Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

TIẾNG CHIM HÓT TRÊN CAO
15:41 | 18/08/2020

Tên tập thơ này thật hay và thật đúng với nhà thơ Thái Khoát: Tiếng chim hót trên cao! Từ mở đầu là Tiếng ve đầu mùa, đến Mùa nối mùa rồi Tôi Gió và Cánh đồng… chặng đường thơ trên mười năm thôi đã lảnh lót Một tiếng chim thơ đầy ấn tượng. Chim hót ở đâu cũng đều đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng chim hót trên cao thì đẳng cấp của chim nghe chừng đã khác. Giá trị của tiếng hót không chỉ ở thanh âm mà còn ở độ vang xa và sức lan tỏa đầy ám ảnh của nó. Nhà thơ rất có ý thức về trách nhiệm truyền tải thanh âm thơ của mình đến với đông đảo bạn đọc. Tiếng chim hót trong thơ Thái Khoát phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó chính là những âm thanh muôn vẻ của cuộc sống, là tiếng đời với rất nhiều cung bậc. Nhà thơ  truyền tải những âm thanh này qua nhịp điệu tâm hồn của mình, bằng thơ, tự nguyện và chắt lọc: “Cho ta nhặt tiếng chim rơi/Để khi chim không hót nữa/Thay chim tung cả lên trời…”. Và trong cả tập thơ này, ở một chừng mực nào đó, Tiếng chim hót của anh vừa lay tỉnh, vừa xao xuyến lòng người... 

Thơ Thái Khoát có hai điểm mạnh cơ bản: Mới lạ trong cấu tứ, trong hình ảnh và sự sâu sắc trong tư duy nhờ vốn văn hóa và sự từng trải của một nghệ sĩ, một trí thức. Hai sợi chỉ hồng này xuyên suốt ba tập thơ đã xuất bản của anh. Và, đáng mừng thay, nó vẫn lung linh tỏa sáng trong Tiếng chim hót trên cao. Đó là các bài: Xin chữ đầu xuân, Xin cho cha một nụ cười, Đám ma quan, Đi lễ ở đền Bà chúa Kho, Tiếng chim cu gáy, Cà phê một mình, Chỉ có Thánh mới biết, Người đàn bà cô đơn, Hồn gỗ Đồng Kỵ…

Không có sự từng trải và tài thơ, không viết được những câu thơ đầy ám ảnh này về nỗi cô đơn :

Buồn lên nẫu cả trời mưa

Đêm nằm gậm nhấm

                                 tình xưa một thời

Cô đơn vây chặt bóng người

Xót xa cho một kiếp người dở dang!

Đấy là nỗi cô đơn của người khác, đồng cảm và xót xa. Còn đây là nỗi cô đơn của chính mình, nặng trĩu hơn nhiều, thẳm sâu hơn nhiều:

Tôi ngồi

Uống với bóng tôi

Nhâm nhi chuyện cũ 

Một thời chưa xa…

Nực cười khi được tung hoa

Đắng lòng

Nhìn cái nhạt nhòa lên ngôi!

Tưởng thế là đã đủ cho cà phê một mình rồi, nhưng nhà thơ mệnh hỏa này vẫn tiếp tục rót lửa: “Bon chen như thể chợ trời/ Thò tay/ Giấu mặt/ Nửa người/ Nửa ma.../ Ta ngồi uống với bóng ta/ Tàn đêm đáy cốc/ Hiện ra mặt người…” Phải chờ đến tàn đêm, phải uống cạn cốc cà phê cay đắng này, mới mong nhìn thấy mặt người chân thiện nơi đáy cốc! Thơ triết luận về nhân tình thế thái , vừa đầy nỗi cô độc xót xa, vừa thâm sâu và cảnh báo. Đây có lẽ là bài thơ nằm trong tốp hay nhất của tập thơ này.

Về mặt đề tài, thơ Thái Khoát khá đa dạng và phong phú. Anh có nhiều bài viết ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Nguyễn Văn Cừ... cũng như sự đổi mới của Phố Chờ, thị xã Từ Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang... thơ ngợi ca nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc khiến người đọc không thấy nhàm chán. Một điểm mạnh nữa trong thơ Thái Khoát là sự đa tình, đa mang và rất trẻ trung. Đã ở độ tuổi xưa nay hiếm rồi mà thi nhân này vẫn như đang tận hưởng mối tình đầu: “Em ơi! Chiều đã sắp tàn/ Anh rút sợi nắng qua làn môi em/ Để hun ngọn lửa tình đêm/ Cho hầm hập nóng thân em ngọc ngà”.  Và đây nữa: “Màu son bám chặt môi êm/ Thì anh hôn - giọt ngực đêm phiêu bồng!”. Nếu không phải là thi nhân, nếu không có nội lực dồi dào, nếu không dám dấn thân vào chốn tình trường, không thương hoa tiếc ngọc... thì không thể có những câu thơ thổn thức và đắm say như thế. 

Tuy nhiên, nhà thơ cũng hiểu được giới hạn của sức mình. Người xưa nói: Ngũ thập chi thiên mệnh/ Thất thập cổ lai hy, năm mươi tuổi đã hiểu được mệnh trời, bẩy mươi tuổi đã là lớp người xưa nay hiếm. Nhà thơ biết mình như một cánh đồng đã vắt kiệt sức sau vụ gặt, cần phải được nghỉ ngơi và tiếp thêm năng lượng: 

Đồng đã vắt kiệt sức mình nên khát

Đất cũng vừa lặng thầm rút ruột

Lại xẻ thịt da mình

Nứt nẻ chân chim…

Tôi như cánh đồng sau gặt

Cánh đồng và tôi đang khát

Chờ mưa…  

Đúng là Tiếng chim hót trên cao không chỉ là tiếng chim. Nó là những thanh âm trầm bổng của cuộc đời. Khi lảnh lót vang xa bay cùng mây trắng. Khi tâm tình thủ thỉ thở than với những thân phận cô đơn. Khi lại trầm lắng và xót xa với bao ngang trái của kiếp người. So với Tiếng ve đầu mùa, nhà thơ đã có một bước tiến rất dài, trầm lắng và sâu sắc hơn, đa thanh đa sắc hơn, một kỹ năng sáng tạo thơ chuyên nghiệp hơn.Thật mừng cho anh, một chân dung thơ đầy ấn tượng và nhiều ám ảnh. 

Dù tìm đến với thơ hơi muộn, nhưng chỉ sau hơn mười năm sáng tạo, Thái Khoát đã có bốn thi phẩm của riêng mình. Thật là đáng mừng khi nhiều bài thơ, nhiều câu thơ của anh đã được bạn đọc đón nhận và biểu dương. Đáng mừng hơn là anh vẫn còn sung sức, còn nhiều dự định, nhiều hứa hẹn đang chờ ở phía trước. Khép lại tập thơ này, nếu mạnh dạn bỏ đi một số bài trung bình, thì tiếng hót - tiếng hát của thơ anh sẽ còn vang xa và lay động hơn rất nhiều. Nhưng ai làm thơ chẳng muốn sự dày dặn, một bó hoa hồng hàng trăm bông cho rực rỡ thi đàn?...

                                                                                                                                                                                                                                   NGUYỄN ANH THUẤN