Về tiểu sử và sự nghiệp của Thái úy Lý Thường Kiệt
Sách “Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo Triều Lý” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhà xuất bản Hà Nội và một số tư liệu, thông tin khác cho biết:
Thái úy Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi – Thuận Thiên thứ 10 (1019) đời Lý Thái Tổ, quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (nay là làng Cơ Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), sau chuyển về phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Thân phụ tiên sinh tên là Ngô An Ngữ, sung chức Sùng ban lang tướng (có tài liệu ghi là Sùng tiết tướng quân) thân mẫu là Hàn Diệu Phi, em trai là Thường Hiến.
Tiên sinh (Lý Thường Kiệt) tên húy là Tuấn, họ Ngô, tự là Thường Kiệt, sau vì có nhiều công lao to lớn mà được vua sủng ái ban quốc tính họ Lý.
Sinh thành trong một gia đình quan chức có truyền thống hiếu học, thời niên thiếu tiên sinh rất thông minh hiếu học cả văn lẫn võ. Khoảng niên hiệu Thiên Thành, đời Lý Thái Tông, cha đi tuần biên địa ở Tượng Châu, thuộc Thanh Hòa, bị bệnh rồi mất vào năm Tân Mùi (1011), khi ấy Lý Thường Kiệt mới 13 tuổi. Chồng người cô của tiên sinh là Tạ Đức thấy thế đem lòng thương mến mà nhận về nuôi. Biết tiên sinh là người có chí hướng tốt, bèn gả cháu gái là Thuần Khanh cho và dạy học các sách binh thư họ Tôn, họ Ngô.
Thường Kiệt đêm ngày học tập, đêm đọc sách, ngày bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho, Thường Kiệt rất chịu gắng công học tập nên chóng thành tài.
Năm ông 18 tuổi (1036), thân mẫu tiên sinh qua đời. Hai anh em lo đủ mọi lễ tống táng. Lúc hết tang, nhờ phụ ấm Lý Thường Kiệt được bổ chức Kỵ Mã hiệu úy, tức là một sĩ quan nhỏ về đội quân cưỡi ngựa.
Năm 23 tuổi là năm Tân Tỵ (1041) niên hiệu Càn phù hữu đạo thời Lý Thái Tông, ông được bổ vào ngạch thị vệ để hầu vua. Và sung chức Hoàng Môn Chi hậu, chức này là một chức hoạn quan. Sách “Việt điện u linh” đời Trần chép rằng: “Vì ông có dáng mặt đẹp, nên mới tĩnh (hoạn) thân mà sung vào chức Hoàng môn chi hậu”
Sau đó ông vào cấm thất, chưa được một kỷ (12 năm) tiếng nổi nội đình, được thăng nhiều lần, lên đến chức Đô tri, ông coi tất cả mọi việc trong cung.
Năm Lý Thánh Tông lên ngôi (1054, ông 36 tuổi) vì đã có ông phù dực, ông được thăng chức Bổng hành quân hiệu úy, tức là một chức vũ quan cao cấp. Hàng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách. Vì cần lao giúp rộng nên được cất lên chức Kiểm hiệu thái bảo, tức là một chức tại triều rất cao.
Từ đó về sau là thời kỳ Lý Thường Kiệt cầm quân trực tiếp chỉ huy chiến trận “phá Tống bình Chiêm. Sau khi đánh lui quân Tống, thanh thế Lý Thường Kiệt lại càng lừng lẫy. Vua mới mười hai tuổi, quyền vẫn ở trong tay Tể tướng (chỉ Lý Thường Kiệt).
Vì Lý Thường Kiệt có công lao đặc biệt, nên được cất lên ngang hàng các hoàng tử. Vua Lý Thánh Tông từng phong ông làm Thiên tử nghĩa nam, nghĩa là con nuôi vua. Cho nên vua Lý Nhân Tông coi ông như em nuôi, và ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ.
Sau đó vua Lý Nhân Tông nghị công ông đánh dẹp đem vũ uy làm chấn động từ Tống đến Chiêm, bèn chế bài hát để tán dương công trạng. Rồi ban cho ông chức: triều quốc Thái úy, thủ tướng thư lệnh, khai phủ nghị đồng tam tế, kiêm ngự sử đại phu, dao thụ chư trấn tiết độ sứ.
Vào tháng 6 năm Ất Dậu 1105, Thái úy Lý Thường Kiệt mất tại kinh đô, thọ 86 tuổi. Sách “Việt điện u linh” chép vua tặng quan chức tước lộc như sau: Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, thực ấp vạn hộ”.
Về mộ Lý Thường Kiệt, bia Nhữ Bá Sĩ nói là ở làng Yên Lạc, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng yên (TG có một vài tư liệu nói ở địa điểm khác).
Trong sách “Lý Thường Kiệt" sách đã dẫn có những nhận xét đánh giá về Lý Thường Kiệt như sau: Thường Kiệt hiểu thời cơ, chịu “tạm nhường về thể diện” khiến Tống lui quân và ta bảo toàn binh lực. Sau đó, Lý Thường Kiệt biết dùng ngoại giao dựa vào binh lực ấy làm hậu thuẫn, mà đòi được đất đã mất. Cuối cùng không những Tống không dám dòm ngó cõi ta, mà Bắc thùy nước Việt lại được khuếch trương và củng cố. Đó là kỳ công của Lý Thường Kiệt nhưng còn một, kỳ công khác, đương thời không kém việc trên mà đối với vận mệnh tương lai nước ta, lại còn to hơn nữa. Ấy là việc đánh Chiêm Thành.
- Ai cũng phải công nhận rằng Lý Thường Kiệt đã có công đặc biệt đối với vận mệnh nước ta là mở cõi miền Nam và miền Bắc đánh thắng cuộc xâm lăng của nước ngoài và củng cố biên thùy mọi mặt, khiến các lân bang kính nể... Công Lý Thường Kiệt là to, tài cầm quân Thường Kiệt là cao đã đành, mà đến chính sách nội trị và ngoại giao của Thường Kiệt cũng khéo.
Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của nhà Tống. May đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh khiển tướng. Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.
Thái úy Lý Thường Kiệt là danh tướng tiêu biểu hàng nhất đời Lý, có nhiều công lao to lớn đối với nước với dân. Có tinh thần đoàn kết vì nghĩa cả, trung quân ái quốc suốt cuộc đời, có công lao to lớn phò vua xây dựng đất nước chống giặc ngoại xâm, là nhà quân sự tài ba có chiến lược đành giặc và trực tiếp cầm quân đánh tan giặc Tống xâm lược bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Lý Thường Kiệt là hiện thân của bài thơ “đuổi giặc”, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” có ý nghĩa giá trị như bản tuyên ngôn độc lập.
Lý Thường Kiệt trong đời sống tâm linh người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Sau khi Thái úy Lý Thường Kiệt qua đời, từ đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê đến triều Nguyễn đều có sắc phong cho ông.
Ngày nay, còn có một vài nơi có đền thờ Lý Thường Kiệt, như ở xã Ngọ Xá, phủ Hà Trung Thanh Hóa, ở huyện Kim Động (Hưng Yên), và huyện Vĩnh Thuận (gần trường đua ngựa xưa ở Hà Nội) cũng có đền thờ…
Các địa phương ngoài vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc có đền thờ Lý Thường Kiệt nhưng không biết có thờ làm thành hoàng hay không, còn ở Bắc Ninh – Kinh Bắc duy nhất có một nơi là làng Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du thờ Thái úy Lý Thường Kiệt nhưng cũng thờ ở nghè của làng chứ không phải thờ làm thành hoàng ở đình.
Phản ảnh về truyền thống lịch sử vẻ vang chống giặc, ngoại xâm của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc và đất nước ta, mọi người đều nhắc tới chiến thắng giặc Tống xâm lược trên chiến tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 do Thái Úy Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy. Đây là sự kiện lịch sử tiêu biểu tầm cỡ quốc gia tương đồng như chiến thắng chống giặc Nguyên Mông thời Trần, chiến thắng giặc Minh thời Lê, giặc Thanh do Quang Trung – Nguyễn Huệ lãnh đạo chỉ huy… với Bắc Ninh – Kinh Bắc, đó là sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm oanh liệt, tiêu biểu hạng nhất diễn ra trực tiếp trên vùng đất này.
Nghiên cứu xếp hạng hệ thống di tích lịch sử phản ánh về chiến thắng oanh liệt nêu trên cho thấy hầu hết các di tích đó đều thờ thành hoàng làng là đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát…) chỉ có một nơi duy nhất ở Bắc Ninh – Kinh Bắc là nghè làng Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du là thờ Lý Thường Kiệt. Tư liệu lưu trữ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm và thư viện KHXH Việt Nam và sắc phong hiện còn ở Nghè làng Lộ Bao minh chứng rõ điều này. Một vài di tích ở địa phương khác trong tỉnh Bắc Ninh như đền làng Như Nguyệt, đền làng Yên Phụ, đền Xà (xã Tam Giang)… đều là mới thờ Thái úy Lý Thường Kiệt như đền thờ và tượng đài Lý Thường Kiệt do Nhà nước đầu tư xây dựng mới đây (2018) ở khu vực chiến tuyến Như Nguyệt (thuộc xã Tam Giang).
Về tục thờ Thánh Tam Giang, tác giả Lê Danh Khiêm trong bài viết ở cuốn “Ở một vùng đất cổ” do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Bắc và UBND huyện Yên Phong xuất bản năm 1983 viết:
“Từ sau chiến thắng Như Nguyệt – 1077 mới có tục thờ thánh Tam Giang. Trương Hống, Trương Hát (Tg – trong các bản thần tích thánh Tam Giang) thực ra chỉ là những nhân vật huyền thoại, không có thực, còn việc nói rằng hai ông vốn là tướng của Triệu Quang Phục, chẳng qua là do trí tưởng tượng của dân gian mà có phù hợp với sự giải thích về thần của dân gian là thần bao giờ cũng có gốc từ những con người có thực, sau vì có công, có đức nên mới được thờ thành thần”.
Các bản thần tích (lịch sử các vị thần hoàng làng) về thánh Tam Giang cũng như đa phần các vị thần (thành hoàng làng) khác đều do các sử thần thời Lê biên soạn rồi đến mãi đầu thời Nguyễn mới được ban hành phổ biến tới các làng xã, cho nên độ chính xác khoa học không cao . Còn trong các tài liệu chính sử (quốc gia) xưa nay không hề ghi chép về thánh Tam Giang.
Do những sự việc trên ta thấy rằng việc hàng loạt làng xóm thờ đực thánh Tam Giang sau chiến thắng 1077 là có cơ sở xã hội. Có thể kết luận rằng việc thờ thánh Tam Giang bắt nguồn từ việc tưởng niệm cuộc kháng chiến và chiến thắng giặc Tống, sẽ giải thích được vấn đề nêu ra ở trận Thánh Tam Giang gắn với sự kiện nổi bật, có liên quan đến cả một vùng rộng lớn, sự kiện đó là: đánh giặc Tống và thắng giặc Tống ở vùng sông Như Nguyệt. Và thánh Tam Giang tuy không phải là con người cụ thể của bất kỳ một làng nào, thế mà rất nhiều làng thờ, bởi những làng ấy nằm trong vùng hoặc gần vùng xảy ra cuộc chiến và chiến thắng giặc Tống xâm lược – năm 1077.
Còn sở dĩ tại sao ở Bắc Ninh – Kinh Bắc dọc sông Như Nguyệt có đến 372 làng liên quan đến cuộc kháng chiến chống Tống chỉ thờ Thánh Tam Giang làm thành hoàng làng chứ không thờ Thái úy Lý Thường Kiệt? Trong nhiều bài nghiên cứu đã công bố ở báo, tạp chí TW, địa phương đều cho rằng: với quan niệm về sinh tồn trước đây (phải sinh con đàn cháu đống mới là nhà có phúc lớn...) và tục thờ thành hoàng làng của cư dân nông nghiệp thì Lý Thường Kiệt tuy là vị tướng có tài đức lớn lao như vậy nhưng lại là một hoạn quan, nên có lẽ dân các làng không thờ làm thành hoàng mà đã chuyển đổi thành đức thánh Tam Giang. Hiện thực lịch sử này tương đồng với việc chuyển đổi thần hoàng chính ở làng Trang Liệt (Từ Sơn) từ Trần Bà Liệt sang Thượng tướng Trần Quang Khải .
Thông qua nội dung phân tích, chứng minh nêu trên có thể đã xác định Thánh Tam Giang được 372 làng ở Bắc Ninh – Kinh Bắc thờ làm thành hoàng làng có lẽ chính là (hình bóng) hiện thân của Thái úy Lý Thường Kiệt
Thái úy Lý Thường Kiệt - Thánh Tam Giang mãi đi vào đời sống tâm linh của người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm ngày sinh Thái úy Lý Thường Kiệt, nội dung bài viết này như nén tâm nhang thành kính dâng lên tưởng niệm Thái úy Lý Thường Kiệt nơi tượng đài và đền thờ tướng công ở chiến tuyến sông Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh./.
LÊ VIẾT NGA