Trang chủ BÀI VIẾT THEO CHỦ ĐỀ

Kỷ niệm sinh nhật Bác - Đọc lại tiểu thuyết "Búp sen xanh" của Nhà văn Sơn Tùng
16:06 | 24/06/2023

 KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

 Trong rất nhiều tác phẩm thơ, văn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tác phẩm để lại ấn tượng sâu lắng, xúc động nhất đối với tôi đó là tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng. Tôi đã đọc nó cách đây 40 năm, nghĩa là lần đầu tiên tác phẩm được xuất bản. Nhưng những cảm xúc về tác phẩm ấy vẫn in đậm trong  tôi mãi đến hôm nay. 

Tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng ra đời để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Cái đặc biệt thứ nhất là tác giả của cuốn sách: nhà văn Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sơn Tùng lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống “trọng chữ hơn trọng miếng ăn”. 16 tuổi, Sơn Tùng hăng hái tham gia cách mạng. Từ năm 1948, ông đã có ý định tìm hiểu lai lịch Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tiếp xúc với những người thân của Bác, Sơn Tùng đã ghi chép được nhiều tư liệu quý báu. Từ cuối năm 1962 ông là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967, ông xung phong đi B. Dọc đường vào chiến trường, ông tiếp tục lần tìm những nhân chứng liên quan đến đề tài về Bác Hồ. Năm 1971, nhà báo Sơn Tùng bị thương ở Chiến khu Đ. Mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não, Sơn Tùng vẫn tiếp tục lao vào miệt mài xây dựng các tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc. Nhà văn thương binh ấy đã có khối lượng tác phẩm văn học với khoảng 40 đầu sách, trong đó hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ. Rất nhiều nhà nghiên cứu và bạn đọc đều khẳng định: Sơn Tùng là nhà văn viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất. Năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới. Ông mất năm 2021, thọ 92 tuổi.

Nét đặc biệt thứ hai, Búp sen xanh là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Bác Hồ. Trước đó đã có rất nhiều bài thơ, bài nghiên cứu... viết về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết dưới thể loại tiểu thuyết thì đây là cuốn sách đầu tiên. Sau này ông còn viết thêm cuốn tiểu thuyết thứ 2 về Bác, cuốn Bông sen vàng. Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự: "Viết về Bác nếu chỉ đơn thuần là những hiểu biết thông thường thì không thể viết được mà phải viết bằng tâm linh". Nét chủ đạo trong tâm linh của nhà văn chính là lòng kính yêu vô hạn của nhà văn đối với Bác Hồ. Nhờ cái tâm linh đó mà bằng 3 chương sách, trên 300 trang viết nhà văn đã dựng lại chân thực một khoảng đời từ thuở ấu thơ đến khi Người lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Cuốn sách đã giúp chúng ta hiểu hơn về lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời bằng những trang viết xúc động, đã lay động những tình cảm kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và bạn bè bốn phương. Hiếm có một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam nào lại được tái bản đến 25 lần, với hơn 1 triệu bản in và được dịch ra song ngữ Việt - Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Búp sen xanh của Sơn Tùng cũng đã được dựng thành kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, một bộ phim lôi cuốn người xem trong cả nước.

Trong lời tựa cho lần xuất bản thứ 2, năm 1983 của tiểu thuyết Búp sen xanh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “... Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong những tình cảm và tư tưởng lớn trong toàn bộ hoạt động cách mạng của nhân dân Việt Nam ta. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị diễn tả một cuộc đời đã trở thành lịch sử, những trang sử đẹp nhất của dân tộc Việt Nam ta...”. 

Tiểu thuyết Búp sen xanh được nhà văn chia làm 3 chương: Thời thơ ấu, Thời niên thiếu và Tuổi hai mươi. Trong khoảng hơn hai mươi năm với những biến thiên của lịch sử, của gia  đình nội ngoại và quá trình “định hình nhân cách”, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của một vĩ nhân - Nguyễn Sinh Cung (Côn) - Nguyễn Tất Thành được tác giả kể lại bằng những trang văn vô cùng xúc động. Người đọc nhiều lần không cầm nổi nước mắt khi tác giả kể lại: Tài sắc và những éo le cuộc đời của bà nội Bác Hồ; Những sự bất hạnh của sự đói nghèo cũng như nghị lực vượt qua số phận bằng con đường học hành của thân phụ Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Nhưng xúc động nhât là cảnh, cuối năm 1901, khi cái tết đã cận kề, trong khi cụ Cử Sắc đưa con trai lớn đi chấm thi ở trường thi Hương, Thanh Hóa, một mình Nguyễn Sinh Côn chứng kiến cảnh mẹ mất trong kinh thành Huế. “Côn òa khóc khi thấy mẹ đã thõng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn ôm vòng qua cổ bé Xin và bé Xin không biết mẹ đã chết cứ ngậm vú nhay nhay. Con phủ phục bên mẹ gọi: Mệ! Mệ! Mệ bỏ chúng con sao mệ ôi!”. Rồi cảnh một mình Nguyễn Sinh Côn - chú bé 10 tuổi mặc áo đại tang, chân đất chống gậy đi sau quan tài tiễn mẹ. “Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng... Em còn nhỏ lại lâm bệnh ỉa chảy, lại đang dịp Tết, Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi... Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm đen...”. Cuối cùng em Xin bé bỏng cũng từ giã cõi đời vì ốm đau, côi cút. Có nỗi đau nào lớn hơn ở một cậu bé lên mười? 

Cuộc chia tay trên bến Nhà Rồng, ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành cũng để lại ấn tượng khó quên và nỗi xúc động lớn trong lòng người đọc. Út Huệ đưa cho Nguyễn Tất thành nắm cơm, trước lúc anh lên tàu đi xa. Anh nói những lời chia tay với Út Huệ: “Vì mất nước mà phải lìa nhà. Nếu không tìm ra phương kế giành lại độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân thì tôi không về mà cũng chẳng ai mong đợi làm gì”. Cả hai đang kìm nén những tâm sự sâu xa, thầm kín. Út Huệ gửi tâm sự vào những dòng nước mắt, còn Nguyễn Tất Thành nhìn thấy gương mặt Út Huệ và gương mặt đất nước Việt Nam hòa vào nhau như một búp sen quê hương.

Là nhà văn hiểu sâu sắc về tiểu sử Bác Hồ, lại là người đưa lên những trang văn của mình bằng tất cả tâm linh cho nên tiểu thuyết Búp sen xanh nói riêng, các tác phẩm viết về Bác nói chung của nhà văn Sơn Tùng có sức hấp dẫn đặc biệt. Đọc  Búp sen xanh, người đọc hiểu hơn về cuộc đời của Bác. Nói như Sơn Tùng: “Tất cả sự vĩ đại của Bác nằm ở nền móng đạo đức”. Nền móng ấy được xây dựng ở truyền thống gia đình và quê hương cùng sự nỗ lực rèn luyện của Bác trong suốt cả cuộc đời vì dân, vì nước. Nhà văn Sơn Tùng cũng là một nhân cách lớn. Theo ông: “Mình có thể bị tàn phế về thân thể nhưng đừng để tàn phế về tâm hồn và đánh mất khát vọng”. Chính khát vọng đó đã giúp nhà văn vượt qua thương tật, giúp ông làm nên những thành công lớn khi xây dựng chân thực hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam./. 

                                                                                                                                                                                                                      NGUYỄN ĐÌNH TÙNG