Vào một sáng đẹp trời cuối tháng Chín năm 2023, nhà thơ Vũ Tuấn Anh, Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, hội viên Hội Nhà văn Việt nam, Chi hội Phó Chi hội thơ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, quê Lâm Thao, Lương Tài, đi xe máy đến nhà, tặng tôi tập thơ “Mong một phép màu” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa mới cấp giấy phép cho in ấn. Thật không may, tôi có việc bận vắng nhà. Trở về, nhận tập thơ đề tặng để trân trọng trên bàn trà, tôi nghiến ngấu đọc, quên cả thời gian ăn bữa cơm trưa.
Tại sao vậy, bởi tập thơ “Mong một phép màu” cứ lôi cuốn, bắt tôi phải đọc cho bằng hết, để hiểu những tâm trạng của tác giả. Đọc tập thơ, tôi ngộ ra : Đây là khúc ca của người con hiếu nghĩa đối với mẹ sinh thành .
Đọc đi, đọc lại tập thơ với 56 bài thơ và 4 ca khúc thơ phổ nhạc của tác giả, ẩn chứa, ăm ắp những nỗi lòng của người con hiếu nghĩa.
Trước hết, tôi nhận ra hình ảnh người Mẹ trong thơ Vũ Tuấn Anh - Một người mẹ như bao người mẹ Việt Nam khác ở trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc trường chinh chống Mỹ của dân tộc. Trong thời kỳ gian khổ ấy, mẹ hiện lên ở ngay bài thơ đầu của tập thơ:
Mẹ cho con cả cuộc đời
Dịu dàng cùng với những lời khắt khe.
(Khúc ca tặng mẹ)
Tại sao mẹ lại khắt khe với con, bởi mẹ thay chồng nuôi con khôn lớn. Người mẹ ấy chờ chồng 10 năm chiến đấu ở chiến trường B:
Mười năm đằng đẵng chiến trường
Cha mang theo nỗi nhớ thương vơi đầy.
Còn trong con những sớm khuya
Một mình tần tảo, mẹ chia đôi lòng
Chăm con trong nỗi nhớ mong
Lời ru buồn thẳm,
thương chồng chiến chinh.
(Chiến tranh và hòa bình)
Với nghị lực phi thường, mẹ dành cho chồng, cho con trong những tháng năm gian khó:
Ai ơi có đấu nào đong
Thước gì đo được tấm lòng mẹ tôi.
Chắt chiu như một dòng sông
Mẹ cho con hưởng cánh đồng phù sa.
(Ơn mẹ)
Bởi lòng mẹ vừa nhớ cha nơi chiến tuyến, vừa thương đàn con vắng bóng cha:
Những đêm thức mong chờ
Quầng thêm nơi khóe mắt
Bao mùa gieo, mùa gặt
Gió rét và sương sa
Thương con cả phần cha
Lưng mẹ còng thêm xuống.
(Con mong)
Bởi người mẹ ấy đã từng:
Mồ côi mẹ lúc mới sinh
Tuổi thơ ở đợ, một mình xa quê
Lấy chồng biền biệt đi B
Mười năm khắc khoải.
tin về cũng không.
(Mẹ tôi)
Chuyện cuộc đời mẹ ở làng
Con nghe mọi người kể lại
Từ một cô gái Hà thành
Theo chồng về quê làm ruộng.
Và mẹ gánh đổi cuộc đời, còn mình thì:
Mẹ vẫn chịu nhiều cơ cực
Thèm ngủ đến tận bảy mươi.
Và người con đã hiểu ra:
Lớn lên thì con hiểu rõ
Vì sao ít thấy mẹ cười.
(Con nghe kể lại)
Một người mẹ vừa hy sinh, vừa chịu đựng như bao bà mẹ khác trong chiến chinh. Sự gánh chịu ấy với sức người có hạn, qua tuổi Thất tuần (Bảy mươi), đến Bát tuần (Tám mươi) mà mẹ còn tràn đầy sức sống:
Cánh tay mẹ bế, mẹ bồng
Cấy cầy vun xới gieo trồng lúa khoai
Nuôi con những tháng năm dài
Tám mươi vẫn ngỡ
dẻo dai như thường.
(Cho con đền đáp xa)
Sức người có hạn, giữa đại dịch Covid - 19 toàn cầu đang phát mạnh, mẹ ngã bệnh ở tuổi tám mươi. Đã ba năm nay, mẹ nằm im bất động. Quá hẫng hụt. Chính nỗi đau của mẹ lại là cái cớ để nhà thơ nói được những nỗi lòng của người con hiếu nghĩa với mẹ sinh thành.
Vì đại dịch, mọi chỗ án binh bất động, không về được với mẹ, thương mẹ lúc trái gió, trở trời, Vũ Tuấn Anh có những câu thơ nói từ gan ruột:
Thế là gió bấc lại sang
Vặn nghiêng những chiếc lá vàng
trên cây
Xót xa dáng mẹ hao gầy
Áo khăn liệu có đủ đầy ấm không?
(Thương mẹ ngày gió về)
Rồi tác giả cầu mong ông trời:
Xin đừng nóng - lạnh, nắng - mưa
Để mẹ được khỏe như xưa, con mừng.
(Thương mẹ tháng giao mùa)
Hay:
Chỉ mong cho đợt rét này
Qua loa, trời mau hửng nắng
Hơi thở của mẹ bớt nặng
Không gì hiếu nghĩa và mong mỏi hơn:
“Năm nay mùa đông quên về”
Cho mẹ đỡ phần vất vả.
(Mong rét qua loa)
Để rồi nhà thơ hy vọng, mặc dù biết rằng hy vọng mong manh:
Nhóm hy vọng, nuôi niềm tin
Mẹ thương…
đừng mãi lặng im thế này.
(Mẹ ơi dậy đi nào)
Con tin vẫn có phép màu
Tiêu tan hết những dãi dầu nắng mưa.
(Thầm thì với mẹ)
Nghe như có tiếng nấc của nhà thơ khi thấy mẹ bất động nằm im:
Dẫu là một chút mong manh
Mẹ đừng buông nhé, con thành mồ côi.
(Mẹ đừng buông tay)
Với cách chọn thể thơ lục bát là chủ đạo để diễn đạt, đúng như lời thưa đầu tập thơ của Vũ Tuấn Anh: “Mong một phép màu”, Vũ Tuấn Anh muốn mẹ và đất trời thấu hiểu lòng của người con với mẹ sinh thành của mình. Và biết đâu đó có thể làm động lòng trắc ẩn tới đấng siêu nhiên, ban cho phép màu để mẹ khỏe mạnh, bình an trở lại”. Vũ Tuấn Anh đã nói hộ tất cả tấm lòng của những người con hiếu nghĩa với mẹ xưa nay. Thế mới biết, tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý đến nhường nào!
Vũ Tuấn Anh còn có mẹ vượt qua đại dịch Covid-19, đang ở tuổi 83 để sẻ chia, báo hiếu. Có không ít những người đã mồ côi mẹ khi còn thơ bé và ở trong đại dịch Covid-19. Thế là Vũ Tuấn Anh còn hạnh phúc ở cõi đời này. “Mong một phép màu” là lời thỉnh cầu chân thành của nhà thơ có hiệu nghiệm để cho mẹ vượt lên./.
NGUYỄN ĐÌNH CHẾ