Tháng 12 năm nay, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân long trọng kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022), 33 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân và ngày thành lập Hội CCB Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2022), đặc biệt là dịp kỷ niệm 50 năm chiến đấu và chiến thắng của Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không, tháng 12 năm 1972. Với ý nghĩa đó, đồng chí Tạ Đình Long - Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu với tôi một chiến sĩ, một cán bộ, một sĩ quan vốn là Trưởng ban trinh sát quân báo của Quân chủng Phòng không - Không quân đã từng có mặt phục vụ nhiệm vụ chiến đấu và chiến thắng của Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm mươi năm về trước.
Thế rồi vào một buổi chiều mùa thu tháng 10, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh gặp đồng chí Ngô Văn Quang, Chủ tịch Hội CCB của phường. Sau cái bắt tay thân mật và mấy phút chuyện trò, anh Quang dẫn đường đưa chúng tôi ra dốc làng Chọi, qua cây cầu bắc ngang sông Ngũ Huyện Khê, đi khoảng hơn trăm mét bờ đê Khu phố Khúc Toại rẽ trái xuống một cái ngõ nhỏ rồi vào sân một ngôi nhà 2 tầng đã cũ, anh cho biết:
- Báo cáo các anh, đây là gia đình ông Nguyễn Huy Tưởng, CCB của Khu phố đồng thời nguyên là Trưởng ban Trinh sát quân báo Sư đoàn 361 và sau là Trưởng ban nghiên cứu chiến dịch kiêm huấn luyện trinh sát quân báo của Quân chủng Phòng không - Không quân, người đã âm thầm, lặng lẽ cùng với các chiến sĩ quân báo phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của Chiến dịch “ Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không 50 năm trước đấy.
Ông Tưởng người cao, hơi gầy nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói sang sảng, ríu rít bắt tay, chào hỏi và mời chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế sa lông đã cũ kê ở bên ngoài sân giữa lối lên xuống của nhà trên và nhà dưới vì ở đây có bóng mát. Vốn là con nhà lính nên sau vài lời giới thiệu ngắn gọn, ông cho biết:
- Tôi năm nay đã 78 tuổi rồi, nhập ngũ tháng 4 năm 1963 vào Đại đội 14, Trung đoàn 228, Sư đoàn 367 đóng quân ở Trại cờ, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Sau hai năm rưỡi công tác và phấn đấu, tháng 12 năm 1965 được cử đi học lớp đào tạo Sĩ quan pháo phòng không, đến tháng 12 năm 1966 thì ra trường về làm Trung đội trưởng tại Trung đoàn 275. Rồi lại sau một năm công tác, tôi được bổ nhiệm Trợ lý trinh sát quân báo Trung đoàn 236, Sư đoàn 361. Sau lên Trưởng Tiểu ban trinh sát quân báo, Phó ban trinh sát, Trưởng ban trinh sát quân báo Sư đoàn 361 và Trưởng ban nghiên cứu chiến dịch kiêm huấn luyện trinh sát quân báo của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Để có được những bài học kinh nghiệm trong công tác trinh sát quân báo phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ” trên không tháng 12 năm 1972, đồng chí Nguyễn Huy Tưởng đã phải trải qua những năm tháng công tác, phục vụ chiến đấu và tích lũy kinh nghiệm trong những năm ác liệt, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kể về một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của bản thân trong quá trình học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trinh sát quân báo, ông vui vẻ cho biết:
“Tháng 9 năm 1968, do yêu cầu nhiệm vụ, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân đã quyết định sử dụng Sư đoàn 365 cơ động đánh địch trên chiến trường Quân khu 4. Để triển khai nhiệm vụ đó, Chỉ huy Trung đoàn 275 đã giao nhiệm vụ cho tôi, lúc đó là trợ lý trinh sát quân báo nhiệm vụ hiệp đồng bảo vệ đợt vận chuyển 8 quả đạn tên lửa Sam - 2 từ tỉnh Hà Tĩnh vào phía Tây Quảng Bình. Lúc đó, các trọng điểm giao thông trên Quốc lộ 1 từ vĩ tuyến 19 trở vào bị địch đánh phá ác liệt. Mọi hoạt động vận tải vào phía Nam chỉ còn một cách duy nhất là đi đường số 15.
Tôi phụ trách một nhóm khảo sát, nắm quy luật hoạt động đánh phá của không quân Mỹ để lập phương án đưa 8 quả tên lửa Sam - 2 đi qua. Các anh biết không? Đường 15 với hàng chục trọng điểm giao thông, trong đó có cầu vượt ngầm Tùng Cốc ở ngã ba Đồng Lộc và ngầm Khe Rinh nối xã Hóa Thanh với xã Hóa Tiến huyện Minh Hóa, Quảng Bình là 2 trọng điểm mà không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Chúng tôi phải giành nhiều thời gian đi thực địa 2 trọng điểm này. Có ngày chứng kiến hàng chục trận bom hủy diệt, đêm đêm lại phải quan sát pháo sáng để từ đó rút ra kinh nghiệm và quy luật đánh phá của địch trên các trọng điểm.
Đến ngày thứ 8 trên đường quay ra, tại vị trí chỉ huy của Đại đội 2, Trung đoàn 210 Pháo cao xạ 57mm thuộc Sư đoàn 365 bảo vệ ngã ba Đồng Lộc, tôi đã trình bày với Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh, Đại đội trưởng:
- Mấy hôm nữa có 8 quả Sam - 2 đi qua cầu Tùng Cốc ngã ba Đồng Lộc, anh làm thế nào thì làm, đừng để mất quả nào nhé!
Nghe thấy thế, anh Khánh hào hứng cho biết:
- Anh cho ngụy trang cẩn thận để vô hiệu hóa bọn “ mắt cú vọ” nhé. Tính toán cho thật kỹ để khi xe tên lửa qua cầu Tùng Cốc không trùng vào giờ cao điểm. Còn nếu máy bay Mỹ đến, chúng tôi sẽ tung lửa Cao xạ bủa vây, hạn chế tối đa hiệu suất đánh phá của chúng vào Tùng Cốc ngã ba Đồng Lộc cũng như các trọng điểm khác.
Sau đó trên đường trở ra huyện Đức Thọ, nơi mà Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 275 đứng chân, tôi tổng hợp các yếu tố thực địa, hình thành kế hoạch trong đầu, kịp thời báo cáo Chỉ huy Trung đoàn. Tôi đã mạnh dạn trình bày phương án như sau:
Với 8 xe đặc chủng, chở 8 quả đạn Sam - 2 , trên mỗi xe có một chiến sĩ mang súng CKC, khi phát hiện máy bay Mỹ thì sẵn sàng báo hiệu cho các lái xe và các xe khác được biết. Khi xe kéo tên lửa đi qua các trọng điểm, nhất là khi qua ngã ba Đồng Lộc và Ngầm Rinh thì sẽ điều chỉnh tốc độ, thời gian trong khoảng trước lúc “gà lên chuồng" và chưa phải bật đèn gầm. Mỗi xe cách nhau khoảng 1km, không dùng lá cây ngụy trang mà dùng bùn đất để làm cho cả xe và đạn đều giống như màu mặt đường. Sau khi tên lửa vượt qua Ngã ba Đồng Lộc cũng như ngầm Rinh thì sẽ chuyển sang đường 12 để tiếp tục hành trình”.
Phương án của Trợ lý trinh sát quân báo Nguyễn Huy Tưởng đã được hội nghị của Trung đoàn đánh giá cao với 2 yếu tố thiết thực: Một là thời điểm vượt tọa độ lửa là vào lúc “gà lên chuồng" lúc đó chưa cần bật đèn gầm. Hai là ngụy trang cả xe và tên lửa bằng bùn đất để giống với màu mặt đường. Phương án đã được Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn 275 phê duyệt ngay lập tức. Một tuần sau, đoàn xe chở 8 quả tên lửa Sam - 2 đã vào tới miền Tây Quảng Bình một cách an toàn. Cũng từ đây, những quả tên lửa đã được phát huy hiệu quả, lập chiến công xuất sắc, góp phần giữ vững mạch máu giao thông chiến lược trên địa bàn Quân khu 4.
Qua những trận chiến đấu của tên lửa đã giúp cho Nguyễn Huy Tưởng thêm nhiều kinh nghiệm và bài học cho nhiệm vụ phục vụ chiến đấu sau này, nhất là việc phát hiện hướng xuất phát của máy bay B52, rồi việc phát hiện chống nhiễu trong Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972.
Máy bay B52 là loại máy bay ném bom chiến lược có thể mang tới 30 tấn bom, bay liên tục 21 giờ, bay ở độ cao từ 10 cây số đến 15 cây số và bay xa được 20 nghìn cây số mà không cần tiếp dầu, trang bị rất hiện đại, được coi là “bất khả xâm phạm”. Mặc dù đã được học tập, huấn luyện về phát hiện B52 nhưng thực tế những ngày đầu còn nhiều khó khăn và kinh nghiệm phát hiện thủ đoạn của chúng rất phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễu của máy bay B52 có cường độ rất lớn rất khó phát hiện, đó là chưa kể các loại máy bay gây nhiễu bảo vệ vòng ngoài. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, rút kinh nghiệm sâu sắc, kiên trì học hỏi, rút bài học để tìm ra âm mưu, thủ đoạn và bí quyết của kẻ thù, ông đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy và anh em trong đơn vị trinh sát quân báo đề xuất được nhiều giải pháp giúp cho bộ đội tên lửa của Sư đoàn 361 và Sư đoàn 365 phát hiện được chính xác hướng bay, phân biệt được giữa nhiễu và máy bay, nên đã bắn rơi nhiều máy bay B52 trong Chiến dịch chiến đấu 12 ngày đêm của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Sau gần 30 năm phục vụ trong Quân đội, tháng 5 năm 1992 đồng chí Nguyễn Huy Tưởng đã được nghỉ hưu, nhưng với bản chất truyền thống của người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ, đồng chí tiếp tục tham gia công tác xã hội. Trong 3 nhiệm kỳ được đồng đội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Khúc Xuyên, ông đã cùng tập thể đưa phong trào hoạt động của hội từ những ngày đấu còn khó khăn, vất vả đi vào nền nếp. Gia đình CCB Nguyễn Huy Tưởng còn là một gia đình quân nhân gương mẫu, tiêu biểu của phường. Ông bà có 3 con thì 2 anh noi gương bố đã gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện nay vẫn đang tại ngũ và cả gia đình ông đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với những đóng góp và thời gian phục vụ Quân đội trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Thượng tá Nguyễn Huy Tưởng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và 4 Huân, Huy chương các loại cùng nhiều phần thưởng cao quý khác./.
TRẦN VỌNG