Chặng đường hơn 10 năm làm nghề, có lẽ một trong những kỷ niệm sâu sắc, cũng đầy thú vị với tôi chính là chuyến hải trình hơn 20 ngày đêm đến với quần đảo Trường Sa (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thân yêu của Tổ quốc; tác nghiệp cùng đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước, truyền tải thông tin, lan tỏa tình yêu, mang tấm lòng của đất liền đến với quân dân nơi biển đảo tiền tiêu…
Ngay khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ công tác tại Trường Sa, tôi vừa háo hức xen lẫn hồi hộp vì đây là vinh dự lớn lao, song cũng là thử thách vì mọi thứ đều mới mẻ. Cùng với thực hiện nhiệm vụ của một phóng viên do Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Bắc Ninh giao, với vai trò hội viên, tôi thông báo ngay với lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, Ban Biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc để chuẩn bị những số tạp chí mới nhất làm quà tặng cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân tại những điểm đảo nơi đoàn đến; đồng thời tôi cũng chủ động lên đề cương, phác thảo các nội dung công việc cần tác nghiệp trên đảo để kịp thời chuyển về Tạp chí kịp cho ra số đặc san Xuân Quý Mão - 2023.
Sẵn sàng mọi tình huống để làm sao đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, vì thời gian chuyến công tác diễn ra vào thời điểm cận Tết, mọi công việc đều như dồn dập, khẩn trương. Hơn thế nữa, trước chuyến đi, đoàn công tác chúng tôi được thông báo thời tiết không thuận lợi, biển động mạnh, gió lớn, sóng to. Hỏi chuyện kinh nghiệm vượt sóng đến Trường Sa, một số đồng nghiệp đi trước nói vui, giữa mênh mông biển khơi hầu như không có bất cứ sóng gì, ngoài… sóng biển. Nghĩa là mạng 3G, 4G, điện thoại thông minh (smart phone) hầu như không còn tác dụng, chỉ khi đến các điểm đảo mới có thể tranh thủ sóng 2G hoặc sóng điện thoại Viettel để chuyển tải tin, bài về đất liền, nhưng cũng phải rất nhanh chóng vì thời gian ở trên đảo thường rất ngắn. Hầu hết các điểm đảo đến vỏn vẹn chỉ có khoảng 1 giờ đồng hồ. Do đó, để thu thập được nguồn tư liệu phong phú nhất, đoàn phóng viên chúng tôi phân ra từng nhóm nhỏ và mỗi người phụ trách một nhiệm vụ như: Người ghi hình; người phỏng vấn; người chỉ chuyên chụp ảnh… Tranh thủ “từng phút, từng giây” để tác nghiệp.
Xong nhiệm vụ trên đảo, lên tàu ai nấy tìm mọi giải pháp, tận dụng tối đa thời gian để có thể xử lý và chuyển tin bài nhanh nhất về đơn vị. Nhưng đâu có dễ. Món “đặc sản say sóng” hầu như phóng viên nào khi đi tác nghiệp ngoài Trường Sa cũng được trải nghiệm. Đang say sóng “lử đử” trên tàu, nhưng chỉ cần xuống đến đảo là mọi người đều tỉnh như chưa hề có chuyện gì xảy ra và lao vào công việc. Nhưng khi trở lại tàu, món đặc sản ấy lại “không mời mà đến”. Có người liền hai, ba ngày trêu tàu chỉ nằm một chỗ và ngậm muối. Không tự hào nhưng tôi được đánh giá là… khỏe hơn nhiều đồng nghiệp vì đến bữa vẫn có thể xuống nhà ăn. Song, gió to, tàu chông chênh, có những lúc lắc lư như “rang lạc”, nên việc ngồi máy tính để xử lý tin, bài, ảnh cũng là cả một vấn đề. Trong khi thời gian ở đảo và ở đất liền đều không cho phép sự chậm trễ. “Săn sóng” trên mạn tàu, boong tàu, có buổi trực cả tiếng đồng hồ đến gần giữa đêm nhưng sóng cũng rất chập chờn, file ảnh đã nén xuống dưới 1MB, song có khi cũng chỉ load được khoảng 20% là dừng. Đành chờ. Trong khi đó ở cơ quan, Ban Biên tập thông tin Tạp chí đã lên “khuôn” cơ bản, chỉ còn chờ nội dung ngoài đảo của tôi là hoàn thiện và chuyển in… Đến hôm tàu cập đảo Đá Đông, săn được “sóng” chuyển được tin bài, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khi cuốn Tạp chí in xong, được các đồng chí trong Ban Biên tập, Tòa soạn, đồng nghiệp chia sẻ tôi mới hay, Tạp chí Người Kinh Bắc là một trong số ít những Tạp chí cật nhật kịp thời tin tức biển đảo từ chuyến công tác của hội viên để đăng vào 2 số đặc san Xuân Quý Mão 2023.
LÊ XUÂN ME