Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

"TAY NGANG" - DÀNH TRỌN MỘT TÌNH YÊU
16:37 | 24/06/2023

KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2023)

Nghề báo với tôi là cả một hành trình đầy gian khó và thử thách. Làm báo không phải là một công việc dễ dàng. Với một người “ngoại đạo”, một kẻ “tay ngang” dấn thân vào nghề như tôi thì ngoài sự nhiệt huyết, đam mê, tận tụy tôi còn phải nỗ lực cố gắng rất nhiều để hoàn thành trọng trách của một người làm báo. Tôi luôn trân trọng cơ duyên mà nghề báo đã chọn tôi và quyết dấn thân với một nghề gian nan, vất vả nhưng vinh quang và đầy tự hào.

Xuất thân là một cử nhân kinh tế nhưng tôi đến với nghề báo như một nhân duyên đã định trước. Tháng 2 năm 1997, bước chân vào công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh với vai trò là kế toán của đơn vị, khi đó tôi chưa được học qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành báo chí. Nhưng tôi may mắn được nhà văn Phan Thư - nguyên Chủ tịch Hội và nhà thơ Trần Anh Trang - nguyên Phó Chủ tịch Hội từ những năm đầu tái lập tỉnh, phân công thêm nhiệm vụ sửa morat tạp chí - sửa lỗi chính tả hay còn gọi là “nghề nhặt sạn”, một công việc hết sức thầm lặng trong quy trình làm báo. Những năm đầu mới tách tỉnh, công nghệ Internet chưa phát triển như bây giờ, do vậy mỗi lần sửa morat, mấy bác cháu phải sang trực tiếp nhà in Công Đoàn bên Hà Nội để đọc bông. Lần nào đi tôi cũng bị say xe, sang tới nhà in mặt mày tái mét, bác Phan Thư và Bác Trần Anh Trang có lần động viên, trêu đùa tôi: “Cố gắng lên, sau này biết đâu lại trở thành nhà báo”. Và thật bất ngờ, hơn 20 năm sau điều đó đã trở thành sự thực. Lúc tôi mới nhận công việc này, cảm giác áp lực, có phần chán nản. Không những áp lực vì công việc mới mà còn áp lực vì tôi chưa được đào tạo qua trường lớp báo chí. Nhưng rồi tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần cần cù, đọc soát kỹ và dò lỗi, là được. Sau một thời gian trải nghiệm tôi mới thấy, công việc sửa morat cần sự tỷ mỉ, cần cù, chăm chỉ và kiên nhẫn thôi chưa đủ mà còn phải vững chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Với công việc sửa morat như vậy trong một thời gian, tôi đã biết cẩn trọng với từng dòng chữ trên bản bông, soát lỗi chính tả. Chính công việc tưởng như đơn điệu, tẻ nhạt đó đã giúp tôi tiếp nhận nhiều thông tin, tri thức qua từng bài báo, công việc giúp tôi trưởng thành và rèn luyện nhiều đức tính tốt. Cứ như thế, tôi tự nhủ rằng mình cần phải học, phải đọc, phải biết tư duy và điều quan trọng là càng phải chuyên cần trong công việc. 

Trải qua một chặng đường dài công tác, trên nhiều vị trí công việc tại cơ quan với một quá trình học tập miệt mài để tiếp cận và học thêm nghiệp vụ báo chí, 21 năm sau tôi mới thực sự dấn thân vào nghề báo. Đối với tôi, nghề báo rất thiêng liêng và cao quý, luôn mang trên mình trọng trách to lớn. Song hành với đó là những khó khăn, vất vả xen lẫn nhiều chuyện vui, buồn mà chỉ những người trong nghề mới hiểu và cảm nhận được. Vì là một nghề “tay ngang” nên tôi gặp không ít khó khăn trong công việc, việc nào cũng cố gắng nỗ lực để vượt qua từng bước. Thêm nữa mất nhiều tâm sức để vượt lên lại là rào cản dư luận và cả những sự đố kỵ. Bước vào nghề với bao bỡ ngỡ, kinh nghiệm ít ỏi, tôi từng băn khoăn, trăn trở trước công việc mới đảm nhận và chưa biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian đầu tôi cảm thấy tự ti, mang tâm thế là “kẻ tay ngang”, và hơn hết là mặc cảm thua thiệt về sự đào tạo bài bản. Thế nhưng với sự quyết tâm học hỏi, ý thức lòng yêu nghề, kiên trì bền bỉ, sự nỗ lực cố gắng của bản thân cùng với sự động viên, khích lệ, hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp tôi đã tự tin hơn với nghề và thầm cảm ơn vì điều đó. Tôi lại càng biết ơn các bậc tiền bối Phan Thư, Trần Anh Trang, Nguyễn Văn Triền đã quan tâm, chỉ bảo, dìu dắt tôi từng bước trưởng thành để tôi có được thành công như ngày hôm nay.

Làm báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn nhiều nghề khác, vì phải chịu áp lực từ nhiều phía, thế nhưng xen lẫn trong đó là những câu chuyện vui có, buồn có. Vì lý do công việc, nhiều khi ăn uống qua loa rồi lại vùi đầu vào bản thảo, với trăn trở suy tư… Sắp xếp bài vở hàng tháng sao cho phù hợp với chủ đề từng tháng, theo kịp dòng sự kiện; sao cho hợp lý để đạt sự cân đối, hài hòa giữa các tác giả, hội viên mà vẫn đảm bảo chất lượng của tạp chí và đúng định hướng, chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Những ý kiến đóng góp của bạn đọc về sai sót trên tạp chí tôi luôn trân trọng, tiếp thu và rút ra nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học quý trong nghề làm báo của mình. 

Nghề báo không chỉ đòi hỏi sự hy sinh của người làm báo mà người thân của chúng tôi cũng phải chung hy sinh, chia sẻ và cảm thông. Cơ cấu biên chế của tòa soạn quá ít ỏi, tôi và Thư ký tòa soạn Hoàng Yến phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong chuỗi quy trình xuất bản tạp chí. Do vậy có những số tạp chí đặc biệt hai chị em tự động viên, khích lệ lẫn nhau, tranh thủ làm ngày, làm đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật - chúng tôi quá ít thời gian giành cho gia đình, con cái. Nếu không có sự chia sẻ, động viên của người thân, có lẽ chúng tôi khó hoàn thành được nhiệm vụ. Ngọn lửa yêu nghề luôn cháy trong tim và chúng tôi tin những hy sinh thầm lặng đó đều sẽ được đáp đền bằng sự tin yêu của cả tác giả lẫn độc giả.

Vượt qua những cung bậc của thử thách, khó khăn, vất vả ấy là những niềm vui, hạnh phúc khi mỗi số tạp chí xuất bản được đông đảo hội viên, độc giả đón nhận, khen ngợi, sự cổ vũ của bạn bè, người thân. Đôi khi là những lời cảm ơn qua điện thoại, là lời chúc mừng nhân dịp 21/6… Và cả niềm vinh dự tự hào năm 2020 Tạp chí Người Kinh Bắc được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể đơn vị tiên tiến xuất sắc; năm 2020 tạp chí được nhận giải Ba, năm 2023 được nhận giải Nhì giải thưởng quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Đã nhiều hơn những tác giả, tác phẩm xuất hiện trên tạp chí giành được các giải thưởng cao như: Giải thưởng sáng tác quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; Giải Báo chí Ngô Gia Tự… Những thành tích đó như mốc son ghi dấu ấn phát triển và trưởng thành của tạp chí Người Kinh Bắc. Đó là niềm tự hào của Tạp chí Người Kinh Bắc và cũng là niềm vinh dự của tôi trong chặng đường “tay ngang” của mình.

 Chính thức dấn thân với nghề chưa lâu, nhưng cũng không phải quá ngắn, tôi luôn trân trọng và tâm huyết với nghề. Dẫu biết rằng phía trước là một chặng đường dài gian khó nhưng tôi sẽ luôn cố gắng và nỗ lực sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục hành trình và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, từ đó góp sức tạo ra những tác phẩm VHNT, báo chí chất lượng phục vụ Văn nghệ sỹ và bạn đọc. Cũng vì thế mà khiến tôi yêu nghề báo hơn, yêu những trang bản thảo và yêu những đứa con tinh thần được xuất bản mỗi kỳ. Bản thân tôi sẽ luôn luôn học hỏi, không ngừng trau dồi cả về chuyên môn và đạo đức nghề báo. Nghề “tay ngang” luôn cháy trong tim - lòng yêu nghề là niềm tin, là sự quyết tâm dành trọn tình yêu với nghề báo./.

                                                                                                                                                                                                       THANH HUYỀN