Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

PHONG TỤC TRANG LIỆT
08:38 | 14/07/2021

Vào hội. Làng ngập trong tiếng reo hò của những chàng trai mới lớn. Tiếng “xung phong” rào rào nổi lên. Tiếng gậy đập vào nhau khô khốc, chát chúa nghe như tiếng kim khí. Xin hãy đừng lo. Không có án mạng. Không có hận thù. Đó là cuộc đánh của hai bản niên mười bốn và mười lăm. Đánh theo lệ, theo tục. Năm ấy, tuổi mười bốn, chừng ba mươi tay gậy, hăng lắm, hò hét bao vây nhà trưởng đồng niên mười lăm, đòi bắt bằng được anh chàng cao gầy này. Anh ta có tuổi bố cao nhất nên được tôn là trưởng. Hơn nữa, có một năm luyện võ gậy nên cũng xứng đáng lắm. Cả nhóm tuổi mười bốn đang bị bố anh gầy mắng om sòm:

- Các anh muốn đánh đấm thì ra đình. Chúng nó ở cả ngoài ấy.

Bọn mười bốn chưa kịp quay ra thì tiếng reo hò của bản tuổi mười lăm vang lên. Những tay gậy tiên phong đã áp sát đập nhau chí chát. Bụi đường bị những đầu gậy quệt vào dấy lên mù mịt. Họ vừa đánh vừa lùi về đình làng. Cuộc đánh của hai bản niên diễn ra cũng gay go, căng thẳng, cũng mưu lược sâu sa, giương đông kích tây để thắng lợi, giật được mâm xôi của làng treo thưởng; hoặc bắt được “tù binh” để bản tuổi đối phương phải đem xôi gà đến chuộc. Đó là cuộc so gậy của mấy chục võ sĩ làng. Cũng sứt đầu mẻ trán, cũng thâm mày tím mặt; cũng bắt bớ kẻ thua. Có điều, kẻ làm “tù binh” cũng được giam trên một chiếc chiếu hoa có nước trà nhấm nháp.

Cụ Bốn Thiện, cụ Chức, cụ Thầm là những người đánh trận đồng niên cuối cùng của Hội làng. Cuối năm hai bản tuổi nháo nhác tìm kiếm vũ khí. Đó là những đoạn tre đực dài chừng mét rưỡi, ruột đặc xít với những vấu dày. Cầm đoạn tre như cầm thanh sắt nguội. Đường ria làng cuối năm phơi ngổn ngang xác tre. Dỡ cả một bụi để được một đoạn tre đực vừa ý. Bao nhiêu võ sĩ là bấy nhiêu gậy, bấy nhiêu bụi tre bị đốn hạ. Các chủ vườn xót ruột, tiếc của nhưng vẫn cố nặn một bộ mặt hào phóng tiếp các võ sĩ mới lớn. Bởi lệ làng, họ không được chửi bới, can ngăn đám trai làng đang chuẩn bị cho những ngày hội so tài.

Cụ Bốn Thiện kể. Cả gương mặt cụ mơ màng phủ đầy quá khứ. Cụ như người bước ra từ lịch sử, từ những năm xa lắc xa lơ. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, mới mười ba nhưng vạm vỡ như trai mười bảy, suốt ngày đấm đá, gậy gộc. Chàng luyện tập mà bà Phạm xót ruột; bố chàng Hoài Đức Vương chẳng yên lòng. Chàng gầy, đen nhưng không ngừng chí khí đánh giặc. Chàng tập hợp các bản tuổi trong ấp tập trận. Chàng nhờ bà và bố xin các chủ vườn cho trai làng có gậy tập tành. Năm nào cũng xin, sau thành lệ, thành nghĩa vụ của dân làng tự giúp, nuôi nấng đoàn võ sĩ. Những buổi tập trận của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã lưu truyền cho các thế hệ trai Sặt, suốt một chặng dài bảy trăm năm. Ông Nguyễn Đức Đặng kể về cuộc đánh đồng niên của cha mình. Giọng ông đầy nuối tiếc một phong tục đánh đồng niên mang đậm tinh thần thượng võ và nhân văn. Cha ông vì luyện gậy chưa nhiều nên mới xung trận đã bị bản niên mười bốn bắt sống. Họ giải “tù binh” về nhà ông trưởng đồng niên như một vị khách. Tù binh ngồi chiếu hoa, uống nước, ăn kẹo, đợi đồng niên của mình đến chuộc.

Tục đánh đồng niên giữa hai bản tuổi 14 và 15 kéo dài từ thời Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đến cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ quá khứ, phong tục thượng võ này vẫn phả về Trang Liệt sức ấm nóng của những trận đánh oai hùng của chàng thiếu niên Trần Quốc Toản còn mãi mãi với thời gian.

Tục đồng niên ở làng Sặt gồm những người sinh cùng một năm (lấy năm âm lịch) nhưng xếp vai bậc trưởng thứ đến út đồng niên lại căn cứ vào tuổi cha, tuổi cha bằng nhau thì căn cứ tuổi ông; tuổi ông bằng nhau thì căn cứ tuổi cụ… cứ thế mà xếp, chặt chẽ, quy củ. Anh trưởng đồng niên có thể văn hóa lùn, mới qua cấp hai nhưng hàng kĩ sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ trong bản tuổi đều nghe răm rắp. Mọi công việc của bản niên đều trôi chảy. Từ phong tục đồng niên ở Sặt được phát triển thành tục Chạ chuyên làm việc hiếu. Đó là nét phong tục độc đáo. Việc hiếu (tang lễ) ở Sặt từ tục lệ mà thành khuôn phép. Đảng và Nhà nước, cấp thôn, xã khỏi lo. Việc hiếu diễn ra qui củ. Ở Sặt lúc nào cũng duy trì một ban Chạ gồm bốn mươi tám người. Không lúc nào thiếu. Bởi ông trưởng chạ sẵn sàng giật từ các bản tuổi lên cho đủ bốn tám người. Vì thế, cuộc hành tang ở Sặt rất uy nghi, hoành tráng khi tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ. Trai làng Sặt ai cũng qua ban chạ để làm việc hiếu như một thứ nghĩa vụ thiêng liêng. Các vị xa quê, hay Bộ trưởng, Viện trưởng không có điều kiện trực tiếp thì phải thuê mướn làm đủ nghĩa vụ với làng.

Qua ban chạ, người trai Sặt vào Ban trưởng lo toan mọi công việc của làng, của xóm và họ hàng. Đến tuổi 49, họ là ban trưởng cả lo việc khánh tiết chăm sóc đình đền và lễ hội. Việc này, chính quyền nhà nước cấp thôn xã cũng khỏi lo. Bởi đã thành lệ. Ban khánh tiết thông qua chính quyền để mở hội. Rồi cứ thế, lễ hội diễn ra rất uy nghi ở phần lễ và tưng bừng ở phần hội với tiếng trống vật giòn giã, với rộn dịp cầu lông vun vút bay trên mặt lưới, với tiếng hát tuồng ngày uy nghiêm giữa đình làng và làn Quan họ chơi vơi trên mặt nước.

Lễ hội là phong tục đã đem đến cho Trang Liệt nét văn hóa truyền thống đặc sắc và được người dân nơi đây gìn giữ như một thứ tài sản quí báu do cha ông để lại./.

                                                                                                                                                                                                                              VĂN AN