Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA BẢN ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM
16:16 | 28/04/2023

TUYÊN TRUYỀN 80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Cách đây đúng 80 năm, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã họp từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 2 năm 1943 bàn một số vấn đề về vận động giải phóng dân tộc; Hội nghị đã xác định phải có đường lối lãnh đạo xây dựng nền tảng văn hóa Việt Nam. Đây chính là cơ sở để bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (ĐCVH) năm 1943 do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo đã ra đời.

Có thể nói bản ĐCVH năm 1943 của Đảng ta rất ngắn gọn, chỉ hơn 1300 từ nhưng nội dung vô cùng súc tích, mang đậm bản sắc văn hóa, tính khoa học, tính cách mạng và đã trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén trên mặt trận văn hóa, có thể nói: Đây là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta - Đảng cộng sản Việt Nam.

Nội dung bản ĐCVH gồm 5 phần, trình bày rất rõ ràng, cụ thể quan điểm của Đảng ta về văn hóa; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; mục đích, nguyên tắc, quan hệ của cách mạng văn hóa với cách mạng giải phóng dân tộc; và nhiệm vụ cấp bách của người chiến sĩ văn hóa. Đặc biệt bản ĐCVH đã xác định rõ 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc; đó là :

- Dân tộc hóa: Chống lại mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho Việt Nam phát triển độc lập.

- Đại chúng hóa: Chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng.

- Khoa học hóa: Chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.

Bản ĐCVH đã trình bày có hệ thống các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Bản ĐCVH cũng là sự kết hợp giữa tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm sau 12 năm hoạt động trên mặt trận văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời năm 1930. Đặc biệt là phần 5 của bản đề cương đã dự báo tình hình, đề ra những quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng về văn hóa dân tộc có sức thuyết phục mạnh mẽ; là ngọn cờ hiệu triệu đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước tham gia vào cuộc vận động xây dựng văn hóa dân tộc và cuộc cách mạng giải phóng về văn hóa, tư tưởng cho mỗi người và toàn dân tộc .

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng với phương châm: “Dân tộc, đại chúng, khoa học” đã thu hút nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghệ sĩ từ bỏ tháp ngà, lên đường đấu tranh cách mạng… Đường lối văn hóa của Đảng đã đưa văn hóa Việt Nam trở về với cội nguồn dân tộc, chống lại xu hướng duy tâm, mê tín, lạc hậu và đặc biệt là đưa văn hóa về với số đông, là đại bộ phận nhân dân, sẽ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng"(1).

Bằng sức mạnh của ĐCVH năm 1943 đã góp phần huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của văn hóa Việt Nam tạo thành sức mạnh to lớn của mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa cách mạng đến thành công và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Một nền văn hóa mới - Văn hóa Việt Nam, đã được hình thành và phát triển từ đây.

Một năm sau, ngày 24 tháng 11 năm 1946, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Với quan điểm rõ ràng đó, cùng với toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước phát huy sức mạnh to lớn của nền văn hóa mới Việt Nam đánh thắng 2 tên đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đất nước được thống nhất, cả nước cùng đi lên CNXH, bước vào một kỷ nguyên đất nước hoàn toàn độc lập, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. 

Trong những năm gần đây, nhất là từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là sự bùng nổ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và xu thế hội nhập toàn cầu đã đặt văn hóa của dân tộc ta trước những thách thức mới. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống tốt đẹp chịu rất nhiều áp lực và thách thức. Mặt khác sự giao thoa của các nền văn hóa trên thế giới, những mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch góp phần làm mai một đi ít nhiều những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với đó là nhiều địa phương còn quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, sao nhãng, thậm chí còn bỏ quên việc chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chạy theo lợi ích vật chất, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống… cũng làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Xuất phát từ thực trạng tình hình đó, tháng 11 năm 2021, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc và tại hội nghị này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu của mình đã nói: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn,vô liêm xỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. “Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa". Nói về hạnh phúc của con người, Tổng Bí thư còn chỉ rõ: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ những nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam: “Tập trung nghiên cứu xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người gắn với gìn giữ phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam. Thực hiện những giải pháp đột phá ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(2).

Tất cả những văn bản Nghị quyết, Chỉ thị, nội dung các cuộc tọa đàm, hội thảo của Đảng ta về vấn đề văn hóa trong những năm vừa qua và gần đây đều có cơ sở xuất phát từ những quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc chỉ đạo trong bản ĐCVH năm 1943 (Dân tộc, Đại chúng, Khoa học). Những vấn đề đó cho đến nay vẫn mang giá trị cốt lõi và luôn luôn được kế thừa, vận dụng và phát triển lên một tầm cao mới./.

------

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tập hồi ký - NXBQĐND, trang 538.

(2) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII - NXB ST tập 1 trang 143.

                                                                                                                                                                                                         LINH CHI