Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

NÉT VĂN HIẾN Ở LÀNG QUAN HỌ ĐƯƠNG XÁ
10:46 | 14/06/2021

Bất chợt hình dung trong tôi: Kinh Bắc một thuở xa xưa ông bà tổ tiên đạp ruộng phơi sương cấy cày đồng bãi... Bao vất vả lam lũ cuộc sống, nhưng con người đã biết vượt qua, biết làm giàu, làm sang đời sống tinh thần của mình bằng câu hát Quan họ gọi bạn tình ơi đắm say thổn thức; cho hôm nay cháu con có cả một “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại” được năm châu bốn bể vinh danh.

Người rằng người ơi

Người có yêu tôi

Đường về Quan họ bảo tôi về cùng...

Câu hát như nguồn cơn, cho tôi ý tưởng tìm về với những làng Quan họ gốc trong tỉnh để tìm hiểu, ghi chép lại những vẻ đẹp mang chiều sâu lịch sử, văn hóa; nét độc đáo trong lối chơi Quan họ ở mỗi làng quê ấy. Đó giống như một phương cách để lưu giữ những giá trị tinh túy trong đời sống văn hóa cộng đồng mỗi làng quê Quan họ trên vùng đất Bắc Ninh tôi đang sống trong ký ức của tương lai. 

Qua gần năm dong duổi, tôi đã tới mấy mươi làng Quan họ trong tỉnh, gặp gỡ bao nghệ nhân, liền chị liền anh Quan họ; nghe bao câu chuyện làng, chuyện xóm; biết thêm nhiều câu hát, lối chơi Quan họ của mỗi làng. Mấy mươi năm làm nghề báo, gắn bó với đất Bắc Ninh - Kinh Bắc; nhưng khi làm loạt ký sự “Đường về Quan họ”, tôi chợt nhận ra mình vẫn chưa biết được là bao cái vốn liếng, kho tàng Văn hóa Quan họ sâu dày tầng lớp, được kết tinh từ tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của bao thế hệ người chơi Quan họ khắp vùng Kinh Bắc tạo dựng nên qua suốt chiều dài lịch sử. 

Trong số các làng Quan họ tôi đến, có một làng mà tôi đã gắn bó, thân quen mấy chục năm nay bởi sự hữu duyên với những người đã làm sống lại câu Quan họ trên đất làng. Đó là làng Quan họ Đặng Xá (hay gọi theo tên hành chính bây giờ là Đương Xá, thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Vợ chồng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Kim Quýnh, Nguyễn Văn Cách - những người góp công quan trọng trong việc làm sống lại câu Quan họ trên đất Đương Xá sau mấy mươi năm vắng bóng - có thể coi như những người thân với mấy anh em làm báo địa phương chúng tôi. Ông Cách giờ đã khuất núi. Nhưng cái tình say Quan họ của ông - đến thác rồi - vẫn vương lại những tơ nhớ giăng mắc, niềm mê Quan họ trong mỗi ai từng biết đến ông. Và không hề quá lời khi nói, chính ông Cách, bà Quýnh là những người đưa Quan họ Đương Xá tới tốp làng Quan họ gốc tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh thời hiện đại. Vợ chồng ông bà cũng là những người đã phổ vào trong tôi tình cảm yêu mến đến kính trọng câu hát và lối chơi Quan họ.

Làng Quan họ Đương Xá, hay Đặng Xá, làng Đặng - nay là 3 khu phố của phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh nằm bên đôi bờ con sông thiên cổ Ngũ Huyện Khê. Con sông, cùng dãy núi Quả Cảm từ xa xưa đã vun bồi, che chở cho cư dân một vệt các Đặng Xá, Xuân Đồng, Xuân Viên, Xuân Ái, Quả Cảm, Viêm Xá... khi họ tụ cư, sinh cơ, lập nghiệp. Và dường như cái chất đất, mạch nước trong vùng đã cho người dân các làng này chất giọng đẹp để ca Quan họ; để rồi hình thành nên các làng Quan họ này. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những làng quê cổ có gắn với chữ Xá cơ bản đều là các làng Việt xuất hiện từ thủa Hùng Vương. Với Đương Xá, chẳng biết điều ấy có đúng. Chỉ biết rằng, khu lò gốm cổ được phát hiện ở khu vực Bãi Lăm của làng đã có niên đại cách nay hơn ngàn năm, và là một trong những trung tâm gốm cổ nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Khu lò gốm cổ nằm ngay sát mép nước sông Ngũ Huyện Khê. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy dấu tích của 9 lò gốm - loại lò “cóc” được khoét thẳng vào lòng núi đất, lấy tre, gỗ chống và lấy đất trát bên ngoài vòm lò; cùng nhiều hiện vật: Bát đĩa, vò, lọ, chậu, âu... với nhiều kiểu dáng, hoa văn, men khác nhau. Có nhà nghiên cứu cho rằng dòng gốm Đương Xá có trước dòng gốm Phù Lãng và Thổ Hà và là tiền đề cho gốm thời Lý - Trần phát triển rực rỡ. Và theo suy đoán, thì trước khi dựng lò nung gốm, con người đã ở đây rất lâu rồi. 

Theo văn bia của đình làng Đương Xá có niên đại cách đây hơn 300 năm, tên làng khi xưa là Đặng Xá. Điều này được lý giải là do xuất phát từ người họ Đặng là những người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp, và là họ có số dân đông nhất ở đất này. Đến thời Pháp đổi là Đương Xá, và giữ tên này đến ngày nay. Trước Cách mạng tháng Tám (1945), Đương Xá thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây là địa bàn hành chính có diện tích tự nhiên gần 130 ha, trong đó có 99 ha đất canh tác, dân số 712 hộ, 3500 nhân khẩu. Trải bao thăng trầm lịch sử với bao biến đổi, Đương Xá vẫn lưu giữ được trong mình bao nét đẹp và những giá trị văn hoá được con người tạo dựng qua suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, những di tích, dấu tích lịch sử, những sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng của một làng Quan họ gốc là hợp phần chính yếu tạo nên nét đẹp đó. Có thể kể ngôi đình Đương Xá nằm ở phía trước chùa Linh Quang tạo thành quần thể di tích “Tiền Thần, hậu Phật” cổ kính thâm nghiêm, là nơi bảo lưu được những tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, cho biết nhiều điều về lịch sử tồn tại của công trình cũng như địa danh, phong tục làng xã; là di sản quý giá của quê hương Đặng Xá. Cùng với đình làng, Đương Xá còn hệ thống chùa, nghè khá cổ. Chùa Linh Quang từng nổi tiếng trong dân gian với hội hát Quan họ. Đặc biệt, Đương Xá còn có ngôi chùa ở xóm Láng có tên“ Thanh Lãng tự” được xây dựng vào thời vua Tự Đức bên bờ sông Ngũ Huyện Khê với quy mô rất lớn và là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc còn bảo lưu đến ngày nay. Đây đều là những thiết chế văn hóa - không gian chính yếu - gắn chặt với sinh hoạt Quan họ của cư dân địa phương từ xưa đến nay. 

Nét văn hiến của làng Đương Xá còn được thể hiện ở tín ngưỡng hội hè mang tính thuần phong mỹ tục và những sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian. Hội đình Đương Xá hàng năm được mở vào ngày 10 - 15 tháng 8 (âm lịch). Xưa để lo việc đình đám, làng đã phân công cho 2 ông quan đám và 4 giáp (Đông, Tây, Nam, Bắc) cùng lo việc lễ vật tế thần và cỗ bàn hàng giáp. Trong những ngày lễ hội của đình, có tục rước kiệu thần từ đền trên núi Càn Sơn về đình làng để tế lễ và mở hội. Căn cứ vào tài liệu của đình làng Đương Xá thì Thành hoàng làng là Cao Sơn đại vương. Làng cũng thờ Đức Vua Bà Quả Cảm làm phúc thần. Trong những ngày hội đình, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: Tuồng, vật, đu cây, bơi thi... Đặc sắc hơn là lễ hội chùa Linh Quang vào dịp đầu xuân (2/2 âm lịch), với sinh hoạt văn hóa nổi tiếng là hội hát Quan họ. Ngay từ sáng mồng 1, dân làng tổ chức mở cửa chùa cầu kinh cúng Phật. Chiều tối các bọn Quan họ trong làng đã ra chùa để hát thờ. Sáng ngày mồng 2 chính hội, các bọn Quan họ trong làng ra chùa để đón khách, đón bạn. Ngoài các bọn Quan họ bạn của các làng như  Ngang Nội, Đông Mơi, Yên Mẫn... các bọn Quan họ khác trong vùng cũng đến trảy hội rất đông. Quan họ chủ đón bạn vào chùa lễ Phật, tham gia hát hội. Quan họ nam và nữ đứng hát đối đáp với nhau tại cửa chùa, sân chùa, vườn chùa và tràn cả ra những vạt ruộng quanh chùa. Sau phần hát hội, các bọn Quan họ chủ nhà mời Quan họ bạn về nhà chứa để hát canh Quan họ thâu đêm đến sáng.

Tìm về với những giá trị văn hóa, văn hiến ở Đương Xá, không thể không nói tới giá trị cốt lõi làm nên tên tuổi một làng Quan họ gốc. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Quan họ Đương Xá đã nổi danh trong cộng đồng chơi Quan họ. Nơi đây có nhiều tên tuổi của các liền anh, liền chị được nhiều người biết đến. Làng có vài bọn Quan họ nam kết bạn truyền đời với Quan họ nữ làng Đông Mơi, còn các bọn Quan họ nữ thì kết bạn với Quan họ nam của làng Ngang Nội. Ngoài ra, Quan họ Đương Xá còn giao lưu với Quan họ nhiều làng khác như Trà Xuyên, Đống Cao, Châm Khê, Đào Xá, Đọ Xá, Yên Mẫn, Thị Cầu… Làng Đương Xá cũng là làng có nhiều nhà chứa Quan họ như: Cụ Mỏng (xóm Láng), Cụ Định, Cụ Chanh (xóm Chanh), Cụ Tư Hồ (xóm Núi) Cụ Tiềm, Cụ Đông (xóm Soi)... Các chủ chứa Quan họ làng Đương Xá thường là những liền anh, liền chị nổi tiếng lại có điều kiện nhà cửa khang trang để tổ chức hát canh mỗi khi đình đám, hội hè. Vậy mà đã có thời gian dài, do những tác động của thời cuộc, mưu sinh cuộc sống con người, câu Quan họ đã vắng bóng trên đất này. Mãi đến năm 1992, Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá mới được thành lập với sự đóng góp quan trọng của vợ chồng bà Quýnh, ông Cách và ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đầu chỉ có một số thành viên, sau cứ tăng dần,và nay có khoảng 40 - 50 thành viên đủ mọi lứa tuổi. Ông Cách, bà Quýnh chính là những người đóng vai ông trùm, bà trùm như lối gọi về tổ chức Quan họ ngày trước; còn nay gọi là chủ nhiệm CLB. Từ năm 1995, Câu lạc bộ Đương Xá tham gia Hội diễn tiếng hát Quan họ cấp huyện đã đoạt giải nhất. Cũng từ năm 1995 đến nay, Câu lạc bộ thường xuyên tham gia Hội thi tiếng hát Quan họ của huyện và tỉnh tổ chức và liên tục đoạt giải. 10 năm liền giải Nhất của huyện và nhiều giải Nhất, Nhì, Ba của tỉnh cho các cặp nam và nữ hát đối đáp Quan họ đầu xuân do ngành Văn hóa tỉnh tổ chức. Có thể kể ra một số cặp đoạt giải như sau: Cặp chị hai Thang Thị Oanh và Nguyễn Thị Mến đoạt giải Nhất sân khấu ca nhạc Quan họ cấp tỉnh năm 2000. Cặp liền anh Đặng Quang Hiển và Nguyễn Hải Ninh đoạt giải Nhất thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân năm 2002. Cặp liền anh Nguyễn Văn Minh và Đặng Quang Hiển đoạt giải Nhì năm 2001. Cặp  liền chị Đặng Thị Thu và Nguyễn Thị Mến đoạt giải Nhất năm 1999. Cặp liền chị Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Thị Hợp đạt giải Nhất năm 2003. Cặp liền chị Đặng Thị Huệ và Đặng Thị Thu đoạt giải Ba năm 2007. Cặp liền chị Đặng Thị Huệ và Đặng Thị Lan đoạt giải Ba năm 2008... Những thành công này là kết quả của niềm đam mê Quan họ trong mỗi thành viên CLB Quan họ Đương Xá. Dù cuộc sống chưa hết khó khăn, bao lo toan công việc trong mưu sinh.. .nhưng họ vẫn dành cho Quan họ tình cảm, đam mê, thời gian... với mong muốn để câu hát quê hương mãi trường tồn, lan tỏa.

Vốn có mạch nguồn, Quan họ Đương Xá ngày nay là dòng chảy nối tiếp của một làng Quan họ gốc từng nổi tiếng trong dân gian. Với nhiều thế hệ và đông đảo các liền anh, liền chị Quan họ, Đương Xá đã là “điểm hẹn” của qúy khách mọi miền yêu mến Quan họ tìm đến. Trong đó có những liền anh, liền chị ở các CLB khắp cả nước thường khi có dịp lại hẹn về giao lưu, ca hát, học thêm những câu hay của làng. Trong những câu Quan họ mang đặc trưng của Đương Xá, có thể nhắc tới câu “Thuyền thúng”. Câu hát mà hầu như mọi người chơi quan họ đều ghi nhận đó là sản phẩm của làng Quan họ này.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đã kéo theo đó là sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Đương Xá theo hướng kinh doanh dịch vụ đa dạng ngành nghề. Những lao động ở Đương Xá giờ chuyển sang làm ở các nhà máy, hoặc buôn bán, kinh doanh... Nhịp sống ở đây giờ luôn hối hả. Công việc không mấy thời gian rảnh. Nhưng với các thành viên trong CLB Quan họ Đương Xá, họ vẫn luôn có mặt trong các hoạt động của tập thể; cùng sóng sánh mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ, nón quai thao, hóa thân thành các liền chị sánh vai cùng các liền anh, tạo nên nét duyên cho vùng quê nửa làng nửa phố, luôn ồn ã nhịp sống trong thời đại công nghiệp này.

Tôi đã bao lần được hòa mình trong không khí tinh thần tuyệt diệu trong những lần về với Đương Xá, thăm nghệ nhân ưu tú Kim Quýnh và tham gia những buổi sinh hoạt của CLB Quan họ. Giữa không gian chi phối bao ồn ào như cuộc sống thành phố trẻ, những khoảng riêng dành cho Quan họ vẫn được các thành viên trong CLB tạo dựng. Dù ngẫu nhiên gặp gỡ, hay buổi sinh hoạt định kỳ của CLB luôn là cơ hội để các thành viên cùng hòa mình giao lưu trong không khí chân tình, chan hòa và cởi mở. Họ cùng ôn lại câu Quan họ, hát cho nhau nghe, hát cho chính mình sau những ngày dài bận bịu với bao công việc của cuộc sống. Và những phút giây họp mặt cùng bạn chơi Quan họ trong sinh hoạt của CLB dường như là động lực tinh thần, truyền thêm cảm hứng cho mỗi thành viên, để họ tiếp tục say mê câu hát, lối chơi Quan họ; và qua đó góp phần gìn giữ mạch nguồn câu hát Quan họ mãi chảy, mãi lan tỏa trong đời sống tinh thần cộng đồng. Đó là sự đóng góp cho phát triển của đời sống văn hóa làng, xây dựng nông thôn mới; và quan trọng hơn cả là góp phần cùng Nhân dân trong tỉnh tham gia vào việc bảo tồn phát huy giá trị Dân ca Quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng địa phương thực hiện xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

                                                                                                                                                                                                                              LÊ THỤ ÂN