Trang chủ TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

THÓC ĐẤT
16:10 | 11/06/2020

 Truyện ngắn - THÁI SƠN

Lần thứ nhất khi Tuấn ngập ngừng nói với bố, chuyện của anh với Hương. Ông Thâu bảo: “Ra chợ mua cân thịt trâu, cũng phải biết nguồn gốc con trâu có bị lở mồm long móng hay không? Tổ tiên ông bà nó ở đâu anh biết chưa?”. Câu nói chỉ khác một cái tát ở chỗ nó không đau trên mặt, mà nó đau trong tận tâm can. Bẵng đi một thời gian. Mùa cưới, có hôm vợ chồng ông Thâu phải chia ra mỗi người đi một đám, ông sốt ruột: “Làng này ngày xưa đã có lão binh Kiểm, không vợ, không con, lúc chết lý trưởng phải cử tám người khênh ra đồng đấy, anh Tuấn ạ”. Tuấn thầm đoán có lẽ bố đã thay đổi. Anh lại xin cưới Hương. Ông Thâu đang hút thuốc lào quăng ngay cái điếu bát ra ngoài sân: “Xã hội có phải cái vũng trâu đằm đâu, mà anh chỉ bắt được đòng đong cân cấn?”. Mặt Tuấn tái mét xanh bợt, không dám nói gì thêm, vội đứng lên ra nhặt những mảnh điếu vỡ. 

Tuấn và Hương đều tốt nghiệp Đại học, ra trường đã có công việc ổn định từ lâu. Đã có lúc Tuấn nghĩ: hai đứa cứ ra Ủy ban đăng ký phéng đi là xong, nhưng bà Nết mẹ anh lắc đầu: “Bố mẹ đã đi ăn cỗ ngang, cỗ dọc cả làng, con đầu cháu sớm không làm thế được”. Bạn bè khuyên: “Đừng đi tất nữa để có baby, thể diện các vị phụ huynh to như trái núi, ắt sẽ phải ngồi với nhau mà bàn lễ cưới”. Nghe phong thanh, bà Ốc mẹ của Hương như lên cơn sốt: “Nếu chúng mày định làm thế, thì chờ tao chết đi đã”. Thế là cứ hết năm này qua năm khác, Tuấn và Hương không cưới được nhau.  

Hôm nay nhận được điện của Hương báo bà Ốc ốm nặng, Tuấn vội xin nghỉ phép. Trưa, cơm nước xong thấy bố vui vẻ. Tuấn cam đảm hẳn lên:

- Thưa bố, con và Hương...

Tuấn mới nói đến đó, như khí ga rò rỉ gặp lửa bùng cháy, ông Thâu giật cánh tủ vất ra một đống giấy tờ, ngày ông còn làm chủ nhiệm Hợp tác xã:

- Anh là đứa có học, xem đi rồi hãy phát ngôn.

Ông Thâu bỏ đi. Tuấn ngồi lục đống giấy tờ, sổ sách, anh tìm được tập giấy liên quan đến bà Ốc: “Biên bản khám nhà”, “Biên bản phạm pháp quả tang”, “Bản kiểm điểm đoàn viên”, “Quyết nghị kỷ luật đoàn viên”. Tất cả đều được chép tay trên các tờ giấy một mặt nhẵn, một mặt thô như tờ giấy ráp, đã vàng ố vì thời gian. Tuấn nói với mẹ:

- Những chuyện này tuy cô Ốc không kể, nhưng cả làng đều đã biết. Chuyện từ đời nảo, đời nào bới ra làm gì nữa chứ?

Bà Nết nhìn đống giấy tờ nhăn mặt:

- Bố anh vẫn còn giữ những thứ của nợ ấy à?

*     *

*

Bà Ốc, xuất thân là đứa bé ai đó đi qua làng Ngòi, một đêm tối trời bỏ lại. Vợ chồng ông Thụ em họ ông nội Tuấn, không có con nhặt được mang về nuôi. Theo vai vế, Tuấn phải gọi bà Ốc bằng cô. 

Dân làng kể lại, trong mớ tã, đứa trẻ bé tý tẹo chỉ như cái lõi ngô, con ốc, nên ông bà Thụ gọi luôn là Ốc để cưng nựng, lâu dần thành tên. Cái tên ấy cứ như ám vào thân phận cuộc đời cô. Ông Thụ làm nghề đánh mìn phá đá hít bụi nhiều nên bị bệnh lao, lây sang bà Thụ. Ngày ấy bệnh lao còn là bệnh nan y, nên vợ chồng ông Thụ thể lực cứ suy kiệt dần, chỉ quẩn quanh được từ nhà xuống bếp. Mười ba tuổi Ốc đã tự bươn trải kiếm sống nuôi thân, nuôi ông bà Thụ. Ngày đi làm hợp tác xã. Lúc rảnh cắp thúng, chổi tre đi quét thóc đất, tối về đèn dầu bì bũm dưới ao đãi đống sỏi sạn gạn ra lấy thóc. Lam lũ vất vả làm cho Ốc đen đúa, gò má nhô cao, tóc luôn cứng queo đỏ quạch cháy khét mùi nắng. Ốc như không có tuổi dậy thì, trên gương mặt duy còn đôi mắt, to đen, hàng mi cong dài, là biểu hiện của tuổi trẻ. Con gái trong làng mười bảy, mười tám đã đi lấy chồng, Ốc hai mươi hai vẫn chưa có chàng trai nào buông lời tán tỉnh. Họ sợ Ốc mang bệnh như bố mẹ nuôi. Ốc được dân làng xếp vào danh sách, phụ nữ quá lứa nhỡ thì. Trong số ấy người nhiều tuổi nhất đã hơn bốn mươi, người ít tuổi nhất là Ốc. Tất cả đều sống khép mình chỉ biết ruộng đồng. Thị xã cách mười lăm cây số, nhưng chưa ai đến đó bao giờ. “Hủ hóa”, “chửa hoang” là những từ ngữ kinh hoàng đối với làng Ngòi, nó có nghĩa xấu xa như cướp của, giết người, vì thế không ai dám đánh đổi để lấy một lần làm mẹ. Những ngôi nhà góc vườn, cuối bãi thường là nơi họ ra ở riêng cho khỏi mang tiếng: “Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng”. 

Thật trớ trêu, năm Ốc hai mươi bốn tuổi, những người đàn bà trong làng, thì thào to nhỏ: “Cái Ốc có mang”. Tin ấy như tiếng sét giữa ngày trời trong. Cả họ Trần rụng rời, người nọ chạy tìm người kia bấn lên, cứ như nhà mình đang cháy. Anh Thâu trưởng họ lại là Chủ nhiệm Hợp tác xã, cùng với mấy bậc cao niên, đến nhà Ốc, trách ông bà Thụ: “Có con mà không dạy, để bôi gio, trát trấu vào mặt họ hàng”. Vợ chồng ông Thụ ngồi cắm mặt, như ăn trộm bị bắt quả tang. Thâu quấn tóc Ốc vào cột nhà tát hằn cả mười ngón tay trên má: “Họ nhà tao chưa bao giờ có đứa nào đổ đốn như mày, ngủ với thằng nào thì khôn hồn khai ra”. Ốc lặng câm cắn răng chịu đòn, nước mắt, tóc tai rõa rượi. Từ buổi ấy Ốc tránh mặt mọi người ra đồng từ khi còn mờ đất, trưa ăn cơm nắm tại ruộng tối mịt mới về. Không ai thấy Ốc, chỉ đêm nhìn thấy ánh đèn le lói dấu hiệu của cô đang đãi thóc dưới ao. Bụng Ốc to dần, sắp đến ngày sinh anh Thâu họp họ. Anh bảo: “Phải đuổi Ốc ra khỏi nhà vì đất đai của ông Thụ là đất của tổ tiên, không để sinh đẻ ô uế”. Không ai phản đối ý kiến của anh Thâu. Ông bà Thụ ngồi tận ngoài hiên quàng chung chiếc chăn chiên, ho khù khụ trong lòng rối bời lo khi bệnh nặng rồi biết nhờ ai? Ốc vác cái bụng to vượt mặt ra khỏi nhà. Thời tiết cuối năm gió bấc thổi ù ù, mưa phủ trắng cánh đồng lô nhô gốc rạ, hoang vắng quạnh quẽ, thỉnh thoảng mới thấy bóng người cun cút trong những chiếc áo tơi, đi trên con đường vào làng lầy lội. Mấy người đàn bà ngồi co ro, quanh đống lửa thở dài thương Ốc. Nết lo lắng buột miệng: “Con Ốc nó đâm xuống đâu chết thì sao”? Thâu cười khẩy: “Đâm xuống đâu chết cũng kệ cha nó”. Nết nhìn chồng không nói thêm lời nào, chị đứng lên lật đầu giường rút chiếc áo mưa lao ra ngoài sân. Những người ngồi quanh đống lửa không ai bảo ai cùng đứng lên, lấy nón mũ đi theo. Còn lại mình Thâu, anh lúng búng: “Việc quái gì mà thân phải làm tội đời”. Rồi lạnh lùng cúi xuống thổi lửa phù phù. 

Toán người đi tìm Ốc chia nhau, người ra quốc lộ, kẻ theo dọc triền sông, đến tận tối mò mới về, ai cũng lắc đầu, không tìm thấy Ốc. Bấy giờ Thâu mới thấy hết sự nghiêm trọng. Ngay trong đêm, anh tổ chức cho cánh đàn ông trẻ khỏe trong họ, và cả dân quân trong Hợp tác xã đi tìm. Họ đi các ngả vừa tìm, vừa hỏi, nhưng đi cả tuần mà vẫn vô vọng. Tất cả đều nghĩ như phỏng đoán của Nết: “Có thể Ốc đã chết ở đâu rồi”. Mười ngày rồi nửa tháng trôi đi, nỗi dằn vặt lo lắng trong họ thành những cuộc cãi vã, đổ lỗi cho nhau. Vợ chồng ông Thụ héo hắt, ông dọa sẽ kiện ra tòa, những ai ép con ông đi vào chỗ chết. Thâu nằm bẹp mất hết tính tự tin, quyết đoán vốn có. Đúng lúc mọi hy vọng dường như đã bị dập tắt, thì có tin: Ốc đã sinh con gái trong địa đạo núi Chanh. Cả họ thở phào như vừa trút được gánh nặng trên vai. Không ngờ chỗ ai cũng biết mà không ai nhớ ra, để đến đó mà tìm. Nết cùng mấy bà, mấy chị hăm hở mang cáng võng đi đón Ốc. Địa đạo là một đường hầm đào sâu vào trong lòng núi, được xây dựng rất kiên cố từ những năm còn chiến tranh, sau đó bỏ hoang. Mấy người đàn bà đến khi mẹ con Ốc vẫn ngủ say, trong chiếc ổ rơm ngay cửa hầm. Ốc đã chuẩn bị chu đáo cho việc sinh nở của mình. Ốc không về, mặc mọi người khuyên bảo. Thâu như vừa thoát khỏi giấc mơ địa ngục, lấy lại sự tự tin, anh quyết định: “Không về thì thôi, nhà của ông bà Thụ khi chết sẽ là nhà thờ. Trong họ mỗi người đóng góp ít cây que làm cho nó cái nhà một gian hai chái”. Thế là Ốc trở thành thường dân xóm núi. Ngày gửi con cho ông bà Thụ đi làm, tối bế con về ngôi nhà của mình ngay dưới chân địa đạo. Ốc như cỗ máy không hề biết ngưng nghỉ, hệt như ngày còn con gái. Bà Thụ mất, ông Thụ và Ốc đứng ra lo ma chay chu đáo, chưa đến giỗ đầu thì đến lượt ông Thụ hấp hối. Dân làng lo lắng, Thâu gọi Ốc đến té tát: “Bố mày chết đến nơi rồi, bây giờ chỉ còn trên răng dưới cắt tút, mà mày vẫn chưa có một lời nào với họ à”? Ốc rúm lại như con sâu: “Dạ em cũng đang định đi nói nhờ dân làng và họ hàng đứng ra lo giúp”. “Chỉ có thế mày chẳng nói họ hàng cũng phải lo, tao hỏi là hỏi phần chi phí cụ thể cơ”? Ốc rụt rè: “Cái đó em không dám phiền ai, em lo được”. Thâu tròn mắt, anh vẫn coi Ốc như trẻ con: “Mày lấy đâu ra, mày tưởng lo một đám tang chỉ bằng mua cái váy thôi à”? Ốc bấy giờ mới hiểu ý Thâu: “Không tin anh đi theo em”. Thâu đi theo Ốc nửa tin, nửa ngờ. Đến nhà, Ốc đẩy cửa buồng: “Đấy anh xem, hai cót thóc ấy bán đi liệu có đủ không”? Thâu không tin ở mắt mình anh vào tận cót thóc nghiêng ngó, thốt lên: “Trời. Thóc đâu mà nhiều thế”? Ông Thụ nghe thấy cất tiếng nặng nhọc: “Thóc đất của con Ốc đấy, đám ma mẹ nó tôi đã bán một nửa, còn một nửa”. Thâu ra về với tâm trạng ngạc nhiên, không sao hiểu nổi, con bé người như dẻ khoai lại làm được nhiều thóc thế. Chuyện lan ra cả họ, cả làng. Ốc có thêm cái tên: “Con Thóc đất”.

Ông Thụ mất, nhà của vợ chồng ông thành nhà thờ họ, đồng thời thành nhà ở của vợ chồng Thâu. Ốc chỉ chuyển bát hương, cái giường rẻ quạt về ngôi nhà của hai mẹ con. Thời gian trôi đi chuyện cũ nguôi ngoai. Gánh nặng trên vai Ốc đã giảm đi một phần, cô béo lên, những vết nám trên má tự dưng biến mất. Ốc trắng đẹp như gái vào tuổi dậy thì, những bộ quần áo cũ mặc cứ chật căng làm rõ từng đường eo. Ốc không nhận ra điều đó, cô vẫn tuềnh toàng trễ nải, không hề để ý đến dung nhan. Chính điều đó càng thu hút những con mắt thèm khát của đàn ông. Ngôi nhà nhỏ bé hẻo lánh của hai mẹ con, bỗng thành địa chỉ thường xuyên qua lại của một số người. Họ suy diễn, nơi ven núi hẻo lánh Ốc lại là người đàn bà “chửa hoang” không chồng, qua lại ong bướm chắc chẳng khó khăn gì. Trong số ấy có cả anh trưởng họ. Thâu hay đến vào những buổi chiều nhá nhem, khi mọi người đi làm đồng về bắt đầu nấu ăn bữa tối. Có lần trong nhà chưa kịp thắp đèn tối bưng, anh thọc tay vào ngực Ốc, cô run bắn, co người lại, hét lên. Đứa con gái nghe thấy hoảng sợ từ ngoài sân chạy vào: “Mẹ ơi cái gì mà mẹ hét to thế”? Thâu vội rút tay ra, bực tức bỏ ra về. Ốc mừng thầm, chắc từ lần sau Thâu không đến nữa. Nhưng chỉ hai hôm Thâu lại đến. Không đánh tiếng, thấy Ốc đang lúi húi trong nhà, anh bế bổng cô lên giường. Ốc bất ngờ một lát mới nhận ra Thâu, cái thân hình to lớn và mùi mồ hôi, mùi hơi thở làm Ốc nhớ đến hôm nào Thâu quấn tóc cô vào cột. Ốc vùng dậy bằng tất cả sức lực dang cánh tay tát thẳng vào mặt Thâu. Chiều nhập nhoạng cô chạy xuống làng. Không kìm được Ốc tức tưởi nói với Nết: “Chị ơi, chị ơi hãy cứu em, anh Thâu, anh Thâu…”. Nhìn người đàn bà hở hang, trắng thỗn thện trước mặt, Nết hiểu ngay. Với kinh nghiệm của người từng trải, chị kéo Ốc vào buồng: “Cô thay áo đi, rồi kể lại đầu đuôi xem nào”. Ốc kể lại sự tình, Nết nghiến răng trèo trẹo. Từ bữa ấy không thấy Thâu đến nhà, gặp Ốc ngoài đường Thâu cúi mặt bước đi. 

Thực tình trong thâm tâm những đêm ếch nhái côn trùng kêu rỉ rả, mưa rơi lộp độp ngoài vườn chuối, Ốc cũng thấy người rạo rực khó ngủ, cái cảm giác với người đàn ông hôm nào lại trở về. Cô rất muốn có một người chồng để thương yêu, dựa dẫm, nhưng kiểm lại trong số đàn ông thường hay đến nhà, cô đành phải chôn sâu ý định. Bởi phần lớn họ đều đang có vợ, có con, một vài kẻ bỏ vợ thì không chứng nọ cũng tật kia, khi đến nhà cô lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Họ là loại đàn ông vô tích sự. 

           Minh họa: Lưu quang lâm

Đời Ốc tưởng đã yên phận, ai ngờ hệ lụy cứ dai dẳng mãi. Gần nhà Ốc có kho thóc giống của hợp tác xã, năm ấy trộm vào lấy mất năm tạ đã đóng bao. Thủ kho niêm phong hiện trường, báo công an về điều tra. Đúng lúc đó có đơn tố giác, trong đơn người đó nói đã tận mắt nhìn thấy nhà Ốc có rất nhiều thóc, hạt mẩy như thóc giống. Đang không tìm được đầu mối, công an lệnh triệu tập và khám nhà Ốc. Họ phấn khởi tìm ra đúng như nội dung trong đơn tố giác. Anh công an hỏi: “Theo số liệu chúng tôi đã có, thóc nhà chị chỉ được hợp tác xã điều hòa mỗi vụ 120 kg, tại sao ở nhà chị lại có số lượng đến hàng tấn? ”. Ốc trả lời: “Đấy là thóc đất”. “Thóc đất không thể nhiều thế được”. “Anh không tin hỏi bác Thâu. Ngày bố mẹ còn sống nhà em còn nhiều thóc hơn thế này, nên người ta gọi em là con Thóc đất”. Anh công an mời Thâu đến: “Đồng chí chủ nhiệm cho hỏi: có phải nhà Trần Thị Ốc từ lâu có rất nhiều thóc đất?”, Thâu làm như rất bất ngờ: “Tôi có vào buồng nhà cô ta bao giờ đâu mà biết”. Ốc trố mắt, lặng người đi. Anh công an hỏi tiếp: “Tại sao thóc đất nhà chị lại mẩy như thóc giống?”. “Em không biết. Anh lấy một bông lúa đập thử xem hạt nào rụng trước”. “Chị còn có gì làm bằng chứng số thóc ấy là thóc đất của chị nữa không?”. “Bằng chứng em chẳng có. Chỉ biết quanh năm hai mẹ con em ăn cơm nấu từ thóc đất, nhiều sạn nên đều bị mẻ răng”. Anh công anh bật cười: “Đấy không phải là bằng chứng. Chúng tôi báo cho chị biết, nếu chị không chứng minh được số thóc ấy là của chị, Hợp tác xã sẽ tịch thu. Vì, nếu chị không lấy trộm thóc giống, thì đấy cũng là số thóc bất hợp pháp”. Qua hai ngày tạm giam Ốc vẫn chỉ trả lời được như hôm đầu. Mệt mỏi vì những câu hỏi và đêm phải ở trong cái phòng không mùng mền, nằm co ro trên cái ghế ba đai, muỗi dĩn nhiều như trấu không ngủ được. Sang ngày thứ ba, Ốc hỏi anh công an: “Nếu tịch thu thóc đất của em, em có phải đi tù không?”.  Anh công an lấp lửng: “Còn tùy vào thái độ của chị có tự nguyện hay không”.  Nghĩ đến đứa con đang gửi, ăn ngủ nhờ hàng xóm. Ốc quyết định: “Vậy thì em tự nguyện”. Thế là Ốc được tha, sau khi nộp cả cót thóc đất của mình cho Hợp tác xã. 

*     *

*

Ông Thâu đã về nghe thấy vợ nói giấy tờ của mình là “mấy thứ của nợ”. Hầm hầm ông bước vào nhà, lật một trang sổ đặt ngay trước mặt Tuấn:

- Xem nốt đi.

Tuấn cầm lấy liếc qua. Hai trang giấy ghi kín, ngày những người đàn ông ngủ lại nhà cô Ốc. Anh không sao hiểu nổi, cái việc mà mấy ông dân quân ngày xưa đi tuần đêm làm:

- Mấy chục năm rồi, bố còn giữ lại để làm gì?

- Giữ lại để có bằng chứng về nhân cách của cô ta.

Bà Nết nghe thế bĩu môi:

- Nhân cách của cô ấy xấu, nhân cách của những thằng đàn ông hám gái không mời mà đến thì tốt chắc?

Ông Thâu biết vợ nói bóng gió mặt đỏ lên:

- Tôi nói cho mẹ con bà biết, cô ấy còn viết đơn đòi nhà, sau chắc thấy thằng Tuấn yêu con Hương nên lại lên xã xin rút đấy. 

- Chuyện này con biết. Không phải thế, ngày ấy con và Hương còn bé tý yêu ghét gì đâu. Cô ấy bảo: “Cô rút đơn vì nghĩ, sau này cô chết Hương đi lấy chồng, thì đòi nhà cửa để làm gì, lại thêm thù, thêm oán”. 

Tuấn nói xong lẳng lặng đi ra khỏi nhà. Những bước chân đã thành thói quen, từ nhà anh đến nhà Hương hơn một ngàn bước, Tuấn vừa đi vừa đếm. Anh nhớ đến ngày xưa, anh và Hương đã từng nhiều lần đếm như thế trên đường đến trường. Hương bảo: “Đường này anh và em đi xa hơn đường cửa làng chúng nó đi, một ngàn ba trăm mười tám bước”. 

Tuấn yêu Hương không thể tính rạch ròi từ thủa học phổ thông hay lên đại học, chỉ biết cho đến nay đã hàng chục năm. Hương chính là đứa con mà bà Ốc sinh ra trong cái địa đạo bỏ hoang. Đứa con đầu tiên của làng Ngòi không có bố, nên Hương như tâm điểm để người ta bàn tán trêu chọc. Thủa nhỏ thấy Hương đám đàn ông ơi ới gọi “Hương ơi ra đây với bố”, “Hương ơi có nhận bố không?”. Đám đàn bà thì lại nhỏ to đủ cho Hương nghe thấy: “Cái Hương trông rất giống ông phòng thuế”, “Cái Hương giống hệt lão phó cối”. Rồi họ cười, họ không biết Hương đang xấu hổ cúi mặt, len lén bước thật nhanh. Hương đi học để tránh gặp những người hay đùa cợt, Hương thường chọn lối đi tắt đồng, lối đi vắng nhất cho dù có xa hơn cả cây số. Một lần tình cờ bà Nết thấy Hương cun cút đến trường trên con đường vắng giữa cánh đồng lũ về mênh mông, bà chặn lại hỏi: “Sao cháu lại đi đường này, nước cả ngã xuống mương thì sao?”. Hương cắn môi không nói rồi bỗng òa khóc: “Cháu sợ mọi người”. Thương Hương quá bà về nói với con trai, lúc đó Tuấn đang học trên Hương một lớp: “Con Hương nó sợ người ta trêu chọc không dám đi đường chính, từ nay con đi cùng em nhé, kẻo nó một mình ngã xuống mương”. Thế là từ đó suốt những năm học phổ thông Tuấn cùng Hương đến trường, rồi tình yêu đến lúc nào không biết. Bà Nết cũng không ngờ chính bà lại là người se duyên cho đôi trẻ. Lúc đầu bà còn đắn đo, nhưng càng ngày bà càng thấy Hương xinh đẹp, đoan trang, thì nỗi đắn đo trở thành niềm vui, và sự tin tưởng. Bà trở thành chỗ dựa cho Tuấn và Hương.

 Nhà cô Ốc ở ven núi, cây cối um tùm ẩm ướt, hoang vắng, không có đường chỉ có những lối mòn vòng vèo dẫn đến cửa. Lối mòn ấy không phải khai phá, mà chỉ do hai mẹ con cô ngày ngày đi lại mà thành, nó trũng xuống đỏ sậm hai bên cỏ tốt ngang đầu gối, chuồn chuồn ớt bay xập xòa, tìm nơi đậu trên những bông hoa cỏ may sám ngắt, đung đưa. Tuấn đã đến cuối con đường, cỏ may găm đầy vào ống quần, anh cúi xuống vừa nhặt vừa cất tiếng gọi. Có tiếng đáp lại rất nhỏ của Hương. Tuấn bước lên sân. Căn nhà của mẹ con Hương vẫn thế, nó vẫn là ngôi nhà nhỏ bé nhất của làng Ngòi. Tĩnh lặng hoang vắng, chìm lấp dưới tán cây xoan trà xum xuê, như mái lều của ẩn sỹ. Mẹ con Hương đã đợi Tuấn từ lâu. Cô Ốc ngồi trên giường người gầy khẳng, tiều tụy nặng nhọc thở dốc. 

- Anh ngồi xuống đây - Cô Ốc chỉ chiếc ghế - Bệnh tình tôi lần này mỗi ngày một nặng mà thuốc thang chẳng tác dụng gì, chắc không sống được lâu nữa. Chuyện của anh với con Hương tuy chưa có sự đi lại chính thức nào giữa bố mẹ anh với tôi, nhưng từ lâu tôi biết mẹ anh không chê gì con Hương. Mắc là mắc ở chỗ bố anh, ngại cái thân phận thóc đất của mẹ con tôi. Tôi muốn lần này anh về giải quyết cho dứt khoát, để tôi có mệnh hệ gì còn yên tâm.

Tuấn ngồi xuống ái ngại nhìn cô. Mùi thuốc Bắc, thuốc Tây vướng vất. Có ánh nắng của buổi chiều hắt qua khe cửa tạo nên một đường sáng thẳng tắp lấp lánh, có chú tò vò đang xây tổ trên tường nhà cần mẫn bay đi, bay về mê mải.  

- Vâng chúng con cũng rất muốn yên bề gia thất nhưng vì bố con sắt đá quá nên cứ phải lần lữa - Tuấn đáp lại giọng chán nản. 

- Ông ấy bảo thế nào?

- Dạ vẫn những chuyện ngày xưa. 

Cô Ốc cười héo hắt:

- Thôi, bố con đã cố chấp như thế thì biết làm sao? Hai đứa cứ phải kiên trì kể cả đến khi cô mất. 

Cô Ốc nằm xuống kéo chăn trùm kín đầu để giấu những giọt nước mắt. Cô nghĩ mông lung. Hay cứ cho chúng nó làm cái việc đã rồi, nhưng nghĩ đến thân phận của mình cô lại gạt đi. Lòng cô rối bời, nếu cứ thế này, chúng nó làm điều gì đó rồ dại thì sao? Cuối đời cô chỉ có hai ước nguyện: xây mộ cho ông bà Thụ cô đã làm xong, chỉ còn lo cho con Hương có nơi có chốn là cô nhắm mắt được rồi. Vậy mà, việc tưởng đơn giản lại hóa chông gai? Cô thấy người yếu lắm, mỗi cơn ho như có máu trào lên và tắc lại nơi cổ họng. Chả nhẽ sự nhường nhịn, chịu đựng của cô bao nhiêu năm qua là vô nghĩa, chả nhẽ lại chịu bó tay trước người đàn ông đã gây cho cô bao nhiêu phiền toái tận đến lúc chết hay sao? Cô ngồi nhỏm dậy mở chiếc rương nơi cuối giường lục tìm tờ giấy:

- Hai đứa cho mẹ xuống làng - Cô nói mạnh mẽ như ngọn đèn bỗng cháy bùng lên. 

Tuấn, Hương ngạc nhiên:

- Mẹ thế này đi làm sao được?

- Mẹ không đi được thì Tuấn cõng mẹ - Cô Ốc nói như ra lệnh. 

Tuấn cõng cô, Hương tất tả theo sau. Cô Ốc chỉ còn nhẹ như cái bao trấu, như đứa trẻ mười ba. Tuấn cõng một mạch về nhà. Thấy cô Ốc đến vợ chồng ông Thâu sửng sốt, lúng túng một lúc bà Nết mới kéo được cái ghế trong gầm bàn ra. Không hiểu sức lực nào vụt đến làm cho cô Ốc đủ sức ngồi xuống bàn uống nước, nói vội vàng nhưng rành mạch: 

- Em là đứa con rơi được ông bà Thụ và dân làng cưu mang, em có nhiều lỗi lầm, nhưng con em thì không có lỗi. Bác Thâu hãy vì con trẻ mà quên em đi.

Ông Thâu nhìn cô trân trân, quả thực ông không quá câu nệ về lai lịch của mẹ con nhà Ốc, nhưng ông chưa quên được câu chuyện năm nào. Cái tát còn như dần rật nóng trên má ông. Ông đáp lại, giọng đầy mai mỉa, nói cho bõ tức: 

- Nhà tôi cũng chẳng kén cá chọn canh gì đâu, chỉ mong cháu làm rể gia đình không có tiền án tiền sự, gia đình có cội có nguồn. 

Cô Ốc thở dài:

- Em mệt lắm không nói được nhiều, nhưng bác đã nói thế em cũng hiểu, em là người có tiền án, tiền sự. Vậy em gửi bác tờ giấy này để bác xem em có phải là người như thế hay không? 

Cô Ốc đưa cho ông Thâu tờ giấy viết kín cả hai mặt. Ông Thâu cầm lấy tờ giấy, mặt ông biến sắc đỏ lên rồi tái đi, trên cái trán hói lấm tấm những giọt mồ hôi. Cô Ốc đánh mắt ra hiệu cho Tuấn, Hương dìu cô ra về. 

Bà Nết thấy lạ giật lấy tờ giấy trên tay ông Thâu:

- Giấy gì đấy ông?

Thấy vợ đã cầm tờ giấy trong tay, không thể giấu được, ông Thâu bực tức:

- Sư bố thằng thủ kho, nó đã tự thú chuyện ngày xưa tôi bảo nó lấy đi năm tạ thóc giống, rồi làm đơn tố cáo cô Ốc.

- Trời, sao ông lại làm thế?

Bà Nết đổ vật xuống giường òa khóc, như chính mình là người bị vu cáo. Ông Thâu đứng như trời trồng đôi mắt của ông sâu càng như sâu hơn, tối thẫm. Tờ giấy ấy lão thủ kho viết ngay sau cô Ốc được tha, có lẽ vì ân hận, vì thương người đàn bà lam lũ bỗng nhiên bị tịch thu cả cót thóc. Vậy mà cô ta vẫn không mang ra, để làm bằng chứng minh oan cho mình. Thật may cho ông, nếu ngày ấy tờ giấy này được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, thì chẳng khác gì ông bị lột truồng trước bàn dân thiên hạ. Và sẽ mất hết, mất Đảng, mất chức chủ nhiệm, cái chức mà chính nó đã giúp ông có chế độ hưu hiện giờ. Ông Thâu nhìn quanh, không hiểu sao ông lại có cảm giác, đang có hàng trăm đôi mắt nhìn mình khinh bỉ, cười cợt. Như người tâm thần ông ra khép hết các cánh cửa, gạt đống sổ sách xuống nền nhà. Xấu hổ, buồn chán đến thẫn thờ, ông đi đi lại lại, bứt rứt, rồi ngồi xuống châm lửa vào đống giấy tờ, nói với vợ:

- Thôi, việc của thằng Tuấn tôi giao toàn quyền cho bà. Xem tình hình cô Ốc ốm khó qua, thì phải tính đến chuyện cưới xin, cho cô ấy yên lòng.

*     *

*

Tuấn và Hương làm đám cưới qua được nửa tháng, thì cô Ốc mất. Tiễn đưa cô ra nghĩa địa làng Ngòi vào một ngày sáng nắng, chôn cất xong thì chiều mưa như chan, như trút, nước ngập ngang ngôi mộ. Người làng Ngòi bảo: chết như thế là sướng, là cái chết mát mẻ, cái chết của người có cái tâm trong sáng. Có người lại nói cô như hạt thóc đất rơi rụng, nhưng lại là hạt thóc chắc mẩy, hạt thóc đầu bông. Buổi tối, trên đài truyền hình trước giờ thời sự phát dòng tin buồn: 

“Gia đình chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các cụ các ông các bà… đã đến tiễn đưa bà Trần Thị Ốc sinh năm... về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa địa làng Ngòi xã Thanh Hoa, huyện Thanh Hà, tỉnh... Trong tang gia bối rối, gia đình có điều gì sai sót xin mọi người rộng lòng lượng thứ. Con gái: Trần Thị Hương”.

Đây là dòng tin buồn đầu tiên của người làng Ngòi mất, được đăng trên báo, và phát trên truyền hình. Dân làng có người dè bỉu: “Đúng là trưởng giả học làm sang”. Nhưng Tuấn và Hương lại hy vọng rất nhiều ở dòng tin ấy, nó không chỉ giản đơn là lời cảm tạ, mà còn là lời nhắn tìm người đàn ông về thắp hương cho bà Ốc và tìm người cha chưa biết mặt, biết tên cho Hương. Vì đến lúc lâm chung bà Trần Thị Ốc chỉ nói với vợ chồng Hương được một câu: “Mẹ yên tâm nhắm mắt được rồi”. Và nở nụ cười còn đọng mãi trên gương mặt./.