Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

LÀNG NGHI KHÚC XƯA VÀ NAY
10:33 | 30/12/2022

Làng Nghi Khúc thời xưa là đơn vị cấp xã thuộc tổng Bình Ngô, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc, nay là đơn vị cấp thôn của xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng có tên nôm là Bưởi Cuốc. Tên làng gắn với nghề làm cuốc ta (cán gỗ lim có gờ gắn lưỡi thép) và cày bừa. Đây là ba loại công cụ chính yếu của nghề nông. Tên nghề đã thành tên làng, làng Bưởi Cuốc, cũng như tên nghề đồng thành tên làng Bưởi Nồi của chạ anh em. Ngày nay, công cụ lao động đã thay đổi căn bản, làng gần như mất nghề. Tuy nhiên, nghề truyền thống giúp dân làng ăn nên làm ra, vẻ vang với câu ca “Nghi Khúc đúc ra tiền” lại là nghề làm đậu phụ.

Hầu như cả làng đều làm nghề đậu phụ. Của rề rề không bằng có nghề trong tay. Người Nghi Khúc mang nghề đi khắp mọi miền kiếm ăn. Đậu Nghi Khúc có độ dẻo, độ béo đặc trưng không đâu học được. Bên cạnh đình thờ thánh dân làng còn làm nhà thờ tổ nghề. Theo truyền miệng, tổ nghề đậu của làng là Bà Mây - Bà Mái. Hai bà mang nghề đến dạy cho dân làng. Dù đi làm ăn xa nơi đâu dân vẫn nhớ về làm lễ dâng tổ nghề thụ hưởng, nhất là vào ngày Giỗ tổ nghề đậu 18 tháng Tám âm lịch. 

Bí quyết nghề gồm nhiều khâu tỉ mỉ. Nghề nào cũng có Trạng nguyên. Người Nghi Khúc có thể nói là Trạng nguyên của nghề đậu phụ. Chọn đỗ là khâu đầu tiên. Rồi các yếu tố cấu thành là nước, ngâm đỗ, xay bột, lọc bột, thời gian đun, cách đun, cách pha, cách gói và ép, cách giữ nước giống, cách bảo quản đậu khi chưa đem bán. Hiện nay nhiều làng lân cận cũng học và làm nghề đậu nhưng đều phải thừa nhận đậu vẫn không thể ngon bằng sản phẩm do người Nghi Khúc làm ra. Đồ làm nghề không quá phức tạp, trước đây quan trọng nhất là cái cối đá xay bột. Phải là cối đá Văn Chinh (Tiên Du) mới có được độ bền lâu phải sửa lại cối. Vải lọc, khăn gói là loại vải vuông do làng nghề Đại Mão (Thuận Thành) dệt. Nồi đun do làng Bưởi Nồi (Gia Bình) đánh. Ang pha do làng Phù Lãng (Quế Võ) làm. Khuôn, bàn ép do thợ làng làm được. Rổ, phên chứa mua ở làng đan tre Bình Ngô. Thùng đựng bột mua ở hiệu. Bây giờ có máy xay, máy lọc, công nghệ có thay đổi chút ít nhưng đậu ngon vẫn chủ yếu do tay nghề điêu luyện cả. 

Thời bao cấp nhà nước quy chuẩn sản lượng đậu phụ thành phẩm theo lượng đỗ nguyên liệu (2,3 kg đậu/1kg đỗ), các cửa hàng thực phẩm tươi sống giao khoán cho người dân làm. Người các nơi làm thường bị lỗ do kĩ thuật kém, đậu lại không ngon. Thành thử người Nghi Khúc gần như chiếm lĩnh hết các địa bàn khu vực. Năng suất đạt tới 3 kg đậu/1kg đỗ mà đậu lại ngon hơn. Với các chợ quê có đậu do người Nghi Khúc làm bán thì không lò đậu địa phương nào cạnh tranh nổi. 

Thời đổi mới, nghề đậu phụ Nghi Khúc phát dương mạnh mẽ. Người các làng thuộc tổng Bình Ngô cũ (Bưởi Xuyên, Bưởi Đoan, Thường Vũ, Yên Ngô, Bình Ngô) mang nghề đậu phụ Nghi Khúc đi khắp cả nước. Những vùng hải sản tươi sống phong phú như Cà Mau nghề đậu Nghi Khúc vẫn phát đạt. Nhiều người đã chuyển sang nghề khác nhưng một thời gian sau lại quay về nghề cũ. Những cặp vợ chồng trẻ trước đó dù làm nghề gì thì cũng sắm sửa đồ nghề gây dựng một lò đậu mới. Từ những bìa đậu nho nhỏ mà xây nên nhà lầu, xây nên cơ nghiệp. Trong thời buổi thực phẩm khó kiểm soát độ an toàn thì sản phẩm đậu phụ chế biến từ đậu nành và men vi sinh từ chính nước chắt của nước đậu đun ra luôn được đề cao, ngon, bổ, rẻ.

Ngoài nghề nổi danh trên, người Nghi Khúc còn nghề làm rau cần giống. Rau giống được cấy giữ từ năm trước. Qua vụ rét kéo dài, khi gió đông ấm áp thổi tới, người ta nhân giống ra diện rộng hơn. Sau đó bán giống cho các làng xung quanh. Thu nhập từ nguồn rau giống cao hơn cấy lúa nhiều. Vào kì áp Tết cây khô lá vàng, rau cần trở thành món ăn khoái khẩu cho mọi người. Trong xã có phiên chợ Cầu Đường mỗi năm chỉ họp một phiên mồng 5 tết để ăn rau cần với bún, nay thành một nét đẹp văn hóa. Rau cần Nghi Khúc ngoài yếu tố kinh tế còn góp phần vào bản sắc văn hóa ấy. Hết thời bán rau giống, người ta giữ lại làm rau ăn. Qua Tết rau cần già thì dùng để muối dưa chua. Rau cần có thể muối riêng, có thể phối hợp với cải bắp, thêm vị rau răm sẽ là món ăn đơn giản mà ngon miệng. Làm nghề rau cần khá tốn công. Các bà các chị phải mất cả buổi chiều nhổ, rửa rau, hôm sau lại phải đi bán. Công xã hội tụ lại nơi mớ rau cần khá lớn. Đó là sự chăm chỉ, cần cù khó nói hết của người Nghi Khúc.

Ngày nay dân số thực của làng là trên 3.000 khẩu, trên sổ sách quản lý là 1.300 khẩu nhưng có mặt thường xuyên ở địa phương chỉ chừng 500 khẩu. Tốc độ công nghiệp hóa đang mạnh. Hiện có 24ha đất chuyển sang công nghiệp và đô thị.Nhiều mô hình kinh tế mới cũng xuất hiện như làm trang trại có các hộ Nguyễn Văn Bồng, Nguyễn Tiến Toán, Nguyễn Công Nghìn; trồng hoa tươi có các hộ Nguyễn Xuân Thức, Nguyên Văn Toan; vận tải ô tô có các hộ Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Bồng; May gia công có các hộ Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Lâm. Một số hộ mạnh dạn làm ăn lớn như Nguyễn Công Cảnh lập Công ty dịch vụ và thương mại An Bình, Nguyễn Công Trường lập công ty xây dựng và thương mại Trường An…

Người Nghi Khúc làm kinh tế giỏi mà học hành cũng rất thành đạt. Tiêu biểu có Sĩ Đức Quang đỗ thủ khoa Đại học Sư phạm, nay là Phó giáo sư, Tiến sĩ giảng dạy tại trường; Tiến sĩ Nguyễn Huy Kí, Phó Giám đốc Nhà máy dược của Traphaco; Nguyễn Văn Tân giành học bổng toàn phần tại Singapore nay đang học đại học tại Mĩ; các cử nhân Nguyễn Văn Trường là Giám đốc Nhà máy biến thế Văn Điển, Nguyễn Tống Luận là Trưởng phòng Kế hoạch Tổng công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc; Nguyễn Văn Tấn là Giám đốc Bảo Việt Bắc Ninh, Nguyễn Sĩ Tự là Đại tá công an, nguyên Giám thị trại giam Hỏa Lò…

Mặc dù chủ yếu ra ngoài làm ăn nhưng người Nghi Khúc luôn hướng về quê hương. Đình làng thờ Lạc thị tam vị Đại vương đã được tân tạo năm 2012 trị giá xây lắp trên 5 tỉ đồng hoàn toàn bằng khung lim lối cổ. Cổng làng cũng được làm theo lối cổ do bà Nguyễn Thị Chén, một người Nghi Khúc giỏi làm ăn ở 42 Hàng Bài (Hà Nội) hưng công. Bà còn ủng hộ xây dựng đình, chùa số tiền 100 trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Sĩ Tự cũng ủng hộ xây dựng cây hương trị giá 140 triệu đồng.

Người Nghi Khúc hiện còn giữ được nét đẹp văn hóa độc đáo là tục thi xôi gà lượt. Người được thi gà lượt ở lứa tuổi 49. Ban giám khảo là những người lứa tuổi 53. Gà to hơn, dáng đẹp hơn, luộc chín không nứt da sẽ được giải của làng. Giải chỉ là quả cau lá trầu, nhưng đây là lộc thánh đặc biệt nên ai cũng quý trọng bậc nhất. Người ta tin rằng được lộc thánh này gia đình sẽ được thánh phù trợ đặc biệt hơn, an khang hơn, làm ăn tấn tới hơn. Sau khi chấm, gà giải sẽ được phá ra chia cho mọi người cùng thọ lộc và bình phẩm. Tục thi gà lượt nay thành nét đẹp văn hóa đặc sắc biểu dương sản phẩm nông nghiệp, một kiểu triển lãm nông nghiệp thời xưa./.

PHẠM THUẬN THÀNH