Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NIỀM VUI BẤT NGỜ TỪ MỘT BÀI THƠ VIẾT SAU 49 NĂM
14:33 | 17/11/2022

 KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2022)

Ngày 21/10/2015 tôi và ông Ngô Xuân Sửu - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Yên Phong được nhà giáo, nhà thơ, nhạc sĩ Hồng Trạch quê ở thôn Vọng Nguyệt (xã Tam Giang) mời về dự lễ kỷ niệm 49 năm giặc Mỹ ném bom giết hại cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh trường cấp II Thụy Dân, nay là trường THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), theo lời mời của ông Trương Vũ Anh người con duy nhất của cô giáo bây giờ làm Giám đốc Xí nghiệp lắp máy cơ khí điện Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi được về quê lúa Thái Bình. Tháng 10 đang bắt đầu vào vụ gặt, những cánh đồng ruộng thẳng cánh cò bay chỉ có một màu vàng và màu vàng đẹp đến mê hồn. Làng  xóm nằm dọc theo các con đường lớn, nhà cửa nằm dọc theo các kênh dẫn nước trông rất yên bình, một làng quê Việt Nam yên bình muôn thuở vốn có.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thuận cùng Ban Giám hiệu tiếp chúng tôi tại Văn phòng nhà trường. Trường THCS Thụy Dân là trường không lớn lắm, học sinh chỉ vài trăm em, tôi nhẩm tính chỉ bằng số lẻ của học sinh trường thị trấn Chờ. Với vài chục thầy cô giáo; tại đây nhà trường lập phòng truyền thống của trường và bàn thờ thờ cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân.

Thầy và trò trường THCS Thụy Dân tập trung đông đủ, ăn mặc chỉnh tề rước vòng hoa về nghĩa trang 21 tháng 10 nằm cạnh bên trường.

Nghĩa trang 21 tháng 10 bề thế lắm. Đây chính là điểm trường cũ của cấp II Thụy Dân trước đây. Tại đây chúng tôi hiểu được lịch sử nhà trường và tội ác man rợ của giặc Mỹ.

Trường cấp II Thụy Dân được thành lập vào tháng 8 năm 1966. Trường chỉ có 4 lớp gồm 1 lớp 7, 2 lớp 6 và 2 lớp 5, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, các em học tập dưới những mái tranh lụp xụp.

Cô giáo giáo trẻ Bùi Thị Thanh Xuân sinh ngày 04 tháng 10 năm 1942 nếu còn đến nay cũng tròn 80 tuổi, người con gái thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Mồ côi cha, mẹ tật nguyền, Bùi Thị Thanh Xuân tảo tần lao động kiếm tiền ăn học. Ước mơ cháy bỏng là được làm cô giáo đã thành hiện thực, sau khi cô tốt nghiệp Sư phạm cấp II Thái Bình năm 1962.

Đến năm học 1965 - 1966 cô chuyển về dạy trường cấp II Thụy Dân. Ngày đêm cô miệt mài bên trang giáo án, bám lớp, bám trường để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cô xây dựng gia đình với nhà giáo Trương Vũ Xương - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đôi vợ chồng trẻ có con trai Trương Vũ Anh; do điều kiện công tác Vũ Anh ở nhà với ông bà nội. Trong nhật ký của cô giáo Thanh Xuân có những dòng cảm động về nỗi nhớ da diết chồng và con “… Không hiểu sao mấy đêm nay em theo thức không ngủ được, nghe tiếng gà gáy nửa đêm mà me không chợp mắt được. Em chỉ hình dung thấy con trước mặt, em nhớ và thương nó quá. Chưa đầy ba tuổi đã phải xa bố xa mẹ, sống trong tình thương của ông bà… Kể ra thì buồn rất nhớ nhưng thời chiến cũng phải chịu vậy. Cách đây 6 hôm nó (giặc Mỹ) đánh Diêm Điền nhưng không chết ai. Chỗ em vẫn yên ổn, thỉnh thoảng nó bay qua nhưng không ở trên đầu…”.

Lá thư viết xong chưa kịp gửi thì cô đã hy sinh. Trường cấp II Thụy Dân lại bị giặc Mỹ làm mục tiêu ném bom. Trong Sổ vàng truyền thống nhà trường còn ghi lại:

 

“Vào khoảng 10h30’ ngày 21 tháng 10 năm 1966 làng quê yên bình, các lớp học sinh đã tan, lớp 7 cũng sống hết tiết học cuối cùng. Hôm ấy cô giáo Xuân dạy bài “Dù đui mà giữ đạo nhà” của cụ Nguyễn Đình Chiểu, bằng chất giọng truyền cảm, lời giảng nhiệt tình tâm huyết cả lớp đều chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời. Đúng lúc ấy máy bay Mỹ gầm rú trên không ném bom vào trong làng làm chết 9 người, phá hủy 21 nhà dân; sau đó chúng quay ra ném bom vào trường cấp II Thụy Dân. Với 4 quả bom cỡ lớn trút xuống ngay cạnh hầm trú ẩn của trường, 30 học sinh  tuổi từ 13 đến 16, trong đó toàn bộ 12 học sinh nữ lớp 7 đã bị vùi chết bởi sức ép của bom Mỹ trong các hầm hào giao thông. Mọi người khẩn trương đi tìm, bới mãi thì thấy thi thể của cô Xuân vẫn còn ôm chặt 2 học sinh của mình vào lòng. Một cô giáo vừa tròn 24 tuổi, độ tuổi đẹp nhất đời người để lại đứa con thơ chưa đầy ba tuổi và đang mang thai đứa con thứ 2 trong bụng…”

Một tổn thất quá lớn, một nỗi đau quá lớn đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới. Phong trào đòi nhà cầm quyền Mỹ không được ném bom vào trường học giết hại các cháu. Ngành giáo dục phát động phong trào “Ngày hành động trả thù cho cô và trò Thụy Dân”.

Nhà giáo Nguyễn Hồng Trạch kém chị Xuân 1 tuổi đã thức trắng đêm để viết bài thơ và được đăng ở Tập san Giáo dục cùng với ảnh cô giáo Xuân đang bế con Trương Vũ Anh. Bài thơ như sau:

TÔI ĐÃ SẴN SÀNG

 

Đêm đêm ngồi lo việc ngày mai

Con nhỏ bi bô mẹ soạn bài

Chị sẽ dạy bài thơ chính nghĩa

Đùa vui mẹ hỏi, Anh con ai?

Hôm nay lên lớp giảng bài thơ

Yêu nước tâm hồn đẹp ước mơ

Bài thơ đang giảng lời bỗng tắt

Chị Xuân ơi! Đâu đã hết giờ.

Có phải chăng “mục tiêu chọn lọc”

Ngôi trường xinh, em nhỏ hát vui

Mà giặc Mỹ tuôn bom, nhả đạn

Tương lai ta, chúng muốn dập vùi.

Chị đi cùng ba mươi em nhỏ

Khuất bóng rồi, tiếng nói còn vang

Chị ngã xuống có tôi thay chị

Tiếp bước đi, tôi đã sẵn sàng.

Trương Vũ Anh cháu nhỏ mến yêu ơi

Xa mẹ Xuân yêu, mấy bữa rồi

Mẹ cháu đi xa không về nữa

Ngủ ngoan có chú đứng đây rồi.

Cháu hãy ghi sâu mối hận này

Thù nhà nợ nước vẫn còn đây

Lớn lên cháu sẽ làm thầy giáo

Dạy tiếp bài mẹ giảng hôm nay.

Hiện ở Phòng truyền thống nhà trường còn lưu lại 3 bài thơ viết vào thời điểm đó: “Hãy trả thù cho các cháu Thụy Dân” của nhà thơ Huy Cận viết ngày 24/10/1966. Bài thơ “Các em kêu gọi trả thù” của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh viết ngày 02/11/1966 và bài thơ “Tôi đã sẵn sàng” của Hồng Trạch.

Nhờ có bài thơ viết đã 49 năm mà anh Trương Vũ Anh con của cô giáo Xuân lần tìm ra địa chỉ của nhà thơ Hồng Trạch, về tận nhà tại thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang cảm ơn và có lời mời dự lễ kỷ niệm 49 năm (1966 - 2015) ngày giặc Mỹ ném bom vào trường cấp II Thụy Dân.

Trường Thụy Dân dành trọn tầng 2 của Văn phòng làm phòng thờ cô giáo Xuân và Phòng truyền thống nhà trường. Nơi đây ngày đêm đồng nghiệp luôn hương khói cho cô. Nghe nói cô thiêng lắm, nên rất nhiều người đến đây cầu khấn cô và được cô linh nghiệm, linh ứng. Bởi vậy đã có người viết về cô:

Vẫn biết cô đi như thế rất thanh cao

Sau siêu thoát cô sẽ thành Đức Phật

Những giây phút khóc cô mãi mãi là sự thật

Biết bao người đang tưởng nhớ hình cô

Cô ra đi nhưng muôn đời vẫn sống…

Để ghi lòng tạc dạ về nỗi đau ngày ấy và giáo dục thế hệ trẻ, nhà trường và chính quyền địa phương đã an táng cô giáo và 30 học sinh trong khuôn viên cũ của nhà trường và đặt tên là nghĩa trang 21 tháng 10. Tháng 2/2004 Ngành giáo dục cùng các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và gia đình cô giáo đã khởi công xây dựng nghĩa trang 21/10 trên diện tích 1000m2. Đài là hình ngọt bút vươn lên trời cao, trang vở và bảng đen bên đài luôn rộng mở. Nghĩa trang với 31 phần mộ được xếp thành hình lớp học, mộ cô giáo Xuân đặt trên cùng ở giữa, tiếp theo là 30 ngôi mộ của học sinh được đặt theo 4 hàng dọc và 7 hàng ngang như thể các em đang ngồi nghe cô giáo giảng bài.

Thầy Trạch, ông Sửu và tôi hòa vào dòng người cùng với thầy cô giáo, học sinh, các vị khách quý từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, đông đảo nhân dân địa phương, trong đó có rất nhiều các thân nhân của các em học sinh, đứng nghiêm trang nghe ôn lại lịch sử truyền thống nghĩa trang 21/10 mà nước mắt cứ như trào ra. Anh Trương Vũ Anh cùng với nhà trường đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Thời tiết mùa Thu rất nhanh tối, đoàn chúng tôi bịn rịn chia tay với Thụy Dân.

Năm nào anh Trương Vũ Anh cũng mời chúng tôi về Thụy Dân, nhưng bây giờ tuổi cao, sức yếu đi sao được nữa. Thôi đành cảm ơn Thụy Dân và lần giở những trang ảnh xưa, giở những bức ảnh mà Thụy Dân đưa lên Facebook để chúng tôi sống lại những giây phút bên nhau đầm ấm tình người, biết ơn về những người đã hi sinh cho đất nước. Được biết nghĩa trang 21/10 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Hạnh phúc biết bao cho người làm thơ, chỉ có một bài thơ nhỏ viết về gia đình anh Trương Vũ Anh, nhà giáo - nhà thơ Hồng Trạch và chúng tôi có niềm vui bất ngờ, niềm vui tình đồng nghiệp, tình người, ấm áp, mặn nồng...Trên đường về chúng tôi nói với nhau: Phải có tâm, phải có đức và có duyên mới có cuộc gặp gỡ bất ngờ và hạnh phúc như vậy./.

 

                                                                                                                                                                                                                   NGHIÊM ĐÌNH THƯỜNG