Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ QUA GÓC NHÌN CỦA VĂN NGHỆ SỸ
14:31 | 22/03/2023

KỶ NIỆM 113 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ (8/3/1910 - 8/3/2023) 

 

Hàng nghìn năm nay, qua bao thăng trầm lịch sử, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ gìn được nét đẹp riêng cho mình. Những nét đẹp hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với những đức tính truyền thống tạo nên dáng vẻ và tính cách với bản chất thuần Việt. Muốn tôn vinh phụ nữ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, Văn nghệ sĩ phải thực sự thấu hiểu về họ.

Phụ nữ - người xây tổ ấm

Từ xưa, gia đình Việt Nam được bền vững, xây dựng hạnh phúc cho mọi người trong gia đình và từ đó đem lại sự ổn định và thịnh vượng cho xã hội, một phần quan trọng chính là nhờ ở vai trò người phụ nữ.

Các cụ ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cùng là xây nhưng một người xây nhà, một người xây tổ ấm. Nhà và tổ ấm không phải là một. Hai khái niệm này thống nhất (trong một trường nghĩa) chứ không đồng nhất. Cái hay của ngôn từ lại xuất phát từ cái lô gích tuyệt vời của cuộc sống. Nhà là một thực thể hiện hữu, một công trình phải đầu tư vật chất. Và người đàn ông, khi xây dựng gia đình, phải có sứ mệnh nhận trách nhiệm tạo dựng cái khung làm nên nền tảng một “tế bào xã hội” (gia đình nhỏ). Đó là nơi ở, với những nguyên tắc sống, rường cột đạo lí mà anh ta sắm “vai” chính. Điều đó là hợp lẽ, vì đàn ông trong nhà bao giờ cũng được coi là “xương sống”, là trụ cột của ngôi nhà. Nhưng họ có một người đồng hành đặc biệt. Đó là người bạn đời của họ. Người phụ nữ là “một phần tất yếu của cuộc sống” vì chỉ có họ thì ngôi nhà kia (dù có to đẹp đến mấy) mới trở thành mái ấm. Muốn vậy, bạn đồng hành này phải chìa cánh tay chia ngọt sẻ bùi trong mọi nơi mọi lúc. Người phụ nữ chính là nhân tố quan trọng xây dựng gia đình. Họ còn là “nhà sư phạm”, là “bác sĩ tâm lí”, thậm chí là “bảo mẫu”. Chính bản thân họ góp phần làm nên tổ ấm. Mà tổ ấm chính là một giá trị của cuộc sống. Xây tổ ấm, tức là tạo dựng nên một đặc trưng, một phẩm chất cơ bản của một gia đình hạnh phúc. Công việc này, chắc chắn không phải là một điều dễ, càng không phải là chuyện một sớm một chiều. Khi có sự hoà thuận, hết thảy mọi gian nan rồi cũng sẽ qua. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn là thế! Vậy mà, sứ mệnh này lại đặt vào vai người phụ nữ.

Người ta thường nói: “Một người đàn ông hạnh phúc là một người sáng sáng muốn đến công sở và chiều chiều muốn trở về nhà”. Sự nghiệp của họ là cần, là quan trọng. Nhưng muốn vậy, đằng sau họ phải có một tổ ấm. Đó là một gia đình ấm êm, hạnh phúc. “Đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ. Và đằng sau một người đàn ông thất bại cũng vẫn chỉ là người phụ nữ đó thôi”. Hai trong một (hai con người, hai giới tính, hai bổn phận...), đó chính là điều làm nên triết lí của cuộc sống về sự hoàn thiện.. 

Gia đình Việt Nam từ ngàn xưa giữ vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân cũng như trong sự phát triển xã hội. Gia đình luôn luôn là nơi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người bởi con người tìm thấy trong gia đình sự đùm bọc về vật chất và tinh thần, thụ hưởng sự giáo dục, những niềm vui của cuộc sống, sự an ủi khi khó khăn, sự phụng dưỡng lúc tuổi già yếu. Gia đình đảm nhiệm vai trò cân bằng về tâm lý và tình cảm, hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Bởi, có nhà chưa hẳn đã có hạnh phúc, mà chỉ có hạnh phúc khi ngôi nhà thực sự trở thành tổ ấm của mình. 

Người phụ nữ mới trong xu thế hội nhập 

Trong giai đoạn hội nhập, trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, người phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy vai trò của mình, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.

Trước hết chúng ta phải thừa nhận vị trí hết sức quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Họ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Thiên chức và xã hội đã trao cho phụ nữ phần việc lớn hơn nam giới trong gia đình, đó là việc sinh nở ra con cái để duy trì nòi giống, nội trợ lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ trong nhà, “nhen lên và canh giữ bếp lửa gia đình” tạo nên sự ấm áp, yên vui làm điểm tựa cho chồng, cho con, cho cháu… bằng cái tâm và đức của mình. Bây giờ hơn bao giờ hết, đã đến lúc người phụ nữ được quyền chọn làm điều mà mình yêu thích. Không nhất thiết phụ nữ thành đạt phải là người kiếm được nhiều tiền, có chức vụ cao. Nếu một người phụ nữ nào đó hạnh phúc với công việc làm vợ, làm mẹ và chọn sự nghiệp cả cuộc đời mình là chăm sóc chồng, con thì sản phẩm, thành tựu của người phụ nữ ấy là một gia đình thuận thảo. Là người vợ hiền, họ luôn hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ những ngọt bùi cũng như những đắng cay cùng chồng, khiến người chồng luôn cảm thấy yên tâm trong cuộc sống, từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đó là lựa chọn của họ, là hạnh phúc của họ, họ có quyền sống với lựa chọn ấy. 

Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động… Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định quyền lợi của phụ nữ. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Chính nhờ Đảng có sự lựa chọn đường lối đúng đắn cho sự phát triển của đất nước mà vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam không ngừng được nâng cao. Phụ nữ khi có tri thức sẽ có bản lĩnh hơn và có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong cuộc sống. Người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới nếu được sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực chủ quan sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân. Phụ nữ - dù trong thời đại nào cũng luôn có những vị trí không thể thay thế.

Phụ nữ - nguồn cảm hứng bất tận cho các Văn nghệ sĩ

Người phụ nữ - là đề tài muôn thuở của thi ca, hội họa, và nhiều loại hình nghệ thuật khác... Họ khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Bởi lẽ, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ được thể hiện qua dung mạo bên ngoài mà tâm hồn họ thật sự là một tác phẩm nghệ thuật kiệt tác nhất, xuất sắc nhất. Nhà văn Victor Huygo từng nhận xét “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”.

Đất nước Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng - đất nước của những làn dân ca ngọt ngào, của cánh cò bay lả bay la, đất nước của bàn tay mẹ tảo tần qua bao năm tháng… và từ trong cái nguồn mạch dạt dào ấy, người phụ nữ kết tinh của non nước ngàn năm, là đề tài chưa bao giờ vơi cạn trên đầu ngọn bút của người nghệ sĩ, qua nhiều thời đại khác nhau.

Ngày xưa, cả nước chìm trong những ràng buộc, lễ giáo khắc nghiệt tối tăm. Một nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà cuộc đời lênh đênh trong suốt 15 năm lưu lạc; một Hồ Xuân Hương khát khao hạnh phúc mãnh liệt mà trọn đời ngao ngán bởi phận “làm lẽ”, “kiếp chồng chung”… “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Hai câu thơ cất lên trong hoàn cảnh mà con người bị cương tỏa bởi “vòng kim cô” của lễ giáo phong kiến, của những “tam tòng tứ đức”… Người phụ nữ càng đẹp, càng tài, càng lắm bất hạnh, khổ đau. Câu thơ của Nguyễn Du chính là khúc “bạc mệnh” tấu lên cho mọi “kiếp hồng nhan”.

Thời gian trôi đi, xã hội tiến lên, hình ảnh người phụ nữ trong văn học dưới ngòi bút của các nhà thơ mới có cách nhìn nhận khác. Người phụ nữ Việt Nam hiện ra với vẻ đẹp giản dị của cuộc sống, với lo toan đời thường. Hẳn trong mỗi chúng ta, không ai quên được hình ảnh người mẹ với “Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè trước giậu thưa” trong thơ Lưu Trọng Lư, nhớ tới dáng mẹ lồng lộng giữa đất trời “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ” trong thơ Tố Hữu, càng không thể quên được nét đằm thắm, dịu dàng của người mẹ trong thơ Nguyễn Duy “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ... mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”.

Có ai đó nói rằng: “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, họ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không chỉ làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau.

Quả thực, người ta quí yêu người phụ nữ như quí yêu một điều gì đó rất thiêng liêng, rất cao đẹp. Trải qua bao cuộc chiến tranh, bao vất vả lo toan, hình ảnh những người mẹ, người chị của dân tộc Việt Nam càng trở nên sáng ngời rạng rỡ. Họ đã khẳng định được phẩm chất của mình trong từng thời kỳ xã hội. Đến ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực. Đảng, Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới đất nước. Đó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là sự thừa nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam, họ mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho sáng tác của các văn nghệ sĩ. Vai trò của phụ nữ đối với gia đình và xã hội lớn lao là vậy nhưng tác phẩm nói về họ còn hạn chế. Văn nghệ sĩ chúng ta còn mắc nợ với các bà, các mẹ, các chị nhiều lắm, còn mắc nợ với “phái đẹp” nhiều lắm! Má em ai gửi đồng tiền/ Để anh mắc nợ mấy phiên chợ tình (thơ Huy Phách)./.

 

                                                                                                                                                                                                            HUY PHÁCH