Đến thế hệ của con là gia đình mình đã ba đời theo nghề dạy học. Ông không biết con có yêu thích cái nghiệp “Cõng con chữ trên lưng” hay không nhưng ông luôn mong mỏi và hy vọng rằng, lớn lên con sẽ trở thành một cô giáo dạy văn tiếp nối nghề giáo của gia đình mình, giống như hai bác gái trên bố của con”. Từ sau cái buổi tối Thu ngồi nghe ông nội giảng bài và được ông chia sẻ những lời gan ruột thì Thu hiểu được rằng ông kỳ vọng và đặt niềm tin nơi mình nhiều lắm! Đêm đó, cô bé cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Thu nghĩ tới những lời ông nói và coi đó là kim chỉ nam dẫn lối, đưa đường để Thu bước đi.
Thời còn học dưới mái trường THCS, khái niệm nhà giáo trong Thu ban đầu vẫn còn là một nghề gì đó nghe chừng mông lung, mơ hồ lắm, nhưng kể từ sau cái buổi hai ông cháu ngồi nói chuyện, chia sẻ về những khó khăn, vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào và nhiều niềm vui của nghiệp dạy thì cô bé bắt đầu có vẻ để tâm nhiều hơn. Trên lớp, trong mỗi tiết học, đặc biệt là các giờ học văn, Thu chăm chú lắng nghe và chú ý quan sát từ phong thái, cử chỉ, ngôn ngữ và sắc thái biểu cảm khi các thầy cô giảng bài cho lớp; đặc biệt Thu chú ý nhiều tới kỹ năng mà thầy cô dùng để truyền đạt kiến thức cho mình… Và cứ thế, mỗi tiết học như có “lực hấp dẫn” lôi cuốn Thu khiến cô bé càng cảm thấy yêu, trân trọng và biết ơn những người đang ngày ngày đứng trên bục giảng “gieo con chữ, ươm hạt giống” góp cho đời những “trái ngọt, hoa thơm”. Yêu thầy cô, kính trọng nghề càng thôi thúc và hun đúc trong cô tình yêu văn chương, khơi dậy trong Thu một ước muốn tột bậc rằng sẽ có một ngày Thu được đứng trên bục giảng giống như các thầy cô của mình đang đứng hôm nay.
Lên cấp ba, Thu thi đỗ vào lớp chọn văn, may mắn lại được chính thầy giáo dạy môn Ngữ văn làm công tác chủ nhiệm lớp, nhờ vậy mà việc tiếp cận kiến thức với môn học này với Thu khá thuận lợi. Chẳng biết, có phải bởi thầy chủ nhiệm có ấn tượng về một cô bé khi nào cũng chăm chăm dõi theo từng ánh mắt, cử chỉ, phong thái và cố gắng nuốt trọn lấy từng câu, từng lời trong bài giảng của thầy khiến thầy “để ý” hay đơn giản chỉ bởi thầy thấy cô học trò của mình luôn học tập với thái độ tích cực và nghiêm túc nên thầy rất quý Thu. Thầy luôn quan tâm, động viên và khích lệ Thu trong học tập. Còn Thu, cùng với niềm đam mê văn chương cộng dồn với đó là sự động viên và chỉ bảo tận tình của thầy, Thu dành nhiều thời gian hơn cho môn học mình yêu thích và ngày càng thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Có một kỷ niệm mà mãi cho tới giờ, Thu vẫn không thể nào quên được và mỗi khi nhớ lại, Thu vẫn cười một mình: Đó là cái ngày mà cô bé nhận được thông báo từ lũ bạn khác lớp khi chúng tan học thêm ở trường về, bắt gặp Thu còn đang lúi cúi cùng với đứa em gái tát nước cho ruộng lúa cạn khô nứt nẻ ven đường của mẹ. Nhìn thấy Thu, chúng vẫn cắm cúi vừa đạp xe, vừa nói oang lên như hét vào tai: - Thu! Chuẩn bị khao đi nhé, nay tao nghe cô Hà bảo mày được giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đấy! Mà hẳn là giải có số cơ nhé! Nghe tụi bạn nói xong mà khi đó tai Thu như ù đi. Chẳng biết tụi nó nói thực hay trêu nhưng khi ấy Thu mừng quá, chả còn tâm trí đâu mà tát té gì nữa, cô bé lôi tuột em gái leo thẳng lên chiếc xe đạp Phượng Hoàng trở về nhà. Dựng chiếc xe đạp thật nhanh nhảu, Thu chạy vội vào trong “khoe” với ông nội. Ông nghe thấy cô cháu gái nói vậy thì vui mừng lắm. Ông bảo:
- Nếu con được giải trong kỳ thi này, tháng tới nhận lương hưu, ông sẽ thưởng cho con một chiếc xe đạp Mini Nhật.
- Thật vậy hả ông? Ông mua xe đạp mới cho con thật ạ? Thu mừng quýnh và nhảy cẫng lên vì vui sướng. Do điều kiện kinh tế gia đình ngày đó còn khó khăn, bố mẹ Thu lại đông con nên ngày ấy, dù đã thi đậu cấp 3, đi học cách nhà chừng gần chục cây số. Trong khi các bạn hầu hết đều được gia đình sắm cho chiếc xe đạp mới để đến trường thì hằng ngày, Thu vẫn tới trường đều đặn bằng chiếc xe đạp mini cũ của chị gái con nhà bác “tặng” lại. Có được một chiếc xe mới của riêng mình đó là niềm mong ước bấy lâu nay của Thu. Có lẽ, ông nội đoán hiểu được tâm lý của cô cháu gái nên hôm nay ông đã “thông báo treo thưởng” cho Thu món quà mà cô yêu thích. Ngay sau phút giây mừng quýnh ấy, Thu bỗng chợt ngần ngừ:
- Nhưng ông ơi! Con còn chưa biết tin đó có đúng hay không, vì con chỉ mới nghe các bạn trong trường nói vậy thôi ạ, vẫn chưa có thông báo chính thức!
Ông cười hiền từ xoa đầu Thu động viên:
- Ông tin là con sẽ được giải, thực ra hôm con thi xong về, khi nghe con trình bày những ý mà con diễn đạt và triển khai trong bài văn thì ông cũng ang áng được điểm của con rồi. Con cứ vui vẻ lên và tin rằng sáng mai lên trường, con sẽ được đón nhận tin tốt lành từ thầy giáo chủ nhiệm của con.
Nghe ông động viên, Thu lạc quan tin tưởng rồi hăm hở vào bếp chuẩn bị cho bữa tối, lòng rộn ràng vui, vừa nhóm bếp nấu cơm, cô bé vừa hát líu lo như con chim bị nhốt trong lồng lâu lắm mới lại được tung đôi cánh, cất tiếng hót hòa mình vào nền trời xanh bao la. Thật sự rất khó để diễn tả niềm vui trong Thu lúc đó. Những thành tích mà Thu nỗ lực để đạt được trong những năm tháng học trò dẫu chưa phải là cái gì to tát nhưng đối với Thu, đó là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực thật sự của bản thân; Còn đó là cả những trăn trở, tâm huyết của những người luôn quan tâm, dõi theo và ủng hộ Thu, đó là ông, là các thầy, cô giáo mà đặc biệt là thầy chủ nhiệm đã luôn tận tình, quan tâm khích lệ, cổ vũ Thu tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa cho những chặng dài tiếp theo.
Luôn nuôi trong mình ước mơ lớn lên sẽ trở thành cô giáo, trung thành với mục tiêu mà bản thân đã đặt ra; vào một ngày đẹp trời, cánh cổng trường Đại học Sư phạm đã rộng mở chào đón Thu. Ngày nhận giấy báo đậu Đại học trên tay về “khoe” với ông, dù không nói ra nhưng Thu cảm nhận được lòng ông mừng vui đến nhường nào. Niềm vui và sự tự hào hiện rõ trên khuôn mặt, trong ánh mắt, cử chỉ… khi ông chậm rãi cầm tờ giấy báo nhập học Thu vừa mới đưa trên tay. Dẫu khi ấy mắt ông đã kém đi nhiều và không còn nhìn rõ chữ, phải đeo kính. Vậy mà ông vẫn cố gắng đọc hết từng dòng chữ ghi trên mặt giấy... Thu ngồi đối diện ông trên ghế sôfa, chăm chú ngắm nhìn ông mà khi ấy mắt cứ nhòe đi... tránh để ông bắt gặp rằng mình đang khóc. Lúc này đây, Thu mãn nguyện không chỉ bởi bản thân đã gặt hái được thành quả xứng đáng sau những nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đầu tiên của đời mình. Điều khiến Thu cảm thấy thực sự hạnh phúc hơn cả đó là niềm mong mỏi, sự kỳ vọng của ông bấy lâu nay dành cho cô cháu gái bé bỏng ngày nào giờ đây đã trở thành hiện thực. Thu bước vào cánh cổng Đại học trong tâm thế hăm hở, vui tươi, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Và một trong những “người bạn thân” luôn đồng hành, là điểm tựa vững chắc cho Thu suốt những năm tháng trên giảng đường Đại học ấy không ai khác đó chính là ông nội - Người luôn quan tâm, động viên, là hậu thuẫn đắc lực cho ước mơ mà Thu đang theo đuổi. Không chỉ vậy, hàng tháng, ông thường dành những đồng lương hưu giáo viên của mình hỗ trợ thêm cho Thu trong học tập. Do điều kiện học khá xa nhà nên Thu ít có dịp về thăm ông, có năm chỉ được đôi ba lần nhưng hễ cứ lần nào về tới nhà, quang túi đồ xuống là Thu phải chân sáo chạy ngay tới bên ông rồi cứ vậy thao thao bất tuyệt kể đủ chuyện trên trời, dưới đất, chuyện thầy cô, bạn bè, rồi cả mấy đứa bạn chơi thân trong lớp... Có lẽ, do ông chiều cô cháu gái rượu nên lúc nào Thu kể, ông cũng rất chăm chú lắng nghe dẫu thời gian ấy, sức khỏe ông đã yếu đi nhiều lắm. Thu thương ông lắm, bởi vậy mỗi lần được về nghỉ, cô thường dành nhiều thời gian ở bên ông. Mỗi một lần kết thúc kỳ nghỉ, Thu lại ko muốn đi, chỉ sợ lần này vào trường rồi, ông không may do tuổi cao sức yếu… khi ấy… Chỉ mới thoáng nghĩ tới đó thôi là lòng Thu cảm giác không sao chịu nổi...
* *
*
Tốt nghiệp ra trường, gắn bó với nghề giáo chưa được bao lâu, do những thay đổi về cuộc sống hiện tại và để phù hợp hơn với điều kiện gia đình, có thời gian chăm lo cho con cái khi chồng bộ đội thường xuyên vắng nhà, Thu đã không còn tiếp tục với nghề giáo mà rẽ sang một con đường khác, làm việc trong một lĩnh vực khác. Tuy vậy, từ trong sâu thẳm trái tim mình, Thu vẫn luôn yêu quý, trân trọng và biết ơn nghề giáo; biết ơn những người đã “đặt nền móng”, những người đã luôn quan tâm, đồng hành và giúp đỡ Thu đến với hành trình "làm người chèo đò, đưa những chuyến đò sang sông".
Mùa hiến chương các Nhà giáo lại đang đến gần, cũng trùng với thời điểm ngày giỗ của ông nội sắp tới, lòng chộn rộn bao cảm xúc không tên… những ký ức, kỷ niệm về ông cứ ùa về, ùa về: Hình ảnh ông ngồi tựa lưng nơi phía cuối chiếc giường ân cần giảng giải, chỉ dạy cho “cô học trò cháu” về những điều còn chưa thông tỏ cùng với chiếc bàn học gỗ nhỏ xinh được đặt ngay ngắn bên cạnh chiếc giường ngủ của ông mỗi buổi tối luôn sáng dưới ánh đèn rạng đông… Lòng Thu nhớ ông da diết…
“Ông ơi! Giờ ông đã lãng du nơi miền mây trắng nhưng lòng con vẫn luôn khắc ghi những lời dạy của ông - Người thầy đầu tiên đã dạy dỗ con, chỉ bảo con, người đã ấp ủ, chắp cánh, nuôi dưỡng tuổi thơ con; hun đúc, đắp xây, truyền lửa và khơi dậy trong con niềm yêu thích và gắn bó với văn chương... Giờ đây, dẫu con không còn theo nghiệp “người chèo đò” như ngày ấy ông luôn hằng mong mỏi nhưng con nghĩ ông vẫn sẽ yên lòng bởi ở nơi “miền xa” ấy ông vẫn luôn thấy con vui vẻ, hạnh phúc và ngày ngày vẫn bên ánh đèn điện, hoàn thành tốt vai trò của mình - làm “cô giáo nhà” chăm chút cho hai chắt của ông học hành nên người. Con sẽ mãi mãi nhớ về ông - nhớ về người thầy đầu tiên đáng kính./.
HOÀNG YẾN