịnh Đức Bỉnh lại “Say vào lời yêu” thế này:“Rượu nồng người đã rót trao/ Cùng nhau ta đã say vào lời yêu”. Với con mắt thơ, ông còn có bài “Cái nhìn” mượt mà và ngọt ngào, con chữ thì lấp lánh tình:
Cái nhìn ấy hút hồn tôi
Dao cau mắt liếc cong nơi đao đình
Và rồi:
Hội tan mà chẳng muốn về
Cái nhìn đổ nắng làm mê mẩn hồn.
Say tình như thế nên lúc nào cũng “Nợ một chữ yêu”: “Nắng non như dải lụa vàng/ Vương vào em cái ngỡ ngàng của xuân”.
Tác giả Lê Nho Nùng lại có một “Bến xưa” của riêng mình. Chỉ bằng vài nét chấm phá mà bức tranh bến sông hiện ra rõ nét:
Mấy chục năm nay tới bến xưa
Lối mòn cây lấp cảnh tiêu sơ.
Người đâu không thấy thuyền không thấy
Ì ọp từng con sóng vỗ bờ.
Tác giả Nguyễn Hữu Chi lại có kỉ niệm rất thôn quê với “Bóng chiều cỏ may”:
Cỏ may níu mãi chân mình
Mang bao thương nhớ nghĩa tình sắt son.
Cỏ may thì sắt son với người, nhưng người bạn gái lại sang ngang, để cho: “Tiếng ve nức nở nỗi sầu/Mối tình ngày đó rực màu phượng rơi”.
Tác giả Lê Đình Ngạn thì lại ôm mãi mối tình cau xanh: “Em đi góc biển, chân trời/Còn anh vẫn giữ một thời cau xanh”.
Cảm xúc giao mùa, nhất là mùa xuân dường như ăm ắp đầy trong các tác giả thơ làng văn hiến. “Vào xuân”, “Khai xuân”, “Xuân đến muộn”, “Xuân lại gọi xuân”… Tác giả Lê Nho Tờ thật tinh tế khi liên tưởng mùa xuân là đẹp, là sinh sôi vạn vật qua hình tượng người con gái:
Chiều nay tạnh gió triền đê
Lơ thơ cánh én liệng về cùng em
Gót sen nhẹ bước êm đềm
Mầm non cựa đất gọi đêm ngỡ ngàng
Còn tác giả Lê Đình Thanh trong lúc “Giao mùa” cũng đã cảm nhận được bức tranh đẹp và tươi sáng của riêng mình:
Phong lan rồng đỏ hương ngất ngây
Họa mi lảnh lót tiếng hót hay
Tiết xuân lưu luyến làn gió nhẹ
Gọi nắng hạ về hồng chân mây.
“Thăm bến đò Ngăm” ông cũng có những xúc cảm kỉ niệm xưa cũ ùa về, vẫn đây xanh mát hàng tre mà con đò năm ấy trôi về nơi đâu, để cho người cũ còn đằm mãi trong kỉ niệm: “Bình minh rạng rỡ đằng Đông/Mình tôi giữa bến bâng khuâng đợi chờ”.
Với tác giả Đỗ Phương Liễu lại đắm chìm tâm tư trong thời gian đang lặng lễ trôi. “Tháng Chạp” đến chợt thấy mình “Ừ nhanh nhỉ, đã qua thời nông nổi”. Qua thời nông nổi nên “Tháng Giêng” đến thật lắm ưu tư: “Cơn mưa xuân vắt ngang qua nỗi nhớ/Ướt cánh đào và phai sắc má em” và: “Mưa chưa tan, nắng dỗi hờn đỏng đảnh/Gió vô tình tạt thương nhớ vào tôi”. Thơ Phương Liễu với những câu chữ “Thi sĩ” níu lòng người đọc. Ngay cả tên bài thơ kết thúc tập thơ này cũng đáng để người đọc nhớ không chỉ một bài thơ cụ thể mà nhớ luôn cả tập thơ, đó là bài “Chạm vào tuổi thơ”. Chạm vào tuổi thơ là chạm vào kỉ niệm, chạm vào nghĩa tình gia đình, quê hương, bạn bè một thuở:
Là tuổi thơ tôi dòng sông lặng sóng
Một lũ con trai, con gái tắm cùng
Là con đò mái chèo khua nỗi nhớ
Phiên chợ chiều mẹ gánh cả hoàng hôn
Tiếng thơ làng văn hiến sẽ mãi dư ba trong lòng bạn đọc với đa chiều cảm xúc và bức tranh quê hương thật đẹp. Xin mượn câu thơ của tác giả Lê Nho Tuy trong bài “Nắng xuân”, một nét tranh quê đẹp, tươi sáng và phát triển để kết thúc bài viết nhỏ này:
Nắng vàng trải rộng khắp bốn phương
Búp lộc trên cành dạ vấn vương
Nắng tỏa, sương lan trên ruộng vẫy
Trời xanh én liệng dệt đồng nương./.
PHẠM THUẬN THÀNH