Nhà thơ Nguyễn Tự Lập, Phân hội trưởng Văn học Nghệ thuật thành phố Từ Sơn, đề nghị tôi viết bài cho Văn nghệ Từ Sơn. Anh bảo tập san số này có kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Ngô Gia Tự. Tôi nhận lời ngay vì có được đề tài thú vị. Là vì trước đây tôi đã tham gia biên tập cuốn sách “Ngô Gia Tự, cuộc đời và sự nghiệp”, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông.
Ngô Gia Tự sinh ngày 3 tháng 12 năm 1908, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngô Gia Tự sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, trở thành nhà hoạt động cách mạng có nhiều đóng góp to lớn trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX ở nước ta. Ông là một trong những người tham gia sáng lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng, tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản nước ta, Đảng phân công ông làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ (còn gọi là Chấp ủy). Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Kẻ thù điên cuồng đàn áp. Tháng 5 năm 1930, Ngô Gia Tự bị sa vào tay giặc. Trong nhà tù đế quốc, ông đã thể hiện phẩm chất một chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên cường, không hề khuất phục trước cực hình tra tấn dã man của chúng. Ngô Gia Tự đã biến phiên tòa xét xử ông trở thành nơi kết án bọn thực dân đế quốc. Không khuất phục được ông, kẻ thù đã đày ông ra Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian, giam cầm những nhà yêu nước. Ông đã anh dũng hy sinh khi vượt ngục Côn Ðảo để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Ngô Gia Tự đã làm nên sự nghiệp vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng oanh liệt hy sinh và nêu tấm gương chói lọi về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.
Kỷ niệm Ngày sinh Ngô Gia Tự là nhớ đến tấm gương sáng ngời của một người chiến sĩ cộng sản chân chính, một lòng trung thành vô hạn với Ðảng, với dân, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn; giữ vững mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Ngô Gia Tự, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh được giao biên tập, bổ sung cuốn sách “Ngô Gia Tự, cuộc đời và sự nghiệp”. Sách do Tỉnh ủy Bắc Ninh biên soạn và xuất bản năm 2003, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Ngô Gia Tự. Cuốn sách là một công trình khoa học được soạn khá công phu. Các tài liệu đều được khai thác và sưu tầm từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và tỉnh Hà Bắc cũ, từ nhà ngục Côn Đảo, từ các địa bàn nơi sinh thời Ngô Gia Tự từng sống và hoạt động. Đặc biệt, sách dành số trang thỏa đáng để viết về truyền thống gia đình và quê hương - cội nguồn đã sinh ra và hun đúc nên khí phách của nhà cách mạng Ngô Gia Tự.
Trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nói:
- Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của đồng chí Ngô Gia Tự, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí, Tỉnh ủy đã xuất bản cuốn sách “Ngô Gia Tự, cuộc đời và sự nghiệp”. Cuốn sách đã xuất bản trước đây, mặc dù lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã có rất nhiều cố gắng, nhưng chắc chắn còn thiếu sót. Lần tái bản này, các đồng chí phải cố gắng chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn chỉnh. Yêu cầu là phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, khách quan. Để làm tốt việc này, Ban cần phải phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Ban Biên tập gồm anh Nguyễn Đăng Lâm, chị Lê Thị An, Phó trưởng phòng Lịch sử Đảng và tôi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng ban, liền bắt tay ngay vào thực hiện theo kế hoạch. Việc trước tiên là sưu tầm, khai thác thêm tài liệu, đọc lại bản lưu, làm việc với các viện trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mời các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học viết bài. Mỗi trang sách đều được biên tập cẩn thận, nhiều trang còn đối chiếu với tài liệu và hiện vật gốc, hoặc gần với gốc. Để có thêm hình ảnh đẹp cho cuốn sách, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã mời Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Ngọc Sơn, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng tham gia thực hiện. Về với di tích ngôi nhà Ngô Gia Tự ở Tam Sơn, chúng tôi trân trọng và xúc động. Mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày đều mang hồn cốt cha ông cái thuở nước mất, nhà tan đầy đau thương mà oanh liệt. Vì vậy, nó có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc. Trước mỗi hiện vật và di ảnh, chúng tôi tỉ mỉ và cẩn trọng đối chiếu với sách đã in, chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Ví dụ như người trong ảnh có chính xác không? Ngày ấy không biết từ đâu có ý kiến cho rằng có một tấm hình không phải Ngô Gia Tự. Rồi ảnh có tiêu biểu không? Tại di tích còn thiếu hình ảnh chân dung một người đã tham gia hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Chúng tôi trao đổi với Ban Quản lý di tích và đặt vấn đề với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng để giúp cho việc sưu tầm bổ sung. Tại nhà lưu niệm, để làm nổi bật vai trò của Ngô Gia Tự, có những tấm bảng treo trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng tri ân. Chúng tôi đối chiếu từng trích dẫn xem có đảm bảo chính xác với văn bản chính thống không? Tôi đặc biệt chú ý tới bản đề cương thuyết minh giới thiệu di tích. Theo tôi, thuyết minh cần nêu bật được giá trị của di tích, nhưng phải xúc tích, ngắn gọn. Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước đầu tư nâng cấp Khu lưu niệm Ngô Gia Tự ở Tam Sơn. Một số tài liệu và hiện vật được bổ sung, góp phần làm phong phú thêm Khu Lưu niệm. Tại di tích, hiện vật không nhiều, nhưng có hiện vật lưu trữ là bản gốc, rất quý, tuy nhiên việc bảo quản chưa tương xứng. Chúng tôi đã trực tiếp góp ý với Ban Quản lý di tích. Anh Nguyễn Duy Nhất, Trưởng ban là một người khiêm tốn và cầu thị.
Ngoài việc chỉnh sửa những sai sót trong sách đã in, lần biên tập này đã phát hiện điều thú vị. Tại trang 23, sách xuất bản năm 2003 đã chép:
“Ngô Gia Tự đã viết tại cổng nhà mình đôi câu đối:
Cửa độc lập ra tay mở đóng
Nhà tự do mặc sức ra vào”.
Tại di tích ngôi nhà Ngô Gia Tự ở Tam Sơn, trên cổng ra vào còn có dòng chữ lớn: “Cửa như chợ”. Hai bên cổng đôi câu đối là:
“Cổng độc lập tha hồ khép mở
Nhà tự do mặc sức ra vào”.
Căn cứ vào hiện vật gốc, rõ ràng sách đã in thiếu và chưa chính xác. Những chữ và câu đối ở cổng nhà Ngô Gia Tự đều viết chữ quốc ngữ, nó thể hiện cái chí khí của chủ nhân. “Cửa như chợ” là để mọi người đến dễ dàng như đi chợ. Nó còn có nghĩa là nơi đồng chí đồng tâm hội tụ. Cái chí khí ấy còn thể hiện rõ ràng hơn ở đôi câu đối.
“Cổng độc lập tha hồ khép mở
Nhà tự do mặc sức ra vào”.
Người đến đây là người mang cái chí khí đấu tranh cho độc lập, tự do. Trong cái thuở mà dân tộc còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Ngô Gia Tự đã viết lên trên cổng nhà mình dòng chữ ấy, câu đối ấy bằng chữ quốc ngữ đủ thấy cái chí lớn của nhà cách mạng là đấu tranh cho nước được độc lập, dân được tự do.
Đó là những phát hiện một vài sạn nhỏ sách đã in. Phát hiện ấy cùng với sự cẩn trọng, nghiêm túc trong việc biên tập đã làm cho cuốn sách được tái bản càng thêm giá trị. Lần biên tập tái bản cuốn sách “Ngô Gia Tự, cuộc đời và sự nghiệp” năm ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm. Nó đã giúp tôi rất nhiều khi làm sách về sau./.
LÊ KHANH