Trang chủ VĂN HIẾN BẮC NINH - KINH BẮC

Kiến trúc nội, ngoại thất và Lễ hội Đền Đô
15:32 | 14/01/2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đình Bảng bốn lần. Lần đầu ngày 13/9/1945, hôm ấy là mùng 8 tháng 8 năm Ất Dậu giỗ lần thứ 873 năm ngày hóa của Vua Lý Thánh Tông (8/8/Nhâm Tý, 1072 - 8/8/Ất Dậu, 1945). Bác Hồ về Đền Đô cùng nhân dân tưởng niệm tám vị Vua nhà Lý. 

Đền Đô là “Cổ Pháp Điện” thờ tám vị Vua nhà Lý. Đền Đô vượng khí linh thiêng, trời - đất - con người đều làm cái đẹp thiện tâm “thiên - địa - nhân vi mĩ”, hương khói ấm nhân tình, sáng ngời lòng nhân ái Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, lấp lánh hồn quê, tình người, nghĩa nước. Đặc sắc, phong phú về đời sống văn hóa tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng của trung tâm Phật giáo Cổ Pháp, vùng “địa linh, nhân kiệt, xuất nhập hanh thông” (đất thiêng, người giỏi, ra vào may mắn).

Đền Đô nguyên là “Thái Miếu nhà Lý” do Lý Thái Tổ khởi dựng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Năm Thuận Thiên thứ IX (1019) dựng Thái Miếu ở sơn lăng Thiên Đức”. Thuở ấy, chế độ phong kiến quan niệm “Trung quân ái quốc”. Trung với Vua là yêu nước, trung với nước. Vua và nước gắn liền làm một. Thái Miếu là miếu thờ “hồn thiêng sông núi” của đất nước. Hòa hợp hai ý nghĩa thờ Vua là thờ nước, Thái Miếu gắn liền với quê cha đất tổ nhà Vua, gọi là tẩm điện để thờ Vua. 

Đền Đô xây dựng trên đất quê hương của Lý Thái Tổ, ở nơi khi mới khởi nghiệp vương triều Lý, người gặp nhân dân hỏi về kế sách dựng nước. Với sự minh triết của chính mình mà chọn được miền địa lợi để dời đô từ Hoa Lư ra nơi trung tâm của trời đất, xây dựng kinh đô Thăng Long “Vì muôn ức đời con cháu”. Vì thế trong các hạng mục kiến trúc của Đền Đô mới có tên gọi Sân Rồng, Ngũ Long Môn (mà Rồng chỉ nơi nhà Vua ngự).

Sau khi Lý Thái Tổ qua đời ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (31/3/1028), nhân dân thờ Người ở đây. Nối tiếp sau đó, mở rộng phụng thờ tám vị Vua nhà Lý ứng mệnh trời “Liên hoa bát diệp” bông sen tám cánh của Phật, đất gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn hình, muôn vẻ.

Đền Đô từ xưa đã được xây dựng với qui mô lớn. Kiến trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, bao quanh có tường thành vững chắc. Toàn khu Đền Đô rộng 31.250m2, được chia làm hai khu: Nội thành

và ngoại thành. Nội thành rộng 4.340m2, ngoại thành rộng 26.910m2. Trong đó diện tích xây dựng nhà: 1.940m2, sân bãi nội ngoại thành: 19.810m2, hồ Bán nguyệt: 9.500m2.

Khu vực nội thành gồm nội thất và ngoại thất:

- Nội thất gồm các công trình: Nhà Hậu Cung (còn gọi là Linh Cung nơi đặt hương án, tượng, bài vị thờ tám vị Vua nhà Lý), nhà Chuyển Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Bia và nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ.

- Ngoại thất gồm các công trình: Nhà Phương Đình, Vương Mẫu Từ, nhà Chủ tế, nhà khách, Ngũ Long Môn, bức cuốn thư lớn “Thiên đô chiếu”, sân rồng, tượng voi đá, sấu đá, lư rồng, đôi Bát Đế đăng...

Khu vực ngoại thành gồm: Hồ Bán nguyệt (còn gọi là hồ Công Chúa hay Ao Rối), giữa hồ có nhà Thủy Đình, xung quanh có lan can đá. Nhà Văn Chỉ bên phải, nhà Võ Chỉ bên trái.

Kiến trúc Đền Đô bố cục cân xứng, hài hòa, qui mô bề thế, cột và khung nhà, các cánh cửa bằng gỗ lim và vàng tâm cổ thụ. Hương án, hoành phi, câu đối, kiệu thờ đều sơn son, thếp vàng, đặc sắc nét kiến trúc làng nghề gỗ mỹ nghệ Kinh Bắc. Đền Đô gồm trên 20 hạng mục công trình, công trình nào xây dựng công phu, kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo, tài nghệ. Đặc biệt nhà Thủy Đình từng được chọn là hình ảnh in trên “Giấy năm đồng vàng Đông Dương” của Ngân hàng Đông Dương xưa và trên tiền 1000 đồng kim loại của Ngân hàng nhà nước Việt Nam ngày nay.

Đền Đô của làng cũng là Đền trung tâm của cả nước, liên tục được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng tôn tạo và mở rộng. Tuy nhiên một thiên niên kỷ qua, chịu ảnh hưởng của thiên tai, địch họa, Đền Đô trải qua nhiều lần tôn tạo. Năm 1602 thời Vua Lê Kính Tông và chúa Trịnh Tùng đã trùng tu lớn, trở thành danh thắng lịch sử văn hóa của Tổ quốc. Rồi trong chiến tranh, thực dân Pháp khi chiếm đóng Đình Bảng đã phá hủy Đền Đô năm 1952. Nhưng Đền Đô không bị mất trong lòng dân, vẫn hiện hữu bia đá “Cổ Pháp điện tạo bi” do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1604 dẫu mang nhiều vết đạn chiến tranh, vẫn ngời ngời dòng chữ nhắn gửi người đời sau: “Phải nghĩ lại công đức ân dày nghĩa nặng, quân thần trung chính, phép tắc nghiêm minh của vương triều Lý là mẫu mực cho các triều đại sau này. Phải ghi lại sự tích, công đức của triều Lý. Phải hưng công dựng đền thờ cúng, rõ ân nghĩa của đời trước để lại cho muôn đời sau”. 

Nhớ ơn các Vua Lý, ngày 8/8 năm Kỷ Tỵ (1989), giỗ Lý Thánh Tông người đặt Quốc hiệu Đại Việt trong ngày đăng quang năm 1054 thay cho tên cũ Đại Cồ Việt có từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng, gọn lại mà sáng ngời tinh thần tự tôn, tự cường, tự hào dân tộc mong “Lý triều cường thịnh, Thiên hạ thái bình”, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Đô lần đầu ngày 8/8 năm Ất Dậu (1945), chính quyền và nhân dân phường Đình Bảng đã chủ động khởi công phục dựng Đền Đô theo mẫu xưa. 

Năm 1991, Đền Đô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Năm 2010 được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập “Đền Đô được nhiều người biết đến nhất”. Năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Khu lăng mộ và Đền thờ các vị Vua triều Lý”. 

Lễ hội Đền Đô, lễ thiêng liêng, hội tưng bừng. Trong dòng người trẩy hội, có hậu duệ nhà Lý thuộc hai chi họ Hoàng tử Lý Dương Côn (sang Triều Tiên cư trú năm 1136) và Hoàng tử Lý Long Tường sang Triều Tiên cư trú năm 1226) theo gia phả từ Hàn Quốc tìm về cố hương Đại Việt - Việt Nam năm 1994. Giờ thành lệ, năm nào cũng về lễ hội Đền Đô, ngày Tết và ngày giỗ Vua. Mới hay, cội nguồn dân tộc, cội nguồn quê hương thì dẫu xa đã tám thế kỷ vẫn chẳng thể phai với người mang dòng giống Đại Việt - Việt Nam. Tình quê sâu nặng nên đi khắp chân trời góc biển, góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê. 

Trong lễ hội Đền Đô, hàng chục đội tế, hàng trăm đoàn dâng hương, hàng vạn người cùng nối tiếp về Đền Đô tưởng niệm Lý Bát Đế, tưởng niệm các Vương Mẫu, tưởng niệm các công thần thời Lý. Văn “Thái ơn - Bắc đẩu”, Võ “Thần võ tiếp tứ lân” đều cùng là những “Nghĩa liệt anh hùng”... Trống, chiêng lễ hội Đền Đô âm vang cả vùng Từ Sơn - Kinh Bắc theo các đoàn đóng rước tái hiện cả lịch sử thời Đại Việt “Lý triều cường thịnh - Thiên hạ thái bình” đặc sắc, có một không hai.

Hội Đền Đô nhiều trò vui dân gian: Múa Rồng - Múa Lân. Hát Quan họ trên thuyền Rồng ở hồ Bán Nguyệt, trên chiếu hoa ở Thủy Đình. Hát Tuồng trên sân khấu lớn góc Quảng trường Ngũ Long Môn. Giao lưu thơ tại Tiền đường Văn chỉ, Tổ tôm điến trong vườn Văn chỉ, Chọi gà trong vườn Võ chỉ, Đấu vật tại sới vật. Đánh đu tại vườn nhà bia lớn. Bơi bắt vịt trên hồ Bán nguyệt, Bịt mắt đập niêu, Thi nấu cơm nồi đất, thi gói bánh phu thê, thi nặn tò he, thư pháp, ký họa chân dung người trẩy hội, đề thơ cho ảnh chụp. Quầy văn hóa phẩm nhiều sách quý giới thiệu về Đền Đô và quê hương nhà Lý, như các cuốn: “Đình Bảng quê hương nhà Lý”, “Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô”, “Tiếng gọi cội nguồn”, “Hoành phi, câu đối Đền Đô”, “Đền Đô vang vọng cội nguồn”... Du khách mua kỷ niệm, các tác giả ký lưu bút chúc phúc. 

“Đền Đô Kiến trúc tuyệt vời/ Thăng Long đẹp đất, đẹp người ngàn năm”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi là Chủ tịch Quốc hội về Đền Đô ngày 21/01/2009 đã nói với đồng bào cùng về dâng hương tưởng niệm Lý Bát Đế, rằng: “Những sự tích và những đám mây ở đây rất là xúc động, rất linh thiêng. Nó báo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Viêt Nam ta. Tôi tin chắc đây sẽ là một địa chỉ, địa danh chứng minh với thế giới rằng lịch sử Việt Nam đã có mấy nghìn đời và sẽ mãi mãi trường tồn trong nền văn hóa Việt Nam…”.

Đền Đô đã và đang xứng đáng là nơi tôn nghiêm nhân dân cả nước tới phụng thờ 8 đức Vua nhà Lý, bạn bè Quốc tế tới giao lưu tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam, thêm yêu quí Việt Nam. Du khách Genevieve Couteau từng là lính Lê Dương trong đội quân xâm lược của thực dân Pháp chiếm đóng Đền Đô lúc phá hủy năm 1952, năm 2000 trở lại thăm đã ngẩn người đứng ngắm Đền Đô được xây dựng lại, xúc động trân trọng ghi vào “Sổ vàng lưu niệm Đền Đô”: “Đây là bằng chứng của sức sống Việt Nam, nơi đầy cảm xúc thiêng liêng - nơi mà mọi sôi động trần tục đều bị lãng quên trong sự tìm kiếm yên tĩnh và hòa bình gắn bó tất cả con người có thiện tâm”.

Đền Đô là trung tâm của cụm di tích trên quê hương nhà Lý. Phòng trưng bày “Đền Đô truyền thống và lịch sử” với nhiều hình ảnh và hiện vật quý, sa bàn về làng quê Vua Lý, với một cụm di tích đậm đặc nét quê vùng Kinh Bắc. Trong phòng có trưng bày cả bản đồ trận quân dân nhà Lý đánh thắng quân xâm lược nhà Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt năm 1077 và bài thơ thần Nam quốc Sơn hà. Có biểu tượng cột mốc đảo Trường Sa trên tấm san hô lớn hình trái tim, chóe nước biển và chóe đất cát Trường Sa do các chiến sĩ Hải quân từ đảo Trường Sa đưa về. Người xem lại nhớ lời Vua Lý Anh Tông người đã hai lần ra thăm hải đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc cho vẽ vào bản đồ Đại Việt những phần đảo biển của ta. Trước khi qua đời, nhà Vua dặn Thái tử: “Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất nước anh linh, châu ngọc bảo bối không cái gì không có. Nước khác không thể nào bì được. Con phải nên giữ nước cho cẩn thận”.

Đền Đô khí thiêng hội tụ, hiện hữu những hình ảnh giao cảm giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay: “Bát Đế hiển linh”,”Bát Đế vân du”,“Hoàng long linh hiện”, “Tiếng vọng cội nguồn”... Nơi đây ngày mới đông người đến. “Ai xuôi về...” Kinh Bắc chờ mong. Nơi đây tỏa hương sắc một sự lôi cuốn tiềm ẩn - Điểm hẹn của du khách cảm hứng đời, tin yêu con người và cuộc sống, khát vọng hòa bình hạnh phúc./.

                                                                                                                                                               NGUYỄN ĐỨC THÌN