Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NHÀ GIÁO LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG SÁNG TẠO
14:32 | 17/11/2022

 KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 - 20/11/2022)

Đôi nét về con đường sự nghiệp

Tôi là Nguyễn Đức Thìn, sinh ngày 01 tháng 09 năm 1940 tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bút danh: Lý Hiếu Nghĩa và Nhiệt Cảm Sinh. Truyền thống quê hương và gia đình đã đi cùng tôi trong suốt hành trình làm một thầy giáo trường làng, bản lĩnh một nhà giáo dục, hoạt động xã hội, luôn gương mẫu đạo đức, tự học và lao động sáng tạo, rèn đúc phẩm chất tài năng, khiêm nhường, chân chất tình yêu thương học trò, con người và cuộc sống.

 

Hành trình cuộc đời của tôi đã đi qua là những cơ hội để tôi xây dựng niềm hứng khởi sáng tạo từ những điều nhỏ bé nhất và cũng khiến tôi phải nỗ lực hoàn thiện bản thân từng ngày. Từ năm 1951 đến năm 1954 tôi là đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng. Sau ngày quê hương được giải phóng, từ năm 1955 đến năm 1958 tôi học cấp 2 ở trường cấp 2 - 3 Hàn Thuyên tỉnh Bắc Ninh, là học sinh giỏi. 

18 tuổi vừa rời ghế nhà trường, tôi đã được Ủy ban Hành chính xã lúc đó trao trách nhiệm làm 4 việc mà chưa qua đào tạo chuẩn. Tôi học các Thầy Cô đã dạy chúng tôi tinh thần "Lương Sư hưng Quốc", tự xây dựng cho mình chương trình công tác, trách nhiệm là Tổ trưởng giáo viên Bình dân học vụ, Tổ trưởng giáo viên Vỡ lòng, Tổ trưởng Thông tin Văn hóa và Phụ trách thiếu nhi xã. Làm việc này, cổ vũ thực hiện nhiệm vụ của việc kia, lôi cuốn hấp dẫn các bạn trẻ cùng tham gia. 

Do Đình Bảng là xã dẫn đầu phong trào thi đua "Thanh toán nạn mù chữ năm 1958, Thông tin Văn hóa và Thiếu nhi của huyện Từ Sơn, lại tự học xuất sắc, năm học 1959 - 1960, tôi được đề bạt là giáo viên trường Tiểu học Đình Bảng. Hai năm sau, từ tháng 9/1961 là giáo viên trường cấp hai Liên Sơn (nay là THCS Tam Sơn), rồi từ tháng 9/1984 lại về trường THCS Đình Bảng, công tác cho đến ngày nghỉ hưu, từ tháng 10/1991.

Với sự nhiệt tình của mình, là giáo viên chuyên dạy môn Lịch sử, tôi đã có thời gian kiêm nhiệm, là: Phó Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội nhà trường, Đại biểu hội đồng nhân dân xã Tam Sơn và còn tham gia BCH Huyện đoàn Tiên Sơn (1963 - 1973), tham gia Ban Thuờng vụ BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1974 - 1978) và Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Hà Bắc từ 1989 - 1997, Ủy viên BCH Công Đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hà Bắc và BCH Công đoàn ngành Giáo duc huyện Tiên Sơn. 

Nhà giáo nghỉ hưu vẫn là nhà giáo dục, từ năm 1992 đến nay, tôi là nhà hoạt động xã hội, là thầy giáo Tổng phụ trách Đội danh dự của nhiều trường ở Bắc Ninh và các tỉnh bạn. 

Tôi nhiều năm liên tục là UVUBMTTQVN tỉnh Bắc Ninh (từ khi Bắc Ninh tái lập năm 1997 đến nay) và là UBUBMTTQVN thành phố Từ Sơn, Ủy viên BCH Hội khuyến học tỉnh Bắc Ninh và BCH Hội khuyến học huyện Từ Sơn khóa I và II, Ủy viên HĐGD tỉnh Bắc Ninh khi mới hình thành. 

Đặc biệt bên cạnh những hoạt động trên, tôi còn là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh (từ năm 1997 khi mới thành lập), tham gia BCH Hội và Ban biên tập Tạp chí Người Kinh Bắc, khóa I và II. Là Phân hội trưởng Phân hội Văn học Nghệ thuật Thị xã Từ Sơn Khóa I và II; tham gia biên tập "Văn nghệ Từ Sơn" và nhiều hội nghề nghiệp khác. 

Tôi luôn gắn bó thân thiết với đàn em thân yêu, và tuổi trẻ cùng nhân dân ở quê hương và nhiều miền đất nước. 

Ngày 18/5/1989, Hội nghị Nhân dân xã Đình Bảng họp tại đình làng, cử tôi là Trưởng Ban tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng lại Đền Đô thờ 8 Đức Vua triều Lý, nơi Bác Hồ về thăm ngày 13/9/1945 và17/12/1955; viết Lịch sử Đền Đô, cũng là hướng dẫn viên và đào tạo bồi dưỡng các huớng dẫn viên. 

Tôi đã góp phần cùng Nhà nước và Nhân dân khởi phục dựng lại Đền Đô trên nền Đền đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn từ năm 1952, giờ đây là Di tích Quốc gia đặc biệt, biểu tượng hào khí Thăng Long. 

Tôi là người sáng lập và Chủ nhiệm CLB Thơ Đền Đô từ năm 1994, tập hợp 50 hội viên và hàng trăm thi hữu tham gia, đã trách nhiệm tuyển chọn xuất bản 15 tập Thơ Đền Đô của CLB Thơ Đền Đô.

Những đề tài khoa học giáo dục - Những thành tựu nổi bật:

Là giáo viên được đào tạo hàm thụ Trung cấp Khoa học xã hội, tôi tự học, tự rèn nâng cao trình độ, đam mê hoạt động Xã hội và Khoa học giáo dục, theo tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong 33 năm trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tôi đã có 31 sáng kiến kinh nghiệm được cấp huyện xếp hạng A. Trong đó có các đề tài được báo cáo trao đổi sáng kiến kinh nghiệm ở huyện, ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh bạn và cả ở Trung ương. Để làm được một nhà giáo thực hiện khoa học giáo dục, tôi phải luôn học hỏi. Làm thầy rồi vẫn luôn luôn làm học trò, cầu tiến.

Từ năm 1959, tôi thực hiện đề tài "Giáo viên kiêm nhiệm Bí thư chi đoàn, Tổng phụ trách Đội theo đơn vị trường học để hoạt động theo mục tiêu giáo dục". Với để tài này, tôi đã người đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh tại truờng Tiểu học Đình Bảng đề ra những nghiên cứu và thực hiện đề tài về vấn đề trên. Thông qua đề tài của mình, tôi chủ yếu nghiên cứu tổ chức hoạt động thực tế về xây dụng Đội, nội dung hoạt động Đội, phát huy năng lực tự quản, tự giác trong học tập, lao động, hình thành nhân cách người của đoàn thể gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác Hồ và truyền thống đạo đức nếp sống người tốt, làm việc tốt, học tập thật tốt. Đề tài này đã có kết quả tốt, được chọn là đề tài tôi báo cáo điển hình tại Đại hội Thanh Niên tích cực lao động XHCN tỉnh Bắc Ninh lần thứ nhất (tháng 3/ 1960). Từ đây, tôi bắt đầu tổ chức học sinh hoạt động Sử học, thầy trò cùng sưu tầm tài liệu hiện vật xây dựng "Phòng Giáo dục truyền thống" trong nhà trường.

Tiếp đến là sáng kiến đề xuất chương trình hoạt động "Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, noi gương Ngô Gia Tự, đi Đường Cách mạng của Bác Hồ" ngày 01/9/1961 tai trường cấp 2 Liên Sơn (nay là THCS Tam Sơn), ngày đầu thành lập trường và tổ chức Liên đội TNTP mang tên thầy giáo Ngô Gia Tự, người con của Tam Sơn, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đề tài này được thầy cô giáo, học sinh và cả quê hương Tam Sơn nhiệt liệt hưởng ứng. Sáng kiến lan rộng ra nhiều trường trong tỉnh và nhiều tỉnh khác, suốt nhiều năm qua, phong trào ấy giờ vẫn còn giá trị, được coi là một phương pháp tư tưởng, từ giáo dục truyền thống, nâng lên giáo dục lý tưởng, đẩy mạnh hành động cách mạng. Sáu thập kỷ qua, hoạt động này vẫn phát huy ở Tam Sơn và tỏa sáng trong nhiều miền với tuổi trẻ Việt Nam. Tôi được báo cáo thực tế để trao đổi kinh nghiệm trong Hội nghị giáo dục của huyện, của tỉnh, của Trung ương.

Tôi là người khởi xướng phát động phong trào nghìn việc tốt tại Liên đôi TNTP Ngô Gia Tự trường cấp 2 Tam Sơn với khấu hiệu nội dung chương trình cụ thể: "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ" vào ngày Chủ nhật, 24/03/1963. Với phép tính Nhân ái "Làm nghìn việc tốt/ Cùng trừ việc xấu/ Cộng nhận yêu thương/ Chia niềm thông cảm", sớm trở thành phong trào xã hội, góp phần xây dựng trường học, lớp học, xóm thôn, khu phố nghìn việc tốt, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan. Khoa học và nhân đạo tận dung năng lượng tự sản sinh của các em vào việc tốt. Làm - Lao động là vinh quang. Nghìn là con số mở không viết số mà viết chữ. Làm nghìn việc tốt là làm nhiều việc tốt để hoàn thiện mình là người tốt "Mỗi người là một bông hoa/ Mỗi bông hoa lại hóa ra một người/ Làm nghìn việc tốt xây đời/ Người làm việc tốt là người đáng yêu" để thực hiện mục tiêu giáo dục, là người có nhân cách phát triển toàn diện theo 5 điều Bác Hồ dạy. Trìu mến thân thương là Cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng Cháu ngoan Bác Hồ, con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt. Được cả về tổ chức, hành động và giáo dục. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục và Đoàn thanh niên, tính đến nay đã gần 60   năm, với 2 lần hội thảo khoa học vào dịp phong trào nghìn việc tốt kỷ niệm 15 năm và 50 năm để kết luận phát huy mở rộng phong trào. Tôi là người báo cáo để dẫn và nhiều nhà khoa học giáo dục, hoạt động thực tế tham gia tham luận. 

Bác Hồ về thăm Tam Sơn ngày mùng 1 Tết Đinh Mùi (9/2/1967) giữa sân trường Tam Sơn, có các cháu quây quần, Bác đã biểu dương khen ngợi; "Các cháu làm nghìn việc tốt, thế là tốt. Bác mong các cháu đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng làm nghìn việc tốt". Hoạt động này ngày càng nở hoa kết quả, tỏa rộng đến nhiều miền quê Việt Nam và được thiếu nhi Quốc tế hoan nghênh tại trại hè Thiếu nhi Quốc tế. Đề tài này, tôi cũng đã được báo cáo thực tế ở nhiều Hội nghị Giáo dục trong nước và cả ở Hội nghị Giáo dục Quốc tế ở Berlin năm 1971, ở Ulan Bato năm 1975, ở Viên Chăn 1988. 

Ngày 27/10/2012 Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập "NGND Nguyễn Đức Thìn là người đầu tiên phát động phong trào nghìn việc tốt". Từ đó, tôi lại thực hiện tiếp để tài "Nâng cao chất lượng phong trào nghìn việc tốt để đấy mạnh thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh" được báo cáo tham luận tại Hội thảo thực hiện chỉ thị của Đảng về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Tỉnh ủy Bắc Ninh và Báo Nhân dân đồng tổ chức năm 2018.

Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, nhớ ơn Bác, vâng lời Đảng, ngay từ tháng 9/1979, tôi đã tâm huyết đề tài giáo dục thực hiện Di chúc của Bác "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Tôi biên tập tài liệu, trực tiếp gặp mặt giao lưu với hàng trăm lượt nhà trường các cấp ở thành phố Từ Sơn, ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh bạn về những nội dung học tập và làm theo lời Bác. Đề tài này, tôi đã viết báo cáo khoa học trình bày ở Hội thảo khoa học Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Trung ương Đoàn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà nội, ngày 19/5/2019, được Ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tặng Bằng khen Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh năm 2013, tặng Biểu trưng Điển hình tiêu biểu học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày 19/8/2019 tại Thủ đô Hà Nội.

Đề tài "Tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử Văn hóa Đền Đô là hạ tầng đặc biệt để phát huy nội lựç, truyền thống anh hùng của quê hương đất nước, công trình Uống nước nhớ nguồn, mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội". Tôi sưu tầm, đóng góp tư liệu lịch sử, tham mưu cùng lãnh đạo vận động nhân dân thực hiện từ ngày 8/8 năm Kỷ Tỵ - 1989, động thổ khởi công xây dựng lại Đền Đô. Qua hơn 33 năm, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tấm lòng công đức của hàng chục triệu người, giờ đây Đền Độ là biểu tượng hào khí Thăng Long, biểu tượng niềm tin chiến thắng - Di tích Quốc gia đặc biệt. Tôi là Ủy viên BQL Di tích phường Đình Bảng, trực tiếp mảng tuyên truyền Đền Đô, trải hồn vinh danh hào khí Thǎng Long trong nhiệm vụ cao cả, tư cách làm khoa học giáo dục lịch sử, hạnh phúc thuyết minh truyền cảm hồn nước, tình người tới du khách.

Những đầu sách của tác giả Nguyễn Đức Thìn đã được xuất bản

Say mê giáo dục và giảng dạy, tâm hồn nồng cháy, tôi cũng là Văn nghệ sĩ sáng tạo kết quả việc làm, truyền cảm rộng vào xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, kình nghiệm việc mình đã làm. Hoàn cảnh sống là nơi hành động, với trái tim trí tuệ nhà giáo, bằng đôi bàn tay khuyết tật, teo cơ mất cảm giác do di chúng của bệnh phong, tôi phải "sáng tạo" cách cầm máy chụp hàng nghìn ảnh tư liệu quý, cầm bút gõ, tự mình viết trên máy tính, biên tập trình bày bản thảo gửi in hàng trăm bài báo, xuất bản 21 đầu sách (Văn và Thơ) với trên 4.000 trang chân thực. Và cũng đã in chung hàng chục cuốn sách khác cùng đồng nghiệp về những nội dung giáo dục. Tiêu biểu hơn cả trong đó là các cuốn: "Tự truyện Chuyện cuộc đời" dài 480 trang (NXB Thanh Niên đã in 8 lần, số lượng lớn). Cuốn tự truyện này được các đạo diễn dựng trên 10 phim tài liệu dạng Chân dung nhà giáo, trong đó có phim màn ảnh lớn "Người thắp lửa" của Hãng phim Khoa Học Tài liệu Trung ương đạt giải thưởng Cánh diều vàng Việt Nam và Quốc tế, phim "Trái tim người thầy" của VTV3, phim "Sứ giả Nghìn việc tốt" của BTV...; Sách "Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Đô" 216 trang, NXB Thế giới đã in lại tới lần thứ 12, Sách "Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn" 304 trang NXB Văn Hóa - Thông tin in phát hành 3 lần, đến với nhiều trường ở nhiều miền đất nước. Nhũng cuốn sách ấy, bây giờ và cho đến cả sau này sẽ là những sợi chỉ đỏ, dòng hồi ức nhắc lại những năm tháng hào hùng của quê hương đất nước. 

Tôi viết nhiều thơ, nội dung ước mơ và hành động, có trên 20 bài được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc cho thơ tôi cất cánh vang xa. Hạnh phúc người trồng người/ Nắng mưa thật vất và/ Tình yêu người trồng người/ Trong tôi là tất cả...

Tôi đã cùng tập thể trường Tam Sơn vượt lên bom đạn máy bay B.52 giặc Mỹ ném bom hủy diệt đêm 28/12/1972, xây dựng lại trường mới, chăm lo cho vườn nghìn việc tốt vẫn ngày càng nở hoa kết quả, lan tỏa. Cùng trường Đình Bảng quê hương, luôn phát huy truyền thống "Thiếu niên Du kích Đình Bảng anh hùng” trong sự nghiệp đổi mới. Khi không may bị bệnh phong phải vào bệnh viện Quỳnh Lập điều trị, liệu pháp phục hồi chức năng 4 năm (1461 ngày, từ 10/1/1979 đến 10/1/1983), được Ban Giám đốc, các thầy thuốc theo khoa học cho phép vừa điều trị vừa làm việc. Với bản lĩnh nhà giáo, tôi tổ chức trường học tình thương mang tên Lê Văn Tám trong làng phong bên bờ biển Đông, tập hợp các nhà giáo đồng bệnh với tôi, chữa khỏi bệnh rồi vẫn chưa được trở lại trường, nuôi dạy 152 em con của người bệnh để thầy cô vẫn thực hiện ước mơ làm thầy của nhà giáo và các em trưởng thành mà trở về cuộc sống xã hội. Tôi là nhà thơ Nhiệt Cảm Sinh đối nhân khác thời của Hàn Mặc Tử, tham mưu với Bệnh viện tổ chức để tài khoa học và dự hội thảo khoa học Quốc tế tại Hà Nội, góp tiếng nói về "Điều trị và chăm sóc người bệnh, tổ chức cuộc sống xã hội cho người bệnh, xóa bỏ sự thành kiến không khoa học nhân đạo đối với bệnh phong" để chính mình cũng đã trở về, tiếp tục là nhà giáo truờng làng say lao động sáng tạo vì trẻ, vì sự phát triển của xã hội. Tôi được tuyên dương AHLĐ năm 1985, danh hiệu NGND đợt đầu năm 1988.

Nhiệt tâm trách nhiệm "Tôn sư, trọng đạo", suốt nhiều năm qua, tôi đã có những đóng góp cho Giáo dục và Văn hóa Việt Nam. Tôi đã vinh dự nhận được Huân chuơng Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chuơng Lao động hạng Nhất; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp thanh toán nạn mù chữ", "Vì sự nghiệp Giáo dục", "Vì thế hệ trẻ", "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn Dân tộc", "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam", 4 bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý khác. Năm 2018, tôi được công nhận là Công dân tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh sau 20 năm tái lập. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh tôi trong "Gương mặt tiêu biểu hội nhập toàn cầu" (Typical Face of Global Integration). Tôi được huy hiệu 55 tuổi Đảng năm 2019 và nhiều Huy hiệu của tổ chức thanh thiếu nhi Quốc tế.

Trên con đường sự nghiệp của mình, tôi hạnh phúc có được nhiều học trò nay có trình độ là thầy của mình. Học trò hơn thầy là phúc cho đất nước quê hương. Nhiều em cùng tôi xây dựng phong trào, giờ là các các Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, như: Nguyễn Toàn Thắng, Trần Văn Trường, Trần Thị Minh Nguyệt... Tôi đã không ngừng cố gằng xây dựng nên những phong trào và hoạt động bổ ích cho học trò của mình phát triển theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, tôi cũng là người yêu mến và mong muốn giữ gìn những Di sản Văn hóa truyền thống của dân tộc, làm đẹp cho đời, cho người. 

Nhà giáo khát vọng lớn lắm. Hưu rồi tôi vẫn khởi nghiệp từ vốn tri thức của mình. Tôi ra biển lớn tham gia làm đường cầu cảng Lý Anh Tông ở Cái Rồng Vân Đồn, là chìa khóa mở cửa vào Bái Tử Long. Lên rừng tham gia lao động nâng cấp đường 292 từ Bố Hạ đi Hữu Lũng. Đến Ninh Bình làm cố vấn xây dựng khu du lịch Hang Múa… Cựu giáo chức làm kinh tế, giàu cho mình về cuộc sống và tình yêu đất nước, tham gia vào việc xóa đói, giảm nghèo. Tôi vẫn là thầy giáo thỉnh giảng chuyên đề với nhiều trường./.

                                                                                                                                                                                                                   NGUYỄN ĐỨC THÌN (Tự thuật)