Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHÀ THƠ LÊ ANH XUÂN VÀ BÀI THƠ DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM
10:09 | 25/07/2023

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2023)

Lê Anh Xuân có tên khai sinh là Ca Lê Hiến. Ông sinh năm 1940, tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trí thức yêu nước. Ông có bút danh là Lê Anh Xuân vì lấy tên là Xuân Lan, em gái nhà văn Anh Đức, vợ chưa cưới của ông. Lê Anh Xuân là con trai thứ của Giáo sư Ca Văn Thỉnh một nhà giáo nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn học. Năm 1954, nhà thơ theo gia đình tập kết ra Bắc. 

Sau khi tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nộị, ông được cử làm cán bộ giảng dạy tại trường một thời gian. Ông từ chối đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Năm 1964, ông xung phong trở về chiến trường miền Nam, nguyện chiến đấu trên quê hương mình. Ông được phân công làm công tác ở Tiểu ban giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam  đến tháng 7 năm 1965 chuyển sang Ban Văn nghệ Hội Văn nghệ giải phóng. Trong bản tự thuật của mình ông viết: “Tôi rất mong làm công tác văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào khi Đảng cần đến…”. Ông là người chiến sỹ vừa cầm súng vừa cầm bút.

Trong sáng tác của ông, ông đã dựng lại lịch sử cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bàng những vần thơ hào hùng, nặng lòng yêu quê hương, đất nước. Ông sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân của mình cho quê hương yêu dấu. Ông tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 cùng đồng chí đồng đội, cùng trực tiếp cầm súng đánh bốt, diệt đồn và đã dũng cảm hy sinh ở vùng phụ cận Sài Gòn ngày 24 tháng 5 năm 1968. Ông mất khi còn rất trẻ, mới 28 tuổi. Nhà thơ Giang Nam kể lại: Khoảng cuối tháng 3 năm 1968, ông được cử đến gặp gỡ và nói chuyện thời sự với văn nghệ sỹ đang chiến đấu ở miền Nam. Ông kể về những chiến công của quân ta trong chiến dịch Mậu Thân và trận chiến đấu của quân ta trong nội thành Sài Gòn. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thơ Giang Nam đã nhìn thấy “Một chiến sỹ giải phóng đứng lên, kê khẩu súng vào xác máy bay trực thăng, xả súng vào kẻ thù. Anh hy sinh trong tư thế đứng thẳng”. Lúc đó nhà thơ Lê Anh Xuân ngồi ở hàng ghế đầu đã khóc rưng rức. Hôm đó ông đã thức suốt đêm và bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” đã ra đời. Bài thơ xuất hiện trước khi Lê Anh Xuân hi sinh 2 tháng, trong một đêm trào dâng sự xúc động và tự hào của nhà thơ. Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là bức tượng đài bất tử của thi ca Việt Nam của bao thế hệ các nhà thơ Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước với các nhà thơ tiêu biểu như Tố Hữu, Phạm Tiến Duât, Hữu Thỉnh, Giang Nam, Thanh Hải, Chính Hữu, Hoàng Nhuận Cầm… tạc vào nền thi ca của Việt Nam.

Với “Dáng đứng Việt Nam” và nhiều sáng tác khác của ông tập hợp  trong Tuyển tập thơ Lê Anh Xuân (NXB Hội nhà văn - 1981). Năm 2001, Lê Anh Xuân đã vinh dự được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2011, ông cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một chi tiết rất cảm động là khi ông được xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà Xuân Lan đã cho khắc thêm dòng chữ này trên bia mộ của nhà thơ trong nghĩa trang liệt sỹ.

Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” được ông sáng tác trước khi ông hy sinh có 3 tháng, trong một đêm không ngủ. Từ hình ảnh người chiến sỹ giải phóng, dẫu bị thương vẫn gượng đứng dậy kê súng bên xác trực thăng hiên ngang nhắm thẳng quân thù, qua lời kể của nhà thơ Giang Nam, Lê Anh Xuân đã chọn được những  chi tiết tiêu biểu, phẩm chất cao đẹp của anh giải phóng quân - anh bộ đội Cụ Hồ. Nhà thơ đã khái quát những chi tiết bình dị nhất thành những nét đẹp của những  tuổi trẻ Việt Nam, tập hợp từ mọi miền đất nước khi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ là những con người bình dị, nhưng tâm hồn sáng trong, đưới chân họ là đôi dép cao su, sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu với tấm lòng dũng cảm và lý tưởng độc lập tự do. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình trong tư thế hiên ngang dẫu biết rằng khi họ nằm xuống trên chiến trường, mọi người chưa biết tên họ, chưa biết họ ra đi từ miền quê nào mà chỉ biết họ là anh giải phóng quân, đã tạo nên dáng đứng của dân tộc mà lịch sử muôn đời còn ghi dấu. Với cảm nhận thi ca sâu sắc, với tình yêu đất nước vô bờ, Lê Anh Xuân đã viết nên 20 câu thơ bất  tử trong lòng người đọc. Từ một hình ảnh cụ thể về người chiến sỹ giải phóng hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất, ông đã khái quát thành một tượng đài của dân tộc Việt Nam.

Nhân kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, xin hãy đọc lại bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ, Anh hùng liệt sỹ Lê Anh Xuân:

Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhứt

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn

Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quí

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng


Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại chi cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ

Anh là chiến sỹ Giải phóng quân

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ơi anh Giải phóng quân

Từ dáng đứng của Anh trên đường băng Tân Sơn  Nhứt

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân./.

 

                                                                                                                                                                                                                 NGUYỄN ĐÌNH TÙNG