Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG MÙA XUÂN CỦA BÁC HỒ
10:55 | 05/02/2024

 KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2024)

Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Bác Hồ đã viết như vậy trong thư gửi thiếu niên và nhi đồng cả nước, nhân mùa xuân đầu tiên của chế độ mới, xuân 1946. Với Bác, mùa xuân đồng nghĩa với sự khởi đầu. Bởi Bác là mùa xuân, hay Bác về đem tới mùa xuân. Hãy theo chân Bác để đến với những mùa xuân của Người. Bắt đầu từ sự kiện thành lập Đảng. 

Cuối những năm hai mươi của thế kỷ trước, khi dân tộc còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, thì ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức cộng sản. Yêu cầu khách quan và cấp bách là phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng. Tháng 10 năm 1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho các nhóm cộng sản ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) đã tới Hồng Công để xúc tiến việc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ, tiết xuân, từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Công, Trung Quốc). 

Sự kiện thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Sự kiện trọng đại ấy đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Ngày nay, từ Hồng Kông tới Hà Nội chỉ hơn 1 giờ bay. Thế mà năm xưa phải mất hơn 10 năm từ ngày thành lập Đảng, Bác Hồ mới về được Cao Bằng. Đó là ngày 28 tháng 1 năm 1941, tức mùng 2 Tết Tân Tỵ. Mảnh đất đầu tiên của Tổ quốc được đón Bác Hồ trở về là Cột mốc số 108 trên biên giới Việt Trung tại bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất của Tổ quốc sau 30 năm xa cách, Người đã lặng đi vì xúc động ngắm nhìn cảnh vật quê hương. Dân tộc còn chìm trong đêm dài nô lệ, Bác Hồ - người đi tìm hình của nước, người thắp lửa đã trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính từ Cao Bằng và Việt Bắc, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo cách mạng thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân được làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng kẻ thù trong và ngoài nước đã cấu kết nhau hòng bóp chết cách mạng nước ta. Vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Bác Hồ, Chính phủ và nhân dân ta chạy đua với thời gian để bảo vệ nhà nước non trẻ và nền độc lập vừa mới giành được. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, mùa xuân đầu tiên của chế độ mới, Bác lãnh đạo tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới. Quốc hội khóa I họp tại Thủ đô Hà Nội để bầu ra Chính phủ, thông qua Hiến pháp. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Một thời kỳ rất vẻ vang nhưng cũng cực kỳ hiểm nghèo của dân tộc đã bắt đầu. Sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng ta do Bác đứng đầu đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những mỏm đá ghềnh để lướt tới” .

Ở chiến khu Việt Bắc, giữa muôn vàn gian khổ và hiểm nguy trên các nẻo đường kháng chiến, Bác vẫn lạc quan, vẫn thấy đất trời rộn rã sắc xuân. 

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

                                       (Nguyên tiêu)

Ông Xuân Thủy dịch bài thơ của Bác như sau:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

                                 (Rằm tháng Giêng)

Người đi kháng chiến mà như thi sĩ đi thưởng ngoạn xuân rằm. Phong cách ấy chỉ có ở người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh. Bởi ở Người, nhà cách mạng cũng đồng thời là nhà tư tưởng và văn hóa. Tinh thần lạc quan của Bác đã truyền cho quân và dân cả nước ta ngày ấy. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần để làm nên chiến thắng. Nhớ ngày đầu kháng chiến, sức ta yếu, lực còn mỏng. Bác dạy phải trường kỳ kháng chiến. Thơ chúc Tết năm Tân Mão (1951), Bác viết: “Xuân này kháng chiến đã năm xuân/ Nhiều xuân thắng lợi, càng gần thành công”. Để lãnh đạo kháng chiến thành công, Bác nói: “Chúng ta phải có một Đảng công khai, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”. Và mùa xuân năm ấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã họp tại chiến khu Việt Bắc. Xuân trước gọi xuân sau, thành công của Đại hội đã đưa tới những thắng lợi mới. Sau Đại hội ta mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là hệ quả của những thành tựu nhân dân ta đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Những thành tựu mà quân và dân ta thu được trong kháng chiến chống Pháp đã đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên một trình độ mới, một chất lượng và sức mạnh mới, trở thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Kháng chiến thắng lợi, nhưng đất nước còn chia cắt. Cả dân tộc lại bước vào cuộc đấu tranh cho đất nước thống nhất. Bác nói: “chiến tranh có thể kéo dài… song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhưng ai biết khi nào thì Bắc Nam sum họp một nhà? Như một lẽ tự nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ ấy, mỗi người Việt Nam ai cũng đều hướng về Đảng, về Bác Hồ như một đức tin. Ở thời khắc thiêng liêng phút Giao thừa, ai cũng đều mong lắng nghe thơ Bác chúc Tết. Mỗi bài thơ xuân của Bác đều nhằm định hướng cho đất nước bước vào năm mới. Vậy nên, nhà thơ Tố Hữu đã có thơ: “Xin lắng nghe… phút Giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến…”.

Người không nguôi nhớ miền Nam. "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha". Năm 1957, đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác một cây vú sữa. Bác nhận cây và tự tay Bác trồng và chăm sóc. Bác coi cây như hình ảnh miền Nam luôn bên cạnh Người. Bởi Bác tin nhất định có ngày “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Hiện nay cây vú sữa đã trở thành di sản quý trong khu vườn của Bác.

Mùa xuân năm 1960, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Hai, chào mừng 30 năm ngày thành lập Đảng. Trong tháng trồng cây, Bác yêu cầu mỗi người trồng ít nhất một cây sống. Đợt trồng cây này Bác đặt tên là “Tết trồng cây”. Ngay sau đó, ngày 11 tháng Giêng năm ấy, Bác đã tự tay trồng cây đa trong Công viên Thống Nhất ở Hà Nội. Kể từ đấy, năm nào Bác cũng nói và viết về “Tết trồng cây”. Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, đế quốc Mỹ rắp tâm muốn hủy diệt thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Chúng đã ném hàng vạn tấn bom đạn và rải chất độc hóa học xuống nhiều vùng rừng núi nước ta, Bác tiếp tục kêu gọi đồng bào ta trồng cây, giữ lấy mùa xuân cho đất nước. Bác viết:

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác Hồ đi xa khi chưa kịp thấy đất nước thống nhất. Nhưng hoài bão của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trân trọng ghi tạc để thực hiện. Chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  là chiến dịch mùa Xuân năm 1975 mang tên Bác - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ gần 40 năm trước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã làm cho đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như mong ước của Bác Hồ.

Lại một mùa xuân đang tới. Một mùa xuân mang đến bao thành tựu của công cuộc đổi mới. Đó là những lộc biếc cành sai - món quà quý để thành kính dâng Người. Bác sẽ rất vui. Và chắc Người sẽ lại chúc:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”...

                                                                                                                                                                                                               LÊ KHANH