Tháng 2 năm 1985, Trung đoàn 2 (Hoài Ân) nhận nhiệm vụ điều động của Bộ Quốc phòng, tách khỏi đội hình Sư đoàn 3 (Sao Vàng) anh hùng, mang mật danh “QT-85” hành quân sang tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang). Trung đoàn được sáp nhập, tăng cường trong đội hình Sư đoàn 356, với phiên hiệu E981 “Quang Trung”, trực tiếp trấn giữ chiến đấu tại các điểm cao bảo vệ dải biên cương thuộc xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Sau hơn 38 năm, đây là lần đầu tiên tổ chức gặp mặt “Tri ân và giao lưu đồng đội 1979 - 1988”. Với hơn 600 cựu chiến binh, đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Hà, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội, trong đó đông nhất là tỉnh Bắc Ninh hơn 150 cựu chiến binh.
Đó là những chiến binh Trung đoàn 2 (An Lão) anh hùng, trực tiếp tham gia cuộc chiến may mắn hơn còn sống trở về, và hôm nay mới có dịp hội tụ tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Mảnh đất mà đơn vị được chọn làm nơi đóng quân giai đoạn từ năm 1979 - 1988. Trước khi lên Hà Giang chiến đấu và sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chốt tiền tiêu trở về, để giờ đây cùng nhau ôn lại vui buồn của những năm tháng hy sinh, gian khổ, nhưng đầy ắp tình đồng đội, tình quân dân.
Đồng chí: Nguyễn Văn Sang, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, trực tiếp chỉ huy chiến đấu giai đoạn này nhớ lại: Năm 1985, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 đã từng kề vai sát cánh cùng nhau đi qua cuộc chiến khốc liệt nhất với lời tuyên thệ của lính Vị Xuyên, “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”. Nơi đó được gọi là “Lò vôi thế kỷ”, bởi mật độ đạn pháo ác liệt, khiến những dãy núi đá vôi sừng sững bị đạn pháo các loại hạng nặng thời bấy giờ cày tung. Sau mỗi trận pháo, cả vùng núi non phủ kín một lớp bụi đá vôi trắng xoá. Những địa danh gắn vào tâm trí của những người lính mặt trận Vị Xuyên không thể nào quên như: Thác Âm phủ, Thung lũng Gọi hồn, đỉnh Cốc Nghè, hang Làng Lò, hang Mán, hang Dơi, ngã ba Cửa Tử, đồi Thịt Băm, thung lũng Chết”…
Để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, đến được các chốt tiền tiêu của ta, các chiến binh rất vất vả, nguy hiểm, trong đó phải kể đến chiến sĩ vận tải ngày đêm bị pháo đạn cày xới, vẫn gùi cõng cơm nắm, nước uống, đạn dược tiếp tế cho lính chốt. Không quản dốc đứng, đường trơn thậm chí nhiều chốt phải lên bằng đu dây, những tưởng leo lên cổng trời. Đối với lính thông tin một thời ra trận, lúc nào cũng súng đạn quang người, dây máy nặng vai sẵn sàng. Pháo địch bắn đứt dây, lao ngay đi nối lại, thế trận hiệp đồng không thể chậm một giây, qua bao gian nan vất vả.
LÍNH CHỐT
Cơm đến chốt hương gạo còn đâu
Định lượng nước từng người san sẻ
Mấy tháng ròng không rửa mặt đánh răng
Để dành nó cho chiều hè nắng lửa
Đào hầm xong chân tay đầy đất
Lính chốt mà nếm mật nằm gai
Tay nhom nhem đâu phải lính lười
Mong mưa lớn tắm cho người thoả thích
Những cái tên
Mẫn, Đệ, Nghiêm, Đông, Toán…
Hè qua thu tới pháo vẫn rơi
Thu qua đông đón heo may về
Pháo sáng sáng loá thâu đêm
Đầu đội mưa lính chốt rét run
Bạn bên kia tôi vẫn ở bên này
Hai trận địa vẫn từng ngày thử lửa
Kề cận tử thần, lính chốt vẫn lạc quan.
Ông Nguyễn Trung Thành, quê phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hiện ông là Trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 2 cho biết:
Từ khu vực 4 hầm giáp điểm cao 685 sang điểm cao 468, 600, 900, 1.509, 1.100, điểm cao không tên… bộ đội ta chiếm lĩnh các cao điểm thay Trung đoàn 153 ở bình độ 1.100; trên hướng điểm cao 1.509 thay cho Trung đoàn 149 của Sư đoàn 356. Trong suốt năm 1985, Trung đoàn đã trực tiếp đánh trả nhiều trận xâm lấn biên giới của đối phương, đương đầu với hàng ngàn, hàng vạn lượt pháo kích của địch. Tính đến tháng 2 năm 1986 Trung đoàn đã đánh bại 8 trận bộ binh địch tấn công, từ cấp Trung đoàn đến cấp đại đội. Tập trung đẩy lùi 147 trận tập kích bằng hoả lực, phá huỷ 16 trận địa cối, bắn sập 25 hầm đạn, thu nhiều vũ khí trang bị của địch. Đến tháng 11 năm 1986 Trung đoàn gần 100 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ để lại một phần xương máu của mình trên mặt trận Vị Xuyên, giữ vững trận địa, địa bàn được giao.
Nơi đó đá điệp trùng đá đá
Đá giăng thành luỹ chốn biên cương
Chỉ có đá và đạn thù tàn phá
Chiến sỹ ta sống bám đá
Chết thân vùi trong đá hoá bất tử.
Nơi đó hiện còn nhiều đồng đội của chúng ta vẫn nằm lại trên những đỉnh núi chơi vơi giữa 4 bề là đá, hoặc nằm dưới hang sâu vực thẳm và giờ đây những hài cốt đã hoá thành đá vôi. Miền đất đó đã đánh đổi sự hy sinh, bằng máu, mồ hôi và nước mắt mỗi khi tiễn biệt đồng đội. Tuổi thanh xuân có những người lính hành quân chưa kịp đến đơn vị, còn chưa một lần về thăm quê mẹ khi lên đường nhập ngũ.
Đây là lần thứ 2 đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với bọn bành trướng. Trung đoàn 2 anh hùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Sư đoàn 356 khen ngợi. Được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công, 28 tập thể, 40 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công các loại. Được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại mặt trận “Vị Xuyên - Hà Tuyên”.
Những chiến binh của Trung đoàn 2 (An Lão) anh hùng có quyền tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững biên cương của Tổ quốc, ngẩng cao đầu khi đơn vị trở về huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trước sự mến mộ, nhớ nhung, tiếc nuối và sự cảm phục của nhân dân tỉnh Hà Giang bằng câu nói "Các chú bộ đội về Lạng Sơn chúng tôi nhớ lắm".
Lịch sử, truyền thống và những thành tích chiến công thì đơn vị nào cũng có, nhưng thành tích chiến công của Sư đoàn 3 (Sao Vàng) anh hùng nói chung, của Trung đoàn 2 (An Lão) anh hùng nói riêng, đã trải qua thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Lạng Sơn, rồi biên giới Hà Giang… sử sách đã ghi, nhưng chưa thể ghi hết được và chúng ta còn có thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử truyền thống của một Trung đoàn.
Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang đã đi vào lịch sử hào hùng của quân đội ta, dân tộc ta. Nơi đó giờ đây đã được xây dựng quần thể Tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên, ngay tại điểm cao 468, xưa kia là chiến trường ác liệt, hiện có những đồng đội tự nguyện ngày đêm hương khói, và cũng là nơi để những cựu chiến binh, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đến tri ân, thể hiện sự tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ. Không những vậy, Đài tượng niệm 468 còn thể hiện đó là cột mốc chủ quyền Quốc gia đã được cắm sâu xuống lòng đất và khẳng định đất này là lãnh thổ của Việt Nam bất khả xâm phạm.
Trong buổi gặp mặt này, Ban liên lạc tổ chức tặng những món quà tuy nhỏ, nhưng chứa đựng tình đồng chí, đồng đội cho 11 thân nhân liệt sỹ và 5 thương binh đang sinh sống tại các xã Điềm He, An Sơn, thị trấn Tu Đồn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, và các tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội.
Đêm giao lưu gặp mặt với tiếng hát Then xứ Lạng, hòa quện đan xen Dân ca Quan họ Bắc Ninh là phần thưởng cho các chiến sỹ một thời ở nơi đây. Phần thưởng nữa là những chiến binh của Trung đoàn 2 (An Lão), về với đời thường vẫn quan tâm về với Cựu chiến binh Trung đoàn, với mặt trận Vị Xuyên, đó là công lao kết nối các thế hệ truyền thống xưa và nay của Ban tổ chức. Các hội viên đã trở ngược xuôi, xa xôi vất vả để kết nối có cuộc giao lưu quý giá này.
Nói đến chiến tranh, không thể không nhắc đến hy sinh vất vả là vô cùng to lớn, mất mát đau thương cho mỗi gia đình không bút sách nào tả nổi. Nhưng cũng thật vinh dự và vẻ vang, xương máu của các anh tô thắm cho quê hương, cho Tổ quốc trường tồn. Với những người lính, từng trực tiếp chiến đấu, giáp mặt với sự sống và cái chết, tình đồng đội bao giờ cũng trân trọng cao cả. Hôm nay gặp mặt lại nhau đây, mọi người mong muốn tìm lại hình ảnh chính mình của 40 năm về trước. Nguyện sẽ là một tập thể đoàn kết, tiếp tục giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường và trong công việc. Những người lính mặt trận Vị Xuyên trở về với cuộc sống đời thường, chăm lo xây dựng gia đình, quê hương. Tiếp tục cống hiến phần sức lực còn lại của mình, làm rạng rỡ thêm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ./.
LÊ KHAM