Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ TRÊN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG
16:22 | 21/07/2022

 KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ (09/7/1912 - 09/7/2022)

        Kể từ khi được thành lập, đặc biệt trong giai đoạn từ Cách mạng Tháng 8 năm 1945 trở về trước, Đảng cộng sản Việt Nam đã xuất hiện không ít những người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc, vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi phong ba bão táp để tới bến bờ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Để giành được thắng lợi huy hoàng đó, có biết bao đồng bào, chiến sỹ cộng sản đã “vui vẻ hy sinh tính mệnh của mình cho Đảng, cho dân tộc”. Một trong những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. 

       Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư thứ tư của Đảng, nhưng lại là Tổng Bí thư trẻ nhất và đầu tiên được đào tạo, trưởng thành từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở trong nước. Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy quá ngắn ngủi, mới 29 tuổi đời đã từ giã tuổi thanh xuân với biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở, nhưng sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã để lại cho biết bao thế hệ niềm tự hào về một nhà lãnh đạo lỗi lạc, chí lớn, tài cao, đức trọng, được đồng chí cảm phục, quần chúng yêu thương. Chỉ với 13 năm hoạt động (1928 - 1941), nhưng những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là vô cùng to lớn. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí (9/7/1912 - 9/7/2022), dựa trên những tư liệu lịch sử, tác giả bài viết này chỉ xin được biên soạn và điểm lại một dấu mốc quan trọng để giới thiệu cùng bạn đọc, về những bước đi đầu tiên của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trên chặng đường cách mạng, trở thành bước ngoặt cuộc đời của người thanh niên một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân, trọn đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

        Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước và hiếu học ở làng Phù Khê - Phủ Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh (Nay là phường Phù Khê - Thành phố Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh). Là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em, vì hoàn cảnh nghèo túng, cha mẹ phải đưa Nguyễn Văn Cừ sang nhờ ông ngoại nuôi dạy từ khi mới tròn 6 tuổi. Cụ Nguyễn Thực, còn gọi là cụ Tú Ba, sau khi đỗ bằng Tú tài đã từ chối không ra làm quan, ở nhà dạy học. Nguyễn Văn Cừ được ông ngoại thương yêu chăm chút lo dạy chữ Nho cho cháu. Nguyễn Văn Cừ tỏ ra thông minh, tiếp thu bài vở rất nhanh. Ngoài giờ học còn hỏi thêm ông ngoại rất nhiều điều, nhằm hiểu sâu thêm, rộng thêm bài đã học. Trong những năm dạy học cho cháu, cũng chính là thời gian cụ Tú Ba giáo dục và khơi dậy truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình vào tâm trí tuổi ấu thơ của đứa cháu ngoại mà cụ hằng mến yêu, tin tưởng. 

       Thấy Nguyễn Văn Cừ thông minh nhanh nhẹn, cụ Tú Ba quyết định cho Nguyễn Văn Cừ đi học chữ Quốc ngữ ở phủ Từ Sơn. Đây cũng chính là quyết định thức thời mở đường cho Nguyễn Văn Cừ có điều kiện sớm tiếp cận với tư tưởng mới. Tuy là học trò nhỏ tuổi nhất lớp nhưng bao giờ điểm học tập và hạnh kiểm của Cừ cũng đứng đầu. Không chỉ vì học giỏi, mà thái độ đúng mực, nghiêm túc trong học tập, lối sống thẳng thắn, trung thực, giản dị và luôn gần gũi mọi người của Nguyễn Văn Cừ đã làm cho các bạn và thầy giáo mến yêu nể phục. Nhớ lại 3 năm học cùng nhau dưới mái trường tiểu học phủ Từ Sơn, trong hồi ký “Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ”, tác giả Nguyễn Văn Minh, người bạn thân của Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Đồng chí Cừ học tập vào loại giỏi. Tháng nào nhà trường cũng xếp loại học sinh, đồng chí Cừ luôn được xếp loại ưu… Tính tình Cừ trung thực, ít nói, ngay từ lúc này đồng chí đã có lối sống kín đáo và chín chắn… Đối với thầy giáo, Cừ luôn lễ phép nhưng không sợ hãi, không xu nịnh…”.

        Học xong phần học ở Trường tiểu học phủ Từ Sơn, Cụ Tú Ba quyết định cho Nguyễn Văn Cừ lên tỉnh Bắc Ninh theo học tại Trường tiểu học Pháp - Việt. Thời gian này, kinh tế gia đình cụ Tú Ba gặp nhiều khó khăn, thương ông ngoại vất vả, Nguyễn Văn Cừ vừa học, vừa phải đi dạy thêm để kiếm sống. Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ thi đỗ loại giỏi, được cấp học bổng toàn phần khi vào học tại trường “Bảo hộ”, còn gọi là trường Bưởi - Hà Nội (THPT Chu Văn An ngày nay), là trường trung học lớn nhất nước ta lúc bấy giờ. Những năm học ở trường Bưởi, bao giờ anh cũng là học sinh xuất sắc nhất lớp, thường giảng lại cho các bạn những bài tập khó nên rất được mọi người mến yêu quý trọng. Được học tập dưới mái trường đầu tiên có phong trào yêu nước của học sinh, tiếp thu hệ tư tưởng mới của thời đại truyền bá vào phong trào cách mạng ở nước ta, Nguyễn Văn Cừ vừa học tập, vừa bí mật tìm hiểu về cách mạng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Từ đó đã hiểu vì sao nhân dân ta phải sống trong nô lệ, cùng tội ác dã man của chế độ thực dân xâm lược. Anh còn lắng nghe nhiều bạn học các lớp trên kể lại về phong trào đấu tranh mạnh mẽ của học sinh nhà trường như bãi khóa phản đối thực dân Pháp bắt và kết án cụ Phan Bội Châu, đòi để tang và làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Chinh, tưởng niệm cụ Lương Văn Can... Nguyễn Văn Cừ còn được nghe kể về tên Hiệu trưởng người Pháp đã trả thù những học sinh tham gia đấu tranh, chúng đuổi khỏi nhà trường không ít học sinh, trong đó có các anh Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu là 2 học sinh giỏi nhất của lớp Đệ Tứ. Anh càng cảm phục hơn khi biết các bậc đàn anh cũng từ mái trường này đã tự nguyện bước vào hàng ngũ cách mạng, từ đó đã nhen nhóm trong anh một tư tưởng lớn, vạch cho mình con đường đi duy nhất, dẫu có phải chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh, đó là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

        Năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được các hội viên của tổ chức cách mạng ở trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp vào “Hội kín”, anh bí mật đọc nhiều tài liệu, sách báo của hội như Đường cách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, Báo Thanh niên... của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tư tưởng của Người đã thấm sâu vào trí tuệ, trái tim của tuổi trẻ, ngọn lửa yêu nước và ý thức chống thực dân Pháp trong anh ngày càng mãnh liệt. Anh ngày càng hiểu sâu sắc hơn: Muốn xóa bỏ bất công, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, không có con đường nào khác là phải vùng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến!

        Vốn là một thanh niên thẳng thắn, cương trực, lại có tinh thần tự tôn dân tộc, anh không thể chịu nổi thái độ khinh rẻ, miệt thị của tên Hiệu trưởng và một số giáo viên người Pháp đối với học trò là người Việt Nam. Vì vậy Nguyễn Văn Cừ đã thường xuyên cùng một số bạn bè bí mật làm thơ đả kích bọn Tây đã làm mất thể diện của người Việt Nam. Vốn đã nghi ngờ anh đang tham gia “Hội kín”, nay lại bị vạch mặt chỉ tên nên bọn chúng điên cuồng tức tối. Sở mật thám Hà Nội đã bắt giam anh 5 ngày liền để tra hỏi, sau đó tên Hiệu trưởng quyết định đuổi anh khỏi trường Bưởi. Anh không buồn vì bị đuổi học, mà càng thấy rõ hơn nỗi đau của tuổi trẻ khi đất nước còn sống trong nô lệ. Anh càng thấm thía hơn lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thanh niên: “… cần phải nêu cao tinh thần yêu nước, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, chông gai để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...”. Anh nghĩ, dù ở đâu cũng có thể hoạt động cách mạng, từ đó đã quyết định trở về quê hương Từ Sơn để tìm anh Ngô Gia Tự, khi đó là Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên của tỉnh Bắc Ninh nhờ giúp đỡ để tiếp tục hoạt động cách mạng. Được Ngô Gia Tự trực tiếp giảng giải, hướng dẫn, Nguyễn Văn Cừ ngày càng say mê nghiên cứu tác phẩm Đường cách mệnh và nhiều tác phẩm quan trọng khác của Nguyễn Ái Quốc. Được tiếp xúc với Ngô Gia Tự, anh mới hiểu một cách có hệ thống, sâu sắc những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được viết trong Đường cách mệnh. Anh mới hiểu rõ hơn, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, những người Việt Nam yêu nước không thể không có tổ chức để lãnh đạo phong trào, phải có Đảng cách mệnh để làm cách mệnh thì tổ chức mới vững bền và đi đến thành công. Từ đó, Nguyễn Văn Cừ đã trưởng thành không chỉ với nhận thức lý luận mà cả ý thức giai cấp. Với mục đích cao cả cần hướng tới là tự nguyện cống hiến đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Nhận thấy Nguyễn Văn Cừ đã trưởng thành hơn, vững vàng hơn, Ngô Gia Tự đã giao cho anh xây dựng một vài cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở địa phương, chấp nhận nguyện vọng của anh muốn thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. 

       Tháng 9/1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội đã họp tại nhà của đồng chí Ngô Gia Tự ở Từ Sơn, quyết định cho hội viên đi “vô sản hóa”, nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động và mở rộng tổ chức vào giai cấp công nhân. Ngô Gia Tự quyết định giới thiệu Nguyễn Văn Cừ với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng để phân công Nguyễn Văn Cừ đi “vô sản hóa” ở mỏ Vàng Danh, nơi có nhiều khó khăn gian khổ nhất, cũng là nơi chưa thành lập được tổ chức của Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sống và hoạt động trong những điều kiện hết sức cực khổ, Nguyễn Văn Cừ bị bệnh sốt rét rất nặng nhưng vẫn quyết không rời nhiệm vụ. Anh lấy những khó khăn, gian khổ và bất hạnh của người thợ mỏ để giáo dục, nhằm giác ngộ, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho đội ngũ công nhân. Anh phân tích tỷ mỷ nguyên nhân vì sao người thợ phải chịu sự bất công, áp bức, bóc lột của chủ mỏ và bọn thực dân xâm lược. Sau quá trình vận động tuyên truyền, giáo dục và thử thách, Nguyễn Văn Cừ đã lựa chọn được một số công nhân hăng hái, nhiệt tình để thành lập Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại mỏ Vàng Danh. Qua thời gian thử thách ấy, Nguyễn Văn Cừ đã trưởng thành rõ rệt và tỏ rõ ý chí chiến đấu của một chiến sỹ cách mạng, vững vàng về lập trường chính trị của giai cấp vô sản, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập (17/6/1929), đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời đã quyết định công nhận Nguyễn Văn Cừ là thành viên của Đảng. Năm đó anh mới tròn 17 tuổi. 

       Từ những bước đi đầu tiên trên con đường cách mạng, Nguyễn Văn Cừ đã dành trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân. Chấp nhận mọi thử thách, gian khổ khó khăn, tự rèn luyện bản thân trong thực tiễn đấu tranh, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, một nhà chiến lược, lý luận chính trị lỗi lạc và giàu kinh nghiệm hoạt động. Vừa tổ chức, xây dựng lực lượng, vừa sáng suốt đề ra những bước đi quan trọng với những quyết định chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Quyết tâm giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngày 17/01/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị sa vào tay thực dân Pháp, bị kẻ thù kết án tử hình tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh), cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần tháng 8/1941. Những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho Tổ quốc, cho dân tộc đã và đang được đồng bào, đồng chí và lịch sử mãi mãi ghi nhận như một ánh sao tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam thế kỷ XX. Để hôm nay, chúng ta tự hào được kế thừa, tiếp bước trên chặng đường cách mạng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng những lãnh tụ tiền bối đã trải qua. Nguyện tiếp tục phấn đấu, cống hiến hết mình, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Vững bước trên con đường phát triển và hội nhập./.  

 
 
                                                                                                                                                                                                             HOÀNG NGỌC BÍNH