Trang chủ

PHẨM GIÁ NGUYỄN ĐÌNH XÔ
14:47 | 08/08/2018

 Kịch bản Nguyễn Xuân Tường

 

 

Nhà tù Phú Quốc trong ký ức của mỗi chiến sỹ cách mạng đã từng bị bắt và giam giữ tại đây có lẽ không khác địa ngục trần gian. Trong hơn bốn vạn chiến sỹ cách mạng đã ra đi vì đòn thù điên cuồng của kẻ thù, một trong những cái chết thê thảm, bi thương nhất nhưng oanh liệt phải kể đến liệt sỹ Nguyễn Đình Xô, quê xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 26/4/2018 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 622- QĐ/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, quê xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Nhân dịp này, Tạp chí Người Kinh Bắc xin giới thiệu vở kịch "Phẩm giá Nguyễn Đình Xô" do nhà văn Nguyễn Xuân Tường - đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Đình Xô tại nhà tù Phú Quốc biên kịch.

 

Nhân vật:

1. NGUYỄN HỮU DANH: Cựu tù binh Phú Quốc (CTBPQ) - Bí thư chi bộ  trại giam B5 Phú Quốc năm1969 - nơi Mỹ ngụy giam giữ NĐX

2. NGUYỄN ĐẮC THI: (CTBPQ em trai kết nghĩa với NĐX ở chiến trường Tây Nguyên)

3. NGUYỄN VĂN THUẬN: CTBPQ cùng bị Mỹ Ngụy tra tấn với NĐX đợt tháng 4/1969

4. VŨ KIM:(Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) Bắc Ninh  

 

CẢNH 1: ĐỒI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ PHÚ QUỐC (LSPQ)

 

Nguyễn Đắc Thi: (đi lại chậm rãi):

Đồi Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc đây, khu vực dành riêng các liệt sĩ hy sinh tại Trại giam tù binh Phú Quốc đây; hơn ngàn ngôi mồ  mang dòng chữ Liệt sĩ vô danh đã quy tập về đây; ngôi mộ nào mang hồn cốt và danh tiếng  người anh kết nghĩa Nguyễn Đình Xô (NĐX) của tôi?

(Ca thán)

Xin đừng đề ở mộ anh tôi - Liệt sĩ vô danh

Tên người lính ai có quyền báo tử

Chỉ phần xác anh tôi đi, phần hồn anh vẫn ở

Vẫn theo cùng bè bạn dưới trời xanh...

Xin đừng đề ở mộ anh tôi: Liệt sĩ vô danh,

Tên anh đó, bảng vàng còn ghi rõ

Tên anh đó, người thân còn nhắc nhở

Tôi đã nghe đồng đội đến khóc nhiều...

Vẫn biết, đã bình yên sớm sớm, chiều chiều

Và dòng chữ: Họ, tên- chưa phải là tất cả.

Nhưng mồ vô chủ nàng Kiều còn lệ nhỏ

Sao nằm nơi bất tử lại vô danh?

Đang nằm đâu anh… anh Xô ơi?

Vũ Kim (đi ra từ phía sân khấu đối diện Nguyễn Đắc Thi): - Kìa Nguyễn Đắc Thi – cựu tù binh Phú Quốc phân khu giam B5!

Mấy chục năm sau, gặp lại nhau, không còn phải  gặp ở trại giam B5 ngày ấy mà ở nơi Tổ quốc ghi công những anh hùng, liệt sĩ, NĐX thân thiết của chúng ta cũng đã được đưa về đây yên nghỉ dù họ tên trên mộ chí chưa ghi! ...

 Nguyễn Đắc Thi! Còn nhớ những  ai đây không? (chỉ tay vào mình, vào Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Hữu Danh… đi ra từ cánh gà sân khấu).

Nguyễn Đắc Thi (chuyển thái độ vui vẻ hội ngộ - tiến tới chào hỏi, bắt tay).

*(Nhìn về phía Vũ Kim) - Phải là anh Vũ Văn Kim cán bộ đoàn bí mật ngày ấy ở Phân khu giam B5, người đào miệng hầm vượt ngục từ hố rác trong trại giam?

*( Nhìn về phía Nguyễn Hữu Danh cao tuổi nhất đám):

- Bác là Nguyễn Hữu Danh, bí thư chi bộ, bác thường cùng anh Xô em bàn bạc đấu tranh, gìn giữ thanh danh người quân nhân cách mạng

* (Nhìn về phía Nguyễn Văn Thuận cao to nhất đám):

- Anh là anh Thuận, người bị quân thù tra tấn chết đi sống lại nhiều lần. Cùng Nguyễn Đình Xô trung kiên bất khuất!

Được gặp lại các anh… em... em mừng quá! Mỗi các anh là nhân chứng sống về con người gang thép Nguyễn Đình Xô!

(ngừng nói, đưa tay lau nước mắt)

Vũ Kim:  Đắc Thi chắc đã về thăm bố nuôi?

Đắc Thi: Ngày quân thù buộc phải trao trả tù binh, em đã về Lạc Vệ - Tiên Du, thưa cùng bố nuôi, thưa rõ về tinh thần bảo vệ lý tưởng của anh Xô, của tất cả chúng ta rồi. Bố nuôi em đã khóc, tuổi già khóc con giọt nước mắt cuối đời. Bố em bảo: Đời các con thật bi mà cũng thật hùng, bố đã đi lên trên huyện, hỏi ngọn ngành. Nghe loa địch nói con tôi chiêu hồi theo giặc thì phải suy xét chứ! Tôi giao con tôi cho các đồng chí, hai năm nó là bí thư chi đoàn hết lòng vì quê hương làng xóm. Chưa từng tranh ăn cướp việc của ai. Bằng chứng nó chiêu hồi theo giặc đâu? Bằng chứng đâu?

Người cha muôn nỗi tin tưởng con, đã đỏ ngầu đôi mắt.

Khi gặp chị Lư - cô con dâu chưa cưới - cả hai cùng ngấn lệ, thấu cảnh, em đã không thể cầm lòng.

Quay lại an ủi em, Bố nói, rất tự hào có những người con và bạn bè của con như thế!.

Vũ Kim: - Trí nhớ Nguyễn Đắc Thi vẫn còn rất tốt. Nhà nước ta đã trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLL - VTND) cho Tập thể các CSCMBĐBTĐ ở nhà tù Côn Đảo và Trại giam tù binh Phú Quốc.

Chúng ta có mặt tại nghĩa trang này để thắp hương tri ân những cuộc đời đã tô thắm danh thơm ấy. Xin được chia sẻ nỗi niềm cùng thân nhân gia quyến NĐX; Do các tù binh bị quân thù thủ tiêu lẫn lộn nên việc quy tập xác định gen ADN không thể như ý muốn, dòng chữ vô danh trên đài bia kia chỉ là do chưa phân biệt rõ họ tên, tuyệt nhiên, không phải là những nấm mồ này không tên tuổi.

Nguyễn Hữu Danh: - Đúng vậy! Thảy đều là những nấm mồ đồng đội. Những người vô cùng thân thiết với chúng ta. Đó là những ngôi mộ chưa rõ tên. Nhưng tinh thần chiến đấu trung kiên của các liệt sĩ thì chúng ta đều rất rõ, như các đồng chí đều biết tôi là bí thư chi bộ, cai tù thì không thể khảo tra lấy nổi một lời cung. Truyền thống quân đội nhân dân anh hùng. Mãi để bạn bè đồng đội, để NĐX sống mãi trong lòng nhau.

Nguyễn Văn Thuận: - Chúng ta còn nợ các liệt sĩ nhiều quá. Chiến tranh với bao điều dã man và dối trá. Tập thể các CSCMBĐBTĐ được trao danh hiệu AHLLVTND mà trong đó có bao nhiêu tấm gương tiêu biểu như anh Xô còn phải đợi thời gian làm sáng tỏ. 

Vũ Kim: - Xin hãy cùng bình tâm tĩnh trí!

Nhận được báo cáo của Ban liên lạc cựu TBPQ thời chống Mỹ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra chỉ thị xét tặng thưởng với liệt sĩ NĐX. Do hậu quả chiến tranh, gần đây chúng ta mới tìm được phiên hiệu trung đoàn có biên chế NĐX.

Và cũng bởi do sự thâm độc và xảo trá của kẻ thù. Những hồ sơ chúng ta thu được của chúng rất cần được tư duy thận trọng. Thực tế, trong lòng mỗi chúng ta: NĐX và nhiều đồng chí nữa đã được tôn vinh anh hùng từ ngay trong thời kỳ máu lửa đó.

Nguyễn Văn Thuận: - Đúng như thế, về khí phách NĐX, tôi đã có viết bài mô tả đăng trên Tạp chí Cộng sản. Mọi người đều nhất trí: Đó là một tấm gương rực sáng. Màn sương mù kẻ thù để lại. Lẽ nào bưng bít sự thật mãi. Lẽ nào làm lu mờ phẩm giá NĐX? Nếu những gì của Sê Đa phải trả về cho Sê Đa thì những gì thuộc về NĐX nhất định cũng sẽ được trả về NĐX…

 

Cảnh 2:

TỐ CHẤT NGUYỄN ĐÌNH XÔ

 

Nguyễn Đắc Thi: - Xin hãy cùng trở về thực tế trại giam tù binh Phú Quốc. Là tôi - người em trai kết nghĩa với anh Xô. Và anh Vũ Tăng - người cùng làng anh Xô cũng bị sa vào tay giặc  sau anh Xô 2 năm. Chúng tôi khẳng định: NĐX bị bắt, bí mật đơn vị không ảnh hưởng gì. Nghĩa là anh đã giữ vững 10 lời thề người cầm súng!

(Ca- ngâm): Nhớ khi đơn vị đói muối, thiếu cơm

Hành quân anh Xô mang vác giúp

Con dao găm anh đem vào rừng cũng đào được củ mài, củ sắn

Từng tổ tam tam có thứ lót dạ qua ngày

Buổi ấy, tin anh bị sa vào tay giặc, cả đơn vị xót thay

Người bí thư chi đoàn vẹn tình, vẹn nghĩa biết có còn ngày gặp lại?

Nào hay, đường lưu đày đảo tù, máu tù tuôn chảy.

Năm 1969, tại phân khu giam B5, anh em tôi gặp lại nhau, lại nghe tiếng anh sang sảng với những bước đi ngẩng cao đầu.

Vũ Kim: - Đúng như thế!

Trong tù, NĐX luôn là một con người cương trực, mang tư tưởng tiến công ngay cả khi đã ở trong tay giặc.

Một lần, viên cai ngục bắt gặp trong số những người tù một ánh mắt nhìn,  cái nhìn kiên nghị, tự tin (cái nhìn của NĐX). Hắn nổi xung, chỉ tay, quát: Thằng kia, mày nhìn gì tao?

Nguyễn Đình Xô đĩnh đạc trả lời:

Ông đã nhìn tôi, sao đòi cấm tôi nhìn ông?

Có điều gì phải sợ khi  biết người khác nhìn mình. Phải thế nào mới sợ người ta nhìn mình chứ!

(động thái suy ngẫm, quý trọng)

- Thái độ và lý lẽ của Nguyễn Đình Xô luôn dứt khoát, rõ ràng, trước quân thù càng dứt khoát, hiên ngang, bất chấp sự độc ác điên cuồng của chúng.

Nguyễn Văn Thuận: - Một lần khác, Nguyễn Đình Xô bị tên Thượng sỹ Ty - người tỉnh Quảng Bình (di cư vào Nam năm 1954) lôi đi đánh đập, hầm hè: Chúng tao đã phải bỏ đất Bắc vào Nam sinh sống. Tụi bay còn định theo vào dồn đuổi đến đâu. Bay nói nghe lọt tai thì tao sẽ giảm ngón đòn đau!

Nguyễn Đình Xô đã thản nhiên đáp lại lời nó: Lẽ nào các ông còn chưa rõ. Nhân đân kháng Pháp giành độc lập thì các ông làm tay sai cho thực dân Pháp. Nhân dân đánh quân xâm lược Mỹ để thống nhất nước nhà thì các ông làm tay sai cho Mỹ, ngửa tay xin tiền, làm bia đỡ đạn. Không sớm  tỉnh ngộ thì có ngày không hối kịp.....

Nguyễn Đắc Thi: - Những lần cai ngục bắt đi tra tấn tàn tạ, anh Xô luôn coi đó là chuyện  đương nhiên: "Nếu không, thì sao gọi chúng là ngụỵ quân, ngụy quyền, là bè lũ tay sai…".

 Đồng đội quý mến, lựa lời: "Mình đang trong cảnh cá chậu chim lồng, đừng gọi vỗ mặt chúng như vậy".

 Gật đầu, nhưng anh Xô khẳng khái:

"Chúng nó còn dùng quyền lực bôi nhọ phẩm chất quân đội ta thì tôi còn vỗ vào mặt chúng. Sao phải sợ, chết là cùng".

Vũ Kim: - Nhớ một lần, khi bộ phận nhà bếp trong nhà giam lọc một số cá con chưa ươn thối để riêng, đem nấu cháo ưu tiên cho  số anh em tù đau yếu nặng thì viên giám thị tỏ ý muốn đem về cho vợ con hắn.

Đã vài lần ban đại diện trại giam phải đành lòng đồng ý, vì nếu không, hắn thường gây khó dễ cấp phát củi, gạo... giờ giấc rất thất thường, hoặc chỉ phát những khúc củi đầu trâu mặt ngựa, bổ chẻ rất đỗi khó khăn. Lần này, đúng vào phiên Nguyễn Đình Xô phụ trách bộ phận nấu ăn, anh giằng lại cá và tuyên bố thẳng thừng: Tôi không giữ cho tôi. Anh em tù bị đau ốm rất nhiều. Điểm danh ông thừa biết: Người tù còn có thứ gì khác?. Đây là thứ chỉ giành cho người bệnh!

Nguyễn Hữu Danh: - Lại nói đến tấm lòng đồng chí NĐX, càng trong đắng cay, đói rách ngục tù, đồng chí càng mọi điều giành cho đồng đội? Lần nào, trước khi bị địch gọi đi cũng lo cho người ở lại. Lo tổ chức chi đoàn, lo bộ phận nấu ăn làm sao khắc phục khó khăn.

(Tưởng nhớ): Những ngày cuối tháng 3 năm 1969. Đảo tù rung chuyển. Nhà cầm quyền Sài Gòn liên tiếp ra huấn thị, nhằm cải biến, phân loại tư tưởng tù binh.

Thẳng tay đàn áp, bắt Tân sinh hoạt

Bắt hát quốc ca, chào cờ ba sọc

Truy tìm Đảng viên, tra tấn những Đoàn viên…

Vũ Kim: - Khi có phái đoàn chữ thập đỏ quốc tế đến trại giam. Bộ chỉ huy cảnh báo  không cho tù binh được nói.

Ai dám nói thì như mọi khi sẽ bị khảo tra thân tàn ma dại.

(4 người mặc lịch sự - Hội chữ thập đỏ và 2 giám thị mũ sắt in chữ QC đi ra sân khấu)

Một tù binh được phái đoàn yêu cầu đã trả lời qua loa đại khái:

 "Các ngài cứ nhìn đấy, làm gì phải hỏi".

Phái đoàn chữ thập đỏ tỏ ý bức xúc trước thái độ bất hợp tác cuả tù binh. Cai ngục thì đắc ý vì ngón đòn răn đe công hiệu. Tức thì, lời Nguyễn Đình Xô - vang lên từ di ảnh:- Nếu các ngài  muốn biết sự thật thì xin hãy nghe cho rõ lời tôi nói đây.

Đề nghị ông phiên dịch truyền tải đầy đủ những điều này... quần áo tù binh đang mặc đây là lành hay rách? những người đang nằm kia, bao nhiêu vết đòn roi còn tím bầm hằn trên thân xác?

Và còn bao nhiêu người bị đem đi giấu biệt,  không cho phái đoàn tiếp xúc. Và vì sao giám thị lại đe dọa không cho chúng tôi nói ra sự thực?.

Nguyễn Hữu Danh: - Lời Nguyễn Đình Xô lôi cuốn hùng hồn

- Không tin, các ông hỏi tiếp mọi người đây - những nhân chứng sống!

Hơn chục tù binh được phái đoàn hỏi đều noi gương Nguyễn Đình Xô, vạch trần sự dã man của nhà tù Phú Quốc (hai giám thị quay mặt, đi vội vào cánh gà).

Vũ Kim: - Ở huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình có đồng chí Trương Văn Tiến, ở Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Sấn - người Cao Đức, Gia Bình (tên trong tù là Nguyễn Văn Côi, thương tật tỉ lệ 61%, thuộc diện hơn chục tù binh đứng lên noi gương NĐX tố cáo với phái đoàn…).

Họ cùng bị giám thị trả thù đánh đập, luôn thấy anh Xô bình thản còn dặn dò: Đau đớn tới đâu cũng phải nhớ, khóc nhục, rên hèn, van xin càng không được phép!.

Nguyễn Văn Thuận: - Anh Xô từng tâm sự với chúng tôi cùng lắm là hy sinh. Bất luận thế nào cũng không hèn nhát... Riêng anh, bị  chúng tra tấn đủ các ngón đòn. Anh đã mắng vào mặt chúng: Các người là một lũ bất nhân, lại muốn dư luận khen tử tế. Chó sói đòi đội lốt cừu non. Đây tôi từ sự thật mà nói với phái đoàn quốc tế. Cần gì phải đợi ai tổ chức.

Vũ Kim: -Trước đó, chúng đã đánh đòn làm anh Xô không còn khả năng sinh sản, (không thể sinh con), để anh tuyệt vọng, hoảng hốt, đau buồn. Ngược lại, anh tỏ ra vững vàng hơn.

Nguyễn Hữu Danh: - Hôm bị giặc đưa đi lần cuối, anh Xô nói lời vĩnh biệt:

Chúng nó là tay sai, là nguỵ quyền. Thế nào chúng cũng giết tôi, lấy cái chết của tôi để làm nhụt tinh thần đấu tranh toàn trại. Các đồng chí hãy tin, Nguyễn Đình Xô này quyết không làm ô danh tổ quốc quê hương. Quyết giữ trọn phẩm chất người quân nhân cách mạng! Cởi chiếc áo lành hơn, anh Xô tự tay trao gửi cho tôi. Nắm tay Nguyễn Đắc Thi, dặn dò tình anh em người đi, kẻ ở vĩnh biệt cuộc đời, nhận về mình manh áo rách!

Vũ Kim: - Ngày 12/4/ năm 69, tên trưởng khu giam Đỗ Ngọc Long tuyên bố sẽ là ngày tận số của Nguyễn Đình Xô nếu vẫn không  khai báo. Xác định, phải hy sinh để giữ gìn tổ chức và thanh danh quân đội. Anh Xô đã nói với tôi - lời thao thiết của một tấm lòng yêu thương, thủy chung trong trắng rằng: Người tôi yêu là Nguyễn Thị Lư, cô ấy là một người rất tốt. Chúng tôi yêu nhau và vẫn gìn giữ cho nhau. Xin đừng để cô ấy khổ!

Nguyễn Văn Thuận: - Cai ngục đánh anh Xô ngất nhiều lần, hắt cả chậu nước vào mặt.

Đợi anh tỉnh, chúng nhắc:

- Mày có nhớ lời tao nói hai hôm trước?

- Sao lại không nhớ (lời NĐX). Các người nhìn bộ quần áo tôi mặc đây. Bộ lành hơn, tôi đã để lại cho đồng đội... với bản chất tay sai,  thú tính của các người, tôi sẽ chết!

- Mày sẽ vẫn được sống nếu thành thật khai ra.

- Không bao giờ! Các người đừng có mơ! (tiếng vọng hùng hồn của anh Xô).

Dưới sự chỉ huy của tên Đỗ Ngọc Long, năm ngón tay anh Xô bị chúng đóng đinh ghim, mỗi chiếc đinh có sợi chỉ quấn nối với những tờ pô luya bay theo quạt máy. Máu đỏ, máu đen từ các thân đinh tứa chảy, đau đớn tận cùng. Anh Xô vẫn không một lời van vỉ.

(Nguyễn Văn Thuận xúc động)

Chúng bảo anh có dám tự cầm kìm nhổ đinh và hút… cho… máu trở về tim?

 Cắn răng, anh lặng lẽ rút từng chiếc đinh và mút, rồi bất ngờ phun đầy mặt chúng.

 Lời anh nguyền rủa vang xa: Chúng bay là loài lang sói!

Chúng đóng tiếp nắm đinh 7 phân vào chân anh rồi trùm lên người anh chiếc bao tải. Đoạn khênh ra chỗ có nồi nước đang sôi, hò nhau múc dộị. Vừa dội nước sôi chúng vừa gầm thét hỏi cung. Vẫn vang lên đanh thép lời của anh lên án chế độ bạo tàn.

Nguyễn Hữu Danh: - Nguyễn Đình Xô đã hy sinh như vậy mà hồ sơ lưu Trại giam ghi là chết do ốm đau - bệnh tật! Phái đoàn Hồng thập tự thì bán tín bán nghi.

Xót vì… còn nhãn quan vô cảm, thị suy: “Án tại hồ sơ, phải cần thời gian kiểm chứng, án trọng chứng hơn trọng nhân, chứng của quân thù cũng vẫn cần xem xét”!

(Ca than)

Hòa bình dồn khói đạn lại phía sau

Những nấm mồ quân nhân tụ về phía trước

Mỗi một mồ chưa thấy là một nỗi chưa yên

Mỗi mồ thấy lại gợi niềm đau xót:

Bộ cốt ấy, phần tứ chi bom phạt

Còn bộ kia nửa thiếu là bả vai …..

Riêng những bộ này đầy đủ lại khác thay

Thêm một nắm đinh dài cắm vào xương cốt?

Rõ căn nguyên, hỏi nhà tù Phú Quốc…. biết vì sao!...

Vũ kim: - Thi thể anh Xô bị trương, nứt, tấm pông sô của nước Mỹ phủ lên. Đồng chí Lê Hữu Thiều quê ở Tử Nê - Tiên Du được anh em đồng hương cử đi chôn cất. Chôn bạn rồi đánh dấu mồ bằng một tảng đá to.

Tên lính áp tải tù đến cạnh bên cạnh gặng hỏi: - Ông đánh dấu mộ bạn, sau này ai đánh dấu mộ ông!

- Lịch sử, lịch sử giải phóng đất nước sẽ  trân trọng ghi trên tất cả các ngôi mộ của đồng chí chúng tôi.

Nói câu này vì Lê Hữu Thiều vẫn nhớ NĐX  cảnh cáo thượng sỹ Ty từ hơn năm trước.

Nguyễn Hữu Danh: - Để đối phó với Hội hồng thập tự, quân thù còn cho vẽ cả sơ đồ mộ đồng chí Nguyễn Đình Xô. Liệu chúng có vạch áo cho người xem lưng?.

(Sơ đồ đó đúng thì đào lên sẽ còn nắm đinh cắm vào xương gióng).

Vì chúng hiểu, sẽ chẳng ai đào ngoài người thân yêu, đồng chí…

Chó sói vẫn đội lốt cừu khi đã thỏa cơn khát máu.

Phù phép lọc lừa, bôi nhọ những khí tiết kiên trung.

Vũ Kim: - Khi quy tập mồ liệt sĩ hy sinh ở trại giam Phú Quốc. Một số vẫn còn đinh đóng vào xương cốt. Tiếc là không phối hợp được với bộ phận lưu trữ hồ sơ thu được của quân thù nên chưa có mộ nào được mang danh tính.

Nguyễn Hữu Danh: - Song, thật cảm động và đáng nhớ.

Tôi - một đảng viên của quê hương Thanh Hóa. Một cựu tù cách mạng trong Trại giam tù binh Phú Quốc đã có thời gian dài hoạt động trong trại giam do đồng chí Nguyễn Trọng (tức Nam Hà) làm bí thư đảng ủy.

Ngày ra tù, đồng chí Trọng là Phó Chủ tịch trường trực tỉnh Nghĩa Bình

Đảng ủy nhà lao B5 đã tổ chức tuyên truyền tấm gương Nguyễn Đình Xô bất khuất trung kiên.

Nguyễn Văn Thuận: - Những tù binh Phú Quốc từ đấy đều thấy mình luôn có tập thể kề sát đi bên trong mọi lúc, mọi nơi dẫu lao tù càng gắn bó yêu thương đùm bọc.

Nguyễn Hữu Danh: Cũng vì thế mà những tấm gương sẵn sàng hy sinh vì tập thể xuất hiện liên tục. Nhiều tù binh không trực tiếp đào hầm vượt ngục, không trực tiếp đánh bắt cảnh cáo lính quân cảnh, đánh diệt bọn an ninh chiêu hồi nhưng vẫn xin cùng tổ chức được tự nguyện đứng ra nhận mình làm, chịu đựng tra tấn thay cho các đồng chí đã được Đảng phân công tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Vũ Kim: -Tôi lưu giữ được vài chục bài thơ của các tác giả là đồng đội của NĐX. Tất cả đều được sáng tác ngay sau khi NĐX hy sinh. Sáng tác ngợi ca tinh thần trung kiên bất khuất NĐX, ngợi ca phẩm chất anh hùng của người thanh niên Lạc Vệ, Tiên Du.

Ngày thoát khỏi ngục tù, trở về tôi đã trao tận tay bác Xậu và gia đìnhNĐX

Đó là tấm lòng, là trái tim đồng đội đối với người hiến dâng cả cuộc đời mình

Nguyễn Văn Thuận: - Tôi người lính nhân dân của Quảng Bình. Trong muôn ngàn cay đắng những năm tháng tù binh, vẫn có điều may mắn được chiến đấu cùng những người con của quê hương Quan Họ. Sống vì Đảng, vì dân, thủy chung gan dạ. Sống kiên trung gang thép trước quân thù. Người tiêu biểu chúng tôi được ba cùng là Nguyễn Đình Xô, thôn Hộ Vệ; Là Vũ Kim (chùa Bút Tháp) rạch bụng mình đấu tranh; Là Đào Kim(chùa Phật Tích) tẩm dầu tự thiêu, kẻ thù phải thuận theo yêu sách (của tù binh). Nói đến Bắc Ninh là tôi nghĩ đến các anh. Tôi tin sẽ có ngày NĐX được vinh danh xứng đáng.

 

 Cảnh 3: MÚA HÁT MỪNG HỘI THẢO XÉT TẶNG DANH HIỆU ANH HÙNG LLVTND THÀNH CÔNG

 (Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Hồ Chủ tịch trên cao, ảnh NĐX).

GIỌNG NỮ (trên sân khấu):

Ngày 31/5/2016, Hội thảo khoa học thành tích liệt sĩ Nguyễn Đình Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được trang trọng tổ chức tại hội trường UBND huyện Tiên Du.

Cục bảo vệ chính trị đã thông báo xác minh   những gì NĐX mang trong mình và thể hiện là xứng đáng với danh hiệu anh hùng LLVTND…  

Đồng chí tư lệnh đoàn 88 ghi nhận NĐX là tấm gương truyền thống cho cán bộ chiến sĩ đơn vị noi theo.

Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội thảo, trực tiếp nghe những chứng nhân báo cáo, nghe những tham luận về tội ác nhà tù Phú Quốc và phẩm chất khí phách NĐX.

 Tất thảy những thành viên tham dự đều xúc động trước bão bùng thế hệ cha anh nối tiếp vượt qua.

Hội thảo cũng chính là những nén hương lòng thưa cùng vong linh cha Nguyễn Đình Xậu và mẹ Lê Thị Tình, con trai mẹ cha là NĐX đã không phụ lòng sinh dưỡng và Đảng Bác Hồ rèn rũa.

Thứ bóng mây độc tố của chiến tranh đã tan tác về xa.

Vinh quang thay, dòng máu người con Lạc Vệ đã làm rạng rỡ quê nhà.

 

GIỌNG NAM (ngâm 2 bài thơ thể hiện tinh thần chiến đấu trung kiên).

 Múa “Đảng đã cho ta mùa xuân” - phối kết hợp

1- Bài Những người bất tử

 (Tác giả Thương Hà)

Tôi hát bài ca Những người bất tử

Trên đảo tù tràn ngập thương đau

Những con người đã đạp bóng đêm sâu

Mở tung cánh đón ánh trời rực đỏ!

 

Bầy ngụy kia, chúng hiểu gì trong đó

Hồn bao la dào dạt sóng trùng dương

Trong cuồng phong hằng nuôi chí quật cường

Trước bạo lực mỉm cười khinh thử thách.

 

Tuổi thanh xuân nhựa đời đang căng mạch

Dù ước mơ còn dang dở chưa tròn

Để vai gầy thêm nặng nợ nước non

Sa tay giặc vẫn bền gan chiến đấu

 

Địa ngục trần gian đêm ngày loang máu

Với bao cực hình trắng trợn dã man

Điện giật, nước sôi, xăng đốt, bẻ răng

Đinh đóng ống xương, cắt gân, ép ván…

 

Vĩ đại thay những con người cộng sản

Thắng bạo cường bằng khối óc buồng tim

Càng đau thương càng thêm vững niềm tin

Trên đảo ngục viết tiếp dòng lịch sử…

2-Bài Tự sự

(Tác giả Hoàng Huy Tập)

Sen trong bùn vẫn thơm vẫn mát

Chim trong lồng vẫn hót, vẫn hay

Lao tù xiềng xích chân tay

Nhưng sao xiềng được hồn say hương đời

Trái tim ta, trái tim Người

Càng cơ cực lắm càng tươi, càng hồng!

(Hai bài thơ trích trong tập Tin Tưởng, năm 2005 - Sở VHTT Bắc Ninh).

                                                               Màn hạ