Khi tôi chọn Bắc Ninh là mảnh đất dừng chân, Bắc Ninh mới chỉ là một tỉnh nhỏ vừa tách ra khỏi Hà Bắc. Bắc Ninh ngày ấy như một cậu bé mới chào đời còn nhút nhát rụt rè, ngơ ngác nhìn cuộc đời với bao nhiêu lạ lẫm. Những dãy phố hẹp nằm hiền lành dưới tán cây. Những con đường nhỏ chỉ đủ hai làn xe tránh nhau. Một miền đất phù hợp với ai thích cuộc sống bình lặng, không vội vã.
Hai mươi năm như cái chớp mắt, trong xu thế phát triển chung của đất nước, mảnh đất tôi gắn bó giờ đã thay da đổi thịt, vạm vỡ vươn mình như thần Phù Đổng, vồng ngực trưởng thành cuồn cuộn nở nang rắn rỏi như một chàng trai tuổi đôi mươi. Với vị trí địa lý thuận lợi, phía Tây và phía Tây Nam tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp với tỉnh Bắc Giang, phía Đông Nam và phía Đông giáp với tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã trở thành vùng trọng điểm kinh tế của Bắc Bộ. Những khu công nghiệp lớn của cả nước mọc lên ngày càng nhiều, rải rác ở tất cả các huyện thị, từng chiếc xe ca chở công nhân tấp nập vào ra, ban đêm ánh điện tỏa sáng rực rỡ một góc trời.
Anh bạn tôi là kĩ sư xây dựng người thành phố, mỗi khi lái xe đi qua nút giao phía Tây Nam thành phố anh lại tự hào khoe với tôi “Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh do Ban Quản lý xây dựng thành phố Bắc Ninh làm chủ đầu tư được phê duyệt triển khai giai đoạn 1 (đảo tròn nút giao đồng mức, cải tạo kênh Kim Đôi và dịch chuyển đường điện 35 KV) từ tháng 10/2016 và đầu tư bổ sung hoàn chỉnh giai đoạn 2 (hầm chính và các tuyến nhánh từ QL1 vào hầm, từ hầm ra QL18) từ tháng 4/2018 với tổng mức đầu tư hơn 416 tỷ đồng. Sau hơn 40 tháng tập trung thi công vượt qua nhiều khó khăn về mặt bằng và tác động “kép” của dịch Covid-19, đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng bước đầu đưa vào khai thác thử nghiệm một số hạng mục. Sự hiện hữu rõ nhất đó là các hạng mục hầm chính, các tuyến nhánh, đường gom được khớp nối đồng bộ, đưa vào vận hành, bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thông suốt, góp phần nâng cao năng lực khai thác hạ tầng, kết nối hệ thống giao thông giữa QL1, QL38 và khu đô thị phía Tây Nam, hình thành cửa ngõ lớn nhất vào thành phố Bắc Ninh, tạo điểm nhấn giao thông đô thị khang trang, hiện đại. Nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh là một trong những nút giao lớn nhất kết nối cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và quốc lộ 18, cao tốc Nội Bài - Hạ Long chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 15 năm thành lập thành phố Bắc Ninh”. Anh say sưa kể về công trình mình có góp chút công sức bé nhỏ một cách đầy hứng khởi, với khuôn mặt rạng rỡ của một người cảm xúc đang dâng trào vui sướng vì thấy quê hương mình đang đổi thay từng ngày.
Em biết không “Điểm nhấn của nút giao này là hệ thống đảo vòng xuyến kết hợp hầm chui đầu tiên ở Bắc Ninh. Hầm có chiều dài 202,61m cũng đã hoàn thành và đã đưa vào sử dụng. Nút giao giúp kết nối quốc lộ 18 và QL 1 A hướng về cầu Thanh Trì thuận tiện hơn so với trước đây nhiều. Bắc Ninh mình từ nay có thể vươn xa, nối dài với các trung tâm kinh tế trong khu vực, con đường như huyết mạch đã được khai thông mở rộng”. Anh gọi cho tôi khi lần đầu tiên lái xe chầm chậm qua hầm ngầm, giọng nói của anh hồ hởi toát lên niềm tự hào.
Tôi đã vô số lần đi qua nút giao phía Tây Nam thành phố ấy để về vùng Đông Bắc. Mỗi lần xe lướt ngang, tôi nhìn qua cửa kính ngắm những con đường uốn lượn, những dòng xe bon bon nối đuôi nhau một cách quy củ trật tự. Những mặt đường bóng loáng rộng thênh thang thật đẹp. Tôi đã ngắm nhìn nút giao này trên flycam của một anh bạn trẻ và hình dung chiếc đảo tròn ở giữa như một cuộn len của bà tiên đầy phép màu mà những cung đường từ đó tỏa ra là những sợi len lấp lánh. Vẻ đẹp kỳ vĩ của những con đường ấy không phải trong cổ tích mà được xây dựng lên từ chính bàn tay khối óc khéo léo thông minh sáng tạo của những con người yêu mảnh đất này. Đứng ngắm nút giao từ trên cao, tôi thấy mình như đang ở đâu đó giữa trời Âu, nơi có những cung đường đẹp nhất trên thế giới.
Ngày 18/8/2022, Đảng Bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh lại hân hoan đón nhận tin vui: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội. Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài là 35,3km, đi qua 3 huyện Thuận Thành (18,5 km); Gia Bình (0,65km); Quế Võ 6,5km) và thành phố Bắc Ninh (9,7km). Ngày 8/9/2022, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội (đoạn qua tỉnh Bắc Ninh) chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến vào vào các dự thảo: Kế hoạch triển khai dự án; Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; Quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo. Triển khai dự án, nhiệm vụ của Bắc Ninh thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống đường đô thị, đường song hành hai bên thuộc địa phận tỉnh. Bắc Ninh có lợi thế vị trí ngay sát Thủ đô Hà Nội, việc kết nối mở thêm đường hướng tâm Vành đai 4 trong vùng Thủ đô không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển mà còn tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa của Bắc Ninh với các tỉnh lân cận. Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 là công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng, có tính liên vùng, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt mở ra dư địa và không gian phát triển mới của tỉnh Bắc Ninh. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, nhanh nhưng hết sức kỹ lưỡng, yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, kiện toàn, bổ sung Ban chỉ đạo; hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và Kế hoạch triển khai thực hiện dự án theo các mốc thời gian đã được xác lập. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương giao chủ đầu tư theo thẩm quyền bảo đảm về năng lực, nhân lực; thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng; điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến hướng tuyến, mốc, trên tinh thần không phát sinh tổng mức đầu tư, hạn chế liên quan đến các công trình di tích lịch sử, văn hóa; nghiên cứu, tham mưu cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án và quy hoạch về các điểm giao cắt, nhất là quy hoạch không gian phát triển công nghiệp đô thị xung quanh đường vành đai 4. Đó là một quyết sách khẩn trương, kịp thời phù hợp lòng dân mong muốn đưa tỉnh Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương trong một tương lai gần.
Tôi đã đọc những trang sử đỏ viết về Bắc Ninh và thấy rất đỗi tự hào về vùng đất mình đã chọn, một vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử. Thành cổ Luy Lâu với những dấu tích còn lại đã cho thấy Bắc Ninh từng là đô thị lớn, là trung tâm thương mại trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX-X. Luy Lâu còn là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt, là nơi đầu tiên có trường dạy chữ và văn hoá Hán ở Việt Nam. Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa là vùng đất phía Bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô (Hà Nội ngày nay), là vùng đất trung tâm của châu thổ sông Hồng nên Bắc Ninh là nơi gặp gỡ, giao hội của các mạch giao thông thuỷ, bộ tạo cho xứ Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá. Vì thế, các triều đại phong kiến đặc biệt chú trọng đến khu vực này. Năm 1831, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh được Vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ khẳng định Bắc Ninh có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam... Chỉ năm năm nữa thôi, 2027, khi đường vành đai 4 - vùng Thủ Đô Hà Nội được đưa vào khai thác, Bắc Ninh sẽ có một diện mạo mới, những cung đường thành phố sẽ đưa Bắc Ninh tiến chắc trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xứng tầm như nó vốn có.
Tôi đã đứng ngắm rất lâu chùm ảnh “Bắc Ninh thành phố trẻ” của nhiếp ảnh gia Trần Quang Quý giành Huy chương Bạc tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 năm 2022, lòng dâng đầy niềm tự hào. Tác phẩm với bảy bức ảnh thể hiện những góc nhìn mới mẻ, sinh động nhằm giới thiệu diện mạo thành phố Bắc Ninh đang từng ngày đổi thay trên các cung đường Ngã Sáu Bắc Ninh, Hồ Điều hòa, cầu Bồ Sơn, nút giao Tây Nam. Đó là một thành phố trẻ, năng động hiện lên qua nét hồn của những cung đường thành phố sôi động, nhộn nhịp và cả thoáng đãng, yên bình. Những cung đường được chụp khi thành phố lên đèn sáng rực lung linh sắc màu ánh sáng của tương lai. Dưới con mắt của một người trẻ, những cung đường thành phố đầy sức trẻ hiện lên lấp lánh.
Ngắm nhìn ánh sáng rực rỡ của những bức ảnh, tôi ngẫm về sự thay đổi từng ngày của mảnh đất này. Bắc Ninh với tổng thể là một tỉnh đang có rất nhiều con đường đang được mở rộng kết nối giữa các thành phố, với huyện thị trong tỉnh và kết nối với các tỉnh thành phố khác trên cả nước. Xác định giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng phát triển kinh tế, nên ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh 1997, BTV Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01/TV-TU, sau đó là Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh được thông qua với quan điểm tập trung nguồn vốn vào đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Bởi vậy từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã vươn mình đứng dậy. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy tương ứng, toàn diện, hạ tầng giao thông của Bắc Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh hiện đại nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ và cả nước; nhất là hệ thống đường tỉnh và giao thông nông thôn. Mạng lưới giao thông thông minh hiện đại cũng đã được triển khai và vận hành.
Một chiều hoàng hôn, đi trên con đường mới mở rộng từ Yên Phong lên thành phố Bắc Ninh, lòng tôi cũng như đang ca hát theo những ngọn đèn đang bật lên dần. Với tôi, đó là ánh sáng của niềm hi vọng vào một tương lai gần Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương sánh vai những khu vực trọng điểm kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước. Những cung đường mang lại ánh sáng tương lai cho Bắc Ninh thêm giàu đẹp. Chặng hành trình đi về phía tương lai của Bắc Ninh cũng chính là chặng hành trình đi trên những cung đường lấp lánh ánh sáng của ngày mai hiện đại - văn minh - phát triển./.
LƯƠNG THÌN