Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

MIẾU "BÀ CÔ" VÀ ĐỀN "CỤ GIÀ KHAI QUỐC"
10:17 | 28/10/2022

Xã Bình Ngô đầu thời Lê Trung Hưng (huyện Gia Bình - phủ Thuận An) nay gồm các thôn Đường, Giữa, Chợ, Yên Ngô, Thường Vũ (xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có nhiều di tích gắn với danh nhân “Cụ già khai quốc” gồm: Nhà thờ, phần mộ, miếu Bà Cô, chùa Thiên Khánh Di và tập tục giỗ “Cụ già khai quốc”…

“Cụ già khai quốc” có tên húy là Vương Châu, chức Tiền yết tiết Tuyên lực công thần Phụ quốc Thượng tướng quân Kim Ngô vệ chưởng vệ sự phó tướng Phổ quận công trụ quốc, được dân bản xã thờ làm Hậu thần, là vị Á thánh phối thờ cùng Thành hoàng.

Theo gia phả, Phổ quận công Vương Châu người gốc xã Đại Lã, huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Lương Tài). Đây là gia tộc có truyền thống võ nghệ cao cường. Cụ lục đại làm đến chức Nghi Giáo hầu. Cụ cửu đại là đô lực sĩ. Cụ thập đại, thân sinh Phổ quận công là võ tướng cao cấp thời Lê - Trịnh dấy binh diệt Mạc, làm đến chức Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc, Thái bảo. Do hi sinh trong chiến đấu nên được triều đình ban quốc tính, gia phong Hữu đô đốc, Cương Dũng đại vương, được dân địa phương thờ làm thần. Phổ quận công giỏi võ nghệ, chỉ huy vệ Kim Ngô ngự lâm quân. Năm Nhâm Thìn (1592) ngài lập quân lệnh trạng rồi chỉ huy quân tiên phong đánh trận Phấn Thượng, bắt sống Tân quận công Mạc Tín Dụng, góp phần phá tan thế trận, nhà Mạc bị diệt vong.

Theo văn bia ‘Thiên Khánh Di tự” do Phổ quận công Vương Châu đứng chủ hưng công xây dựng, được biết khá chi tiết về gia đình. Ngài có 4 phu nhân là: Dương Thị Ngọc Điều, Dương Thị Ngọc Chức hiệu Từ Lục, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Nguyễn Thị Ngọc Đế hiệu Từ Lục). Ngài có 10 con trai, tất cả đều nối nghiệp làm võ tướng trụ cột của triều đình, tước hầu là: Vương Duệ hiệu Phúc Khang, đô điện tiền tư tả hiệu điểm Tuấn Nghĩa hầu; Vương Hoàng, Thịnh Tiện hầu; Lương Bật hầu Vương Cơ, hiệu Trung Kính; Phú Xuân hầu Vương Lân; Lĩnh Sơn hầu Vương Thế; Bích Sơn hầu Vương Thạc; Đại Thắng hầu Vương Bối; Hòa Nghĩa hầu Vương Đích; Nghiêm Lộc hầu Vương Vạn; Uy Thắng hầu Vương Đại. Ngài có 3 con gái đã lấy chồng. Còn một người con gái chết trẻ liên quan đến trận Phấn Thượng lẫy lừng công tích của Phổ quận công Vương Châu như giai thoại “Khai đao” dân làng vẫn truyền lại.

Truyện rằng, sau khi tướng Vương Châu lập quân lệnh trạng với triều đình, ngài chỉ huy quân Kim Ngô đánh tiên phong. Lệ cổ, để thể hiện quyết tâm chiến thắng trước trận đánh mang tính quyết định, vị tướng chỉ huy sẽ làm nghi thức “khai đao”, tức là sẽ chém chết người gặp đầu tiên trên đường xuất trận. Người nhận trách nhiệm để khai đao sẽ được triều đình ban cho dân lập đền thờ vì đã hi sinh thân mình cho chiến thắng. Trước trận Phấn Thượng năm ấy người hi sinh lại chính là con gái của Tướng quân chỉ huy. Sau khi Phổ quận công qua đời, ngài được triều đình ban tước Vương, cho dân Bình Ngô thờ làm Hậu thần, riêng thôn Bình Ngô Đường lập miếu thờ Bà Cô ở khu vực Ao Cả của làng.

Đền thờ “Cụ già khai quốc” tại tư dinh ngài ở thôn Bình Ngô Giữa. Năm 1872 cử nhân Nguyễn Bá Thịnh, tri phủ Kinh Môn, người thôn Bình Ngô Chợ đứng ra tổ chức xây dựng quy mô lớn. Đền có nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối và bia “Ngũ hội bi kí”, ghi lại công tích ngài về thể lệ thờ cúng của 5 thôn Ngo. Đền thờ có đôi câu đối ca ngợi “Cụ già khai quốc” như sau:

Bách chiến tảo vân mai, nhật nguyệt hữu minh, công ích hiển

Thiên thu lưu hưởng tự, sơn hà bất cải, đức trường tồn.

Tạm dịch là:

Trăm trận sạch mây mờ, nhật nguyệt ngời sáng, công càng tỏ

Nghìn năm được thờ cúng, sơn hà bền vững, đức mãi ghi.

Miếu Bà Cô thời xưa chỉ là bệ thờ có nóc, gần đây đã được mở rộng hơn thành gian nhỏ như hậu cung. Trên ban thờ có bức tranh chân dung Bà Cô. Phía trước ban thờ có đôi câu đối ca ngợi công tích với đất nước và khẳng định việc thờ cúng Bà Cô mãi mãi của dân làng:

Đan tâm trực đối càn khôn trọng

Thanh miếu trường lưu phấn đại hương

Tạm dịch là:

Kìa tấm lòng son dâng đất nước

Đây ngôi miếu tịnh ngát phấn hương.

Còn đôi câu đối khẳng định đây là di tích linh thiêng của địa phương:

Thiên thu thường tự sự

Vạn thế đại anh linh.

Tạm dịch là:

Nghìn năm luôn cúng lễ

Vạn đại hiển linh thiêng.

Để ghi nhớ công tích và sự hiển linh của Bà Cô, nhân dân thôn Đường đã họp bàn và quyết định mở rộng ngôi miếu thờ. Theo ông Nguyễn Duy Phong, nguyên Phó chủ tịch UBND xã, thành viên Ban vận động xây dựng miếu cho biết, diện tích khuôn viên miếu rộng trên 500m2, đủ điều kiện xây dựng ngôi miếu 3 gian và hậu cung cùng các công trình phụ trợ khác đáp ứng nhu cầu tế lễ, sinh hoạt tâm linh của nhân dân. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong tháng Tám âm lịch, hoàn thành trong năm 2022. Đến trung tuần tháng Bảy âm lịch, Ban vận động xây dựng đã nhận được số tiền tự nguyện ủng hộ gần 200 triệu đồng. Hiện nay Ban vận động đang phát hành “Thư ngỏ” kêu gọi sự ủng hộ của các tập thể, gia đình, cá nhân trong và ngoài thôn. Ban vận động cũng đề ra khoán ước nếu số tiền ủng hộ từ 1 triệu đồng trở lên sẽ được ghi danh vào bia công đức lâu dài.

Thiết nghĩ, các di tích liên quan đến vị Hậu thần Phổ quận công Vương Châu, trong đó có di tích miếu Bà Cô thì nhân dân các thôn Bình Ngô thời xưa đều rất nên ủng hộ xây dựng, trùng tu, tôn tạo, phù hợp với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta./.

                                                                                                                                                                                                                                PHẠM THUẬN THÀNH