Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ CỘNG SẢN
09:59 | 28/10/2022

 KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10/1930 - 20/10/2022)

Chị Nguyễn Thị Minh Khai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trên diễn đàn Quốc tế cộng sản. Chị sinh ra trong một gia đình công chức nhỏ với 8 người con, chị là con cả. Lúc nhỏ chị lấy tên là Nguyễn Thị Vịnh, do nhà nghèo nên lúc lên 9 tuổi chị mới được đi học chữ. Tuy vậy, chị học rất thông minh và hiếu động, đã học hết lớp nhì lại xin chuyển lên lớp nhất tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Ở trường thì chăm học, còn ở nhà thì giúp mẹ mọi việc và yêu thương, chăm sóc các em. Do ảnh hưởng sớm của các tổ chức yêu nước trong trường với sự tuyên truyền của các thầy giáo: Trần Phú, Lê Thước, Võ Mai... nên đến năm 16 tuổi chị đã được kết nạp vào Tổ chức cách mạng thanh niên. Sau đó một thời gian được bầu vào Tỉnh bộ thanh niên cách mạng và được giao nhiệm vụ tổ chức Hội phụ nữ giải phóng ở Vinh, Bến Thủy. Đến năm 19 tuổi, chị đã vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng do các đồng chí Nguyễn Sĩ Sách, Trần Văn Cung là Ủy viên Trung ương lâm thời được cử vào cùng đồng chí Võ Mai xây dựng tổ chức Đảng ở Trung kỳ.

Trong lúc phong trào đấu tranh của Công nông ở Nghệ - Tĩnh đang lên cao thì chị lại được điều động ra hoạt động ở Hải Phòng. Lúc này đồng chí Trần Phú đang chuẩn bị cho Hội nghị của Đảng, đón các đồng chí ở Nam Bộ ra và các nơi khác về. Từ Hải Phòng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Hương Cảng làm việc tại Chi nhánh văn phòng Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, chị đã được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được Người trực tiếp giáo dục về lý luận, chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Với các bí danh Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương... chị đã làm việc tích cực, say sưa với nhiệm vụ liên lạc giữa thị ủy Hương Cảng của Đảng cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam. Mặc dù giữa vòng vây của bọn mật thám, chị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn tranh thủ học tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và cả tiếng Nga nữa.

Năm 1931, chị Nguyễn Thị Minh Khai không may bị sa lưới mật thám. Bắt được chị chúng lại chuyển giao cho chính quyền phản động ở Quảng Đông. Tại nhà tù địa phương chị đã bị giam giữ và tra tấn rất dã man, song vẫn kiên cường không khai nửa lời. Đến năm 1934, do sự đấu tranh của Hội quốc tế cứu tế đỏ vận động, chị mới được trả tự do. Sau đó chị được cùng công tác ở Ban lãnh đạo của Đảng ta ở nước ngoài và sau thời gian tìm hiểu, yêu nhau, chị đã kết hôn cùng đồng chí Lê Hồng Phong. Tại lễ cưới cả hai đồng chí đã thề suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp Cộng sản chủ nghĩa và hạnh phúc của nhân dân. Cuối năm đó, cả hai vợ chồng và đồng chí Hoàng Văn Nọn đã vinh dự được Đảng ta cử là đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ 7 Quốc tế cộng sản họp ở Mátxcơva.

Tháng 7 năm 1935, tại Diễn đàn Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người phụ nữ đầu tiên ở Đông Dương và là một nữ Đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên có bài tham luận về: “Vai trò phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Bài tham luận đã dõng dạc vạch trần chính sách xâm lược của bọn cướp nước, nêu gương tinh thần đấu tranh của phụ nữ các dân tộc ở Đông Dương, trong đó có phụ nữ Việt Nam. Đồng chí đã nói: “Ở Đông Dương chúng tôi, đặc biệt trong cao trào cách mạng, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và lãnh đạo một số cuộc đấu tranh ấy. Cần phải nhấn mạnh thêm là nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi đầu trong các cuộc biểu tình, đấu tranh và buộc binh lính phải thoái lui, phải đồng tình”. 

Có thể nói rằng, việc xuất hiện trên diễn đàn Quốc tế cộng sản của chị Nguyễn Thị Minh Khai là niềm tự hào của phụ nữ Đông Dường nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Việc làm đó đã cổ vũ họ tiến lên đấu tranh cho sự nghiệp Cách mạng Vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự nghiệp giải phóng phụ nữ. 

Từ cuối năm 1936, chị Nguyễn Thị Minh Khai từ Quốc tế cộng sản về nước và được phân công công tác ở Nam Bộ. Chị đã tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Với những việc làm của mình, chị đã góp phần đưa phong trào cách mạng ở Nam bộ tiến tới chuẩn bị cho cao trào Khởi nghĩa Nam Kỳ. Thế nhưng ngày 30/7/1940, ngay sau cuộc họp của Xứ ủy Nam Kỳ, chị đã bị sa vào tay bọn mật thám. Trong những ngày bị giam cầm tại bốt Catina, mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, bằng nhiều thủ đoạn song chị vẫn một mực không khai, giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Tại nhà giam chị đã dùng đinh viết lên trên tường nhà giam những câu thơ đầy khí phách: “Vững chí bền gan ai hỡi ai. Kiên tâm giữ dạ mới anh tài”.

Quả thật người phụ nữ anh tài Nguyễn Thị Minh Khai đã thể hiện rõ bản chất cách mạng, khí phách anh hùng mà kẻ thù không bao giờ có thể khuất phục được. Bằng những thủ đoạn hèn nhát, kẻ thù đã cho người em gái của chị là Nguyễn Thị Quang Thái vào nhà tù gặp chị hòng làm lung lay và mềm lòng người chị. Mặc dù biết rất rõ là kẻ thù đã tuyên án tử hình, người em gái thương chị mà nghẹn ngào, nức nở, song chị Nguyễn Thị Minh Khai đã nén tình cảm lại căn dặn em như sau:

“Em cứ về đi, khóc làm gì. Chị có chết nhưng không ân hận, vì đã làm việc có ích cho cách mạng... Khi nào cháu Hồng Minh khôn lớn đi học được thì em đón cháu về... Nhờ em dạy bảo cháu để sau này cháu tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ cháu”.

Chị Nguyễn Thị Minh Khai đã hiên ngang bước ra trường bắn Hóc Môn này 28 tháng 8 năm 1941. Chị đã hy sinh anh dũng và quả cảm ở tuổi 31, lúc đó cháu Hồng Minh mới được 2 tuổi và đồng chí Lê Hồng Phong vẫn đang còn nằm trong nhà tù đế quốc và ít lâu sau đồng chí cũng anh dũng hy sinh. 

Tấm gương chiến đấu hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai nói riêng và cả gia đình chị nói chung mãi mãi là tấm gương cho mỗi người chúng ta nói chung, mỗi chiến sĩ cộng sản và mỗi người phụ nữ Việt Nam nói riêng học tập noi theo./.

                                                                                                                                                                                LINH CHI